tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Phiên tòa chiều 20/7: Làm thế nào mà Phạm Công Danh lại rút được gần 5.500 tỷ không có chữ ký chủ tài khoản?

  • Cập nhật : 20/07/2016
16:3920/07/2016
Lập khống hợp đồng thuê mặt bằng rút 581,6 tỷ đồng
 

Để rút tiền của ngân hàng Xây Dựng (VNCB), Phạm Công Danh đã chỉ đạo cấp dưới lập hồ sơ khống về việc thuê mặt bằng tại số 268 Tô Hiến Thành và số 816 Sư Vạn Hạnh – TP.HCM thông qua công ty Trung Dung và công ty Hương Việt rút ra 601,6 tỷ đồng để trả nợ cho Tập đoàn Thiên Thanh và trả lãi vay ngoài.

pham cong danh den toa ngay 20/7 (anh: thanh thanh)

Phạm Công Danh đến tòa ngày 20/7 (ảnh: Thanh Thanh)

Cụ thể, Danh chỉ đạo lập khống hợp đồng thuê mặt bằng tại số 268 Tô Hiến Thành rút ra 201,6 tỷ đồng.

Việc thực hiện thuê mặt bằng cho VNCB sẽ do công ty Quản lý Nợ và Khai thác tài sản Đại Tín (TrustAsset – Công ty Quản lý nợ và quản lý khai thác tài sản của Ngân hàng Đại Tín) - Bạch Quốc Hào là Giám đốc thực hiện.

Mặt bằng tại 268 Tô Hiến Thành, phường 15, quận 10, TP.HCM có diện tích 8.000m2 sẽ được thuê làm trụ sở VNCB, đơn giá 700.000 đồng/m2, tổng chi phí thuê mặt bằng 5,6 tỷ đồng/tháng, thời hạn thuê 20 năm.

Ngày 20/6/2013, TrustAsset ký hợp đồng với công ty Trung Dung (thời hạn hợp đồng là 20 năm) và thanh toán trước 201,6 tỷ đồng, tương đương 36 tháng phí hỗ trợ sử dụng mặt bằng.

Ngày 21/6/2013, Bạch Quốc Hào đã đề xuất với Phan Thành Mai, Tổng giám đốc VNCB cho TrustAsset tạm ứng 403,2 tỷ đồng để đặt cọc và trả tiền thuê nhà theo hợp đồng hợp tác kinh doanh. Ngay trong ngày hôm đó, Phan Thành Mai đã ký 02 lệnh chuyển tiền với tổng số tiền 403,2 tỷ đồng cho TrustAsset để Bạch Quốc Hào chuyển ngay 403,2 tỷ đồng cho công ty Trung Dung vào tài khoản tại Sacombank chi nhánh quận 8, TP.HCM.

Ngày 26/7/2013, Trần Văn Bình ký ủy nhiệm chi chuyển 36,4 tỷ đồng vào tài khoản của Nguyễn Thị Quỳnh Trang để trả lãi cho 6 khoản vay của 6 công ty con của tập đoàn Thiên Thanh.

Cụ thể, Trang đã chuyển tiền cho các công ty TNHH MTV: Thành Thành Công, Xây Dựng và Kinh doanh nhà Đại Long, Xây Dựng và Phát triển Địa ốc Bảo Gia; Thương mại Dịch vụ Hương Việt; Xây dựng và Kinh doanh nhà Quốc Thắng và công ty TNHH Nhất Nhất Vinh.

Tiếp đó, ngày 29/7/2013 và 31/7/2013, Trần Văn Bình ký chuyển 10,28 tỷ đồng và 154,9 tỷ đồng từ tài khoản của công ty Trung Dung vào tài khoản của các cá nhân Mai Hữu Khương, Phan Minh Tùng, Trần Anh Thi để ủy nhiệm chi cho Nguyễn Thị Quỳnh Trang 10,28 tỷ đồng chi trả cho 21 khách hàng tại VNCB tiền chăm sóc khách hàng, chuyển cho Nguyễn Thị Minh Sâm và Nguyễn Thị Thúy 154,9 tỷ đồng vào tài khoản MaritimeBank chi nhánh Sài Gòn để trả nợ cho tập đoàn Thiên Thanh.

Tuy nhiên, Tổ Giám sát của Ngân hàng Nhà nước tại VNCB đã yêu cầu Chủ tịch HĐQT và Tổng giám đốc VNCB giải trình khoản tạm ứng 201,6 tỷ đồng cho TrustAsset, dừng thực hiện hợp đồng và cung cấp hồ sơ cho Tổ giám sát Ngân hàng Nhà nước.

