tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Thị trường bán lẻ Việt Nam: Doanh nghiệp nội không thể mãi trông cậy hàng rào kỹ thuật

  • Cập nhật : 08/05/2016

(Tin kinh te)

Khi doanh nghiệp bán lẻ Việt nhỏ dần, nơi bám víu của doanh nghiệp sản xuất cũng sẽ ít đi và dần lệ thuộc vào doanh nghiệp bán lẻ ngoại.

hang thai lan duoc uu tien trung bay o vi tri dep. anh: tv

Hàng Thái Lan được ưu tiên trưng bày ở vị trí đẹp. Ảnh: TV

Gần đây hệ thống siêu thị Big C Việt Nam lọt vào tay Tập đoàn bán lẻ Thái Lan Central Group như một hồi chuông làm thức tỉnh cộng đồng doanh nghiệp (DN) Việt. Môi trường cạnh tranh quốc tế sẽ buộc DN trong nước thay đổi để phát triển. Thế nhưng sự thay đổi đó ẩn chứa nhiều điều bất cập khiến DN trong nước gặp không ít khó khăn.

Rộng cửa đón DN ngoại, bỏ mặc DN nội

Hiệp hội Bán lẻ Việt Nam cho biết có những thời kỳ, ở một số địa phương do muốn thu hút đầu tư nước ngoài nên chính quyền nơi đó cấp phép dễ dàng cho nhà đầu tư nước ngoài. Chẳng hạn tại Buôn Ma Thuột, siêu thị Metro chỉ cách Co.opmart có 1.000 m. Điều này là không đúng với cam kết ENT phải kiểm tra nhu cầu kinh tế cần thiết của địa điểm.

Cùng nhận định trên, ông Phạm Ngọc Hưng, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội DN TP.HCM, cho rằng chúng ta có công cụ ENT để bảo vệ DN trong nước nhưng thực tế chưa vận dụng được. Các cơ quan quản lý nhà nước vô tư cho các DN FDI mở tiếp điểm bán thứ hai rất nhanh mà không cần điều kiện kinh tế gì hết. Vì vậy ngay ở khu vực Gò Vấp, hiện nay các siêu thị Nhật, Hàn Quốc… mọc san sát nhau. Hay vừa ra khỏi TP.HCM, tại Bình Dương cũng có một loạt siêu thị ngoại mọc lên, rõ ràng đây là điều không hợp lý nhưng DN FDI vẫn được cấp phép.

Gay go cho nhà bán lẻ nội lẫn DN sản xuất

Theo ông Hưng, nếu đại gia Thái Lan nắm được hệ thống siêu thị rộng lớn ở Việt Nam như Big C thì họ có thể hoàn thành được vòng tròn khép kín từ sản xuất tới phân phối, gây ra sức ép không nhỏ với hàng trong nước cũng như các nhà bán lẻ khác.

Đại diện Hiệp hội Bán lẻ Việt Nam cảnh báo điều đáng chú ý là sắp tới Việt Nam gia nhập TPP cùng các hiệp định thương mại tự do khác, sau năm có hiệu lực, điều kiện ENT sẽ bị bãi bỏ. Bên cạnh đó, danh mục loại trừ vĩnh viễn gồm những mặt hàng mà DN bán lẻ ngoại không bao giờ được phân phối ở Việt Nam như thuốc lá, xì gà, sách, báo, tạp chí, dược phẩm, gạo, đường… thì một số mặt hàng cũng sẽ được bỏ ra khỏi danh mục này. Vì vậy các DN bán lẻ Việt cần chú ý để nâng cao sức cạnh tranh nhằm đón nhận sự mở cửa của thị trường lớn hơn cả WTO.

Cùng nhận định trên, ông Hưng phân tích cụ thể hơn ngoài ENT hết hiệu lực, theo cam kết của Việt Nam khi gia nhập WTO cũng như việc gia nhập AEC, các hiệp định thương mại tự do (FTAs) và hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương. Theo lộ trình, thuế nhập khẩu ở hầu hết các mặt hàng sẽ xóa bỏ 100% vào năm 2018. Hàng hóa các nước sẽ dễ dàng tràn vào và các nhà bán lẻ nước ngoài có cơ hội đầu tư ồ ạt như Walmart... Do đó kênh phân phối của DN nội bị thu hẹp lại.

Theo nghiên cứu chưa chính thức, hiện nay DN bán lẻ ngoại chiếm 50% thị phần cơ sở bán lẻ hiện đại. Đến năm 2020 Việt Nam sẽ đạt khoảng 45%. DN nội chúng ta kinh nghiệm chưa nhiều, vốn ít, trong khi DN ngoại khi đầu tư vào Việt Nam họ chấp nhận lỗ 5-10 năm và tiếp tục mở rộng thị trường. Còn DN Việt lỗ vài năm đã không còn vốn để tiếp tục đầu tư nên không thể cạnh tranh được.

