SSI Retail Research nhận định rằng mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2018 ở mức 6,5-6,7% là "khiêm tốn".
Đặc khu phải đặc biệt để đột phá
- Cập nhật : 23/05/2018
Mô hình này đã mang lại cho các quốc gia cơ hội thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, tiếp nhận các tri thức, công nghệ mới, phương thức quản lý hiện đại...
Theo các đại biểu Quốc hội, nếu thận trọng quá tới mức cầu toàn mà không ban hành luật Đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt (đặc khu) với cơ chế đầu tư, thể chế đột phá... có thể sẽ khiến VN vuột mất những cơ hội để tăng tốc phát triển, bắt kịp các nước trong khu vực.
“Vũ khí” mới để thu hút đầu tư
Trước đó, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội (QH), Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết mô hình đặc khu kinh tế (ĐKKT) đã có quá trình phát triển lâu dài trên thế giới, các quốc gia đều ra sức tạo ra các sân chơi với nhiều mô hình và thể chế khác nhau, tạo ra sự cạnh tranh ngày càng gay gắt trong việc thu hút đầu tư nước ngoài góp phần phát triển đất nước.
Những vấn đề quan trọng như an ninh quốc gia, chủ quyền của đất nước hay vấn đề tác động đến môi trường sống thì nhất quyết phải được đặt ra ngay từ đầu và chúng ta phải bảo đảm giữ vững để không bị sai sót. Còn những chính sách khác sẽ từ từ trong thời gian thực hiện khi có các vấn đề phát sinh sẽ chỉnh sửa ngay. Tôi nghĩ chúng ta nên mạnh dạn thông qua vừa làm vừa rút kinh nghiệm. Thời gian, cơ hội đã có và không nên bàn hoài.
TS Trần Du Lịch
Việc phát triển thành công hay không thành công của mỗi ĐKKT, theo ông Dũng, còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Song một điều không thể phủ nhận là mô hình này đã mang lại cho các quốc gia cơ hội thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, tiếp nhận các tri thức, công nghệ mới, phương thức quản lý hiện đại; thúc đẩy trao đổi thương mại và mở cửa nền kinh tế trong nước để hội nhập sâu rộng với kinh tế thế giới. “Chúng ta mạnh dạn xây dựng một sân chơi mới, luật chơi mới với những thể chế chính sách vượt trội, cạnh tranh để thu hút đầu tư trong nước và quốc tế ngay tại lãnh thổ VN”, Bộ trưởng Dũng khẳng định.
Liên quan tác động kinh tế, theo đánh giá của Bộ KH-ĐT, sau giai đoạn 2020, các đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt sẽ có đóng góp về thu ngân sách, tăng trưởng GDP, thu nhập bình quân đầu người. Cụ thể như tại đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn (Quảng Ninh) ước tính nhà nước thu được khoảng 1,9 tỉ USD từ thuế và phí và 2,1 tỉ USD từ các nguồn thu từ đất; các doanh nghiệp tạo giá trị gia tăng khoảng 9,7 tỉ USD trong giai đoạn 2021 - 2030, nâng mức thu nhập bình quân đầu người lên 5.000 USD vào năm 2020 và 12.500 USD vào năm 2030.
Tại Bắc Vân Phong (Khánh Hòa) ước tính nhà nước thu được khoảng 1,2 tỉ USD từ thuế và phí và 1 tỉ USD từ các nguồn thu từ đất; các doanh nghiệp tạo giá trị gia tăng khoảng 10 tỉ USD trong giai đoạn 2017 -2030, mức thu nhập bình quân đầu người lên khoảng 4.000 USD vào năm 2020 và 9.500 USD vào năm 2030.
Tại Phú Quốc (Kiên Giang) ước tính nhà nước thu được khoảng 3,3 tỉ USD từ thuế và phí và các nguồn thu từ đất; các doanh nghiệp tạo giá trị gia tăng khoảng 19 tỉ USD trong giai đoạn 2017 - 2030, mức thu nhập bình quân đầu người lên khoảng 5.300 USD vào năm 2020 và 13.000 USD vào năm 2030.
