Đây là nội dung tóm tắt về Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) do Bộ Công thương soạn thảo và công bố trên trang web của Bộ, Tin kinh Tế xin đăng lại để bạn đọc tiện tham khảo.
Tiến trình giảm thuế theo các cam kết mà Việt Nam đã ký kết
- Cập nhật : 08/02/2016
(Tin kinh te)
Bài viết tổng hợp tiến trình giảm thuế theo các cam kết mà Việt Nam đã ký kết trong thời gian qua, khái quát các mức giảm thuế Việt Nam đã, đang và sẽ thực hiện trong thời gian tới.
Cam kết WTO
Việt Nam cam kết loại bỏ dần thuế nhập khẩu đối với nông sản trong vòng 3-5 năm kể từ khi ngày chính thức gia nhập WTO (ngày 1/11/2007). Việc giảm thuế đã hoàn thành trong giai đoạn 2009-2012 với nhiều loại sản phẩm khác nhau.
Về sản phẩm thuộc phân ngành nông nghiệp: Thuế suất áp dụng trung bình đối với ngành nông nghiệp là 23.5% cho giai đoạn đầu mới gia nhập và thuế suất cuối cùng là 20%. Cam kết cắt giảm thuế trong giai đoạn từ 3-5 năm đối với tổng số 1118 dòng thuế.
Các ngành hưởng lợi từ việc gia nhập WTO là những ngành định hướng xuất khẩu vì các ngành này sẽ có cơ hội mở rộng thị trường, như cà phê, gạo, tiêu, điều, cao su, sản phẩm gỗ…
Ngược lại, các ngành không bị ảnh hưởng như ngô, lạc, và tằm và chịu bất lợi bao gồm gia súc, thức ăn gia súc, mía đường, thực phẩm chế biến, trái cây ôn đới, và các loại trái cây họ cam quýt.
Về lâm sản: Việt Nam cam kết giảm thuế đối với 69 sản phẩm thuộc 15 phần về lâm sản, trong đó, 47 sản phẩm thuộc 12 phần quy định tại Chương 44, và 22 sản phẩm thuộc 3 phần quy định tại Chương 94. Hạn cuối cùng để giảm thuế đối với lâm sản là năm 2012.
Thuế suất giảm xuống thấp nhất là còn 10% (theo phần HS 4410, 4411 và 4412) và cao nhất lên đến 50% (khảm gỗ, gỗ dát; quan tài, đồ trang sức, tượng nhỏ và đồ trang trí bằng gỗ, các sản phẩm gỗ khác ngoài phần MS 4420).
Về thủy sản: Việt Nam cam kết điều chỉnh 159 dòng thuế thuộc 9 phần sản phẩm nuôi trồng thủy sản, chủ yếu thuộc Chương 3 (7 phần), và Chương 6 (2 phần).
Thuế suất trung bình cho tất cả các sản phẩm nuôi trồng thủy sản sẽ giảm 12,1%, từ mức 32,2% tại thời điểm cam kết giảm xuống còn 20,1%. Thời gian điều chỉnh trong vòng 5-7 năm kể từ khi chính thức gia nhập.
Cụ thể, trong 159 dòng thuế cắt giảm, có 9 dòng trong năm 2009, 72 dòng trong năm 2010 (chiếm 44%), 37 dòng trong năm 2011, 34 dòng trong năm 2012 – kết thúc lộ trình cắt giảm, và chỉ còn 7 dòng cần cắt giảm trong năm 2014.
Cam kết phi thuế quan: Việt Nam cam kết loại bỏ hoàn toàn các hàng rào phi thuế quan (bao gồm cả lệnh cấm nhập khẩu, hạn ngạch nhập khẩu, giấy phép nhập khẩu), trừ hạn ngạch nhập khẩu đối với 4 loại sản phẩm, gồm đường, muối, trứng gia cầm, thuốc lá chưa chế biến (Bảng).
