tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Các tỉnh đang chững lại trong cải thiện chỉ số PCI

  • Cập nhật : 23/08/2015

(Tin kinh te)

Nguyên nhân được lãnh đạo VCCI chỉ ra là do “trần thể chế” ở cấp Trung ương. Muốn cho cải cách ở địa phương được thúc đẩy, phải có sự cải thiện thể chế, môi trường kinh doanh ở cấp vĩ mô

Ngày 20/8, tại Bắc Ninh, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với UBND tỉnh Bắc Ninh tổ chức Hội thảo Khu vực đồng bằng sông Hồng và vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc: Thực tiễn tốt trong cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh.

cac tinh dang chung lai trong cai thien chi so pci

Các tỉnh đang chững lại trong cải thiện chỉ số PCI


Các "ngôi sao cải cách" đang chững lại

Phát biểu tại hội thảo, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI cho biết, sau 7-8 năm thực hiện, có sự chững lại trong việc cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). "Các ngôi sao cải cách đang lúng túng trong tiếp tục tìm đường cải cách của các địa phương và khoảng cách cải thiện PCI của các địa phương đang thu hẹp lại”.

Nguyên nhân được lãnh đạo VCCI chỉ ra là do “trần thể chế” ở cấp Trung ương. Muốn cho cải cách ở địa phương được thúc đẩy, phải có sự cải thiện thể chế, môi trường kinh doanh ở cấp vĩ mô.

Đầu năm 2014 và 2015, 2 Nghị quyết 19/NQ-CP về cải thiện môi trường đầu tư đã được ban hành. Mục tiêu là chuyển nền hành chính Việt Nam, môi trường đầu tư Việt Nam, thủ tục hành chính liên quan kinh doanh ở Việt Nam từ nhóm 4 nước “đội sổ” trong ASEAN chuyển lên nhóm 4 nước đứng đầu chỉ trong lộ trình 3 năm.

Ông Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh: “Thế giới làm được Việt Nam phải làm được. Đà Nẵng làm được thì các tỉnh khác cũng làm được như Đà Nẵng. Ngay cả địa phương đứng đầu cũng có điểm học tập ở các địa phương khác”.

Theo ông Lộc, yêu cầu đầu tiên đối với môi trường kinh doanh là sự minh bạch, song hành với đó là sự đơn giản.

Lãnh đạo VCCI khẳng định, nếu ngành tài chính và bảo hiểm tiếp tục thực hiện một rừng thủ tục khiến người dân phải thực hiện thủ tục nộp thuế và bảo hiểm là 876 giờ, chứ không phải 171 giờ như quy định của Nghị quyết 19 chắc chắn nền kinh tế sẽ khó phát triển.

Cho nên cải cách về thời gian làm thủ tục sẽ tạo động lực cho sự phát triển trong thời gian tới.

Giảm rào cản, tăng minh bạch

Bà Laura MCKechnie, Quyền Giám đốc Ban phát triển kinh tế và điều hành Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) cho rằng: Đồng bằng Sông Hồng đang thu hút đông đảo nhà đầu tư khó tính từ Hoa Kỳ đến Hàn Quốc, Singapore. Tuy nhiên vẫn còn nhiều rào cản cho FDI như thủ tục hành chính, tiếp cận đất đai, lao động, thiếu sự chủ động của cơ quan nhà nước…

“Những rào cản đó ngăn cản việc gia tăng dòng vốn đầu tư và khó tận dụng được tối đa lợi ích từ các nhà đầu tư đang hiện hữu. Vì thế cần phải tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh” – Bà Laura chia sẻ.

TS Edmund Malesky, Đại học Duke – Hoa Kỳ, trưởng nhóm nghiên cứu PCI đánh giá cao tính minh bạch trong cải thiện môi trường kinh doanh tại các địa phương ở Việt Nam.

Theo ông Malesky, chỉ số minh bạch tăng lên 1 điểm thì việc mở rộng đầu tư thêm tăng lên 10% ở địa phương đó, như vậy minh bạch rất quan trọng trong thu hút đầu tư. Minh bạch tăng 1 điểm thì doanh nghiệp nhỏ và vừa dân doanh tăng đầu tư 15,8% còn doanh nghiệp lớn tăng đầu tư 18,1%.

“Cách tốt nhất để tạo niềm tin và tăng đầu tư là cho doanh nghiệp biết kế hoạch phát triển kinh tế của Trung ương và địa phương như doanh nghiệp càng biết nhiều thì họ càng làm kế hoạch kinh doanh tốt hơn; tính được chi phí và rủi ro trong tương lai…” – ông Edmund Malesky nhắn nhủ.

Ông Nguyễn Hữu Thành, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh thể hiện niềm vui khi Bắc Ninh 6 năm liên tiếp nằm trong top dẫn đầu về PCI, là 1 trong 8 tỉnh có chỉ số điều hành tốt nhất.

“Đến nay Bắc Ninh có nhiều chỉ số kinh tế xã hội nằm trong top 10 như quy mô GDP đứng thứ sáu, giá trị sản xuất công nghiệp đứng thứ hai, trường chuẩn quốc gia, trạm y tế cũng nằm trong top đầu” – ông Thành nhấn mạnh.

Điều này giúp Bắc Ninh thu hút nhiều dự án đầu tư mới. Lũy kế đến nay, Bắc Ninh đã thu hút được 676 dự án FDI với tổng vốn FDI là 8 tỉ USD. Riêng 6 tháng đầu năm 2015 Bắc Ninh thu hút được 3 tỷ USD, chiếm 1/3 tổng số thu hút FDI vào nước ta. Nhiều tập đoàn lớn như Samsung, Canon, Microsoft… đã có mặt ở Bắc Ninh.

(Theo Trung tâm thông tin CN& TM Bộ Công Thương)

Trở về

Bài cùng chuyên mục