Các doanh nghiệp đang phải trả các khoản phụ phí cảng biển, phí tàu ở mức rất cao và vô lý.
Lạc quan một nửa về Việt Nam
- Cập nhật : 24/02/2016
(Tin kinh te)
Cải cách là lựa chọn duy nhất để đạt được khát vọng hướng tới một Việt Nam thịnh vượng, sáng tạo, công bằng và dân chủ
Báo cáo Việt Nam 2035 do Chính phủ Việt Nam và nhóm Ngân hàng Thế giới (WB) cùng thực hiện được công bố sáng 23-2 tại Hà Nội.
Cần minh bạch hơn
WB dự báo nền kinh tế với quy mô 200 tỉ USD hiện nay của Việt Nam sẽ đạt khoảng gần 1.000 tỉ USD vào năm 2035. Hơn nửa dân số sẽ gia nhập tầng lớp trung lưu toàn cầu với mức tiêu dùng 15 USD/ngày hoặc hơn (tính theo sức mua tương đương bằng USD năm 2011). Ngoài ra, ít nhất 54 triệu trong tổng số 108 triệu dân Việt Nam sẽ sinh sống tại đô thị, nghĩa là tăng thêm 25 triệu dân đô thị so với hiện nay.
Báo cáo đề ra những biện pháp cải cách chủ yếu nhằm giúp Việt Nam, một nước thu nhập trung bình thấp, phát triển kinh tế, nâng cao công bằng xã hội và xây dựng được một nền quản trị hiện đại trong vòng 2 thập kỷ tới. Theo đó, để đạt được mục tiêu đầy tham vọng là trở thành nước thu nhập trung bình cao, Việt Nam cần duy trì mức tăng trưởng tối thiểu 7% mỗi năm, để nâng mức thu nhập trung bình lên trên 7.000 USD vào năm 2035 (khoảng 18.000 USD nếu tính theo sức mua tương đương) so với 2.052 USD năm 2014 (khoảng 5.370 USD tính theo sức mua tương đương).
Tại buổi công bố, ông Jim Yong Kim, Chủ tịch WB, đánh giá Việt Nam là một tấm gương thành công về phát triển. Từ một trong những nước nghèo nhất, trong 30 năm qua, Việt Nam đã duy trì được tốc độ tăng trưởng hằng năm ở mức gần 7% và đã áp dụng các chương trình mục tiêu giúp hàng chục triệu người thoát khỏi cảnh nghèo cùng cực.
Ông Kim cũng nhấn mạnh Việt Nam cần xây dựng thể chế hiện đại và minh bạch hơn nữa để đạt được những mục tiêu của mình. “Tăng năng suất lao động nhanh, bảo vệ môi trường và đổi mới sáng tạo trong hoạt động kinh tế sẽ giúp Việt Nam tăng trưởng nhanh. Phá bỏ rào cản đối với các đối tượng thiệt thòi, cung cấp dịch vụ tốt hơn cho nhóm trung lưu đô thị đang già nhanh sẽ giúp Việt Nam giữ vững được thành tích ấn tượng về bình đẳng và hòa nhập xã hội của mình” - Chủ tịch WB Jim Yong Kim khuyến nghị.
Ông Kim cho biết hiện thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam đã được cải thiện nhiều nên nguồn vốn ưu đãi nhất trong thời gian tới có thể không còn. Song, WB vẫn cam kết sẽ tiếp tục cho Việt Nam vay vốn, hỗ trợ nước ta trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu, phát huy các nguồn năng lượng tái tạo bên cạnh các nguồn năng lượng truyền thống, hỗ trợ các nguồn vốn cho đầu tư vào con người cũng như hỗ trợ tài chính và hợp tác với Việt Nam trong trao đổi, chia sẻ tri thức.
Chê bai và kỳ vọng
Cũng trong ngày 23-2, tại Hà Nội, Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) công bố Khảo sát về thực trạng hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp (DN) Nhật Bản tại Việt Nam, qua đó đánh giá môi trường đầu tư Việt Nam tăng tính rủi ro, môi trường đầu tư đang xấu đi, số DN làm ăn có lãi giảm, DN lỗ tăng.
Trên 60% số DN chỉ ra vấn đề “rủi ro về hệ thống pháp luật chưa hoàn thiện, vận hành thiếu minh bạch” khiến Việt Nam rơi vào vị trí thứ ba về độ rủi ro trong 15 quốc gia được tiến hành khảo sát tại châu Á và châu Đại Dương. Nguyên nhân là do chi phí nhân công tăng cao, thủ tục hành chính phức tạp, chính sách, thủ tục thuế phức tạp, chính quyền địa phương vận dụng chính sách không rõ ràng…
Thực tế, trong năm 2015, Việt Nam đã nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh với hàng loạt Luật DN, Luật Đầu tư, Luật Kinh doanh bất động sản sửa đổi đã có hiệu lực. Nghị quyết 19 của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh trong lĩnh vực thuế, hải quan cũng được triển khai quyết liệt, áp dụng hải quan điện tử…
Tuy nhiên, theo ông Hirotaka Yasuzumi, Trưởng đại diện JETRO tại TP HCM, các luật mới có hiệu lực từ ngày 1-7-2015 nhưng lại chưa có nghị định, thông tư hướng dẫn kịp thời. Như Luật Đầu tư sau 6 tháng kể từ khi có hiệu lực nghị định hướng dẫn mới ban hành mà vẫn chưa hoàn thiện khiến DN Nhật rất bối rối trong quá trình thực hiện.