Bảng: Cam kết về hạn ngạch thuế quan của Việt Nam
Mục | Lượng hạn ngạch ban đầu | Thuế (%) | Ghi chú | ||||||
Trong hạn ngạch | Ngoài hạn ngạch | ||||||||
1. Trứng gà nguyên vỏ, sống, bảo quản hoặc nấu chín | 30,000 | 40 | 80 | Mức tăng hạn ngạch hàng năm là 5% | |||||
2. Đường mía và Đường củ cải | 55,000 MT | Mức tăng hạn ngạch hàng năm là 5% | |||||||
+ Đường mía | 25 | 85 | Giảm từ 30% xuống 25% vào năm 2009. | ||||||
+ Đường trắng | 60 (50% cho đường củ cải | 85 | Mức tăng hạn ngạch hàng năm là 5% | ||||||
3. Thuốc lá chưa chế biến, phụ phẩm thuốc lá | 31,000 MT | 30 | 80 -90 | Mức tăng hạn ngạch hàng năm là 5% | |||||
4. Muối | 150,000 MT | Mức tăng hạn ngạch hàng năm là 5% | |||||||
+ Muối ăn | 30 | 60 | |||||||
+ Muối biến tính | 15 | 50 | |||||||
Nguồn: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (2013)
Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA/AFTA)
Việt Nam gia nhập và thực hiện các cam kết về thuế quan ưu đãi theo AFTA (gần đây là ATIGA) vào năm 1996, và về cơ bản đã hoàn thành việc cắt giảm thuế nhập khẩu xuống còn 0-5% vào năm 2006.
Vào tháng 01 năm 2006, 96.2% số dòng thuế nhập khẩu đã giảm xuống còn 0-5%.
Các mặt hàng ưu đãi trong hội nhập kinh tế bao gồm: gỗ và sản phẩm gỗ, cao su, thủy sản nuôi trồng. Thuế suất cho những mặt hàng này đã được dỡ bỏ vào năm 2012, thay vì năm 2015 để thúc đẩy thương mại tự do.
Biểu cắt giảm thuế đối với các mặt hàng nhạy cảm (gồm 89 dòng) bắt đầu từ năm 2004 và đạt mức cao nhất còn 5% vào năm 2013 (trừ đường vào năm 2010). Hiện tại, Việt Nam đã hoàn thành cơ bản cam kết mở cửa thị trường nông nghiệp trong nhóm ASEAN.
Hiệp định thương mại tự do ASEAN-Trung Quốc (ACFTA)
Trong hiệp định ACFTA, Việt Nam đã cam kết lịch trình cắt giảm và miễn thuế trong 3 nhóm hàng: (1) chương trình thu hoạch sớm; (2) thuế suất thường; và (3) thuế suất nhạy cảm. Do trình độ phát triển thấp hơn, Việt Nam có thể thực hiện các lộ trình cắt giảm dài và linh hoạt hơn so với Trung Quốc và các nước thành viên ASEAN 6.
Chương trình thu hoạch sớm (EHP) là một chương trình thuế quan ưu đãi quy mô nhỏ thực hiện từ năm 2004, ngay sau Hiệp định khung về Hợp tác Kinh tế toàn diện ASEAN-Trung Quốc. EHP bao gồm các nông sản chưa qua chế biến (từ Chương 1 đến Chương 8 trong biểu thuế nhập khẩu), mà ASEAN 6 sẽ thực hiện bỏ thuế trong vòng 3 năm còn Việt Nam sẽ bỏ thuế trong vòng 5 năm (từ năm 2004).
Theo đó, từ ngày 01 tháng 01 năm 2006, Trung Quốc và ASEAN 6 áp dụng thuế suất bằng 0% trên tất cả các sản phẩm liệt kê trong EHP. Việt Nam bắt đầu bỏ mọi thuế suất từ ngày 01 tháng 01 năm 2008.
Theo Lộ trình thông thường (NT), Việt Nam đã cam kết giảm 85% các dòng thuế xuống 0% trong giai đoạn 2005-2015, với một số dòng được phép linh hoạt tới năm 2018. Trung Quốc và ASEAN 6 sẽ cắt giảm thuế suất xuống 0% vào năm 2010.
Danh mục nhạy cảm gồm 388 phân nhóm HS 6 số (Phụ lục 1 Biên bản ghi nhớ), khoảng trên 1,000 phân nhóm 8 chữ số, chủ yếu là trứng gia cầm, đường, thuốc lá và các sản phẩm công nghiệp. Không có lộ trình cắt giảm thuế cụ thể cho từng năm đối với hàng hóa thuộc ST mà chỉ giới hạn ở mức thuế suất cuối cùng và năm thực hiện, cụ thể đối với Việt Nam như sau: i) Danh mục nhạy cảm: sẽ áp thuế suất 20% vào năm 2015 và giảm xuống còn 0 - 5% vào năm 2020; và ii) Danh mục nhạy cảm cao: gồm 140 phân nhóm HS 6 số hoặc ít hơn sẽ có thuế suất 50% vào năm 2018.
