Kiến nghị bãi bỏ điều 292 trong Bộ luật Hình sự, VCCI cho biết, điều luật này tác động rất lớn đến việc kinh doanh các dịch vụ trên mạng tại Việt Nam hiện nay khi hình sự hóa nhiều hành vi vốn chỉ nên xử lý hành chính như cung cấp trò chơi điện tử trên mạng mà không có giấy phép.
Cựu GĐ bị oan đòi công an, toà án bồi thường 64 tỷ
- Cập nhật : 07/08/2015
(Phap luat)
Sáng ngày 4/8, TAND TP.Thái Bình mở phiên xét xử lại vụ án oan đối với ông Lương Ngọc Phi – nạn nhân của vụ án oan có số tiền được bồi thường lớn nhất từ trước đến nay (hơn 21 tỷ đồng).
Bị đơn trong vụ án này là hai cơ quan: TAND tỉnh Thái Bình và Công an tỉnh Thái Bình – đơn vị khởi tố vụ án, khởi tố bị can và đơn vị xét xử gây ra nỗi oan cho ông Lương Ngọc Phi.Phiên xét xử lại vụ án oan đối với ông Lương Ngọc Phi (GĐ Cty Khai thác chế biến nông hải sản xuất khẩu Hòa Bình, trụ sở số 463 Lý Thái Tổ, phường Quang Trung, TP.Thái Bình) đã được TAND TP.Thái Bình mở vào sáng 4/8.
Đại diện TAND tỉnh Thái Bình có đơn xin vắng mặt. Đại diện CA tỉnh Thái Bình – ông Bùi Duy Huân, Phó CVP CQĐT CA tỉnh Thái Bình) có mặt.
Căn cứ vào đơn xin vắng mặt của đại diện TAND tỉnh Thái Bình; sau khi xem xét ý kiến của nguyên đơn, HĐXX quyết định đưa vụ án ra xét xử.
Theo hồ sơ vụ việc, tháng 4/1998, CA Thái Bình đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với ông Lương Ngọc Phi về tội danh “trốn thuê” và “lợi dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản xã hội chủ nghĩa".
Ngày 29/9/1999, TAND tỉnh Thái Bình tuyên phạt ông Phi 17 năm tù giam. Tài sản thu giữ trong vụ án bao gồm 280.770kg hạt ý rĩ (bobo chưa bóc vỏ); 31.830kg hạt kê giống; 307kg hạt vừng giống Nhật Bản; 01 xe ô tô du lịch bốn chỗ nhãn hiệu Daewoo, CQĐT Công an tỉnh Thái Bình sau đó đã phát mại.
Năm 2001, VKSND tỉnh Thái Bình xác định vụ án oan sai và trả tự do cho ông Lương Ngọc Phi. Tính tới thời điểm đó, ông Phi đã ngồi tù oan sai tổng cộng 1.066 ngày.
Tại tòa, ông Lương Ngọc Phi đã đưa ra các quan điểm, dẫn chứng và lý lẽ để yêu cầu CA Thái Bình, TAND tỉnh Thái Bình bồi thường thiệt hại đối với tổn thất về tài sản và tinh thần.
Sau 6 lần thương lượng bất thành, ngày 8/5/2007, TAND tỉnh Thái Bình ra thông báo chấm dứt thương lượng bồi thường, ông Phi đã nộp đơn khởi kiện.
Vụ kiện được cơ quan chức năng tách thành hai, trong đó, vụ án bồi thường về tổn thất tinh thần và giảm sút về sức khỏe được TAND TP Thái Bình tuyên TAND tỉnh buộc phải bồi thường 666 triệu đồng. Sau 10 tháng bản án có hiệu lực, ông Phi nhận được số tiền này.
Vụ kiện thứ 2 đòi bồi thường thiệt hại về tài sản, sau 12 năm được công nhận oan sai, TAND TP.Thái Bình mở phiên xét xử và tuyên TAND tỉnh Thái Bình phải bồi thường cho ông Phi số tiền 21 tỷ đồng. Tuy nhiên, bị đơn không thi hành án khiến vụ việc kéo dài cho đến tận bây giờ.
Cho rằng bị tổn thất toàn bộ tài sản thu giữ trong vụ án; việc làm ăn của doanh nghiệp bị ngừng hoạt động hoàn toàn kể từ khi bị bắt; toàn bộ tiền đầu tư các vùng trồng nông sản tại các địa phương trong tỉnh bị đình trệ, sau đó là ngừng hoạt động; bị các đối tác làm ăn phạt do vi phạm hợp đồng, tiền lãi ngân hàng do không hoạt động…, ông Phi đưa ra con số yêu cầu bị đơn bồi thường tổng số tiền là hơn 64 tỷ.
“Tôi đề nghị HĐXX buộc CQĐT Công an tỉnh Thái Bình, TAND tỉnh Thái Bình mỗi cơ quan bồi thường cho tôi số tiền là hơn 32 tỷ 225 triệu đồng” – ông Lương Ngọc Phi yêu cầu tại tòa.
Trước đó, ngày 16/5/2015, TAND TP. Thái Bình đã ban hành Biên bản định giá đối với khối tài sản bị phát mại trong vụ án oan của ông Lương Ngọc Phi. Hội đồng định giá do bà Nguyễn Thị Lan (Trưởng phòng tài chính – Kế hoạch thuộc UBND TP. Thái Bình) làm trưởng đoàn.
Tổng số tiền định giá đối với 4 khối tài sản này là 27,098 tỷ đồng – lớn hơn số tiền đền bù mà TAND TP.Thái Bình đã tuyên tại bản án vào ngày 26/8/2013.
Ở phần xét hỏi, HĐXX đã yêu cầu ông Phi làm rõ các nội dung yêu cầu bồi thường của mình, các căn cứ, cơ sở pháp lý để hình thành số tiền 64 tỷ đồng mà ông Phi đưa ra.
Đại diện CQĐT CA tỉnh Thái Bình cũng xác nhận, việc phát mại tài sản của ông Phi được tiến hành trước khi phiên xét xử sơ thẩm được diễn ra.
Như vậy, CQĐT công an tỉnh Thái Bình đã phát mại tài sản trong quá trình vụ việc đang được tiến hành điều tra, và khi đó ông Lương Ngọc Phi đang bị tam giam để phục vụ điều tra.
“Tôi là người bị oan nên chỉ có một mong muốn là được Nhà nước trả lại tài sản. Từ khi vướng vào oan sai, tất cả công việc kinh doanh và cuộc sống của gia đình tôi đều hoàn toàn bị đảo lộn” – ông Phi trình bày với HĐXX.
11h30, HĐXX dừng phiên tòa để nghị án. 14h chiều ngày 10/8 sẽ tuyên án.