Ngày 4/2, đại diện 12 quốc gia ký Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) tại New Zealand.
Doanh nghiệp Nhà nước đau đầu với thang lương mới
- Cập nhật : 10/01/2016
(Lao dong)
Từ 1-1-2016, theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) sửa đổi, việc đóng BHXH cho người lao động trong khối DN Nhà nước (DNNN) sẽ dựa trên tiền lương và phụ cấp lương ghi trong hợp đồng lao động. Cơ chế này tương đương với cơ chế đóng của người lao động làm việc trong các DN ngoài Nhà nước.
Đội chi phí
Thống kê của BHXH Việt Nam cho thấy, hiện còn khoảng 7.200DNNN (DN cổ phần hóa, công ty TNHH một thành viên…) với hơn 1,1 triệu lao động phải chuyển đổi hệ thống thang lương, bảng lương theo Nghị định số 49/2013/NĐ-CP ngày 14-5-2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về tiền lương.
Ngay từ đầu năm 2016, tất cả DNNN phải có trách nhiệm rà soát, xây dựng và sửa đổi, bổ sung thang bảng lương, định mức lao động để từ đó sẽ làm căn cứ thỏa thuận hợp đồng lao động, trả lương cho người lao động. Như vậy, đối với các DNNN, DN có nguồn gốc Nhà nước, các khoản chi phí về BHXH sẽ tăng lên đáng kể từ năm 2016, kèm theo là các mức xử lý vi phạm khi trốn hoặc gian lận đóng bảo hiểm xã hội trong Bộ luật Hình sự (sửa đổi).
Tổng Công ty May 10 là công ty có nguồn gốc Nhà nước. Từ trước đến nay công ty này vẫn áp dụng bảng lương như những đơn vị hành chính sự nghiệp là 1.150.000 đồng để đóng BHXH. Theo quy định mới năm 2016, với mức lương tối thiểu là 3.500.000 đồng/tháng, công ty này sẽ phải sử dụng thang bảng lương theo khu vực DN để đóng BHXH như những đơn vị khác. Đại diện Tổng Công ty May 10 cho biết, khi chuyển đổi bảng lương, theo tính toán của Công ty, chi phí đóng BHXH sẽ tăng lên khoảng 23 tỷ đồng, trong đó phía người sử dụng lao động phải đóng khoảng 17 tỷ đồng bao gồm BHXH và phí công đoàn.
Còn tại Công ty Cổ phần may Thanh Trì, bà Nguyễn Thị Huệ (kế toán Công ty) cho biết, hiện DN này có trên dưới 300 nhân viên. Khi xây dựng thang bảng lương mới và trên cơ sở đó đóng BHXH cho người lao động, chi phí phát sinh sẽ tăng lên thêm 50%. Điều này khiến giá thành sản phẩm cũng cũng đột ngột tăng cao, sức cạnh tranh kém, mức doanh thu lợi nhuận sẽ lao dốc. "Với quy định này, những DN tuân thủ bảo hiểm sẽ đuối sức, còn các đơn vị thiếu nghiêm túc sẽ chây ì hoặc tìm cách né trách hoặc trốn bảo hiểm".
Với Luật BHXH mới, các DNNN sử dụng số lượng lớn lao động như: Da giày, dệt may, điện tử đều cho rằng việc xây dựng lại thang bảng lương sẽ gây áp lực lên DN. Đây sẽ là thời điểm DN lớn đủ sức thì gồng chống đỡ, còn DN nhỏ sẽ lao đao.
Siết thu chi
Theo Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Phạm Minh Huân, đáng lẽ từ tháng 5-2013 DNNN đã bắt đầu phải chuyển đổi cơ chế. Tuy nhiên qua quá trình thực hiện thiếu văn bản hướng dẫn, cùng với khả năng chịu đựng của DN và chia sẻ của Nhà nước với tình hình sản xuất kinh doanh của DN mà Quốc hội đã cân nhắc giãn lộ trình.
Thời điểm này là hoàn toàn hợp lý bởi DNNN đã có một quãng thời gian dài để chuẩn bị. Hơn nữa, việc làm này sẽ đảm bảo sự công bằng giữa hai khu vực DNNN và DN tư nhân. DN tư nhân thực hiện được việc chi trả lương cho người lao động theo mức lương tối thiểu vùng thì không có lý gì DNNN không làm được. Mặt khác, ông Phạm Minh Huân cho rằng, việc nâng nền tiền lương đóng BHXH và theo một lộ trình nhất định xuất phát từ mong muốn đời sống của người hưởng BHXH được nâng lên.
Tuy vậy, nhiều chuyên gia kinh tế nhìn nhận dù đây là một quy định tốt cho người lao động nhưng về phía DN sẽ vô cùng chật vật, đặc biệt là với DN sử dụng nhiều lao động. Hiện nay, sức cạnh tranh trên thị trường vô cùng khốc liệt, mọi chi phí tại DN tăng cao. DN phải tự tìm cách thích nghi. Có thể sẽ phải giảm các khoản phụ cấp, thay đổi cách tính lương theo hiệu quả công việc để bù vào khoản tăng thêm. Điều này rất dở cho DN bởi họ phải trả mức lương cao hơn để người lao động trung thành với công ty, khuyến khích người lao động làm việc.
Lãnh đạo một DN dệt may ở Hưng Yên cho biết, 2 năm trở lại đây, doanh thu của công ty nói chung và ngành Dệt may nói riêng có sự tăng trưởng, tuy nhiên, nếu tính về hiệu quả lợi nhuận so với các năm trước thì sụt giảm mạnh.
Đặc biệt, trong 2015 các chi phí về nhân công, thuế, tiền thuê đất, lương công nhân… tăng cao đã khiến cho DN thêm nhiều gánh nặng. Nếu việc áp dụng thang bảng lương mới cùng với phí bảo hiểm bao gồm cả lương và phụ cấp thì phí BHXH sẽ chiếm một phần tư tổng chi phí của cả DN. "Đúng là ‘trăm dâu đổ đầu tằm’. Bắt đầu từ đầu năm 2016, tăng lương tối thiểu vùng, trả lương theo cách mới và tăng phí BHXH với công đoàn, có lẽ thời gian tới chúng tôi phải tìm mọi giải pháp để tiết kiệm chi phí, trong đó sẽ có cả việc sa thải bớt nhân công", vị này chia sẻ.
Theo Thứ trưởng Phạm Minh Huân: “Để hạn chế các tác động xấu, trước hết, DN cần phải xem xét lại chi phí, lập phương án khi tăng lương, tăng BHXH. Ngoài ra, việc sắp xếp lại phương án tổ chức cũng là phương án khả thi. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là DN cần phải tiết kiệm các chi phí để tăng lương bởi người lao động chính là nguồn lực quan trọng để tạo ra doanh thu, lợi nhuận cho DN”.