Không đậm đặc như một số phiên thảo luận ở các diễn đàn trước, song nỗi lo từ “yếu tố Trung Quốc” với hội nhập và phát triển bền vững của kinh tế Việt Nam vẫn xuất hiện trong Diễn đàn Kinh tế Mùa thu 2015, vừa diễn ra tại Thanh Hóa.
Đến 2020 tổng dư nợ thị trường trái phiếu phải đạt 38% GDP
- Cập nhật : 28/08/2015
(Tai chinh)
Trong năm 2015, Bộ Tài chính đã ban hành thế hệ 2 của các Thông tư hướng dẫn về phát hành TPCP, TP được Chính phủ bảo lãnh và TP chính quyền địa phương theo hướng phù hợp với sự phát triển thị trường và thông lệ quốc tế.
Để hiểu rõ hơn những thay đổi cũng như định hướng phát triển thị trường, PV có cuộc trao đổi với Phó Tổng giám đốc KBNN Trần Kim Vân về vấn đề này.
Thưa bà, xin bà cho biết tình hình họat động của thị trường trái phiếu 8 tháng đầu năm 2015?
Tính đến 14/8/2015, tổng khối lượng TP phát hành ra thị trường là 140.938 tỷ đồng; trong đó khối lượng TPCP là 123.479 tỷ đồng, bằng 49% kế hoạch năm 2015; khối lượng phát hành TP được Chính phủ bảo lãnh là 17.459 tỷ đồng, bằng 36% kế hoạch năm 2015; khối lượng phát TP doanh nghiệp là 11.148 tỷ đồng.
Ngoài ra, năm 2015 là năm đầu tiên phát hành thành công TPCP kỳ hạn 20 năm (kỳ hạn dài nhất từ trước tới nay) cho các công ty bảo hiểm nhân thọ với khối lượng phát hành trong tháng 7/2015 là 3.450 tỷ đồng. Trên thị trường TPCP, bên cạnh sản phẩm truyền thống là TP thanh toán lãi định kỳ, Bộ Tài chính đang nghiên cứu và triển khai 2 sản phẩm mới trên thị trường là TP không trả lãi định kỳ và TP lãi suất thả nổi để đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư trên thị trường.
Về quy mô thị trường, tại thời điểm 14/8/2015, dư nợ thị trường TP là 867.876 tỷ đồng, đạt khoảng 22% GDP năm 2014; riêng dư nợ TPCP là 581.497 tỷ đồng, đạt khoảng 14% GDP năm 2014.
Về giao dịch thứ cấp, đáng lưu ý là thanh khoản của thị trường tăng cao, khối lượng giao dịch bình quân trong 8 tháng đầu năm 2015 là 4.102 tỷ đồng/phiên, tăng 15% so cùng kỳ năm 2014.
Mặt bằng lãi suất trên thị trường thứ cấp theo sát diễn biến của thị trường sơ cấp. Hệ thống cơ sở hạ tầng cho TTTP từng bước được hiện đại hóa nhằm rút ngắn thời gian đưa TP vào đăng ký, lưu ký, niêm yết giao dịch.
Bên cạnh những kết quả đáng ghi nhận, TTTP vẫn còn bất cập. Cơ quan quản lý đã có giải pháp gì để hoàn thiện cũng như giúp TTTP phát triển trong tương lai?
Điều chắc chắn là trong quan điểm, mục đích của mình, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục xây dựng và phát triển TTTP một cách bền vững, thanh khoản cao, và từng bước tiếp cận với các thông lệ, chuẩn mực quốc tế để trở thành một kênh huy động vốn quan trọng, an toàn, hiệu quả cho nền kinh tế.
Với mục tiêu cụ thể là tổng dư nợ TTTP đạt 38% GDP trong năm 2020, trong đó dư nợ thị trường TPCP đạt 22% GDP, TTTP được Chính phủ bảo lãnh đạt 8% GDP, TTTP địa phương đạt 1% GDP và TTTP doanh nghiệp đạt 7% GDP.
Trong các giải pháp cụ thể, tới đây, Bộ Tài chính đã và đang tiếp tục triển khai các giải pháp phát triển thị trường theo đúng lộ trình phát triển TTTP Việt Nam đến năm 2020, trong đó tập trung vào hoàn thiện khung khổ pháp lý. Khung khổ này giúp bảo đảm phù hợp với sự phát triển của thị trường và thông lệ quốc tế. Đối với TP doanh nghiệp, Bộ Tài chính sẽ trình Chính phủ Nghị định thay thế Nghị định số 90/2011/NĐ-CP với các điểm sửa đổi bổ sung bảo đảm phù hợp với sự phát triển của TTTP doanh nghiệp. Bên cạnh đó, Bộ Tài chính tiếp tục triển khai dịch vụ xếp hạng tín nhiệm nhằm thúc đẩy sự phát triển của TTTP doanh nghiệp.
Đối với TPCP, Bộ sẽ tiếp tục nghiên cứu ban hành các sản phẩm mới để đa dạng hoá sản phẩm trên thị trường. Tiếp tục nghiên cứu cơ chế hỗ trợ thanh khoản để thành lập hệ thống nhà tạo lập thị trường từ hệ thống thành viên đấu thầu TPCP. Đồng thời, sẽ tiếp tục nghiên cứu trình Chính phủ ban hành Nghị định Quỹ hưu trí tự nguyện để thúc đẩy nhu cầu đầu tư dài hạn trên thị trường.
Bên cạnh những thay đổi trong quy trình thủ tục, khuôn khổ hành lang pháp lý còn những giải pháp mang tính thị trường. Quan điểm của cơ quan quản lý như thế nào, thưa bà?
Với các giải pháp thị trường, Bộ Tài chính tiếp tục phối hợp với NHNN trong việc điều hành thị trường tài khoá và thị trường tiền tệ, bảo đảm lãi suất phát hành TP và lãi suất tiền tệ được ổn định, ít biến động lớn.
Đồng thời đẩy mạnh phát triển hệ thống nhà đầu tư. Việc khuyến khích phát triển hệ thống nhà đầu tư dài hạn trên thị trường như Quỹ hưu trí, các công ty bảo hiểm,... sẽ giúp giảm dần sự phụ thuộc vào hệ thống các ngân hàng thương mại.
Tiếp tục xây dựng lộ trình thu hút nhà đầu tư nước ngoài với các giải pháp căn bản như: ổn định nền kinh tế vĩ mô; xây dựng và phát triển các sản phẩm TP phái sinh như hợp đồng, kỳ hạn,... để phòng ngừa rủi ro trên TTTP; tăng cường tính công khai minh bạch trên thị trường thông qua xây dựng trang thông tin điện tử chuyên biệt cho TTTP gồm đầy đủ dữ liệu thông tin về thị trường.
Thứ ba là phải phát triển hệ thống nhà tạo lập thị trường trên cơ sở hệ thống thành viên đấu thầu TPCP với nhiều giải pháp.
Cuối cùng là hoàn thiện, cải tiến hệ thống công nghệ thông tin để đảm bảo hoạt động phát hành và giao dịch TP diễn ra thông suốt; rút ngắn thời gian từ khâu phát hành đến niêm yết, tạo thanh khoản trên thị trường.
Trân trọng cảm ơn bà!
(Theo CafeF)