Hiệp định thương mại tự do ASEAN - Hàn Quốc (AKFTA)
Hiệp định khung AKFTA ký tháng 12 năm 2005, nhằm thiết lập một khu vực thương mại tự do vào năm 2010. Nội dung bao gồm thương mại tự do về hàng hóa, dịch vụ và đầu tư, cộng tăng cường hợp tác kinh tế trong các lĩnh vực khác nhau. Thỏa thuận về hàng hóa ký tháng 08 năm 2006, chính thức có hiệu lực đối với Việt Nam từ ngày 01 tháng 06 năm 2007.
Theo NT, biểu cắt giảm thuế đối với Việt Nam là: 0 - 5% vào năm 2016 (khoảng 85% số dòng thuế), và một số dòng thuế sẽ được cắt giảm xuống 0% vào năm 2018 (khoảng 90% số dòng thuế). Thời gian hiệu lực đối với ASEAN 5 là năm 2010, đối với Căm-pu-chia, Lào, Myanmar và Việt Nam là năm 2018.
Danh mục nhạy cảm bao gồm 2,137 mặt hàng, chiếm 10% số dòng thuế (khoảng 25% nhập khẩu từ Hàn Quốc năm 2005), được chia thành 2 nhóm: Danh mục nhạy cảm (SL) và Danh mục nhạy cảm cao (HSL). SL có 844 mặt hàng, trong đó thuế suất sẽ giảm xuống còn 20% trong năm 2007 và 5% năm 2021.
Danh mục nhạy cảm cao gồm 1,282 mặt hàng, được chia thành 5 nhóm:
- Nhóm A bao gồm 108 dòng thuế, sẽ giảm xuống còn 50% năm 2021;
- Nhóm B bao gồm 378 dòng thuế, thuế suất cơ bản sẽ giảm 20% vào năm 2021;
- Nhóm C, thuế suất cơ bản giảm 50% vào năm 2021;
- Nhóm D gồm 28 dòng thuế áp dụng hạn ngạch thuế quan;
- Nhóm E gồm 768 dòng thuế, ngoại trừ tối đa 40 dòng thuế (HS 6 số).
Trong Hiệp định AKFTA, nhiều sản phẩm có thể áp dụng hạn ngạch thuế quan, như tôm đông lạnh ((HS 0306131000, 0306139000): 5,000 tấn; tôm tươi (HS 0306231000): 300 tấn; mực (HS 0307491010): 2,000 tấn; tôm luộc (HS 1605209090): 2,000 tấn, được miễn thuế; sắn (HS 0714101000, 0714102010, 0714102090, 0714103000, 0714104000): 25,000 tấn với thuế suất 20%; tinh bột sắn (HS 1108140000): 9,600 tấn với thuế suất 9 %.
Hiệp định thương mại tự do ASEAN - Nhật Bản (AJFTA)
Trong Hiệp định ưu đãi có hiệu lực chung ASEAN-Nhật Bản (AJCEP), danh sách cam kết của Việt Nam gồm 9,390 dòng thuế dựa trên Danh mục thuế quan hài hòa ASEAN (AHTN); trong đó 8,771 dòng thuế (93.4%) trong biểu cắt giảm, hơn 600 dòng trong biểu không cắt giảm thuế liên quan đến sản phẩm công nghiệp.
Danh sách cam kết về thuế nhập khẩu của Việt Nam trong AJCEP được chia thành 5 loại: NT, ST, HST, Các nhóm ngoại lệ không tham gia cắt giảm và Danh mục loại trừ.
NT (88.6% số dòng thuế) gồm chủ yếu là hàng hoá là nguyên liệu sản xuất (cây trồng, chăn nuôi, hạt, rau, trái cây sử dụng làm giống), vật liệu cho công nghiệp chế biến (đậu tương, ...) và hàng hóa do sản xuất trong nước cung ứng một phần, còn một phần từ nhập khẩu (dầu thực vật chưa chế biến, sữa bột thô, bột dinh dưỡng dùng cho y tế, ...), với thuế suất hiện hành từ 10-15%, và mức này sẽ giảm tiếp xuống 0% trong vòng 10 năm;
Lộ trình nhạy cảm (0.6% số dòng thuế), gồm các sản phẩm chế biến sử dụng thịt, cá, rau, trái cây với thuế suất cao 20-50%, sẽ cắt giảm xuống 0% trong 15 năm;
Lộ trình nhạy cảm cao (0.8% số dòng thuế), gồm sản phẩm cao cấp (rượu, bia), thuế suất chỉ giảm 50% so với mức hiện hành;
Lộ trình không miễn trừ (3.3% số dòng thuế) gồm chủ yếu là các sản phẩm công nghiệp; và
Danh mục loại trừ (6% số dòng thuế) gồm các sản phẩm khác nhau, như đường.
