Từ là một trong những tập đoàn có tham vọng lớn trong lĩnh vực bất động sản, với hàng loạt kế hoạch đầu tư các "siêu" dự án tại Tp.HCM và Đà Nẵng, nhưng với "biến cố" Phạm Công Danh tương lai của những đại dự án này đang trở nên mù mịt.
Xét xử Đại án tại NH Xây Dựng chiều 19/7: Được tòa triệu tập nhưng đại diện nhiều ngân hàng, cá nhân không có mặt
- Cập nhật : 19/07/2016
Trong tổng số 156 cá nhân, tổ chức được triệu tập thì chỉ có 98 người/ tổ chức có mặt, danh sách vắng mặt có nhiều ngân hàng như BIDV, TPBank...
Đúng 14h chiều nay, phiên tòa sơ thẩm xét xử Đại án Phạm Công Danh và 35 đồng phạm làm thất thoát hơn 9.000 tỷ đồng tại Ngân hàng Xây dựng tiếp tục diễn ra.
Tòa tiếp tục gọi tên người có trách nhiệm, quyền lợi liên quan tham dự tòa.
Có 130 cá nhân, tổ chức là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan vụ án. Trong đó đáng chú ý có các doanh nhân và doanh nghiệp nổi tiếng.
Tòa cũng gọi tên Công ty cổ phần Tập đoàn Đức Long Gia Lai (Ông Đỗ Thanh).
Tại phiên tòa có sự tham dự của Bà Ngô Thu Lan đại diện cho nhóm Quốc Cường Gia Lai gồm bà Nguyễn Thị Như Loan, ông Nguyễn Quốc Cường, bà Nguyễn Ngọc Huyền My. Khi tòa mời đến tên ông Trần Qúy Thanh (ông chủ của Tân Hiệp Phát - nhóm Dr Thanh) thì bà Nguyễn Thị Thanh Thảo đứng lên, bà là đại diện ủy quyền của Phan Duy Hòa, Lê Thanh Trúc, Trần Qúy Thanh.
Bà Trần Ngọc Bích - đại diện nhóm bị Phạm Công Danh rút tiền 5.190 tỷ đồng không có chữ ký của chủ tài khoản - có mặt tham dự tại tòa.
Theo công bố của HĐXX, có 45 luật sư tham gia bào chữa trong vụ án này, trong đó có 32 luật sư bào chữa cho các bị cáo, còn lại bào chữa cho các bên có quyền lợi, trách nhiệm liên quan.
Sau phần thẩm tra tư pháp, người liên quan và bị cáo đều đứng dậy, riêng bị cáo Phạm Công Danh vì lý do sức khỏe nên tòa cho ngồi.
Các luật sư bào chữa cho Phạm Công Danh gồm: Phạm Trung Hoài, Nguyễn Văn Trung, luật sư Hải, và Bùi Thị Hồng Danh.
Trong tổng số 156 cá nhân, tổ chức được triệu tập thì chỉ có 98 người có mặt, danh sách vắng mặt có nhiều ngân hàng như BIDV, TPBank...Các luật sư đề nghị Tòa triệu tập thêm các bên liên quan trong đó có Quỹ Lộc Việt và các ngân hàng.
Trước ý kiến của các luật sư, đại diện Viện KSND TP.HCM cho biết, sẽ tiếp tục triệu tập những người có quyền và nghĩa vụ liên quan đến vụ án để làm rõ sự thật khách quan.
Một số luật sư còn yêu cầu HĐXX trả hồ sơ điều tra bổ sung vụ án. Nhưng theo Viện KSND, việc tách vụ án “Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” của Phạm Công Danh và các đồng phạm trong việc rút trên 6.000 tỉ đồng của VNCB, đem gửi tại 3 ngân hàng gồm BIDV, Sacombank, TPBank rồi dùng số tiền này bảo lãnh cho 29 công ty do Danh lập nên và nhập vào vụ “vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”; Tách vụ án “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” của 4 bị can nguyên là thành viên Tổ giám sát của Ngân hàng Nhà nước đặt tại VNCB gồm: Hà Tấn Phước, Lê Văn Thanh, Phạm Thế Tuân, Ngô Văn Thanh và các cá nhân có liên quan để tiếp tục điều tra không ảnh hưởng đến ̉̉quyền lợi cho bị cáo Danh. Viện KSND đề nghị HĐXX không chấp nhận đề nghị trả hồ sơ điều tra bổ sung của một số luật sư.
16h30, tòa tạm nghỉ. Ngày mai 20/7 tiếp tục xử án.
----------------------
Nội dung chính phiên tòa xét xử Đại án Phạm Công Danh sáng 19/7
- Sáng 19/7 khai mạc phiên tòa xét xử Phạm Công Danh và đồng phạm làm thất thoát 9.133 tỷ đồng của Ngân hàng Xây dựng (VNCB). Phiên tòa dự kiến kéo dài trong 3 tuần.
- Tổng cộng có 36 bị cáo, trong đó 20 bị cáo nguyên là nhân viên, lãnh đạo Ngân hàng Xây dựng. Các bị cáo còn lại đều là các Giám đốc, Tổng giám đốc các công ty đã giúp sức cho Danh. Một số bị cáo trong cùng một gia đình rơi vào vòng lao lý.
- Bị cáo Phạm Công Danh béo hơn nhưng già hơn nhiều so với thời điểm bị bắt vào năm 2014. Sức khỏe của bị cáo cũng có vẻ giảm sút khi tòa đang hỏi bị cáo khác phải cho bị cáo Phạm Công Danh vào gặp bác sĩ trong ít phút.
- Ngoài các bị cáo còn có 130 cá nhân, tổ chức là người có quyền và nghĩa vụ liên quan đến vụ án, trong đó có những doanh nhân nổi tiếng như ông Trần Quý Thanh, bà Trần Ngọc Bích, Trần Uyên Phương (tập đoàn Tân Hiệp Phát); bà Nguyễn Thị Như Loan; ông Nguyễn Quốc Cường (Công ty CP Nhà Quốc Cường). –
- Cả buổi sáng, HĐXX tiến hành thẩm tra lý lịch của các bị cáo và điểm danh những người có quyền, nghĩa vụ liên quan.
Thanh Thanh
Theo Trí thức trẻ/CafeF