Theo The Nation, tập đoàn vật liệu xây dựng số 1 Thái Lan SCG, doanh nghiệp đã đầu tư 700 triệu USD vào Việt Nam kể từ năm 1992, đang có kế hoạch tăng cường đầu tư hơn nữa vào Việt Nam, đặc biệt là trong mảng xi măng và hóa dầu đầu dòng.
Siết mua sắm công: Tiết kiệm 30 nghìn tỷ đồng/năm
- Cập nhật : 26/10/2015
(Tin kinh te)
Chiếm 20% tổng chi ngân sách mỗi năm (tương đương 200 ngàn tỷ đồng), các khoản chi mua ô tô, trang thiết bị cho cơ quan nhà nước đang trở thành bài toán đau đầu với Bộ Tài chính. Nếu tổ chức mua sắm tập trung sẽ “gọt” bớt được khoảng 30 nghìn tỷ đồng/năm.
Siết xe công, dôi 500 tỷ đồng
Tại buổi họp báo chuyên đề về những chính sách mới trong Quản lý xe công và định hướng mua sắm tài sản Nhà nước theo phương thức tập trung do Bộ Tài chính tổ chức chiều 23/10, ông Trần Đức Thắng, Cục trưởng Cục Quản lý công sản cho biết, theo quyết định về định mức tiêu chuẩn chế độ sử dụng, quản lý ô tô trong cơ quan Nhà nước, tới đây các cơ quan đơn vị chỉ thay mới xe công nếu dùng vượt quá 15 năm hoặc sử dụng quá 25 vạn km (đối với địa bàn miền núi, vùng sâu, xa, hải đảo…). Cùng đó, mỗi đơn vị định mức xe phục vụ công tác chung chỉ 1-2 xe.
“Từ ngày 21/9/2015, quyết định này có hiệu lực. Chúng tôi sẽ dành 6 tháng để các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở Trung ương và UBND cấp tỉnh thực hiện báo cáo kết quả sắp xếp lại số ô tô và gửi về Bộ Tài chính tổng hợp”, ông Thắng nhấn mạnh. Cũng theo ông Thắng, tỉnh Thái Bình hiện có 400 xe, vậy chỗ thừa sẽ chuyển sang thiếu. Sau khi điều chuyển rồi mà vẫn thừa, sẽ chuyển cho Bộ Tài chính để cho đơn vị khác, hoặc có thể bán thanh lý công khai đấu giá, nộp ngân sách.
Ngoài quy định “cứng” chỉ các chức danh như bí thư, phó bí thư, chủ tịch UBND các tỉnh, chủ tịch HĐND tỉnh, thành phố có xe đưa đón từ nơi ở đến nơi làm việc. Theo Cục trưởng Cục Quản lý công sản Bộ Tài chính, tại các tỉnh thành lớn như Hà Nội, TPHCM sẽ bổ sung thêm chức danh thường vụ thành ủy (kể cả là bí thư, chủ tịch quận) được sử dụng xe công đưa đón.
“Về cơ bản đây là hai thành phố lớn có mật độ đi lại đông và sẵn xe buýt, taxi và tới đây có cả tàu điện trên cao nên chúng tôi khuyến khích các vị trong tiêu chuẩn có thể sử dụng hình thức khoán xe công và dùng phương tiện công cộng đi lại”, ông Thắng cho hay.
Vị lãnh đạo này nhẩm tính: Một thứ trưởng được đi xe cơ quan, nhưng nếu họ đi xe bus, tàu điện trên cao, hoặc ô tô riêng kết hợp đưa đón con…Nhà nước có lợi là không phải bỏ tiền mua xe, chi phí khoảng 320 triệu đồng/năm (khấu hao, xăng xe, nuôi lái xe..). Giả sử cá nhân được sử dụng 160 triệu đồng/năm, khoảng hơn 10 triệu đồng/tháng tiền xe, thì họ đã có khoản tiền cao hơn lương nhà nước trả.
Không “cài hoa hồng”, mua sắm xa hoa
Tại dự thảo Đề án hình thành đơn vị mua sắm tập trung, Bộ Tài chính dự kiến sẽ chuẩn hoá toàn bộ việc mua sắm theo danh mục của các bộ, tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước về các đơn vị mua sắm tập trung, chuyên nghiệp để họ lựa chọn nhà thầu hợp lý nhất về giá và chất lượng. Ví như đơn vị mua sắm tập trung thuốc sẽ nằm ở Bộ Y tế, mua sắm của cơ quan trung ương hay bộ, ngành cũng sẽ nằm ở đơn vị chuyên nghiệp.
“Điểm nhấn lớn nhất của đề án là khắc phục tình trạng mua sắm vượt tiêu chuẩn, định mức, vượt nhu cầu thực tế và mua sắm xa xỉ không cần thiết. Nếu làm được như vậy sẽ giảm từ 170 đầu mối xuống còn 2 đơn vị mua sắm tập trung cấp quốc gia, 42 đầu mối trực thuộc các bộ, cơ quan trung ương và 126 đầu mối của các tỉnh, thành trực thuộc”.
Chia sẻ với PV, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài chính ông Nguyễn Công Nghiệp có lần cho biết, đã từ lâu, Bộ Tài chính luôn quán triệt việc tiết kiệm 10% trong chi thường xuyên của bộ. Theo ông Nghiệp, trên thực tế mua sắm thường xuyên dù không lớn nhưng cũng chiếm khoản ngân sách không nhỏ, chỉ cần có ý thức từ sắm chiếc điều hòa, sử dụng giấy in cũng đã chắt chiu được một khoản chi không nhỏ cho Nhà nước.
Ông Trần Đức Thắng cũng đưa ra ví dụ giật mình khi chỉ mua sắm giấy in A4 và máy photocopy, điều hòa, nếu theo phương thức tập trung cả nước và không “cài” hoa hồng hay chiết khấu, mỗi năm có thể “bớt” chi từ ngân sách khoản tiền tới vài trăm tỷ đồng.
Trước hiện tượng lạm dụng xe công mùa lễ hội hay đưa vợ con về quê của nhiều “sếp” cơ quan nhà nước vẫn phổ biến, tới đây cơ chế giám sát và kỷ luật sẽ thế nào? Theo đại diện Bộ Tài chính, các quy định đều đã có, cá nhân nào vi phạm phải đền bù tương đương mức thiệt hại. “Hơn thế, chúng tôi sẽ dựa vào giám sát của Mặt trận Tổ quốc và người dân. Nếu người dân biết “ông” nào đi xe không đúng với chức danh, thì báo cho Cục Quản lý Công sản, để xử lý cả về bồi hoàn vật chất cũng như con người”, ông Trần Đức Thắng nói.
Với việc chuyển đổi phương thức trang bị ô tô công từ nguyên tắc “không vượt quá số ô tô hiện có” như trước đây sang trang bị theo định mức từ 1 đến 2 xe/đơn vị sẽ làm giảm một lượng lớn ô tô công. Theo cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản nhà nước, số lượng ô tô phục vụ công tác chung hiện có là 24.460 chiếc, nếu tính toán theo định mức mới ước tính sẽ giảm khoảng 7.000 xe so với hiện tại. Như vậy, mỗi năm, ngân sách sẽ tiết kiệm được khoảng 500 tỷ đồng tiền mua xe thay thế, chưa tính chi phí vận hành trong quá trình sử dụng.
Theo Khánh Huyền - Phạm Anh
Tiền Phong