Việt Nam cam kết loại bỏ 62.2% dòng thuế trong vòng 10 năm; trong đó, 26.3% dòng thuế bỏ ngay sau khi Hiệp định có hiệu lực vào năm 2008; và 38.8% dòng thuế sẽ được bỏ vào năm 2018.
Năm 2025, 88.6% dòng thuế trong toàn bộ danh mục thuế sẽ được bỏ. Đối với các sản phẩm thuộc Danh mục nhạy cảm, thuế suất được giữ ở mức cơ bản và giảm xuống còn 5% vào năm 2025.
Đối với các sản phẩm thuộc Danh mục nhạy cảm cao, thuế suất thuế sẽ được giữ ở mức cao, sau đó giảm xuống còn 50% trong năm 2023.
Hiệp định thương mại tự do ASEAN – Úc - Niu Di-lân
Theo AANZFTA, Việt Nam cam kết sẽ loại bỏ 90% dòng thuế trong 2018-2020 thuộc NT; 7% tổng số dòng thuế thuộc SL, trong đó thuế suất sẽ được giảm xuống còn 5% vào năm 2022, và thuế suất thuộc HSL sẽ được giảm xuống còn từ 7-50% vào năm 2022. Danh mục loại trừ chung (GEL) bao gồm 3% tổng số dòng thuế.
Úc, Niu Di-lân và các nước ASEAN-6: 90% dòng thuế sẽ là 0% vào năm 2015, với một số linh hoạt tới năm 2020.
Theo quan điểm của Việt Nam, mức cắt giảm thuế đối với phần lớn sản phẩm đến năm 2012 là khá nhỏ, thể hiện qua sự khác biệt không đáng kể so với mức ban đầu (là thuế suất tối huệ quốc (MFN) năm 2007). Tuy nhiên, từ năm 2015, lộ trình giảm thuế của Việt Nam sẽ phải tăng tốc.
Đối với Úc và Niu Di-lân, vì thuế suất áp dụng của các quốc gia này đã rất thấp (ngay cả khi chưa có AANZFTA, khoảng 87% giá trị xuất khẩu của Việt Nam sang Úc được hưởng thuế nhập khẩu 0%), tác động cắt giảm thuế của hai quốc gia này theo AANZFTA hầu như không đáng kể.
Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN - Ấn Độ
Do chính sách bảo hộ cao của Ấn Độ, mức độ cắt giảm thuế trong Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN - Ấn Độ (AITIG) khác với các hiệp định ASEAN+ khác. Theo AITIG, lộ trình cắt giảm thuế được phân biệt thành năm nhóm có thời hạn và mức giảm thuế khác nhau, bao gồm NT, SL, HSL, Danh mục đặc biệt, và GEL. Là một trong những thành viên mới của ASEAN (CLMV), Việt Nam có thể theo một lộ trình cắt giảm thuế dài hơn (5 năm) so với các nước ASEAN-6 và Ấn Độ.
NT của Việt Nam gồm 80% dòng thuế, sẽ được giảm xuống 0% vào ngày 31 tháng 12 năm 2017. Trong đó, 9% tổng số dòng thuế sẽ được giảm xuống 0% có linh hoạt cho đến ngày 31 tháng 12 năm 2020 (NT2). SL chiếm 10% tổng số dòng thuế, với thuế suất giảm xuống còn 5% hoặc thấp hơn vào ngày 31 tháng 12 năm 2020 (đối với nhóm ASEAN-6 và Ấn Độ, thời hạn là năm 2015). 4% dòng thuế trong SL sẽ được loại bỏ vào ngày 31 tháng 12 năm 2023. 50 dòng thuế có thuế suất MFN là 5% sẽ không đổi. Các dòng thuế còn lại được cắt xuống còn 4.5% ngay sau khi Hiệp định có hiệu lực và xuống còn 4% vào ngày 31 tháng 12 năm 2015 đối với nhóm ASEAN-6, trong khi các nước CLMV phải thực hiện đầy đủ những cam kết tương tự vào ngày 31 tháng 12 năm 2020.
Danh mục đặc biệt gồm một số mặt hàng nhạy cảm cao của Ấn Độ, vốn là hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Trước yêu cầu của Việt Nam, Ấn Độ đồng ý giảm thuế xuống còn 45% cho mặt hàng cà phê và trà đen, và 50% cho sản phẩm tiêu vào ngày 31 tháng 12 năm 2018.
