Trong số 20 người cho biết họ và người thân từng bị trộm, cướp thì có đến 11 người nói bị “đứng như trời trồng”, không dám và không biết phải làm gì trong tình huống ấy.
Từ tay buôn vật liệu xây dựng đến Chủ tịch ngân hàng VNCB khét tiếng
- Cập nhật : 19/07/2016
Sau hàng loạt biến cố, cái tên “Thiên Thanh Group” và ông Phạm Công Danh vốn không có nhiều người biết đến, bỗng dưng trở thành tâm điểm chú ý của dư luận.
Từ ông chủ buôn vật liệu xây dựng
Sinh năm 1965 tại Quảng Ngãi, Phạm Công Danh có nhiều năm hoạt động trong ngành vật liệu xây dựng, sau đó nổi tiếng với vai trò Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Thiên Thanh.
Tiền thân của Tập đoàn Thiên Thanh là Hãng Gạch bông Hương Sơn được thành lập từ năm 1964 và hoạt động tại Quảng Ngãi. Từ năm 2000, tập đoàn này đổi tên và chuyển địa bàn hoạt động vào TP HCM sau đó phát triển mạng lưới trên toàn quốc.
Theo số liệu thống kê gần đây, Thiên Thanh có số vốn điều lệ 1.000 tỉ đồng, trong đó ông Phạm Công Danh sở hữu đến 80% vốn và một người khác là bà Quách Khánh Chi sở hữu 20%.
Ngoài lĩnh vực kinh doanh truyền thống là vật liệu xây dựng - trang thiết bị nội thất, Thiên Thanh lấn sâu vào các mảng khác như mua bán ô tô, đầu tư - kinh doanh bất động sản, tư vấn - đầu tư tài chính, du lịch - nhà hàng - khách sạn và các hoạt động kinh doanh khác.
Là một tập đoàn đa ngành, Thiên Thanh có hàng chục đơn vị trực thuộc ở nhiều tỉnh thành như Công ty TNHH Quốc tế Thiên Thanh; Khách sạn Thiên Thanh Tam Kỳ - Quảng Nam; Khách sạn Green Plaza Đà Nẵng; Salon Auto Thiên Thanh (TP HCM); Trung tâm Kinh doanh vật liệu xây dựng - trang thiết bị nội thất Thiên Thanh (TP HCM); Trung tâm Kinh doanh - Dịch vụ Ô tô Thiên Thanh (quận 10, TP HCM); Siêu thị Ô tô Thiên Thanh -Bình Dương; Trung tâm tư vấn đầu tư tài chính; Trung tâm giao dịch bất động sản; Tổ hợp TM-DV-KS Thiên Thanh Quảng Ngãi; Nhà hàng Thiên Thanh 27 Tú Xương (phường 6, quận 3, TP HCM); và các chi nhánh Hà Nội, Đà Nẵng, Quảng Ngãi,…
Sự kiện đình đám của Thiên Thanh vào năm 2011, tập đoàn này công bố sở hữu một loạt khu đất và triển khai rất nhiều dự án bất động sản như Khu phức hợp Thiên Thanh Plaza Đà Nẵng (tổng vốn dự kiến 750 triệu USD) trên nền sân vận động Chi Lăng cũ, Trung tâm Thương mại vật liệu xây dựng - trang thiết bị nội thất tại số 302 Tô Hiến Thành (TP HCM)...
Đến làm ông chủ ngân hàng khét tiếng
Có lẽ, mãi đến cuối năm 2012, vận may đã dẫn ông đến con đường hoạt động lĩnh vực ngân hàng. Chỉ trong một thời gian ngắn, đại gia Phạm Công Danh đã nhanh chóng trở thành thành viên rồi Chủ tịch HĐQT Ngân hàng VNCB.