Ngay quá trình thông quan hàng hóa, có nhiều mã hàng xuất nhập khẩu DN hỏi hải quan mã số trước nhưng không được trả lời. Kết quả là luật có nhưng vận hành không thuận lợi nên DN gặp nhiều khó khăn.
Một yếu tố khác trong nhóm rủi ro trong môi trường đầu tư DN Nhật gặp phải ở Việt Nam là chi phí không chính thức. Đây là một trong những rào cản ảnh hưởng đến quyết định đầu tư của DN Nhật tại Việt Nam. Vị trưởng đại diện JETRO tại TP HCM dẫn câu chuyện khi làm thủ tục về hải quan, DN gặp một lỗi nào đó, trong khi ở nước ngoài vẫn tiếp tục được thông quan hàng hóa và chỉ việc bổ sung hồ sơ nhưng ở Việt Nam, hàng hóa sẽ bị ách tắc lại.
Muốn xử lý nhanh, DN phải “nộp” một khoản tiền nhất định nếu không sẽ bị phạt khoản tiền lớn hơn. Trong một số trường hợp khác, để hoàn tất hồ sơ liên quan đến thuế, hải quan thay vì chỉ tốn 250.000 đồng phí chính thức và hồ sơ cần nhiều ngày mới xong nhưng nếu DN nộp 250 USD… thời gian hoàn tất sẽ rất ngắn.
Dù vậy, Trưởng đại diện văn phòng JETRO Hà Nội, ông Atsusuke Kawada, vẫn lạc quan về triển vọng và xu thế đầu tư của DN Nhật Bản tại Việt Nam thời gian tới khi có tới 63,9% DN Nhật Bản đầu tư tại Việt Nam có kế hoạch mở rộng kinh doanh trong năm 2016 và tiếp tục coi đây là địa điểm đầu tư quan trọng với mục đích chính là tăng doanh thu, khả năng tăng trưởng và tiềm năng cao.
Con số này cao hơn Trung Quốc (38,1%) và nhiều quốc gia khác. Ông cho rằng Chính phủ cần phải có giải pháp đồng bộ, đặc biệt trong lĩnh vực thủ tục thuế, hải quan… để tạo thuận lợi hơn cho các DN Nhật Bản nói riêng và DN nước ngoài nói chung kinh doanh tại Việt Nam.
Ông Kawada nhấn mạnh các DN Nhật cũng kỳ vọng vào việc hội nhập kinh tế của Việt Nam. Trong đó, kỳ vọng lớn nhất qua việc Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) ra đời là đơn giản hóa các thủ tục hải quan, dỡ bỏ thuế nhập khẩu, chính sách thuế, thống nhất trong việc vận dụng, giải thích quy tắc nguồn gốc xuất xứ. Kỳ vọng đối với Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) về thuận lợi hóa trong thương mại và thuế quan, tiếp cận thị trường hàng hóa, quy tắc nguồn gốc xuất xứ.
“TPP là một cơ hội tốt để Việt Nam có thể mở cửa rộng hơn, tạo ra những điều kiện thuận lợi để thu hút nguồn đầu tư nước ngoài, đưa Việt Nam trở thành một điểm sản xuất, đầu tư hấp dẫn hơn. TPP khi có hiệu lực sẽ là cơ hội thứ hai cho Việt Nam sau khi đã bỏ lỡ cơ hội thứ nhất vào năm 1997 để Việt Nam có thể thu hút nguồn đầu tư” - ông Kawada nói.
Hỗ trợ Việt Nam tiếp cận vốn vay lãi suất thấp
Chiều 23-2, tại trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã tiếp ông Jim Yong Kim, Chủ tịch WB, đang ở thăm Việt Nam. Tổng Bí thư khẳng định Việt Nam sẽ tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, phấn đấu sớm đưa Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. “Nhiệm vụ trọng tâm của Việt Nam thời gian tới là tập trung nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế; tiếp tục thực hiện có hiệu quả 3 đột phá chiến lược, cơ cấu lại tổng thể và đồng bộ nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; giải quyết tốt vấn đề cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, cơ cấu lại ngân sách nhà nước, xử lý nợ xấu và bảo đảm an toàn nợ công” - Tổng Bí thư chia sẻ.
Tại cuộc gặp với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, ông Jim Yong Kim khẳng định WB sẽ quan tâm hỗ trợ Việt Nam trong tiếp cận nguồn vốn ưu đãi với lãi suất thấp, thời gian vay dài để phát triển các nguồn năng lượng tái tạo, phát triển giáo dục, y tế, trong đó có việc hạ thấp tỉ lệ trẻ em suy dinh dưỡng, còi cọc từ 0-5 tuổi hiện đang còn ở mức khá cao (khoảng 30%)…B.T.D
Theo Người Lao Động