HSL gồm 244 dòng thuế chia thành ba nhóm: (i) nhóm giảm xuống còn 50%; (ii) nhóm giảm 50%; và (iii) nhóm giảm 25%. Thời hạn hoàn thành là ngày 31 tháng 12 năm 2023.
GEL có 485 dòng thuế, gồm các mặt hàng được loại khỏi diện cắt giảm. Trong danh mục này, Ấn Độ vẫn giữ không cắt giảm 489 dòng thuế, chiếm 5% giá trị thương mại. Với quy mô loại trừ lớn như vậy, GEL gồm hầu hết các sản phẩm mà Việt Nam lựa chọn bảo hộ.
Tương tự như các hiệp định FTA khác, việc cắt giảm thuế của Việt Nam trong những năm đầu (sau khi kí hiệp định) là khá chậm. Tuy nhiên tốc độ cắt giảm sẽ đẩy mạnh vào cuối lộ trình.
Hiệp định đối tác kinh tế Việt Nam - Nhật Bản
Là hiệp định FTA song phương đầu tiên mà Việt Nam ký kết, Hiệp định Đối tác Kinh tế Việt Nam-Nhật Bản (VJEPA) có phạm vi toàn diện, gồm các quy định về thương mại hàng hoá, thương mại dịch vụ, đầu tư, sở hữu trí tuệ, cạnh tranh, mua sắm chính phủ và lĩnh vực hợp tác kinh tế khác. Hiệp định được ký vào tháng 12 năm 2008 và có hiệu lực từ ngày 1 tháng 10 năm 2009. Cam kết thuế quan giữa Việt Nam và Nhật Bản theo Hiệp định VJEPA dựa trên phương thức đề xuất-bản chào, thay vì theo một số mô hình cụ thể như trong các hiệp định FTA khác. Theo cam kết chung, Việt Nam đồng ý loại bỏ thuế của 87.66% của giá trị thương mại trong vòng 10 năm. Theo đó, Việt Nam đưa 8,873 trong số 9,390 dòng thuế vào Biểu cam kết (ngoại trừ 57 dòng của ô tô lắp ráp và 428 dòng không cắt giảm). Cụ thể, ngay sau khi Hiệp định có hiệu lực, Việt Nam đã phải cắt giảm 2,586 dòng thuế (chiếm 28% của tổng 9,390 dòng thuế trong Biểu cam kết) xuống 0%, chủ yếu là các sản phẩm hóa chất, dược phẩm và các sản phẩm điện tử. Năm 2019, 3,717 sản phẩm khác sẽ được giảm thuế xuống 0%, do đó danh mục mặt hàng miễn thuế lên 6,303, tức là chiếm 67% tổng số dòng thuế trong Biểu cam kết.
Rõ ràng, ưu đãi của Việt Nam dành cho Nhật Bản khá thấp so với ưu đãi mà các nước ASEAN dành cho Nhật Bản theo các hiệp định song phương với nước này. Các ngành chính Việt Nam chọn bảo hộ là: (i) đồ uống có cồn, xăng dầu; (ii) ô tô và phụ tùng, máy móc; (iii) sắt thép; (iv) hóa chất và dệt may; (v) nước giải khát, ô tô, xe máy.
Trong khi đó, Nhật Bản sẽ phải tự do hóa 94.5% giá trị thương mại trong vòng 10 năm. Xoá bỏ thuế ngay lập tức đối với 69.6% giá trị thương mại (tỷ lệ cao nhất trong số các EPA được ký giữa Nhật Bản và các nước ASEAN). Nhật Bản dành 1,638 dòng thuế ưu đãi cao nhất cho một số nước ASEAN. Đặc biệt, cam kết về nông sản là mở nhất so với cam kết với các nước ASEAN khác. Nhật Bản cam kết xóa bỏ thuế quan đối với 83.8% xuất khẩu nông sản của Việt Nam trong vòng 10 năm, đây cũng là cam kết cao nhất trong những EPA với các nước ASEAN.
Các sản phẩm từ Việt Nam được Nhật đảm bảo ưu đãi cao nhất (so với các nước ASEAN khác) bao gồm mật ong (với hạn ngạch hàng năm là 100 tấn, sẽ tăng dần lên 150 tấn; thuế suất trong hạn ngạch là 12.8%), gừng , tỏi, vải, sầu riêng, tôm và cua. Theo thống kê, 23 trong số top 30 sản phẩm nông, lâm và thủy sản xuất từ Việt Nam sang Nhật Bản sẽ được hưởng thuế suất 0% ngay tức thì hoặc trong vòng 10 năm./.
An Nhi (tổng hợp)
Theo Kinh tế và Dự báo