tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Sửa đổi các Luật về Thuế: Đừng muốn vừa uống sữa vừa ăn thịt bò

  • Cập nhật : 30/10/2015

(Phap luat)

Việc sửa đổi các luật về Thuế phải trên cơ sở nuôi dưỡng nguồn thu trong nước. Tức là muốn uống sữa thì phải nuôi bò, chứ không thể vừa muốn uống sữa vừa muốn ăn thịt bò thì rất khó”.

anh minh hoa

Ảnh minh họa

 

So sánh ví von trên đã được đại biểu Quốc hội Trần Du Lịch đưa ra khi trao đổi với chúng tôi bên hành lang Quốc hội sáng ngày 27/10 khi bàn luận về việc sửa đổi các Luật về Thuế do Chính phủ mới trình Quốc hội.

Đồng thuận với chủ trương sửa đổi các luật về Thuế, Đại biểu Trần Hoàng Ngân cho rằng việc sửa đổi các Luật về Thuế là cần thiết trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập sâu rộng. Đặc biệt khi thuế là nguồn thu chính của Ngân sách Nhà nước, nên việc sửa đổi để vừa tăng nguồn thu thuế, vừa khuyến khích DN là rất cần thiết.

“Với tình trạng trốn thuế, chậm thanh toán thuế, thủ tục hành chính trong thủ tục thuế vẫn gây khó khăn nhất định cho DN nên việc Chính phủ trình Quốc hội sửa đổi các luật về thuế, công tác quản lý thuế là cần thiết. Đặc biệt đặt trong bối cảnh ta hội nhập sâu rộng, năm 2018 các dòng thuế thực hiện cắt giảm theo WTO… nên luật thuế phải sửa đổi phải phù hợp với xu thế” – Đại biểu Trần Hoàng Ngân nói.

Giảm thuế gián thu, tăng thuế trực thu

Tuy nhiên, theo Đại biểu Trần Du Lịch (Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM), việc sửa đổi các luật về thuế phải trên cơ sở hướng tới là tạo sự minh bạch, cạnh tranh lành mạnh giữa các DN và đặc biệt là khuyến khích cho cộng đồng DN, người sản xuất trong nước phát triển, nâng cao sức cạnh tranh.

Dẫn chứng từ thuế xuất nhập khẩu, Đại biểu Trần Du Lịch cho rằng cần phải cân đối biểu thuế cho từng ngành, từng lĩnh vực. Trong đó, với thuế nhập khẩu cần chú ý khuyến khích phát triển công nghiệp trong nước, tăng tỷ lệ nội địa hóa, sản xuất linh phụ kiện để giảm nhập khẩu.

Hoặc các loại thuế hiện nay được chia ra làm thuế trực thu (Thuế Tiêu thụ doanh nghiệp) và thuế gián thu (gồm thuế VAT, thuế xuất nhập khẩu, thuế tiêu thụ đăc biệt), Đại biểu Trần Du Lịch cũng cho rằng cân đối hai loại thuế này, đưa ra lộ trình cải cách tổng thể, theo xu hướng giảm thuế gián thu và tăng thuế trực thu, tăng công bằng và tính ổn định cho DN.

“Trong nhiệm kỳ tới cần phải tính toán tổng thể hơn về chính sách thuế và lộ trình để cơ cấu lại toàn bộ chính sách thuế, phù hợp hội nhập và khuyến khích trong nước, nuôi dưỡng nguồn thu trong nước” – Đại biểu Trần Du Lịch nói.

Ưu tiên cho ngành có giá trị gia tăng

Đồng tình với quan điểm trên, đại biểu Bùi Thị An (TP.Hà Nội) cũng cho rằng thuế là nguồn thu quan trọng và chủ yếu của đất nước. Do đó, chính sách thuế đưa ra phải vừa khuyến khích sản xuất trong nước, thúc đẩy sản xuất trong nước nhưng phải tránh thất thu thuế.

Vị đại biểu Quốc hội này dẫn chứng, nhiều cử tri bức xúc phản ánh có trường hợp DN lợi dụng quy định cho thông quan trước để nhập hàng, đưa hàng vào nội địa tiêu thụ xong và giải thể, khiến Nhà nước không thu được thuế.

Bên cạnh đó, cách tính thuế hiện nay cũng cần phải phân biệt rõ ràng về cơ chế ưu đãi, hỗ trợ cho DN sản xuất trong nước. Theo đó, với những DN và sản phẩm có thế mạnh cạnh tranh trong nội địa và trên quốc tế thì cần có chính sách thuế khuyến khích thúc đẩy phát triển.

Đối với những DN nào chỉ làm gia công, không tạo giá trị gia tăng cho DN trong nước thì cần cân nhắc có chính sách phù hợp. Đồng thời, chính sách thuế phải đảm bảo tính ổn định, tạo thuận lợi cho DN.

“Cần tăng cường quản lý nhà nước trong chống thất thu thuế ở tất cả các loại hình, việc này mấy bộ ngành phải cùng kết hợp. Ví dụ như doanh nghiệp FDI chuyển giá thì liên quan đến tỷ giá, Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước phải vào cuộc. Tới đây Quốc hội cần giám sát chuyện thu thuế và báo cáo với cử tri về tình hình thu thuế” – Đại biểu Bùi Thị An đề nghị.

(Theo CafeF)

Trở về

Bài cùng chuyên mục