Chần chừ sẽ mất cơ hội
Mặc dù có những lợi thế nhất định, song dự thảo luật đang có nhiều ý kiến khác nhau. Trong bản dự thảo luật ĐKKT mới sẽ được trình QH cho ý kiến và có thể sẽ thông qua tại kỳ họp này đã gắn tên với các đơn vị cụ thể, mang tên mới là luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc. Dự thảo luật cũng không còn phương án tổ chức chính quyền đặc khu với trưởng đặc khu, không tổ chức hội đồng nhân dân như trước đây, thay vào đó chính quyền địa phương ở đặc khu là cấp chính quyền địa phương gồm có HĐND đặc khu và UBND đặc khu. HĐND đặc khu không quá 15 đại biểu, UBND có chủ tịch và hai phó chủ tịch.
TS Trần Du Lịch, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, nhấn mạnh: VN đã có chủ trương 20 năm nay và bây giờ không nên kéo dài. Việc xây dựng luật ĐKKT không nên quá cầu toàn. Chúng ta phải bắt tay vào làm, có thực tiễn chứ không chỉ ngồi bàn hoài thì chỉ cũng toàn lý thuyết. Quan trọng nhất là tập trung hoàn thiện về thể chế để tạo môi trường đầu tư thông thoáng chứ không bàn nhiều về chính sách ưu đãi như giảm, miễn thuế. Các doanh nghiệp cũng không đặt nặng chính sách ưu đãi nhiều mà điều họ cần nhất là điều kiện, thủ tục rõ ràng, đơn giản. Các văn bản, chính sách luật không bao giờ là vĩnh viễn mà luôn được thay đổi theo thực tiễn. Nhất là trong giai đoạn chúng ta vẫn làm thí điểm đặc khu thì cứ làm rồi sẽ chỉnh sửa những cái chưa được. Ngay cả Hàn Quốc trong vòng 10 năm cũng chỉnh sửa luật ĐKKT 6 lần thì VN không thể nào hoàn thiện mọi chính sách ngay từ đầu.
Đại biểu (ĐB) Lê Công Nhường (Bình Định) cho rằng, nếu cứ lo ngại quá mà không dám quyết thì cũng sẽ đánh mất đi những cơ hội. Theo ĐB Nhường, đã là đặc khu thì phải có cơ chế đặc biệt, đủ sức hấp dẫn, lôi kéo, thu hút nhà đầu tư. Nếu QH đồng thuận được về chính sách đất đai tại ĐKKT thì nên sớm thông qua luôn. Vì thực tế cơ chế, con người do chúng ta lựa chọn, tạo ra nếu tốt sẽ đón bắt và không để vuột mất các cơ hội trong thu hút đầu tư, công nghệ cao, dịch vụ du lịch...
Chia sẻ quan điểm trên, theo ĐB Bùi Quốc Phòng (Thái Bình), các đặc khu sẽ trở thành lợi thế cho không chỉ tỉnh, địa phương mà cả quốc gia. Nếu có cơ chế đặc thù, đột biến sẽ tạo thành nơi thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế rất mạnh mẽ. Chủ trương ban hành luật là cần thiết.
Liên quan đến dự luật này, ĐB Bùi Văn Phương (Ninh Bình) lưu ý rằng, khi đã nói “đặc biệt” thì phải có kinh tế đặc biệt và hành chính đặc biệt. Dự thảo lo ngại giao quá nhiều quyền cho trưởng đặc khu thì có thể dẫn tới lạm quyền nên quay lại mô hình có cả HĐND và UBND, trở lại với mô hình thông thường, như vậy không có gì đặc biệt. ĐB này đề nghị không tổ chức HĐND ở đặc khu. Bởi cái gốc của lạm quyền không chỉ là thiếu giám sát mà là thiếu công khai, minh bạch.
M.Phương - T,Phong - V.Hân
Theo Thanhnien.vn