Đó là chia sẻ của TS Lưu Bích Hồ – Nguyên Viện trưởng Viện chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) khi nhận định về những khó khăn, thách thức mà ngành chăn nuôi Việt Nam sẽ phải đối mặt khi gia nhập các hiệp định thương mại tự do trong thời gian tới.
Vốn đầu tư cho hạ tầng giao thông: Cần tạo thế cân bằng công - tư
- Cập nhật : 12/09/2015
(Tin kinh te)
Trong quá khứ, gánh nặng phát triển hạ tầng giao thông được đặt lên vai của Chính phủ. Thời gian gần đây, những cải cách thể chế đã đặt nền tảng cho sự tham gia của khu vực tư nhân trong lĩnh vực này. Đây được coi là một biện pháp nhằm gỡ “nút thắt” cho bài toán huy động vốn. Tuy nhiên, việc mất cân bằng giữa ngân sách nhà nước và nguồn vốn PPP đang là một “bài toán mới khó tìm lời giải”.
Ngày 7.9, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) phối hợp với Viện Kinh tế Việt Nam tổ chức hội thảo “Vấn đề phát triển hạ tầng giao thông: Nhu cầu và giải pháp”. Theo đó, trong giai đoạn 2016-2020, nhu cầu vốn cho các dự án đầu tư phát triển hạ tầng giao thông vận tải do Bộ GTVT trực tiếp quản lý khoảng 1.015 nghìn tỉ đồng. Trong khi đó, khả năng đáp ứng nhu cầu từ các nguồn vốn ngân sách và có nguồn gốc ngân sách (vốn ngân sách nhà nước, trái phiếu chính phủ, ODA) dự kiến khoảng 28%. Thậm chí, theo kế hoạch đầu tư công 2016-2020 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư còn cho thấy, khả năng ngân sách chỉ đáp ứng khoảng 7% nhu cầu (66.000 tỉ đồng). Đây là con số khá khiêm tốn.
Lý giải cho nguyên nhân này, ông Huỳnh Thế Du - Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright - cho rằng, hiện nay, việc phân bổ ngân sách ở Việt Nam chưa hợp lý, đang đi ngược lại xu thế chung của thế giới khi đầu tư quá nhiều cho các địa phương vùng sâu, vùng xa. “Quy chế phân bổ ngân sách của Việt Nam tập trung vào khía cạnh “công bằng”, chính điều này khiến các địa phương vùng sâu, vùng xa có “cớ” để xin ngân sách cũng như đưa ra nhiều công trình, dự án không hiệu quả” - ông Du nhấn mạnh. Bên cạnh đó, đại diện của Fulbright cũng cho rằng, thời gian qua, Việt Nam đã sử dụng lãng phí một nguồn vốn không nhỏ cho các công trình hạ tầng giao thông không trọng yếu, chính điều này đã làm “mất đi cơ hội” của các công trình thực sự có giá trị về kinh tế, chính trị, xã hội.
Đồng tình với quan điểm này, GS-TSKH Lã Ngọc Khuê - nguyên Thứ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải - cho rằng, hạ tầng giao thông ở nước ta là một hệ thống hết sức mất cân đối, không đồng bộ, lủng củng; ngân sách nhà nước đầu tư quá nhiều cho đường bộ, trong khi đường thủy, đường sắt thì quá yếu kém.
Bảo lưu quan điểm nguồn vốn ngân sách phải đóng vai trò chủ đạo, ông Huỳnh Thế Du thẳng thắn: “Trong hai thập kỷ qua, một nguồn vốn rất lớn đã dành để đầu tư cho cơ sở hạ tầng giao thông. Vấn đề của Việt Nam hiện nay không phải là vốn, mà là việc sử dụng các nguồn vốn và cách thức phát triển hạ tầng giao thông chưa thực sự hợp lý và hiệu quả”.
PPP có phải là cứu cánh?
Trong bối cảnh huy động nguồn vốn khó khăn, không thể phủ nhận những lợi ích mà mô hình hợp tác công - tư (PPP) mang lại. Đây là một chính sách phù hợp các quốc gia có ngân sách hạn chế và nợ công lớn như Việt Nam, giảm bớt gánh nặng tài chính cho Chính phủ, sử dụng được thế mạnh khu vực tư nhân để mang lại dịch vụ tốt với giá cả hợp lý… Nhưng, PPP liệu có ít rủi ro?
Theo ông Nguyễn Danh Huy - Ban Quản lý đầu tư các dự án đối tác công tư (Bộ GTVT) - thì, mô hình PPP không chỉ đơn thuần có những ưu điểm, mà luôn tồn tại những nguy cơ nếu không có cơ chế giám sát rõ ràng, minh bạch cũng như luận chứng kinh tế kỹ thuật hợp lý thì dự án PPP có thể gây thiệt hại cho cộng đồng nếu Nhà nước nhượng bộ quá nhiều hoặc doanh nghiệp thu quá nhiều trong thời gian quá dài hoặc cạnh tranh không lành mạnh… Bên cạnh đó, nó còn ảnh hưởng đến khả năng lựa chọn các dịch vụ cơ bản của người dân nếu Nhà nước xã hội hóa toàn bộ các dịch vụ công và không thực chất nếu nguồn vốn ngân sách được sử dụng để tham gia đầu tư dưới danh nghĩa lĩnh vực tư nhân.
Ông Huy cũng lưu ý, hiệu quả của một dự án PPP chỉ có thể được phát huy nếu được phối hợp tốt với các dự án khác, bởi vậy, mặc dù các dự án PPP được xem xét một cách cụ thể thì cũng cần được cân nhắc trong một bối cảnh tổng thể gồm nhiều dự án khác và có cơ chế phối hợp một cách tốt nhất.
Tuy nhiên, việc cung ứng năng lực kết cấu hạ tầng giao thông là một dịch vụ công thuộc trách nhiệm của Nhà nước, nhưng người chi trả cuối cùng lại là nhân dân, nên cần xây dựng cơ chế để người dân được quyền tham gia giám sát.