Nhiều chính sách của ngành Ngân hàng vào cuộc sống đã tháo gỡ, tạo sức bật cho DN, đồng thời tạo điều kiện tổ chức tín dụng đưa vốn ra nền kinh tế.
Giá dầu xuống 40 USD/thùng: Ngân sách sẽ "bốc hơi" 30.000 tỷ?
- Cập nhật : 28/08/2015
(Tin kinh te)
Giá dầu thế giới đã xuống mức thấp kỷ lục khi đạt mức 38,24 USD/thùng, đang tiếp tục “đe dọa” đến nguồn thu ngân sách trong năm 2015, song lại giúp cho GDP tăng tích cực.
Trong phiên giao dịch ngày 24/8, giá dầu thô ngọt nhẹ tại Mỹ đã giảm 2,21 USD/thùng, xuống mức 38,24 USD/thùng, tương đương giảm 5,5%. Đây được xem là mức giá thấp nhất kể từ tháng 2/2009.
Giá dầu thô Brent cũng giảm 2,7 USD/thùng, xuống còn mức 42,80 USD/thùng, tương đương giảm 6%, sau phiên thấp nhất kể từ 11/3/2009.
Thu ngân sách từ dầu thô: giảm gần 34% trong 7 tháng
Như vậy, giá dầu đã “bốc hơi” hơn 6% và chạm đáy trong vòng 6,5 năm, đánh dấu phiên sụt giảm mạnh nhất trong vòng gần 2 tháng trở lại đây.
Mức sụt giảm liên tục của giá dầu thô thế giới đang tiếp tục “đe dọa” đến nguồn thu ngân sách. Tổng cục Hải quan cho biết đến hết ngày 15/8 cả nước xuất khẩu được hơn 5,707 triệu tấn dầu thô, giảm 150 nghìn tấn so với cùng kỳ.
Đặc biệt, mức giá dầu thô giảm mạnh đã khiến cho giá trị xuất khẩu mặt hàng này chỉ bằng khoảng 50% so với cùng kỳ năm trước, khi đạt 2.555 tỷ USD (trong khi cùng kỳ đạt 5,039 tỷ USD).
Trong khi đó, Bộ Tài chính dự toán năm 2015 thu ngân sách là 911,1 nghìn tỷ đồng. Riêng nguồn thu từ dầu thô là 93.000 tỷ đồng, được tính toán trên cơ sở giá dầu thô ở mức 100 USD/thùng.
Song, do giá dầu thô giảm mạnh xuống mức 60 USD/thùng, tình hình thu ngân sách từ dầu thô đã không đạt được như dự toán của Bộ Tài chính. Cụ thể, thu ngân sách từ dầu thô trong tháng 7 ước đạt 5,5 nghìn tỷ đồng, xấp xỉ mức thực hiện tháng 6.
Luỹ kế 7 tháng đạt ước đạt 42,27 nghìn tỷ đồng, bằng 45,5% dự toán, giảm 33,9% so với cùng kỳ năm 2014. Mặc dù sản lượng dầu thanh toán 7 tháng tăng 9,2% so với cùng kỳ, ước đạt 9,69 triệu tấn, bằng 65,8% kế hoạch năm.
Như vậy, để đạt được mục tiêu ngân sách trong năm 2015, từ nay đến cuối năm mức thu từ dầu thô phải đạt khoảng 50,73 nghìn tỷ đồng. Đây là bài toán khó cho Bộ Tài chính khi giá dầu thô liên tục giảm.
Giá dầu giảm 40 USD/thùng, GDP sẽ tăng 0,4%?
Theo tính toán của Bộ Tài chính, tác động của giá dầu khiến ngân sách cả năm hụt thu khoảng 32.000 tỷ đồng. Song với mức giá dầu giảm xuống 40 USD/thùng như hiện nay, thu ngân sách từ dầu thô trong 6 tháng cuối năm chắc chắn sẽ bị “hụt” nhiều hơn.
Theo tính toán của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nếu giá dầu giảm 1 USD/thùng, Việt Nam mất gần 1.000 tỷ đồng ngân sách. Theo đó, nếu giá dầu ở mức 50 USD/thùng thì ngân sách chỉ hụt thu 7.500 tỷ đồng; 50 USD/thùng sẽ hụt thu 9.500 tỷ đồng và nếu ở mức 40 USD/thùng, hụt thu 11.500 tỷ đồng.
Tuy nhiên, theo tính toán của chuyên gia kinh tế Bùi Trinh, nếu giá dầu xuống mức 40 USD/thùng, ngân sách có thể bị hụt thu thêm khoảng 30.000 tỷ đồng.
Mặc dù giá dầu giảm tác động đến ngân sách, nhưng theo phân tích của TS. Lương Văn Khôi - Trưởng ban Kinh tế thế giới (Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế - xã hội Quốc gia), giá dầu giảm có thể giúp kích thích tăng trưởng kinh tế. Hiện Việt Nam là nước phải nhập khẩu tới gần 70% xăng, dầu thành phẩm.
“Giá dầu giảm tác động đến nguồn thu ngân sách, nhưng bù lại thì GDP sẽ tăng đáng kể, do sản xuất sẽ được kích thích tăng trưởng. Về tổng thể thu ngân sách sẽ đạt và thậm chí là vượt mục tiêu đề ra”, TS. Khôi nói.
Cùng quan điểm trên, chuyên gia kinh tế Bùi Trinh cũng tính toán khi giá dầu giảm sẽ làm sản xuất tăng lên, từ đó thuế trực thu và gián thu sẽ tăng lên. Theo đó, nếu giá dầu xuống 40 USD/thùng, sẽ làm cho tăng GDP khoảng 0,4%.
(Theo CafeF)