Việt Nam chịu ảnh hưởng gì sau cú sốc Brexit?
Những tác động của Brexit tại Việt Nam đã xảy ra gần như đồng thời với các thị trường tài chính trong khu vực, trái với dự báo của giới chuyên gia.
Cuối cùng 52% công dân Anh đã bỏ phiếu đồng thuận để nước anh rời khỏi Liên minh Châu Âu (EU). Hầu hết các thị trường gần như phản ứng ngay lập tức trước sự kiện này, gây ra thiệt hại nặng nề. Theo đó, chỉ tính riêng 7 ngày sau sự kiện Brexit (việc Anh rời khỏi EU), giá trị tài sản trên các thị trường chứng khoán toàn cầu từ Dow Jones, DAX, CAC 40, FTSE 250 cho đến Nikkei 225 đã bốc hơi một lượng vốn gần bằng tổng dự trữ ngoại hối của Trung Quốc, tức tương đương gần 3.250 tỉ USD.
Tại Việt Nam, những tác động của Brexit đã bắt đầu ảnh hưởng trực tiếp đến thị trường liên ngân hàng và gián tiếp đến khối doanh nghiệp xuất khẩu. Những tác động này, theo ghi nhận của NCĐT, đã xảy ra gần như đồng thời với các thị trường tài chính khác trong khu vực, chứ không phải diễn ra với độ trễ nhất định như giới chuyên gia kinh tế dự báo trước đó.
Brexit tác động đầu tiên và trên diện rộng lên trạng thái ngoại tệ, vốn nằm dưới sự quản lý của khối nguồn vốn tại hầu hết các ngân hàng thương mại cổ phần. Thông thường, các ngân hàng điều chỉnh trạng thái ngoại tệ (theo quy định của Thông tư 07, có giá trị bằng 20% tổng vốn tự có của các tổ chức tín dụng) có thể dương (mua vào ngoại tệ) hoặc âm (bán ra lượng ngoại tệ) trong hạn mức và biên độ quy định tùy thuộc vào diễn biến lãi suất, tỉ giá và kế hoạch tín dụng của từng ngân hàng. Từ lâu, doanh thu từ kênh kinh doanh ngoại hối thường giúp các ngân hàng thu về một khoản lợi nhuận quan trọng, nhất là trong trường hợp thanh khoản thị trường trái phiếu bị thu hẹp.
Theo nhận định của Tiến sĩ Bùi Quang Tín, Đại học Ngân hàng TP.HCM, kinh doanh ngoại hối của các ngân hàng chủ yếu đến từ một số mảng: dịch vụ môi giới mua bán ngoại tệ (mua của khách hàng có nhu cầu bán và bán ngay cho người mua để hưởng chênh lệch và giữ nguyên trạng thái ngoại tệ); có thể lấy từ nguồn USD huy động từ khách hàng rồi bán lại cho người mua; giao dịch ngoại tệ phái sinh.
Các giao dịch mua bán ngoại tệ làm phát sinh đồng thời cả trạng thái ngoại tệ và trạng thái luồng tiền. Khi ngân hàng dự báo đồng USD sẽ tăng giá, khối nguồn vốn của họ chủ động duy trì trạng thái dương (long position) và chấp nhận mất chi phí giá vốn trong vài ngày, sau đó sẽ bán lại cho khách hàng cần USD hoặc bán trên thị trường liên ngân hàng nhằm hưởng chênh lệch. Trước sự kiện Brexit, hầu hết các ngân hàng đã “thẩm thấu” tác động của sự kiện này vào trạng thái ngoại tệ của họ.
Khối ngân hàng vẫn tiếp tục mua vào USD nhằm gia tăng lợi nhuận từ kinh doanh ngoại hối - Ảnh: Quý Hoà
Lướt qua báo cáo tài chính trong 3 tháng đầu năm nay của khối ngân hàng, trong bối cảnh tỉ giá trung tâm ổn định, các ngân hàng đã lãi lớn từ hoạt động kinh doanh ngoại hối. Tổng lợi nhuận từ hoạt động này trong quý I đối với nhóm dẫn đầu thị trường gồm BIDV, VietinBank, Vietcombank đạt gần 880 tỉ đồng, với mức tăng trưởng trung bình gấp 3 lần năm ngoái. Còn đối với nhóm còn lại thị trường như Techcombank, VIB đều đã lội ngược dòng ngoạn mục từ mức lỗ ròng chuyển sang thặng dư trong những tháng đầu năm nay.
