tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Đòi 15.000 USD mới có giấy phép

  • Cập nhật : 27/10/2015

(Dau tu)

TP.HCM từng dẫn đầu cả nước trong hút vốn đầu tư nước ngoài, thế nhưng bên cạnh sự nỗ lực của nhiều đơn vị, không ít cá nhân đang làm xấu đi môi trường đầu tư của TP...

ong tran thanh thanh ben khung xuong chuan bi thanh lap cong ty. do chua co giay phep nen du da dau tu buoc dau nha xuong, kho chua den nay doanh nghiep van chua the hoat dong - anh: thanh tung

Ông Trần Thanh Thành bên khung xưởng chuẩn bị thành lập công ty. Do chưa có giấy phép nên dù đã đầu tư bước đầu nhà xưởng, kho chứa đến nay doanh nghiệp vẫn chưa thể hoạt động - Ảnh: Thanh Tùng

Đây là trường hợp xin cấp giấy chứng nhận đầu tư nhưng lại bị đòi tiền chung chi, nhũng nhiễu dưới đây.

Ông Peng Jung Min - người Đài Loan, đại diện cho nhà đầu tư Cheng, Hsin - cho biết khoảng trung tuần tháng 7-2015 ông đến Sở Kế hoạch - đầu tư (KH-ĐT) TP.HCM để tìm hiểu về các thủ tục xin cấp giấy chứng nhận đầu tư.

Ông muốn làm ăn lâu dài tại Việt Nam và hi vọng các thủ tục sẽ được giải quyết nhanh chóng để công ty của ông sớm bước vào kinh doanh...

Lúc được, lúc không

Sau khi tìm hiểu thủ tục, ông Peng Jung Min hoàn tất bộ hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho dự án công ty ở Việt Nam. Mục tiêu hoạt động của dự án thuộc lĩnh vực thương mại. Chuyên kinh doanh nhập hàng có tiêu chuẩn chất lượng thiết bị đầu cose điện, cung cấp cho các đại lý, nhà xưởng, công trình công nghiệp... Chủ đầu tư của dự án là Công ty K.S.T International Holdings Ltd được thành lập tại British Virgin Islands.

Ông Min có kèm theo hồ sơ các văn bản chứng nhận quần đảo Virgin thuộc Anh của Bộ Ngoại giao Anh và Đại sứ quán Việt Nam tại Anh. Đồng thời ủy quyền cho ông Trần Thanh Thành, nhân viên công ty, đem hồ sơ đến nộp tại Sở KH-ĐT TP.HCM.

Tại bộ phận tiếp nhận hồ sơ thuộc phòng đầu tư nước ngoài Sở KH-ĐT, ông Thành được nhân viên ở đây cho biết hồ sơ này khó, do quần đảo Virgin không thuộc Anh, chưa phải thành viên của WTO mà Việt Nam có cam kết mở cửa thị trường.

Tuy nhiên, ông Thành được gợi ý muốn làm được phải trả “phí dịch vụ”. Đến ngày 24-8, cả ông Min và ông Thành cùng đến Sở KH-ĐT TP.HCM nộp hồ sơ. Tại đây, ông Peng Jung Min được nhân viên tiếp nhận hồ sơ trả lời chắc nịch hồ sơ đã đầy đủ, doanh nghiệp về chuẩn bị làm thủ tục xin giấy phép kinh doanh.

Ngay sau đó, ông Min đã thông báo cho nhà đầu tư, đồng thời ký hợp đồng thuê mặt bằng, trang bị cơ sở vật chất và tuyển dụng nhân viên với số tiền hơn 1 tỉ đồng.

Tuy nhiên đến ngày trả kết quả (7-9), Sở KH-ĐT có văn bản không chấp thuận đầu tư vì “nhà đầu tư K.S.T International Holdings Ltd được thành lập tại British Virgin Islands - quốc gia chưa phải thành viên của WTO mà Việt Nam có cam kết mở cửa thị trường”. “Tôi quá thất vọng. Tại sao cũng là một bộ hồ sơ mà lúc nói được, lúc lại nói không?” - ông Min kể lại với PV Tuổi Trẻ.

Khó lắm, nhưng...

Để tìm hiểu việc một số hồ sơ thuộc dự án có vốn đầu tư nước ngoài thường bị làm khó để đòi tiền “lót tay” hoặc phải có “phí dịch vụ”, ông Thành cùng phóng viên Tuổi Trẻ đã trở lại Sở 
KH-ĐT TP.HCM.

