Tổng cục Thuế vừa thành lập tổ công tác liên quan đến "tài liệu Panama", trong khi các cơ quan chức năng khác cũng cho biết đã vào cuộc để tìm hiểu.
Bồi bổ cho doanh nghiệp không phải bằng tiền mà bằng cơ chế
- Cập nhật : 03/03/2016
(Tin kinh te)
Báo cáo của Tổng cục Thống kê cho thấy, hoạt động của doanh nghiệp đã có nhiều chuyển biến tích cực. Song Ủy ban Kinh tế vẫn đánh giá: “Hoạt động của doanh nghiệp trong nước còn nhiều khó khăn, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa”, do đó cần "bồi bổ" cho doanh nghiệp. Ông Mai Xuân Hùng, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội trao đổi về thực chất vấn đề này.
Số doanh nghiệp thành lập mới và số vốn đăng ký mới kể từ năm 2015 đến nay tăng rất ấn tượng, đặc biệt kể từ khi Luật Đầu tư sửa đổi và Luật Doanh nghiệp sửa đổi có hiệu lực (ngày 1/7/2015). Vậy cơ sở nào mà Ủy ban Kinh tếđưa ra đánh giá như trên, thưa ông?
Nếu so với 5-7 năm trước, tốc độ doanh nghiệp thành lập mới từ năm 2015 đến nay là quá ấn tượng, nếu không muốn nói hoạt động sản xuất, kinh doanh đã có bước “đại nhảy vọt”. Nhưng đặt trong bối cảnh nền kinh tế hội nhập sâu rộng như hiện nay, với hàng loạt hiệp định thương mại tự do đã ở cuối lộ trình thực hiện đầy đủ và hàng loạt hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mở cửa mạnh mẽ hơn sắp hoặc vừa có hiệu lực, thì doanh nghiệp nội địa còn rất khó khăn.
Nói chính xác hơn, doanh nghiệp mới vừa ra khỏi cơn bạo bệnh, thể trạng còn rất yếu. Với sức khỏe như hiện nay, trước đây khi chưa hội nhập sâu rộng, doanh nghiệp phải bơi qua một cái ao thì bảo đảm an toàn, nhưng bây giờ, khi thực hiện các hiệp định thương mại tự do, doanh nghiệp phải bơi ở biển, nên với sức khỏe như hiện nay, họ còn quá yếu.
Nhiều đại biểu Quốc hội cũng ví von rằng, doanh nghiệp như người bệnh vừa qua khỏi cơn “thập tử nhất sinh” và giờ cần phải bồi bổ. Theo ông, bồi bổ cho doanh nghiệp bằng cách nào?
Bồi bổ cho doanh nghiệp vừa thoát ra khỏi vô vàn khó khăn không phải bằng tiền, mà bằng cơ chế, chính sách, tạo ra niềm tin cho mọi người dân dám bỏ vốn ra kinh doanh, dám mở rộng kinh doanh. Cụ thể là phải đẩy mạnh cải cách hành chính, chống tiêu cực, tham nhũng để doanh nghiệp thành lập và hoạt động không phải “chi phí gầm bàn”.
Cải cách thể chế để mọi chế độ, chính sách, văn bản quy phạm pháp luật không chỉ theo đúng thông lệ quốc tế, phù hợp với thực tế, mà còn phải minh bạch, dễ thực hiện, để cán bộ cơ quan quản lý nhà nước không có cơ hội nhũng nhiễu, gây phiền hà, nhiêu khê nhằm buộc doanh nghiệp phải “bôi trơn” khiến họ nản lòng khi đầu tư mới hoặc đầu tư mở rộng.
Thực ra, thủ tục thành lập doanh nghiệp, hành chính thuế, thủ tục hải quan... đang được cải cách mạnh mẽ và được nhiều tổ chức quốc tế, cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước đánh giá cao, thưa ông?
Đúng là thời gian qua, nhiều thủ tục đã được đơn giản hoá rất nhiều, nhưng chúng ta không nên so với chính mình trước đây, mà trong sân chơi toàn cầu, phải so với các nước xung quanh. Nếu so với các nước ASEAN 4, thì thủ tục hành chính của Việt Nam vẫn còn nhiêu khê, phiền hà, mất thời gian, công sức, chi phí cho doanh nghiệp.
Rất mừng là gần đây, một số địa phương đã có bước cải cách khá táo bạo. Đơn cử, tại Dự án xây dựng resort FLC Sầm Sơn, sau khi UBND tỉnh Thanh Hoá cho cho chủ trương đầu tư thì cũng cho phép FLC thực hiện các bước triển khai ngay dự án, như thống nhất với dân về mức giá đền bù, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng... và tiến hành đầu tư, xây dựng. Các loại hồ sơ, giấy phép còn thiếu thì cho phép doanh nghiệp hoàn thiện sau để cơ quan quản lý nhà nước “ký đuổi”.
Chính sách đột phá tương tự đang được áp dụng cho Dự án Đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Hiện Dự án mới có chủ trương đầu tư, chưa có báo cáo khả thi, chưa có quyết định đầu tư, nhưng đã thực hiện giải phóng mặt bằng, đền bù, tái định cư, nên chắc chắn giảm được rất nhiều thời gian.
Hy vọng những bài học kinh nghiệm quý này sẽ được nhân rộng ra cả nước, không chỉ áp dụng với dự án lớn, mà với tất cả doanh nghiệp.
Mạnh Bôn
(Theo Báo Đầu Tư)