Hiệp định TPP được dự báo sẽ tác động mạnh đến toàn bộ thể chế kinh tế cũng như hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp Việt Nam.
Kinh tế năm 2017 có sáng như kỳ vọng?
- Cập nhật : 19/05/2017
Ngày 18/5, Văn phòng Quốc hội đã phối hợp với Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế - xã hội (Bộ Kế hoạch – Đầu tư) tổ chức Tọa đàm khoa học với chủ đề “Tình hình kinh tế 6 tháng đầu năm 2017: chỉ số, dự báo và các phân tích”.
Nhiều ý kiến tại tọa đàm đã phân tích và luận giải tình hình kinh tế những tháng đầu năm, và dự báo kinh tế năm 2017, từ đó đưa ra những phân tích và khuyến nghị về chính sách, phục vụ Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV.
Khó đạt mốc GDP 6,7%
Ông Trần Toàn Thắng, Trưởng ban Kinh tế thế giới – Trung tâm thông tin và dự báo kinh tế xã hội quốc gia (NCIF) (Bộ KH&ĐT) cho hay, Việt Nam đang chịu tác động lớn từ phía các nền kinh tế thế giới. Kinh tế Mỹ mặc dù bị suy giảm trong quý I nhưng dự báo sẽ có những cải thiện trong năm nay, đồng thời tiếp tục tăng lãi suất theo lộ trình. Khu vực EU đang ổn định và đồng EUR vẫn được giữ vững…
Tuy nhiên, ông Trần Toàn Thắng cũng cho rằng, khi một nước, khu vực ký kết nhiều FTA thì các lợi thế sẽ có xu hướng triệt tiêu lẫn nhau. Đơn cử như EU, khi khối này ký kết FTA với Việt Nam, và tiến tới ký với Thái Lan, Malaysia, các nước trong ASEAN… thì các lợi thế mà Việt Nam có trong FTA Việt Nam – EU cũng sẽ bị bào mòn dần. Các lợi thế, lợi ích phải có được thông qua các điều kiện khắt khe hơn như nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, các hàng rào kỹ thuật, cải thiện năng lực thể chế.
Theo báo cáo từ Ban Phân tích và Dự báo – NCIF, niềm tin kinh doanh ổn định với 51,2% doanh nghiệp quý II có đơn hàng cao hơn so với quý I; đầu tư khu vực tư nhân và FDI khởi sắc hơn. Tuy nhiên, khu vực nông, lâm, thủy sản vẫn tiềm ẩn nhiều thách thức; giải ngân vốn ngân sách và trái phiếu Chính phủ đạt thấp; Sức ép từ lạm phát gia tăng do chịu ảnh hưởng áp lực từ giá cả thế giới…
NCIF cũng đưa ra dự báo cơ sở, GDP cả năm sẽ tăng khoảng 6,2%, thấp hơn dự báo kế hoạch đạt 6,68%. Công nghiệp khai khoáng phục hồi, mức khai thác sẽ tương đương như năm 2016, công nghiệp chế biến chế tạo sẽ tăng cao hơn so với cùng kỳ.
Ông Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng, những số liệu đưa ra về kinh tế Việt Nam trong thời gian tới chỉ là những dự báo. Những thuận lợi mà Việt Nam có ít hơn là những thách thức mà chúng ta sắp đối mặt.
Tuy nhiên, tác động đến kinh tế Việt Nam lại chủ yếu xuất phát từ nội tại, tác động nội sinh đang là vấn đề then chốt mà chúng ta chưa tháo gỡ được. Đơn cử như doanh nghiệp nhà nước và tư nhân đều chưa phát huy được sức mạnh thực sự; các thể chế ban hành nhiều, liên tục nhưng lại chậm đi vào cuộc sống, độ trễ vẫn còn nhiều và không phát huy được tác dụng. Nguyên nhân chủ yếu là do bộ máy vận hành nên Quốc hội cần tập trung nhiều hơn nữa vào vấn đề chấn chỉnh bộ máy, sắp xếp lại như thế nào cho hiệu quả hơn.
Ông Lưu Bích Hồ cũng cho rằng, năm 2017, sẽ rất khó đạt được GDP 6,7% như dự báo kế hoạch, mà chỉ nên nghĩ tới 6,2%. “Để tăng trưởng 6,7%, Bộ Kế hoạch Đầu tư đưa ra khai thác thêm 1 triệu tấn dầu, thúc đẩy Samsung… đều không tốt. Vì thứ nhất nếu dầu khai thác thêm thì với giá dầu hiện nay không thu lại được bao nhiêu. Thứ hai nếu Samsung thúc đẩy hơn thì chúng ta cũng phải nhập siêu nhiều hơn, không tăng thêm được nhiều giá trị gia tăng...”.
“Chúng ta đang nhìn tình hình hơi sáng quá. Có lẽ Quốc hội nên xem lại cách nhìn hợp lý hơn, để có điều hành, quyết tâm giải quyết vấn đề trước mắt và tạo điều kiện cho năm 2018 được tốt hơn”, ông Lưu Bích Hồ nói.
Giảm sự phụ thuộc vào khai khoáng
Theo báo cáo của Ban Kinh tế thế giới – Trung tâm thông tin và dự báo kinh tế xã hội quốc gia, giá dầu sẽ khó vượt qua ngưỡng 55-60 USD/thùng trong năm 2017 và 2018. Giá dầu trong thời gian tới sẽ dao động trong khoảng 55 USD/thùng. Bởi cứ đến ngưỡng 60 USD/thùng, phía Mỹ sẽ có xu hướng gia tăng nguồn cung (từ dầu đá phiến), làm giảm nỗ lực cắt giảm nguồn cung từ phía OPEC.
TS. Đặng Đức Anh, đại diện Ban Phân tích và Dự báo – NCIF cũng cho rằng, mô hình kinh tế của Việt Nam vẫn chuyển đổi chậm, nền kinh tế vẫn phụ thuộc nặng nề vào các ngành khai khoáng. Nền kinh tế vẫn chủ yếu là gia công, công nghiệp phụ trợ phát triển còn chậm. Và trong thời gian tới, công nghiệp khai khoáng sẽ tiếp tục suy giảm.
Theo quan điểm của chuyên gia tại tọa đàm, hiện nay với công nghệ dầu đá phiến sét, Mỹ có thể được coi là nhà sản xuất dầu lửa vào loại lớn, hiện đại trên thế giới. Nguồn cung về dầu lửa đang tăng trưởng dựa vào công nghệ đá phiến sét và đang bị thay thế bởi công nghệ năng lượng sạch.
Đặc biệt là nhu cầu về dầu lửa trong dài hạn cũng chưa mấy sáng sủa, vì Trung Quốc đang trong quá trình suy giảm, và kể cả Trung Quốc có tăng trưởng tốt thì họ cũng không thể đi theo tăng trưởng như trước; trong khi nguồn cung lại tăng lên trong dài hạn.
Do vây, ý kiến đại biểu cho rằng, giá dầu sẽ chỉ xoay quanh 40-60 USD/thùng trong khoảng 5-6 năm nữa, thậm chí có thể tiếp tục đi xuống. Vì vậy, những quốc gia như Việt Nam, ngân sách nếu dựa nhiều vào dầu lửa là rất nguy hiểm. Việt Nam nên có chiến lược để giảm dần và tiến tới loại bỏ sự phụ thuộc vào dầu lửa, bởi, ngoài yếu tố giá, cung cầu, thì hiện tiếng nói và các động thái của OPEC cũng không còn tác dụng nhiều như trước nữa...
Đức Dũng (TTXVN)