Hơn 10g ngày 28-9, ông Thành vào phòng làm việc của bà Lại Thị Kim Khánh, phó giám đốc Trung tâm tư vấn đấu thầu và hỗ trợ đầu tư, thuộc Sở KH-ĐT.

Lúc này, ngoài bà Khánh còn có một người đàn ông khác, tuy nhiên cuộc nói chuyện vẫn hết sức cởi mở, tự nhiên dù ông Thành chỉ mới lần đầu tiên gặp bà Khánh. Sau khi chào hỏi, ông Thành đã trình bày về những khó khăn gặp phải khi đăng ký nhà đầu tư từ vùng lãnh thổ Virgin, thuộc Vương quốc Anh.

Bà Khánh cho rằng đây là vùng lãnh thổ chứ không phải quốc gia, mà vùng lãnh thổ này chưa gia nhập WTO nên không nằm trong diện được đầu tư kinh doanh lĩnh vực phân phối hàng hóa tại Việt Nam.

“Cái này không được, tụi này hỏi Bộ Công thương rồi, bộ trả lời là không được... Vô phương rồi” - bà Khánh giải thích.

Tiếp theo đó, bà Khánh hỏi ông Thành về tổng số vốn đầu tư của dự án. Khi nghe nói vốn đầu tư tới 300.000 USD, bà Khánh nói đầy ẩn ý: “Cái này khó lắm, phải ngoại giao tới bộ trưởng. Phải qua nhiều nấc lắm!”.

Lúc này, người đàn ông ngồi chung phòng với bà Khánh cũng liên tục chêm vào, phụ họa “khó lắm!”. Tuy nhiên, khi ông Thành đặt thẳng vấn đề chi phí hết bao nhiêu thì bà Khánh nói hồ sơ bình thường đã mười mấy ngàn rồi. “Hồ sơ này là hồ sơ khó, cái giá đó là không bao giờ có”.

Khi nghe ông Thành than khổ vì đã đổ nhiều tiền đầu tư mặt bằng, nhà xưởng, thuê nhân công để chuẩn bị hoạt động, bà Khánh lạnh lùng: “Chị không biết, cái hồ sơ 15.000 (đôla - pv) là bọn chị làm hồ sơ có nằm trong WTO rồi, cái này tụi chị không biết được, mà phải hỏi bên ngoài đó người ta lấy là bao nhiêu. Nếu có khả năng đó, làm được thì làm thôi. Chị đâu có ra giá được. Em cứ phải dự trù gấp ba. Gấp đôi, gấp ba cái lần đó”.

Chốt giá 15.000 USD

Khoảng 11g ngày 2-10, bà Khánh nhắn tin báo cho ông Thành: “Chị hỏi hộ em có kết quả rồi”. Ngay chiều cùng ngày, ông Thành trở lại phòng làm việc của bà Khánh với dáng vẻ mừng vui khó tả... Trong cuộc trao đổi, bà Khánh nói do Sở KH-ĐT TP.HCM đã có văn bản thông báo từ chối cấp phép đầu tư nên giờ phải rút hồ sơ, làm lại từ đầu.

“Hay bây giờ anh “ấy” cái phần đó đi (“lo” phần việc tại Sở KH-ĐT - PV), còn tôi “ấy” ngoài bộ cho” - bà Khánh gợi ý.

Cuối cùng bà Khánh chốt giá: “Ngoài đó á, thì là mười lăm (15.000 USD - PV)...”. Ông Thành đề nghị phải chắc chắn thành công thì bà Khánh cười. Khi được hỏi về phương thức thanh toán tiền mặt hay chuyển khoản, bà Khánh phân vân giây lát rồi trả lời “chắc tiền mặt”... “Chị sẽ phải bay ra Hà Nội gặp người ta”.

Lấy lý do là làm việc với người nước ngoài, mọi việc phải rất rõ ràng, ông Thành hỏi bà Khánh: “Vậy ứng trước bao nhiêu phần trăm, khi nhận tiền có giấy tờ gì không?”. “70 (phần trăm) đi, là 10 (ngàn USD). Chắc khi nhận tiền thì ghi biên nhận thôi” - bà Khánh đáp.

Ông Thành đề nghị nếu sau này không làm được, bà Khánh phải trả lại số tiền đã nhận, chỉ lấy tiền đi lại thôi, bà Khánh đồng ý ngay: “OK! Cái đó thì đương nhiên”.

Ngày 7-10, ông Thành lại liên lạc với bà Khánh để gặp mặt, hỏi lại chắc chắn về việc thực hiện. Vừa gặp mặt, bà Khánh tỏ ra hết sức thoải mái, xác nhận việc chắc chắn sẽ làm được giấy phép cho phía ông Thành với giá 15.000 USD. Ngay khi giao hồ sơ, ông Thành sẽ phải đưa 10.000 USD, nếu không làm được sẽ hoàn lại tiền, chỉ lấy chi phí đi lại.