Trong những ngày tiếp theo, để giảm sức ép lên tỉ giá, Ngân hàng Nhà nước đã nhanh chóng ra quyết sách điều chỉnh thị trường nhằm ngăn chặn hành vi đầu cơ ngoại tệ đang có xu hướng gia tăng. Lượng tiền mặt tương đương 5.000 tỉ đồng đã được Ngân hàng Nhà nước hút vào thông qua việc phát hành thành công tín phiếu kỳ hạn 1 tuần ở mức 1,75%/năm. Mục đích là hạn chế một phần lượng tiền mặt bằng đồng nội tệ trong lưu thông. Tuy vậy, khối ngân hàng vẫn tiếp tục duy trì trạng thái ngoại tệ dương (mua vào USD) nhằm gia tăng lợi nhuận có được từ hoạt động kinh doanh ngoại hối đã có từ đầu năm, nhất là khi tỉ giá VND/USD được nhận định sẽ giữ xu hướng tăng.
Trong một diễn biến khác, VND từ đầu năm đã tăng giá liên tục khoảng 0,9% so với USD (theo báo cáo của Công ty Chứng khoán Maybank Kim Eng). Điều này tạo tác động mang tính cộng hưởng, khiến tâm lý của hệ thống ngân hàng nghiêng về phỏng đoán VND sẽ chấm dứt đà tăng đã thiết lập trong 6 tháng qua và đảo chiều.
Theo nhận định của Công ty Chứng khoán Bảo Việt, ngoài việc Ngân hàng Nhà nước tiếp tục chủ động điều tiết cung cầu tiền đồng trên thị trường, không ngoại trừ khả năng thời gian tới, cơ quan chủ quản sẽ điều hành tỉ giá theo hướng hỗ trợ cho doanh nghiệp xuất khẩu và duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng. Dự báo này cũng nhận được sự đồng thuận của hầu hết các chuyên gia phân tích kinh tế, khi một trong những tác động lớn nhất từ sự kiện Brexit chính là việc có thể khiến doanh thu xuất khẩu của Việt Nam suy giảm.
Hiện tại, tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam vào Anh đạt tăng trưởng kép gần 17% trong giai đoạn 2008-2015, đạt kỷ lục 4,65 tỉ USD trong 6 tháng đầu năm nay và tương đương tỉ trọng 15% giá trị xuất khẩu của Việt Nam vào khu vực EU.
Trong khi giới lãnh đạo các ngân hàng thương mại đang quan sát động thái tiếp theo của cơ quan điều hành thì nguy cơ từ Brexit tác động cả trong ngắn và dài hạn trên thị trường chứng khoán đã hiện rõ, khi có 3 phiên giao dịch liên tiếp tràn ngập sắc đỏ trên cả 2 sàn, làm bốc hơi 30.000 tỉ đồng. Có lý do đằng sau cú sốc tâm lý này. Đó là vì nhà đầu tư lo ngại thiệt hại kép đến từ cơ cấu tín dụng ngoại tệ trong tổng nợ vay của các doanh nghiệp niêm yết.
Toàn thị trường, trong danh sách 70 công ty hàng đầu trải dài trên các lĩnh vực xi măng, điện, xuất khẩu thủy sản, tính đến cuối năm ngoái, 10% khoản vay là nợ bằng ngoại tệ. Đến thời điểm hiện tại, số nợ vay ngoại tệ này không có biến động nhiều. Đáng chú ý, Nhiệt điện Phả Lại (PPC) có khoản vay 20,4 triệu yen. Hoàng Anh Gia Lai và Vingroup có khoản vay ngoại tệ cao nhất, lần lượt gần 360 triệu USD và 320 triệu USD. Tổng cộng khoản nợ bằng ngoại tệ của tốp 70 công ty niêm yết lên tới gần 1,9 tỉ USD. Giả sử Brexit khiến tỉ giá VND/USD tăng 1%, thiệt hại từ dự phòng rủi ro chi phí vốn vay và sự “đắt lên” của tổng giá trị khoản vay tại các doanh nghiệp này là không hề nhỏ.
An Cầm
(Theo Nhịp Cầu Đầu Tư)