Thiên Thanh xuất hiện với vai trò là nhóm cổ đông lớn tham gia tái cơ cấu Ngân hàng TMCP Đại Tín (TrustBank). Tại thời điểm này, TrustBank đang bị NHNN đặt vào tình trạng kiểm soát và mọi giao dịch có giá trị từ 5 tỷ đồng trở lên đều phải có ý kiến của Tổ giám sát - NHNN.
Ngay sau đó, phần lớn lãnh đạo cũ của TrustBank được thay thế bằng những người Tập đoàn Thiên Thanh tại kỳ đại hội cổ đông bất thường diễn ra hồi tháng 1/2013. Sau đó, Thiên Thanh và nhóm cổ đông tiếp tục "thổi" vốn cho TrustBank từ 3.000 tỉ đồng lên 7.500 tỉ đồng; đồng thời đổi tên thành Ngân hàng Xây dựng Việt Nam (VNCB) và thay đổi tôn chỉ hoạt động, tập trung phục vụ lĩnh vực xây dựng.
Hồi cuối tháng 3/2014, VNCB đã gây xôn xao thị trường khi cùng với Thiên Thanh ra mắt gói tín dụng 50 ngàn tỷ đồng cho BĐS với mục đích để kích cầu cũng như giải phóng hàng tồn kho BĐS, nhiều loại vật liệu xây dựng và tháo gỡ khó khăn cho các dự án dở dang… Tuy nhiên, ngay sau khi công bố, gói tín dụng này đã gặp nhiều tranh cãi và việc triển khai cũng không hề dễ dàng.
Bất ngờ không bao lâu sau, cuối tháng 7, đầu tháng 8/2014, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an công bố quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam bị can đối với ông Phạm Công Danh cùng một số đồng phạm khác.
Do có nhu cầu cần tiền để sử dụng, bằng việc lợi dụng nắm quyền chi phối và ở vị trí chủ tịch HĐQT VNCB, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Thiên Thanh, Phạm Công Danh đã chỉ đạo HĐQT, Ban điều hành và Ban kiểm soát VNCB, cấp dưới thuộc Tập đoàn Thiên Thanh và các chi nhánh VNCB, thực hiện hành vi phạm tội gây tổng thiệt hại cho VNCB hơn 9.000 tỉ đồng (rút ra của Ngân hàng Xây dựng tổng cộng 18.678 tỉ đồng).
Điều đáng nói là Phạm Công Danh đã dùng chính tiền của VNCB để mua lại ngân hàng này. Theo cáo trạng của Viện KSND tối cao, Danh đã chỉ đạo cấp dưới lập và duyệt hồ sơ cho 14 công ty (trong đó có 12 công ty thuộc Tập đoàn Thiên Thanh) vay hơn 5.000 tỉ đồng. Mục đích vay tiền là để Phạm Công Danh trả nợ do mua cổ phần Ngân hàng TrustBank của nhóm cổ đông trước đó, trả nợ vay cá nhân và chi tiêu nhiều khoản khác... gây thiệt hại hơn 2.000 tỉ đồng cho VNCB.
Đáng lưu ý là Cơ quan điều tra cũng phát hiện Phạm Công Danh trước khi làm Chủ tịch VNCB, ông chủ ngân hàng khét tiếng này cũng có tiền án là 6 năm tù với tội danh “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản XHCN”…
Sau khi kết thúc điều tra và cáo trạng truy tố 36 bị can giai đoạn I, cơ quan cảnh sát điều tra tiếp tục thực hiện giai đoạn II của vụ án đặc biệt nghiêm trọng này. Dự kiến từ ngày 19/7 đến 18/8 sẽ đưa ra xét xử bị cáo Phạm Công Danh (51 tuổi) - nguyên chủ tịch HĐQT VNCB, nguyên chủ tịch HĐTV kiêm tổng giám đốc Công ty TNHH tập đoàn Thiên Thanh - và 35 bị cáo khác. Các bị cáo bị truy tố về tội “cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và “vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” xảy ra tại VNCB.
Mai Ngọc (Tổng hợp)
Theo Trí thức trẻ/CafeF