Không phải Brexit, lạm phát mới là rủi ro lớn đối với tỷ giá
Đó là nhận định của Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) tại báo cáo chuyên đề về tác động của Brexit đối với tỷ giá vừa được phát hành.
Theo đó, sự kiện Anh quyết định ra khỏi Liên minh châu Âu (Brexit) vào ngày 24-6 vừa qua chưa gây quá nhiều áp lực đối với VND do chỉ làm tỷ giá hữu hiệu danh nghĩa tăng khoảng hơn 1% và vẫn nằm trong vùng an toàn.
Nhận định này cũng được hậu thuẫn bởi thực tế đồng Nhân dân tệ (CNY) chỉ mất giá khoảng 1% so với USD trong hai ngày 24-6 và 27-6, trước khi tăng giá trở lại vào ngày 28-6. Hai đồng tiền trong khu vực là đô la Singapore (SGD) và Bạt Thái Lan (THB) có mối tương quan mạnh với VND cũng chỉ mất giá ở biên độ hẹp so với USD. Đà giảm của đồng EUR cũng được trung hòa phần nào bởi diễn biến tăng mạnh của đồng Yên Nhật (đều nằm trong giỏ 8 đồng tiền tham chiếu của cơ chế tỷ giá trung tâm).
Khối phân tích và tư vấn đầu tư của BVSC đưa ra nhận định, xu hướng leo thang trở lại của lạm phát mới là yếu tố rủi ro đáng lưu ý và gây áp lực lớn đến tỷ giá. Mặc dù tỷ giá hữu hiệu danh nghĩa vẫn nằm trong vùng an toàn, nhưng tỷ giá hữu hiệu thực đã lên xấp xỉ ngưỡng 106. Trong quá khứ, đây là vùng “đáng lưu ý” đối với khả năng điều chỉnh tỷ giá của NHNN. Nếu NHNN không hành động kịp thời, các doanh nghiệp xuất khẩu sẽ chịu tác động tiêu cực và từ đó ảnh hưởng đến đà tăng trưởng của nền kinh tế.
Theo đó, NHNN có 2 sự lựa chọn (có thể thực hiện tách biệt hoặc đồng thời), một là chủ động điều chỉnh giảm giá VND, hai là giảm bớt cung tiền trong lưu thông để ổn định lạm phát trong 6 tháng cuối năm 2016.
Cách 1 sẽ có tác động tức thời – BVSC cho rằng nên áp dụng cách 1 nếu tỷ giá hữu hiệu thực tiếp tục tăng lên trên ngưỡng 106 trong thời gian tới.
Cách 2 có thể khiến mặt bằng lãi suất tăng lên nhưng lại có hiệu quả lâu dài hơn khi có thể kiểm soát lạm phát, giúp thu hẹp khoảng cách giữa tỷ giá hữu hiệu thực và tỷ giá hữu hiệu danh nghĩa, giúp NHNN chủ động hơn trong điều chỉnh tỷ giá để hỗ trợ xuất khẩu.
NHNN nên bắt đầu áp dụng cách thứ 2 với liều lượng phù hợp nếu khoảng cách tỷ giá hữu hiệu thực và tỷ giá hữu hiệu danh nghĩa tiếp tục nới rộng và vượt quá 3%.
Báo cáo của BVSC cho rằng, cần có những cam kết tôn trọng các lực lượng thị trường từ phía NHNN để cơ chế tỷ giá trung tâm phản ánh tốt hơn các dòng chu chuyển vốn và các hoạt động kinh tế giữa Việt Nam và các đối tác chủ chốt. Thực tế diễn biến trong 6 tháng đầu năm 2016 cho thấy về cơ bản NHNN vẫn hoàn toàn neo vào USD trong xác định tỷ giá trung tâm. Thay đổi trong tỷ giá hàng ngày quá nhỏ, không phản ánh được nhiều những thay đổi trong kỳ vọng của thị trường, đặc biệt ở những thời điểm có các thay đổi lớn trên thị trường ngoại hối quốc tế.
Ví dụ, trong trường hợp Mỹ nâng lãi suất, NHNN có thể bước đầu thử nghiệm dùng chính tỷ giá bình quân trên thị trường liên ngân hàng làm tỷ giá tham chiếu cho ngày hôm sau, trong khi vẫn có thể áp biên độ dao động của tỷ giá trong ngày giao dịch. Cơ chế này cũng đã được Trung Quốc áp dụng kể từ tháng 7-2005, thể hiện nỗ lực từng bước thả nổi tỷ giá của quốc gia này.
Các chuyên gia của BVSC nhận định, việc Fed nâng lãi suất trong thời gian tới sẽ là kiểm định quan trọng đối với cơ chế điều hành tỷ giá trung tâm của NHNN. Nếu thuần túy tiếp tục phụ thuộc quá nhiều vào USD trong ấn định tỷ giá trung tâm, VND sẽ rơi vào trạng thái lên giá danh nghĩa so với các đồng tiền khác. Điều này sẽ làm méo mó các hoạt động thương mại, đầu tư, và vay nợ của Việt Nam.
NHNN cần chủ động tham chiếu các đồng tiền khác trong rổ tiền tệ để có những điều chỉnh linh hoạt đối với tỷ giá trung tâm, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Khải Kỳ
(Theo Báo Hải Quan)