Ngành nông nghiệp Việt Nam đã nhiều lần đã đứng trên bờ đấu tranh gay gắt. Ngay từ khi chúng ta gia nhập WTO, nhiều người đã đặt câu hỏi nông nghiệp Việt Nam sẽ ra sao? Và đến bây giờ là TPP và các FTA khác thì chúng ta cũng đều lo lắng cho nông nghiệp...
Hội nhập TPP: Nông sản Việt "rộng cửa" ra thế giới
- Cập nhật : 10/10/2015
(Thuong mai)
Nhiều thành viên TPP là những thị trường tiêu thụ nông sản lớn của Việt Nam. Những thị trường này sẽ giúp Việt Nam có cơ hội giảm áp lực phụ thuộc vào một số thị trường truyền thống nhưng lại hay thay đổi như Trung Quốc.
Nhiều cơ hội to lớn để vươn lên
Việc kết thúc đàm phán TPP sẽ mở ra những cơ hội lớn cho xuất khẩu nông sản của Việt Nam khi thuế xuất khẩu hàng hóa sang các thị trường lớn như Mỹ, Mexico, Nhật Bản… về 0%.
Việt Nam có cơ hội cơ cấu lại thị trường xuất nhập khẩu nông sản, bớt phụ thuộc vào Trung Quốc khi tham gia TPP (Ảnh minh họa)
Phát biểu tại cuộc họp báo mới đây, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn khẳng định rằng: Sau khi gia nhập TPP, ngành nông nghiệp Việt Nam đứng trước cơ hội lớn với thị trường 600 triệu dân, đóng góp 40% GDP thế giới và chiếm 20% giao dịch thương mại toàn cầu.
Nhiều thành viên TPP là những thị trường tiêu thụ nông sản lớn của Việt Nam. Do đó, việc gia nhập TPP mở ra cơ hội lớn cho Việt Nam tiếp cận các thị trường lớn như Mỹ, Úc, Canada, New Zealand và Nhật Bản,…. Những thị trường này sẽ giúp Việt Nam có cơ hội giảm áp lực phụ thuộc vào một số thị trường truyền thống nhưng lại hay thay đổi như Trung Quốc.
Ngoài ra, khi TPP có hiệu lực, Việt Nam có lợi thế cạnh tranh rất lớn so với các quốc gia xuất khẩu nông sản khác như Ấn Độ, Trung Quốc và Thái Lan, đặc biệt là các mặt hàng như thủy sản và đồ gỗ,
Bên cạnh đó, theo Thứ trưởng Hà Công Tuấn, khi thông thương sẽ thu hút được vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam để tận dụng ưu đãi thuế suất 0%. Đây là cơ hội để Việt Nam đẩy mạnh thu hút đầu tư phục vụ cho tái cơ cấu ngành nông nghiệp, với trọng tâm tái cấu trúc là đưa công nghệ mới, quản lý mới vào phát triển nông nghiệp.
Trong khi đó, ông Nguyễn Xuân Dương, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), cho rằng: Các nước trong khối TPP có công nghệ chăn nuôi tiên tiến, giống tốt, do đó Việt Nam sẽ có cơ hội đưa những công nghệ này vào sản xuất trong nước và nhập giống mới để tăng tính cạnh tranh và đảm bảo phát triển bền vững.
Tuy nhiên, TS Lê Đăng Doanh – Nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương khuyến cáo: TPP tạo ra cơ hội mở cửa thị trường thông qua giảm thuế xuất nhập khẩu, đồng thời cũng quy định những điều kiện khắt khe về vệ sinh an toàn thực phẩm như dư lượng kháng sinh trong tôm và thủy sản, dư lượng thuốc trừ sâu trong chè, cũng như các yêu cầu về nhãn mác, bao bì đóng gói, mã vạch…
“Nếu coi TPP là "liều thuốc thử" cho tái cơ cấu nông nghiệp mà cả guồng máy quản lý, nông dân và doanh nghiệp không cải cách trong bộ máy, hệ thống quản lý thì sẽ dễ thua trên sân nhà”, Thứ trưởng Hà Công Tuấn cũng góp ý.
Tuy vậy, theo Thứ trưởng Tuấn, nông nghiệp Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức do sản xuất quy mô nhỏ, hộ gia đình. Hầu hết trong số 3.500 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp là doanh nghiệp nhỏ, số doanh nghiệp có vốn dưới 5 tỷ đồng chiếm tới 65% nên rất khó trong cạnh tranh.
Sản xuất quy mô nhỏ, công nghệ còn kém khiến các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn khi mở cửa thị trường.
Ông Trần Duy Khanh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam khẳng định: Phải hội nhập để tạo sức ép thay đổi mình và ai biết nắm thời cơ thì sẽ vươn lên và hưởng lợi từ TPP.
TS Nguyễn Thanh Sơn – Viện trưởng Viện Chăn nuôi Việt Nam cho rằng: Ba đối tượng chăn nuôi chính sẽ phải đối mặt với “sóng lớn” khi hội nhập TPP là lợn, bò, gà. Các điểm yếu của chăn nuôi trong nước hiện vẫn là quy mô nhỏ lẻ, giá thành cao, liên tục đối mặt với dịch bệnh trong khi hệ thống giết mổ, bảo quản trữ đông chưa đạt chuẩn…
Do đó, khi mở cửa, các sản phẩm chăn nuôi từ nước ngoài tràn vào sẽ nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường. Gần đây nhất, gà Mỹ giá rẻ vào Việt Nam khiến người chăn nuôi trong nước lao đao. Trước đó, các sản phẩm thịt bò từ các nước thành viên TPP như Úc, New Zealand, Canada… tràn vào và được người tiêu dùng Việt Nam ưa chuộng do giá cả cạnh tranh, chất lượng tốt, việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm cũng rất dễ dàng.
Vì vậy, theo TS. Nguyễn Đức Thành cho rằng: Để gỡ khó cho nông dân, chắc chắn phải tăng năng suất. Mà cách tăng bền vững nhất là dịch chuyển lao động từ ngành này sang các ngành phi nông nghiệp, ví như sản xuất hàng hóa xuất khẩu.
Ngoài ra, Việt Nam cũng cần tiến hành doanh nghiệp hóa, thị trường hóa lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, để các doanh nghiệp vào tổ chức sản xuất và người nông dân phải tuân thủ những cách làm của những đơn vị này.
Vì vậy, ngành nông nghiệp cần phải thay đổi đi, để chuyên sâu vào những thứ mình có lợi thế thực sự. Những ngành không có lợi thế thì không nên cố.