Bộ trưởng NN&PTNT Cao Đức Phát cho rằng khi Việt Nam tham gia TPP, lo ngại nhất là lĩnh vực chăn nuôi và Bộ đang tìm những hướng đi phù hợp để hỗ trợ nông dân, tháo gỡ những khó khăn…
Cần cú huých từ vốn mạo hiểm
- Cập nhật : 05/03/2016
(Tin kinh te)
Quỹ đầu tư mạo hiểm cần trở thành cốt lõi của “hệ sinh thái” khởi nghiệp.
Quỹ đầu tư mạo hiểm (ĐTMH) của chính Việt Nam đáng lẽ đã ra đời, song cuối cùng lại “chết yểu” vì những bất cập về hành lang pháp lý đuổi NĐT đi. Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Đặng Huy Đông chưa hết nuối tiếc vì sự nổi lên quá chóng vánh của quỹ này, trong bối cảnh tinh thần khởi nghiệp đang dâng cao và rất nhiều ý tưởng tốt chưa được biến thành hiện thực, chỉ vì lý do khát vốn.
“Quỹ đã được cấp phép sau nhiều chật vật. Tuy nhiên sau 6 tháng tôi hỏi lại thì được biết quỹ chưa chính thức hoàn thiện, NĐT nản lòng bỏ đi và không rót tiền vào nữa”, ông Đông cho biết. Trắc trở ở đây là cơ quan phụ trách quản lý đã yêu cầu quá chặt chẽ trong việc phải thẩm tra lý lịch, dòng tiền… Sau 6 tháng khâu kiểm duyệt này thực hiện không xuể, còn NĐT thì nản và rút lui.
Theo Thứ trưởng Đặng Huy Đông, khúc mắc ở đây là cơ quan quản lý đã hiểu nhầm các quỹ ĐTMH cũng giống như các quỹ NGO, quỹ từ thiện… Do đó, họ yêu cầu cơ quan thành lập quỹ phải đăng ký ở Bộ Nội vụ và chờ các bước thẩm tra, cấp phép. Nhưng, quỹ ĐTMH bản chất hoàn toàn khác.
“Đây là quỹ siêu lợi nhuận, nhưng cũng đầy rủi ro. Nếu quy định quá rườm rà, thủ tục rắc rối, NĐT không thể chờ đợi được vì đồng tiền của họ bị mất cơ hội sinh lời, đương nhiên họ sẽ bỏ đi mất”, một chuyên gia bình luận.
Những ngáng trở trong thực tế đã khiến quỹ ĐTMH của Việt Nam chưa thể trở thành động lực chính thúc đẩy cho công cuộc khởi nghiệp. Theo thống kê từ Tập đoàn Dữ liệu quốc tế IDG ASEAN, 53% vốn của các dự án khởi nghiệp tại Thung lũng Sillicon (Hoa Kỳ) có nguồn gốc từ các quỹ ĐTMH, trong khi con số này ở Việt Nam chỉ là 30%. Ngược lại, 35% số vốn đổ vào các dự án nước bạn là từ vốn tự có và tiền vay gia đình, bạn bè, trong khi ở ta lên tới 61%.
Những con số đó nói lên nhiều điều, rằng khởi nghiệp ở Việt Nam hiện nay chủ yếu là câu chuyện dành cho “gia đình có điều kiện”, vì gọi vốn quá khó khăn, trong khi ý tưởng tốt thì có ở mọi nơi…
Ông Nguyễn Thành Long, Phó chủ tịch UBCK Nhà nước cho biết, thời điểm hiện tại chúng ta đã có quy định về quỹ thành viên với thủ tục thành lập, hoạt động rất gọn nhẹ. Tuy nhiên lại chưa có các quy định về khái niệm, định nghĩa, định hướng chính sách hay điều kiện hưởng ưu đãi… Đây là nguyên nhân khiến chúng ta chưa có quỹ ĐTMH rõ ràng theo đúng thông lệ quốc tế.
Nhìn nhận một cách thẳng thắn, một chuyên gia của Bộ KH&CN cho biết, hiện Việt Nam chưa có quỹ ĐTMH đúng nghĩa. Quỹ do Bộ KH&CN lập ra vẫn là quỹ sử dụng vốn ngân sách hỗ trợ cho các nhà khoa học, một phần hỗ trợ DN đổi mới công nghệ. Kể cả nguồn vốn ODA từ nước ngoài cũng được vận hành như vốn ngân sách Nhà nước.
Do đó, người quản lý các quỹ này chưa có khái niệm đầy đủ về ĐTMH, mà chỉ vận hành theo đúng Luật Ngân sách, chỉ đầu tư vào chỗ nào chắc chắn thành công. Vì nếu thất bại tức là thất thoát ngân sách, do ngân sách không thể sử dụng mà không hiệu quả.
“Ở góc độ kinh tế, chúng ta phải chấp nhận thất bại, đầu tư vào những chỗ có thể rủi ro cao nhưng sẽ mang lại lợi nhuận lớn nếu thành công. Về tổng thể chỉ cần 10-20% số dự án thành công là đã tạo ra nguồn lợi lớn hơn gấp trăm lần nguồn lực mà chúng ta đã rót ra để đầu tư, thì đâu có gọi là thất bại!”, vị này phân tích.
Bên cạnh việc thay đổi các chính sách điều hành vĩ mô, thì Nhà nước có nên tham gia vào ĐTMH hay không cũng là vấn đề cần được xem xét. Các chuyên gia cho rằng, việc nuôi dưỡng DN từ thời kỳ trứng nước là không thể thiếu bàn tay hỗ trợ của Nhà nước. Hiện nay Hoa Kỳ cũng vẫn sử dụng ngân sách các bang để tham gia vào ĐTMH. Việt Nam càng nên sử dụng ngân sách vì người Việt Nam chưa hiểu đầy đủ về ĐTMH.
“Việc Nhà nước cùng với các hãng đầu tư tư nhân tham gia vào các công ty khởi nghiệp giúp giảm độ rủi ro khởi nghiệp thất bại tới 50%. Không lâu sau khi các hãng đầu tư tư nhân tham gia vào, Nhà nước có thể rời bỏ lĩnh vực này”, GS. Shlomo Maital, Viện Công nghệ Massachuset (Hoa Kỳ) chia sẻ bài học kinh nghiệm khởi nghiệp của Israel.
Theo vị này, người dân, DN sẽ nhìn nhận rằng việc Nhà nước không tham gia ĐTMH chứng tỏ rủi ro vẫn còn rất lớn. Nếu Nhà nước làm thì họ thấy yên tâm hơn. Khi tư nhân làm thành công rồi thì Nhà nước rút dần vốn, chỉ lo làm cơ sở pháp lý, bảo vệ NĐT, hỗ trợ DN, chỉ lựa chọn một số dự án nhất định để đầu tư. “Cho nên, ban đầu nếu Nhà nước không làm thì tôi tin kêu gọi tư nhân vào các quỹ ĐTMH là vô cùng khó”, ông khẳng định.
Khanh Đoàn
(Thời báo Ngân hàng)