Ngày 19/3/2014, TrustAsset và công ty Trung Dung ký biên bản thanh lý hợp đồng hợp tác kinh doanh và công ty Trung Dung phải trả lại tiền cọc. Tuy nhiên, công ty Trung Dung chỉ trả được 20 tỷ đồng cho TrustAsset và VNCB, còn lại 181,6 tỷ đồng đến nay VNCB không thu hồi được.

pham cong danh den toa ngay 20/7 (anh: thanh thanh)

Phạm Công Danh đến tòa ngày 20/7 (ảnh: Thanh Thanh)

Bằng thủ đoạn tương tự, Phạm Công Danh lập ra công ty Hương Việt và thuê Nguyễn Thị Kim Vân đứng tên làm giám đốc.

Để rút được tiền từ VNCB, theo chỉ đạo của Phạm Công Danh, Phan Thành Mai đã ký tờ trình thuê địa điểm tại 816 Sư Vạn Hạnh của công ty Hương Việt với tiền đặt cọc là 756,72 tỷ đồng chia làm 2 đợt, đợt 1 là 400 tỷ đồng và đợt 2 là 356 tỷ đồng. Tờ trình được Phạm Công Danh phê duyệt.

Sau đó, HĐQT VNCB gồm Phạm Công Danh, Phan Thành Mai, Mai Hữu Khương, Trần Hiệp, Phạm Trung Dũng và Vũ Bạch Yến đã ký biên bản đồng ý cho VNCB thuê địa điểm của Hương Việt.

Nguyễn Thị Kim Vân (Hương Việt) lại ký 3 ủy nhiệm chi chuyển khoản 400 tỷ cho 3 cá nhân là Dương Bích Thạnh, Phan Bảo Long và Hồ Thị Đi. 3 người này sau đó đã ký các giấy rút tiền mặt và việc này là theo yêu cầu của nhân viên phòng tài chính tập đoàn Thiên Thanh còn cụ thể dùng vào việc gì thì không biết.

Khoản 400 tỷ này được Phạm Công Danh chỉ đạo sử dụng ở Tập đoàn Thiên Thanh, do tiền hòa vào dòng tiền chung nên quá trình điều tra không chứng minh được việc sử dụng cụ thể của riêng khoản tiền này.VNCB cũng không thu hồi được 400 tỷ đồng này.

Như vậy, từ việc lập hồ sơ khống thuê 2 mặt bằng, 2 công ty trên đã chuyển 581,6 tỷ đồng cho Danh sử dụng, đến nay không có khả năng hoàn trả cho VNCB.

Các hành vi nêu trên của Phạm Công Danh và đồng phạm như không báo cáo Tổ giám sát là vi phạm quyết định 12/QĐ-NHNN của Thống đốc NHNN; vi phạm quy định tại điều 6 Luật kế toán. Hành vi của Phạm Công Danh, Phan Thành Mai, Mai Hữu Khương, Bạch Quốc Hào, Trần Văn Bình và Nguyễn Thị Kim Vân, đã phạm vào tội "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng".


15:3620/07/2016
VNCB mất hơn 900 tỷ đồng qua ủy thác trái phiếu
 

Cáo trạng cho thấy, để có tiền chăm sóc khách hàng và huy động vốn, Phạm Công Danh đã chỉ đạo Phan Thành Mai (Tổng giám đốc VNCB) tìm mọi cách để có tiền sử dụng.

Thông qua mối quan hệ với Nguyễn Việt Hà, Tổng giám đốc CTCP Quản lý Quỹ Lộc Việt, Phan Thành Mai đề xuất phương án ủy thác đầu tư cho Quỹ Lộc Việt để mua trái phiếu của Tập đoàn Thiên Thanh và đề xuất này được Phạm Công Danh đồng ý.

Đến tháng 5/2013, các bên đã họp bàn và thống nhất Thiên Thanh ủy thác cho Quỹ Lộc Việt 2.000 tỷ đồng với phí ủy thác là 0,3% trên tổng mức vốn đầu tư vào trái phiếu của VNCB.

Tuy nhiên, quy trình đầu tư của Quỹ Lộc Việt thì không cho phép 1 giao dịch vượt qua 300 tỷ đồng nên Hà đã đề nghị đầu tư trái phiếu của 3 công ty cổ phần đầu tư và thương mại là Công ty An Lộc, Thạch Hà và Minh Quang với mỗi công ty 300 tỷ đồng.

Sau đó, mỗi công ty này lại dùng tiền đó để mua lại trái phiếu của Thiên Thanh với số trái phiếu trị giá 300 tỷ đồng.

Tại thời điểm Hà đề nghị và được ông Danh cùng những đồng phạm đồng ý, cả 3 công ty kia đều chưa có hoạt động phát hành trái phiếu.

Sau khi Thiên Thanh thu được 900 tỷ đồng, số tiền này ngay lập tức được chuyển vào tài khoản của Phạm Công Danh tại VNCB chi nhánh Sài Gòn. Số tiền phí ủy thác đã trả cho Quỹ Lộc Việt là 3 tỷ đồng.