Và đáng ngại hơn, khi DN bán lẻ Việt nhỏ dần, nơi bám víu của DN sản xuất cũng sẽ ít đi và dần lệ thuộc vào DN bán lẻ ngoại. Vì khi làm chủ cuộc chơi, nhà bán lẻ ngoại có thể đặt ra các quy định nếu DN sản xuất đáp ứng được sẽ được vào siêu thị, không thì rời khỏi kệ hàng.

Bên cạnh đó theo cam kết gia nhập WTO, các nhà bán lẻ nước ngoài sẽ được phép thành lập DN 100% vốn tại Việt Nam. Và việc chính sách cho phép các DN FDI mở cửa hàng nhỏ lẻ dưới 500 m 2 có nghĩa là cạnh tranh trực diện với DN nhỏ và vừa của Việt Nam. Mặt khác, khi M&A sở hữu cả hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi, thậm chí cả kênh bán hàng online sẽ khiến các DN sản xuất trong nước gặp khó khăn. Dù có cố để chen hàng vào thì lợi nhuận không còn được bao nhiêu vì chiết khấu cao. Do đó, từng bước các chuỗi siêu thị đẩy dần hàng của họ vào.

Ông YASUZUMI HIROTAKA, Trưởng đại diện Tổ chức Thúc đẩy ngoại thương Nhật Bản (JETRO) tại TP. HCM:

Nếu không có sự hỗ trợ của Chính phủ thì DN tư nhân sẽ chết

Theo dữ liệu của JETRO năm 2014, thực tế việc đóng thuế VAT, tỉ lệ các DN FDI đóng khoảng 23% (quy mô của DN), các DN quốc doanh là 38% và 39% là DN tư nhân Việt Nam. Tuy nhiên, nếu nhìn từ đóng thuế thu nhập DN thì các DN FDI đóng thuế chiếm đến 60%. Điều đó cho thấy hiệu quả kinh doanh của họ tốt, trong khi đó DN nhà nước về quy mô DN chiếm 38% nhưng hiệu quả kinh doanh chỉ đóng góp 26% cho nền kinh tế mà thôi, còn DN tư nhân đóng góp càng nhỏ hơn nữa. Do đó cảm nhận cạnh tranh khốc liệt là chỉ từ phía DN Việt. Vì thế điều này không phản ánh hết bức tranh chung.

Khi TPP có hiệu lực, việc cạnh tranh giữa các loại hình DN sẽ cao thì khoảng cách giữa các loại hình DN càng lớn. Mà DN tư nhân Việt Nam hiệu quả kinh doanh rất yếu, nếu không có sự hỗ trợ của Chính phủ thì họ sẽ chết.
Cần quy hoạch mạng lưới bán lẻ

Đại diện Hiệp hội Bán lẻ Việt Nam cho biết cơ quan chức năng cần duy trì các bảo lưu trong cam kết gia nhập WTO về ENT và danh mục hàng hóa loại trừ lâu dài trong các FTA đang đàm phán. Đặc biệt là TPP và Hiệp định Thương mại tự do (FTA) với Liên minh châu Âu. Đồng thời hỗ trợ DN phân phối trong nước trong nghiên cứu thị trường, đào tạo nguồn nhân lực cũng như triển khai việc xây dựng một số DN lớn, đầu tàu theođề án tái cơ cấu ngành công thương phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển bền vững giai đoạn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Đó là hình thành và phát triển một số tập đoàn thương mại mạnh có thực lực để cạnh tranh và hợp tác hiệu quả với các tập đoàn phân phối nước ngoài đã và sẽ đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam.

Theo ông Phạm Ngọc Hưng, đến nay việc làm thà chậm còn hơn không là Nhà nước ban hành một chính sách đối với thị trường bán lẻ. Quy hoạch về thị trường bán lẻ. Chẳng hạn ở TP.HCM cần có bao nhiêu siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi… để khi cấp phép cho nhà đầu tư nước ngoài thì phải tính toán cho hợp lý. Đồng thời cần hỗ trợ DN bán lẻ trong nước về tín dụng, nguồn vốn, thuế, đất đai để tạo đà cho những DN vừa và nhỏ trong lĩnh vực này. Hỗ trợ đào tạo về thông tin thị trường, chính sách xúc tiến thương mại của các thị trường nội khối. Đặc biệt là phải sử dụng công cụ ENT mà chúng ta đã giành được trong WTO để bảo hộ các DN trong nước.

 

Theo Báo Pháp Luật TPHCM

Trở về

Bài cùng chuyên mục