TS. Vũ Trọng Bình, Vụ trưởng Vụ Địa phương (Ban Kinh tế Trung ương) cho biết, chiến lược phát triển vùng sẽ nới rộng không gian và quy mô kinh tế của các địa phương lên rất nhiều.
Petro Vietnam đau đầu vì hai dự án trăm triệu USD thua lỗ
- Cập nhật : 31/03/2016
(Kinh te)
Hai nhà máy có vốn đầu tư lên tới hàng trăm triệu USD của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petro Vietnam) phải dừng hoạt động và có nguy cơ phá sản do thua lỗ nặng nề chỉ sau một thời gian ngắn đi vào hoạt động.
Nhà máy xơ sợi Đình Vũ từng được kỳ vọng mang lại nhiều lợi thế cho ngành dệt may Việt Nam.
Trong báo cáo tài chính mới nhất của Tổng công ty Phân bón và hoá chất Dầu khí (DPM), doanh nghiệp này cho biết, đang có nguy cơ “mất trắng” khoản vốn đầu từ vào nhà máy sản xuất xơ sợi Đình Vũ (PVTex) tại Hải Phòng.
Đây là nhà máy có vốn đầu tư khá lớn, với hơn 320 triệu USD, trong đó DPM góp 25,99% vốn và Petro Vietnam góp 74% vốn.
Trước đó, hồi cuối năm 2015, Petro Vietnam cũng cho biết, PVTex đã lỗ khoảng 1.255 tỷ đồng, trong đó âm vốn chủ sở hữu 504 tỷ. Trước đó trong năm 2014, nhà máy này cũng đã lỗ 1.085 tỷ đồng.
Theo Petro Vietnam, do hoạt động kém hiệu quả nên PVTex đã phải dừng vận hành từ ngày 17/9/2015 đến nay.
PVTex được đầu tư từ năm 2008 và chính thức vận hành từ cuối tháng 5/2014. Khi đó, Petro Vietnam cho rằng, với việc ra đời PVTex, ngành dệt Việt Nam sẽ không phải đối mặt với việc phụ thuộc nguồn nguyên liệu từ nước ngoài, đặc biệt là Trung Quốc.
Trước đó, Tập đoàn Dệt may Việt Nam và Tổng công ty Phong Phú cũng đã rút lui khỏi dự án này, sau khi nhận thấy tình trạng không mấy khả quan của dự án.
Đại diện DPM cho biết, một trong những khó khăn chính khiến công ty thua lỗ triền miên từ khi đi vào vận hành là giá dầu thô, bông giảm kỷ lục khiến giá bán sản phẩm của công ty, vốn đã ở mức thấp vì chất lượng, càng gặp khó (giá bán trung bình có năm thấp hơn thị trường 20 USD). Công ty luôn ở trong tình trạng thiếu hụt vốn lưu động.
Thêm vào đó, tỷ giá năm 2015 biến động mạnh làm tăng chi phí nguyên liệu đầu tăng cao, cạnh tranh quyết liệt với các nguyên liệu từ Trung Quốc, Thái Lan và một số nhà máy trong nước.
Trong khi đó, khi nhà máy bắt đầu hoạt động thì nhiều kết quả thực tế chênh lệch lớn với tính toán khi triển khai dự án. Đơn cử như chi phí điện cả năm dự kiến chỉ 4,7 triệu USD nhưng thực tế lên tới 12 triệu USD, dự định nhân công ban đầu là 460 người nhưng thực tế số lượng trên 1.000 người.
Giá sản phẩm xơ dự kiến là 1.550 USD một tấn nhưng thực tế chỉ 929 USD. Giá thành phẩm sợi trong tính toán là 2.400 USD nhưng hiện tại giảm xuống 1.324 USD một tấn.
Đầu năm nay, PVTex đặt kế hoạch lỗ 501 tỷ đồng trong năm 2016, lỗ 112 tỷ đồng năm 2017. Hiệu quả dự án được tính từ năm 2018 trở đi.
Một trường hợp tương tự cũng khiến Petro Vietnam thua lỗ nặng là nhà máy bio - ethanol Dung Quất, thuộc Công ty Cổ phần Nhiên liệu sinh học Dầu khí miền Trung (BSR-BF), có tổng mức đầu tư 2.219 tỷ đồng, mới đây cũng đã phải tạm ngừng hoạt động do chi phí sản xuất cao, khiến giá thành phẩm cao hơn giá thị trường, dẫn tới thua lỗ.
Đại diện BSR – BF cho hay, trên thực tế, nhà máy đã tạm dừng sản xuất từ tháng 4/2015 và hơn 40 nhân công/tổng số 220 nhân công đã nghỉ việc, trong đó chủ yếu là các kỹ sư giỏi của nhà máy. Số còn lại phải chuyển sang làm công việc bảo dưỡng, duy tu hoặc làm bảo vệ trong lúc chờ nhà máy sản xuất lại.
Năm 2014, công ty chỉ phân phối được 5.000 m3 ethanol cho thị trường trong nước (đạt 5% công suất nhà máy). Việc sản xuất cầm chừng của nhà máy đã dẫn đến khoảng lỗ trên 140 tỷ đồng.
Lý giải về nguyên nhân đóng cửa, BSR – BF cho biết, trong bối cảnh giá xăng dầu thế giới giảm mạnh, giá thành của xăng sinh học E5 không thể cạnh tranh được với xăng RON 92, chỉ thấp hơn 1.230 đồng so với RON 92, trong khi người tiêu dùng chưa có thói quen sử dụng xăng sinh học.
Mới đây, BSR - BF đã kiến nghị cơ quan thuế Quảng Ngãi xem xét tạm hoãn nộp thuế giá trị gia tăng đầu ra năm 2016. Hiện dư nợ vay đầu tư của doanh nghiệp này tại ba ngân hàng PV Combank, Vietcombank và Oceanbank tương đương 1.000 tỷ đồng, trong năm 2016 đến hạn phải trả gốc 100 tỷ đồng.
Ngoài ra, mỗi năm doanh nghiệp này ít nhất phải trả khoản lãi vay cho các chi nhánh ngân hàng trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi khoảng 70 tỷ đồng, nhưng không có khả năng thanh toán.
Trước đó, khi quyết định đầu tư, nhà máy được kỳ vọng sẽ tạo nguồn nhiên liệu sinh học giá rẻ làm nguyên liệu xăng, tiến tới thay thế một phần xăng, giảm bớt lượng khí thải CO2 của động cơ ra môi trường, góp phần tăng thu nhập cho nông dân, thúc đẩy tăng trworng kinh tế địa phương, chuyển hướng tích cực từ cây trồng khác sang cây nguyên liệu…
Các cổ đông góp vốn tại BSR – BF bao gồm: Công ty TNHH Lọc hóa dầu Bình Sơn – BSR (đơn vị quản lý và vận hành nhà máy lọc dầu Dung Quất) góp 60% vốn điều lệ, Tổng công ty Cổ phần Dịch vụ Tổng hợp Dầu khí (Petrosetco) góp 30% vốn điều lệ; Tổng công ty Tài chính Cổ phần Dầu khí (PVFC) góp 10% vốn điều lệ.
(Theo Thời báo kinh tế Việt Nam)