Với hành vi để 3 công ty trên mua trái phiếu của Tập đoàn Thiên Thanh trị giá 900 tỷ đồng từ nguồn tiền của VNCB và Tập đoàn Thiên Thanh chuyển cho Danh sử dụng nay không có khả năng thu hồi gây thiệt hại cho VNCB. Hành vi này đã vi phạm quy định của NHNN về ủy thác: "Đối với việc nhận ủy thác và ủy thác của TCTD,… TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài chỉ được thực hiện khi NHNN chấp thuận bằng văn bản".


15:0520/07/2016
Phạm Công Danh được đưa vào trong gặp bác sĩ
 

Trong khi tòa vẫn đang công bố cáo trạng thì bị cáo Phạm Công Danh được đưa vào phòng trong và đến giờ nghỉ giải lao vẫn chưa thấy trở lại tòa.

 Theo quan sát của Pv, có thể ông Danh cảm thấy mệt và phải vào gặp bác sĩ. Trong ngày hôm qua, ông Danh cũng phải vào gặp bác sĩ. Còn bên ngoài tòa, xe cứu thương túc trực.

xe cuu thuong luon san sang ben ngoai toa an

Xe cứu thương luôn sẵn sàng bên ngoài tòa án


14:3120/07/2016
Rút 5.490 tỷ đồng không có chữ ký chủ tài khoản
 
pham cong danh tai toa

Phạm Công Danh tại tòa

Theo cáo trạng được tòa công bố trong phiên xử hôm nay, việc tận dụng cầm cố sổ tiết kiệm để vay, trả, trả, vay được Phạm Công Danh sử dụng trong suốt thời gian dài từ 28/12/2012 đến 30/7/2013, tổng cộng hơn 17.000 tỷ đồng được rút ra trong đó hơn 16.000 tỷ chảy vào tài khoản của Danh. Các khoản tiền này đã được tất toán.

Cho đến ngày 21 và ngày 26/8/2013, có 5.490 tỷ đồng được rút ra từ VNCB và chuyển đến các tài khoản của Phạm Công Danh nhưng không có hồ sơ, chứng từ, không có chữ ký của chủ tài khoản. Cụ thể:

-3.100 tỷ đồng được rút từ tài khoản của Trần Ngọc Bích mở tại VNCB đến tài khoản của Phạm Công Danh

Ngày 21/8/2013, nhóm Trần Ngọc Bích (9 cá nhân gồm: Lê Thị Kim Ngân, Đỗ Ngọc Hà, Trần Uyên Phương, Nguyễn Hữu Thanh, Trần Ngọc Bích, Trần Qúy Thanh, Nguyễn Thành Trung, Đoàn Việt Dũng, Trần Đình Thắng) cầm cố sổ tiết kiệm vay tiền tại VNCB, đã nhận giải ngân từ 24 khoản vay và tiền vay được chuyển vào tài khoản Trần Ngọc Bích tổng số 3.100 tỷ đồng. Hồ sơ vay tiền và chuyển tiền đến tài khoản Trần Ngọc Bích có đầy đủ thủ tục, chữ ký của 9 cá nhân có tên trên, tiền vay nằm trong tài khoản Trần Ngọc Bích tại VNCB.

Trong ngày 21/8/2013, Phạm Công Danh đã chỉ đạo Hoàng Đình Quyết thực hiện chuyển 3.100 tỷ từ tài khoản Trần Ngọc Bích bằng 10 chứng từ nhưng không có chữ ký của chủ tài khoản Trần Ngọc Bích.

Cùng ngày, Phạm Công Danh đã chuyển 3.160,7 tỷ đồng từ tài khoản của Phạm Công Danh vào tài khoản của ông Thanh (nhóm Trần Ngọc Bích) và được sử dụng để thanh lý 23 hợp đồng tín dụng ngày 21/6/2013 của 9 khách hàng đứng tên cho nhóm Trần Ngọc Bích vay tại VNCB trước đó. Khoản vay này đã được Trần Ngọc Bích chuyển vào tài khoản của Phạm Công Danh ngày 21/6/2013 bằng 9 chứng từ để Phạm Công Danh sử dụng trả nợ cũ và chi chăm sóc khách hàng. 

Do đó, đến thời điểm này thì các khoản tiền vay trong 23 hợp đồng tín dụng ngày 21/6/2013 của 9 cá nhân trong nhóm Trần Ngọc Bích là 3.100 tỷ đồng đã được giải ngân, sau đó khoản tiền này được VNCB chuyển cho Phạm Công Danh vay sử dụng (trả nợ cũ và chi chăm sóc khách hàng trước đó), nay được tất toán trên hệ thống sổ sách của VNCB. Có nghĩa là 9 cá nhân vay tiền VNCB ngày 21/6/2013 không còn nợ VNCB. Việc Phạm Công Danh đã chỉ đạo lấy ra 3.100 tỷ đồng của VNCB để sử dụng trả nợ cho các khoản vay mà chính mình đã vay thông qua nhóm Trần Ngọc Bích trước đó gây thiệt hại cho VNCB.

