tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh chiều 08-09-2018

  • Cập nhật : 08/09/2018

JPMorgan, BlackRock cảnh báo hiệu ứng dây chuyền từ các thị trường mới nổi

Đầu tiên là cảnh bán tháo ở Argentina, sau đó lan tới Thổ Nhĩ Kỳ. Trước đó khá lâu, khối tài sản từ Nam Phi cho đến Brazil và Indonesia đã bốc hơi trong bối cảnh nhà đầu tư tháo chạy khỏi các thị trường mới nổi.

Các nhà đầu tư và phân tích của JPMorgan Chase & Co và BlackRock Inc. đều nhận định hiện tượng trên là một hiệu ứng dây chuyền.

Lý giải cho hiện tượng trên như sau: trong khi tài sản có thể đem lại giá trị trong quãng thời gian dài thì nhà đầu tư sẽ bán đi những phần an toàn để bù lỗ ở những thị trường rủi ro cao. Trường hợp xấu hơn, họ sẽ xem toàn bộ thị trường mới nổi giống nhau và bán hết. Ở đây tâm lý đám đông đã chi phối hành động của họ, tức là bất kể rủi ro và lợi nhuận tại từng nước ra sao, khi quyết định mua họ sẽ có nguy cơ lỗ nặng.

Pablo Goldberg, quản lý quỹ tại BlackRock, cho biết: "Thị trường mới nổi đang gặp khủng hoảng với hiệu ứng dây chuyền đã lan tỏa đi một số nước. Với diễn biến của tiền tệ trong ngắn hạn, rất khó để tiến vào những thị trường này".

Đồng tiền của các nước đang phát triển đã bị mất giá nhiều nhất kể từ tháng 5/2017. Đồng peso Argentina, đồng lira Thổ Nhĩ Kỳ và đồng rupiah Indonesia là ba đồng tiền đã giảm xuống thấp kỷ lục những ngày gần đây.

Anatasia Amoroso, chuyên gia phân tích đầu tư toàn cầu tại JPMorgan Private Bank ở New York, cho biết: "Đây không phải là tín hiệu tốt cho thị trường mới nổi. Chừng nào chiến tranh thương mại còn tiếp diễn và Fed tăng lãi suất với tốc độ chạy đua thì tôi nghĩ USD sẽ tiếp tục mạnh hơn nữa".

Cơ hội mua vào

Một vài nhà đầu tư nhận định tình cảnh bán tháo là cơ hội để mua vào dựa trên những cơ sở vững chắc như giảm lạm phát, thặng dư thương mại và nới rộng sự khác biệt về tăng trưởng giữa thị trường mới nổi và thị trường phát triển.

Jayaraman, người đang quản lý 4,8 tỷ USD tại Causeway Capital Management LLC, trụ sở ở Los Angeles, nhận định cổ phiếu tại Ấn Độ, Hàn Quốc và Đài Loan khá hấp dẫn.

Amoroso thì cho rằng nhà đầu tư cuối cùng sẽ nhảy vào thị trường nợ công trong khi Goldberg cho biết nếu những vấn đề về thương mại được giải quyết, ông sẽ lựa chọn trái phiếu chính phủ bằng đồng ngoại tệ mạnh.

Áp lực lên thị trường mới nổi chắc chắn sẽ còn tại thời điểm hiện tại, trong đó Thổ Nhĩ Kỳ, Argentina, Nam Phi, Pakistan, Brazil và Italy là những quốc gia chịu nhiều thiệt hại nhất, theo một phân tích của Chris Senyek cùng các chuyên gia khác tại Wolfe Research.

Doanh nghiệp có văn phòng ở New York này cho biết khả năng vỡ nợ tại châu Á, thị trường cho vay liên ngân hàng ở châu Âu và hoán đổi nợ tín dụng từ những ngân hàng tư cho thấy những điểm chung với khủng hoảng năm 1997 ở thị trường mới nổi.

"Hệ thống theo dõi diễn biến các thị trường mới nổi (EM) của chúng tôi cho thấy sự suy yếu đã lan ra các EM dễ bị tổn thương nhất", Senyek nói.(NDH)
-------------------

Bất chấp căng thẳng thương mại, hoạt động dịch vụ tại Mỹ vