Theo ông Lê Quốc Bình, một doanh nghiệp đầu tư cơ sở hạ tầng với những dự án quy mô lớn và dài hạn bắt buộc phải có những sản phẩm tài chính đi kèm nếu như muốn có lãi.
Doanh nghiệp thận trọng nhận định kết quả kinh doanh dài hạn
- Cập nhật : 13/01/2016
(Tin kinh te)
Nhận định về hoạt động kinh doanh sau 5 năm nữa, hơn 44% số doanh nghiệp cho rằng kết quả kinh doanh về cơ bản sẽ tốt lên.
Một số nghiên cứu được rút ra từ Sách trắng song ngữ “Báo cáo thường niên: Kinh tế Việt Nam 2016: Trên đường hội nhập” do Công ty Cổ phần Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) đã đánh giá, trong năm 2015, mặc dù tình hình kinh tế thế giới còn nhiều bất ổn, nhưng kinh tế Việt Nam vẫn phục hồi ấn tượng và toàn diện thể hiện qua kết quả thực thi các chính sách và tái cơ cấu, kiện toàn nền kinh tế.
Dưới góc nhìn của khối các doanh nghiệp (DN) lớn, có đóng góp nhất định vào tốc độ tăng trưởng chung của nền kinh tế, các DN hầu hết đều đưa ra đánh giá tích cực đối với những thành quả đã đạt được trong năm qua.
Theo đó, về tổng thể hoạt động sản xuất kinh doanh của các DN trong 10 tháng đầu năm 2015 vừa qua đều có chuyển biến tích cực với tỷ lệ DN có chung nhận định này chiếm hơn một nửa số DN phản hồi (57,10%). Số DN cho rằng hoạt động sản xuất kinh doanh vẫn giữ được mức ổn định so với cùng kỳ năm trước chiếm 32,10%. Số ít DN còn lại vẫn gặp đôi chút khó khăn trong năm vừa qua.
Đánh giá của DN về tình hình SXKD trong 10 tháng đầu năm 2015 so với cùng kỳ năm 2014 theo khảo sát các DN trong BXH VNR500 2007 - 2015 do Vietnam Report thực hiện tháng 11/2015.
Các DN cũng tỏ ra tương đối lạc quan và tin tưởng vào tình hình sản xuất kinh doanh trong Quý I/2016 cũng như 5 năm tới. Trong ngắn hạn, tổng thể tình hình sản xuất kinh doanh của các DN vẫn nhận được 48,1% đồng tình cho rằng sẽ tăng lên, chỉ có hơn 9% số DN bi quan, số còn lại tin rằng hoạt động của DN về cơ bản vẫn giữ mức ổn định so với cùng kỳ năm 2015.
Điều này cũng được thể hiện trong những nhận định về dài hạn. Các DN tỏ ra thận trọng hơn trong nhận định về hoạt động kinh doanh sau 5 năm nữa, khi có tới hơn 44% số DN nghĩ rằng kết quả kinh doanh của họ về “cơ bản sẽ tốt lên”.
Cam kết của TPP sẽ mang lại những tác động tích cực
Cũng theo kết quả điều tra trong báo cáo, các DN lớn của Việt Nam tương đối lạc quan trước ảnh hưởng của hầu hết các cam kết của TPP tới hoạt động kinh doanh của họ. Trong đó phải kể đến cam kết về cạnh tranh bao gồm các nguyên tắc chống độc quyền, tăng cường cạnh tranh lành mạnh với 88% số DN phản hồi cho rằng cam kết này sẽ mang lại những tác động tích cực.
Tiếp theo đó là những cam kết liên quan đến việc doanh nghiệp nhà nước sẽ phải cạnh tranh theo nguyên tắc bình đẳng, công bằng với các doanh nghiệp tư nhân; mở cửa thị trường hàng hóa, cắt giảm thuế quan; và môi trường, lao động phát triển bền vững với tỷ lệ lựa chọn lần lượt là 86,4%; 78,4%; và 71,4%.
Nhận định của DN về hoạt động kinh doanh sẽ tốt lên sau 05 năm nữatheo khảo sát các DN trong BXH VNR500 2007 - 2015 do Vietnam Report thực hiện tháng 11/2015.
Khi được hỏi về những thế mạnh và bất lợi đáng kể hiện nay của các DN trong cuộc cạnh tranh với các đối thủ thuộc khối TPP, các DN Việt tỏ ra tương đối tự tin vào tiềm lực và khả năng của mình. Kết quả cho thấy tỷ lệ DN cho rằng mình còn “yếu” hoặc “rất yếu” ở một số khía cạnh là rất thấp so với tổng thể chung. Chủ yếu các lựa chọn đều phản ánh nếu năng lực của DN không ở mức “tương đối mạnh” hay “rất mạnh” thì cũng ở mức “bình thường”, không hề lép vế trước các đối thủ khác.
Trong số 14 yếu tố được liệt kê, các DN phản hồi tự tin nhất vào thế mạnh của mình ở nguồn cung ổn định khi không có DN nào cho rằng đây là bất lợi của họ. Ngoài ra, có thể kể đến một số thế mạnh khác của DN Việt Nam trong cuộc cạnh tranh với các đối thủ thuộc TPP như là thị trường đầu ra ổn định, kỹ năng quản trị hay khả năng thay đổi quá trính sản xuất, kinh doanh để thích ứng với tình hình mới.
Với những khó khăn mà DN đang phải đối mặt cũng như những bất lợi trong cuộc cạnh tranh với các DN trong khối TPP, các DN Việt phản hồi bằng việc đưa ra quan điểm của mình về những giải pháp mà Chính phủ cần ưu tiên để nâng cao khả năng cạnh tranh của DN sau TPP.
Trong đó, giải pháp thứ nhất vẫn liên quan đến việc đơn giản hóa và giảm gánh nặng của các thủ tục hành chính đối với các DN với tỷ lệ lựa chọn lên đến hơn 77%. Các DN cho rằng đây không phải là một vấn đề mới nhưng vẫn luôn là cản trở rất lớn đối với DN trong quá trình phát triển và sản xuất kinh doanh.
Theo ý kiến từ các DN, mặc dù Chính phủ và Nhà nước cũng đã có rất nhiều những biện pháp hỗ trợ, cải thiện nhằm giảm thiểu sự rườm rà trong thủ tục hành chính, tuy nhiên kết quả vẫn chưa được như mong đợi khiến các DN vẫn chưa thực sự hài lòng. Hai mong muốn tiếp theo của DN có tỷ lệ lựa chọn ngang bằng nhau là 75,9%, trong đó một vấn đề vẫn liên quan đến quy định và chính sách đó là việc nâng cao tính hiệu lực và minh bạch, vấn đề còn lại là đảm bảo ổn định vĩ mô.
Sách trắng song ngữ “Báo cáo thường niên: Kinh tế Việt Nam 2016: Trên đường hội nhập” là sản phẩm do Vietnam Report cùng nhóm chuyên gia phối hợp xuất bản với nội dung chủ yếu tập trung vào các đánh giá, nhận định những thành tựu kinh tế 2015; những dự báo về kinh tế và môi trường kinh doanh 2016, những tác động của Hiệp định TPP đến triển vọng phát triển, hội nhập của Việt Nam trong năm 2016.
Báo cáo có cái nhìn khách quan và cụ thể thông qua những phân tích, đánh giá của các chuyên gia cũng như tổng hợp ý kiến phản hồi từ các DN lớn trong các Bảng xếp hàng VNR500 từ năm 2007 đến nay.
Theo Nguyễn Quỳnh
VOV/CafeF