2.090 tỷ đồng rút từ tài khoản của Trần Ngọc Bích mở tại VNCB chuyển vào tài khoản đồng sở hữu của Phan Minh Tùng và Mai Hữu Khương

Ngày 26/8/2013, nhóm Trần Ngọc Bích (7 cá nhân gồm: Đoàn Việt Dũng, Phan Duy Hòa, Trần Đình Thắng, Lê Thanh Trúc, Võ Chí Hiếu, Phan Vũ Tuấn, Tống Nhân Tôn) cầm cố sổ tiết kiệm vay tiền của VNCB, đã nhận giải ngân từ 11 khoản vay, chuyển tiền vào tài khoản Trần Ngọc Bích tổng số tiền là 2.090 tỷ đồng. Hồ sơ vay tiền và chuyển tiền đến tài khoản Trần Ngọc Bích có đầy đủ thủ tục, chữ ký của 7 cá nhân có tên trên, tiền vay nằm trong tài khoản Trần Ngọc Bích tại VNCB.

Trong ngày 26/8/2013, Phạm Công Danh đã chỉ đạo Hoàng Đình Quyết thực hiện chuyển 2.090 tỷ đồng từ tài khoản của Trần Ngọc Bích tại VNCB vào tài khoản của Phan Minh Tùng-Mai Hữu Khương đồng sở hữu mở tại VNCB bằng 7 chứng từ không có chữ ký của chủ tài khoản Trần Ngọc Bích. 

Cùng ngày, Phạm Công Danh chỉ đạo chuyển 2.110,4 tỷ đồng từ tài khoản đồng tài khoản của Phan Minh Tùng-Mai Hữu Khương vào tài khoản của ông Thành (Nhóm Trần Ngọc Bích) và được sử dụng để thanh lý 11 hợp đồng tín dụng ngày 26/7 và 30/7/2013 của 7 cá nhân. Khoản vay này đã được Trần Ngọc Bích chuyển vào tài khoản Phạm Công Danh ngày 26/7 và 30/7/2013 bằng 8 chứng từ để Phạm Công Danh sử dụng trả nợ cũ, trả lương tháng 7/2013 và chi chăm sóc khách hàng.

Do đó, đến thời điểm này thì các khoản tiền vay trong 11 hợp đồng tín dụng ngày 26/7/2013 và 30/7/2013 của 7 cá nhân trong nhóm Trần Ngọc Bích là 2.090 tỷ đồng đã được giải ngân, sau đó khoản tiền này được VNCB chuyển cho Phạm Công Danh vay, nay được tất toán trên hệ thống sổ sách của VNCB. Có nghĩa là 7 cá nhân vay tiền VNCB ngày 26/7/2013 và 30/7/2013 không còn nợ VNCB. Việc Phạm Công Danh đã chỉ đạo lấy ra 2.090 tỷ đồng của VNCB để sử dụng trả nợ cho các khoản vay mà chính mình đã vay thông qua nhóm Trần Ngọc Bích trước đó gây thiệt hại cho VNCB.

-Rút số tiền 300 tỷ đồng bằng hình thức vay cầm cố sổ tiết kiệm đứng tên 3 cá nhân của nhóm Trần Ngọc Bích vay (Ngô Bích Thùy Trang, Nguyễn Thị Mỹ Dung và Trần Hoài Phục) nhưng không có hồ sơ, chứng từ vay

Thực hiện chỉ đạo của Phạm Công Danh, trong các ngày 20 và 21/12/2013, Mai Hữu Khương giám đốc VNCB chi nhánh Sài Gòn sử sụng sổ tiết kiệm bằng hình thức vay cầm cố sổ tiết kiệm đứng tên 3 cá nhân của Nhóm Trần NGọc Bích vay tiền (Ngô Thị Bích Trang, Nguyễn Thị Mỹ Dung và Trần Hoài Phục) nhưng không có hồ sơ, chứng từ vay, đã thực hiện chuyển khoản 300 tỷ đồng cho Phạm Công Danh sử dụng thông qua các tài khoản của cá nhân thuộc Tập đoàn Thiên Thanh.

Kết quả điều tra xác định toàn bộ số tiền 300 tỷ đồng được tập đoàn Thiên Thanh sử dụng, Phạm Công Danh không giải trình được sử dụng cụ thể vào việc gì.



Theo Trí thức trẻ/CafeF

Trở về

Bài cùng chuyên mục