“Không thể hứa với em 100%”

Ông Thành: Nói chung là về tiền bạc thì cũng khó khăn, vì vậy có thể làm hợp đồng được không? Hay chị đảm bảo chắc chắn?

Bà Khánh: Hợp đồng gì? Không! Tụi chị đảm bảo chắc chắn. Chị sẽ cố gắng. Còn mà được hay không, nếu không được thì tụi chị sẽ trả lại phần ấy, chỉ lấy chi phí thôi. Vì chị không phải là người ký nên không thể hứa với em 100%.

Nhưng chị không nhận để chị lừa đảo. Chị không làm cái chuyện đó, chị chỉ muốn giúp thôi. Đừng có ép chị như vậy. Chị đã nói với em ngay từ đầu rồi... chị hỏi người có trách nhiệm chứ không phải vớ vẩn.

Ông Thành: Khi mà giao hồ sơ cho chị thì chị lấy bao nhiêu phần trăm để chị đi làm?

Bà Khánh: Chị đã nói rồi. Tức là khi đưa là em đưa 10 (10.000 USD).

Ông Thành: Vậy là 10 chưa hóa đơn?

Bà Khánh: 15 là không có VAT.

(Trích đoạn cuộc trao đổi giữa 
bà Lại Thị Kim Khánh và ông Trần Thanh Thành)
Luật sư Nguyễn Văn Hậu:

Vi phạm Luật phòng chống tham nhũng

Những thông tin của Tuổi Trẻ cung cấp cho thấy các công chức này không những vi phạm pháp lệnh công chức khi cấu kết với các đối tượng làm dịch vụ bên ngoài mà còn có thể vi phạm Luật phòng chống tham nhũng. Hành vi đòi tiền “bôi trơn” như phản ảnh trên có dấu hiệu vi phạm Luật hình sự.

Thực tế trong giới luật sư chúng tôi khi đi làm hồ sơ xin cấp phép đầu tư cho doanh nghiệp đều bị làm giá, đặc biệt là các dự án đầu tư của nước ngoài. Việc này đang làm môi trường đầu tư của mình xấu đi.

Hiện nay, luật mình mở cửa cho doanh nghiệp làm những gì luật không cấm. Luật đầu tư và Luật doanh nghiệp cũng mở ra chỉ cần đăng ký đầu tư ngành nghề thôi, nhưng đang có quá nhiều “ổ khóa” ở con người công chức. Nếu như Sở KH-ĐT TP.HCM còn duy trì con người hành chính kiểu này thì doanh nghiệp sẽ còn phải đường vòng và phí dịch vụ sẽ rất cao.

Theo tôi, UBND TP.HCM cần chỉ đạo Sở KH-ĐT TP.HCM mở ra cơ chế đối thoại thường xuyên với doanh nghiệp, nhà đầu tư bằng cách đặt hòm thư, đường dây nóng và quan trọng nhất là có người đứng đầu lắng nghe phản hồi của doanh nghiệp, khi có thói nhũng nhiễu doanh nghiệp sẽ phản ảnh cụ thể.
Đã yêu cầu báo cáo trước ngày 15-10

Bức xúc trước thủ tục cấp giấy chứng nhận đầu tư nước ngoài tại Sở KH-ĐT TP.HCM, ông Trần Thanh Thành đã gửi văn bản đến lãnh đạo UBND TP.

Ngày 2-10, Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hoàng Quân đã có ý kiến chỉ đạo giao Sở 
KH-ĐT chủ trì, làm việc với các cơ quan liên quan giải quyết theo quy định, trả lời cho ông Thành và báo cáo UBND TP trước ngày 15-10. Tuy nhiên đến nay ông Thành cho biết vẫn chưa nhận được câu trả lời của Sở 
KH-ĐT TP.HCM.

Liên quan đến trường hợp này, một lãnh đạo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH-ĐT) cho biết để khẳng định đúng sai việc chưa cấp giấy chứng nhận đầu tư cho nhà đầu tư từ Virgin cần có hồ sơ cụ thể.

Tuy nhiên về nguyên tắc, những vấn đề gì liên quan đến WTO nếu chưa rõ ràng thì cơ quan cấp giấy chứng nhận đầu tư cần có văn bản hỏi Bộ KH-ĐT, Bộ Công thương để được hướng dẫn.

C.V.

(Theo Báo Tuổi Trẻ)

 

Trở về

Bài cùng chuyên mục