Người vi phạm nội quy phòng xử án có thể bị chủ toạ phiên toà cảnh cáo, phạt tiền, buộc rời khỏi phòng xử án, bị bắt giữ hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Dịch vụ đòi nợ được đòi những khoản nợ nào?
- Cập nhật : 06/08/2015
(Phap luat)
Theo dự thảo thông tư, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ chỉ được tiến hành các hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ sau khi có giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự theo quy định của Chính phủ về điều kiện an ninh trật tự đối với một số ngành, nghề kinh doanh có điều kiện.
Theo dự thảo thông tư liên tịch của Bộ Tài chính và Bộ Công an hướng dẫn về hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ vừa được công bố, thì hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ chỉ được thực hiện đối với những khoản nợ có đủ căn cứ là khoản nợ hợp pháp, đã quá hạn thanh toán.
Có giấy chứng nhận mới được đòi nợ
Các khoản nợ được phép thực hiện bởi hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuộc phạm vi điều chỉnh của thông tư này là các khoản nợ giữa các tổ chức kinh tế với các tổ chức kinh tế; giữa tổ chức kinh tế với cá nhân; giữa cá nhân với nhau.
Còn các khoản nợ đang thực hiện theo bản án, quyết định của tòa án có hiệu lực pháp luật; các khoản nợ của chủ nợ hoặc khách nợ là tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân hoặc nợ giữa Việt Nam với các tổ chức quốc tế hoặc quốc gia khác thì không được phép thực hiện bởi hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ.
Theo dự thảo thông tư, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ chỉ được tiến hành các hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ sau khi có giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự theo quy định của Chính phủ về điều kiện an ninh trật tự đối với một số ngành, nghề kinh doanh có điều kiện. Không cho thuê, mượn, chuyển nhượng hoặc sửa chữa giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự.
Khi thay đổi người đứng đầu doanh nghiệp, chi nhánh và người đại diện theo pháp luật phải thông báo bằng văn bản cho cơ quan công an có thẩm quyền. Phải đăng ký lý lịch nhân viên với công an phường, xã, thị trấn.
Các doanh nghiệp cũng phải cung cấp cho cơ quan công an có thẩm quyền: danh sách và thông tin có liên quan đến người làm trong doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ (kể cả người nước ngoài); thống kê các phương tiện phục vụ cho công tác thu hồi nợ; thông tin liên lạc tại doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ khi có yêu cầu.
Thông tư cũng quy định doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ phải thông báo bằng văn bản cho công an phường sở tại nơi thực hiện hợp đồng đòi nợ biết trước khi thực hiện. Có văn bản thông báo về thời gian hoạt động hoặc tạm ngừng hoạt động kinh doanh cho cơ quan công an có thẩm quyền.
Không mặc trang phục, có quyền không tiếp
Hai bộ cũng thống nhất quy định doanh nghiệp phải cấp trang phục cho người lao động có đủ tiêu chuẩn thực hiện các hoạt động dịch vụ đòi nợ theo các quy định hiện hành. Trong trường hợp kết thúc hợp đồng lao động với người lao động, doanh nghiệp phải thu hồi lại trang phục, thẻ nhân viên đã cấp cho người lao động.
Những người không mặc trang phục, không đeo thẻ nhân viên theo quy định, không có giấy giới thiệu của doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ thì không được làm việc trực tiếp với chủ nợ hoặc khách nợ hoặc với tổ chức, cá nhân khác liên quan, dự thảo thông tư nêu rõ.
Theo dự thảo hướng dẫn của hai bộ thì doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ thực hiện báo cáo ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính và nơi mở chi nhánh tình hình kinh doanh dịch vụ đòi nợ trong kỳ.
Trong đó, nêu rõ số lượng hợp đồng đòi nợ đã ký với khách hàng, số lượng hợp đồng tư vấn cho khách hàng về các vấn đề pháp lý liên quan đến xử lý nợ; tổng số tiền nhận uỷ quyền đòi nợ; số tiền nợ thu được theo uỷ quyền, số lượng hợp đồng kết thúc trong kỳ.
Ngoài báo cáo trên và báo cáo tài chính thì trong trường hợp cần thiết, cơ quan công an, ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có thể yêu cầu doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ gửi các báo cáo khác để phục vụ cho mục tiêu quản lý.
(Theo Thời báo kinh tế Việt Nam)