Sự tham gia của đại gia Nhật trong lĩnh vực kinh doanh bán lẻ xăng dầu với nhiều kỳ vọng sẽ tạo ra sự cạnh tranh lành mạnh trên thị trường này – nơi bấy lâu vốn được coi là “đất riêng” doanh nghiệp nội địa. Nhưng "miếng bánh" này liệu có dễ xơi?
Khoảng cách về GDP trung bình đầu người của Việt Nam đang có nguy cơ bị nới rộng
- Cập nhật : 30/08/2015
(Tin kinh te)
GDP bình quân đầu người của Việt Nam đi sau Hàn Quốc khoảng 30 – 35 năm; sau Malaysia khoảng 25 năm; Thái Lan sau 20 năm và Indonesia, Philippines khoảng 5 – 7 năm.
Đó là thông tin được ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê đưa ra tại Hội Thảo Cải cách thể chế kinh tế Việt Nam để hội nhập và phát triển giai đoạn 2015 – 2035 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức sáng ngày 28/8.
Mặc dù đã trở thành quốc gia có thu nhập trung bình từ năm 2008, nhưng với khoảng cách về GDP bình quân đầu người so với các nước trong khu vực còn lớn và có nguy cơ bị nới rộng.
GDP đang tăng chậm lại
Theo đó, tốc độ tăng GDP bình quân thời kỳ 1990 – 2014 đạt 6,9%/năm, song theo đánh giá của ông Lâm thì đang tăng chậm lại.
Mặc dù quy mô kinh tế không ngừng được mở rộng, khi GDP năm 2014 đạt 186,2 tỷ USD, gấp 29 lần so với năm 1990, nhưng vẫn còn nhỏ so với các nước trong khu vực.
Dẫn chứng cụ thể, GDP bình quân đầu người của Việt Nam năm 2014 đạt 2052 USD, gấp 21 lần năm 1990, nhưng chỉ tươngđương mức GDP bình quân của Malaysia năm 1988, Thái Lan năm 1993, Indonesia năm 2008, Philippines năm 2010 và Hàn Quốc năm 1982.
Như vậy, GDP bình quân đầu người của Việt Nam năm 2014 chỉ bằng 3/5 của Indonesia, 2/5 của Thái Lan; 1/5 của Malaysia; 1/4 của Hàn Quốc và bằng 1/27 mức GDP bình quân của Singapore.
Cũng theo ông Lâm, mặc dù cơ cấu kinh tế đã được chuyển dịch theo hướng tích cực, nhưng còn chậm, tỷ trọng nông nghiệp còn lớn so với một số nước trong khu vực.
Cấp thiết đổi mới và có hành động cụ thể
Trong đó, tỷ lệ tiết kiệm so với GDP luôn thấp hơn so với tỷ lệ đầu tư so với GDP và đang có xu hướng giảm dần. Năm 2005 đạt 28,94%, giảm xuống 28,4% trong năm 2010 và xuống mức 27% trong năm 2013.
Tình trạng bội chi ngân sách và nợ công đang có xu hướng tăng lên trong những năm gần đây. Tỷ lệ nợ Chính phủ so với GDP xếp thứ 9 trong khu vực ASEAN năm 2001 và tăng lên thứ 5 trong năm 2013.
Đặc biệt, thị trường tài chính của Việt Nam được đánh giá là phát triển tương đối thấp và còn nhiều bất ổn so với một số nước trong khu vực. Cụ thể, giá trị vốn hóa trên thị trường cổ phiếu của Việt Nam năm 2012 là 32,9 tỷ USD.
Trong khhi Malaysia là 476,2 tỷ USD, Singapore là 414,1 tỷ USD, Indonesia là 396,8 tỷ USD, Thái Lan là 383 tỷ USD và Philippines là 264,1 tỷ USD.
Tuy nhiên, chi phí đầu vào cho sản xuất có xu hướng tăng dần qua các năm, mức tiêu hao năng lượng cho sản xuất có xu hướng tăng, song hiệu quả sử dụng năng lượng tương đối thấp với các nước nước.
Đặc biệt, năng suất lao động mặc dù đã cải thiện đáng kể, khoảng cách tương đối với các nước trong ASEAN được thu hẹp dần, nhưng khoảng cách tuyệt đối, chênh lệch giữa năng suất lao động của Việt Nam với Singapore, Malaysia, Thái Lan, Indonesia lại gia tăng.
Chất lượng nguồn nhân lực cũng được đánh giá là khá thấp, cơ cấu đào tạo thiếu hợp lý, hiệu quả sử dụng lao động qua đào tạo chưa cao. Hiện tỷ lệ lao động qua đào tạo của Việt Nam năm 2014 chỉ ở mức 18,2%.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh đánh giá, mặc dù Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu lớn trong phát triển kinh tế. Song dư địa cải cách đang cạn dần và kinh tế Việt Nam đang bộc lộ khiếm khuyết.
“Nhiều rào cản lớn về thể chế kinh tế đã bộc lộ, đang tạo ra rào cản cho quá trình chuyển đổi kinh tế Việt Nam sang nền kinh tế thị trường. Đây là nguyên nhân làm méo mó sử dụng hiệu quả nguồn lực, phát huy lợi thế. Đất nước đang phát triển tốt nhưng nền kinh tế đang kém cạnh tranh” - Bộ Vinh trưởng đánh giá.
Do đó, Bộ trưởng cho rằng đây là thời điểm cần chuyển đổi, cần phải có những hành động và giải pháp cụ thể. Trong đó, cần tập trung vào cải thiện sức cạnh tranh, đổi mới và nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập mạnh mẽ.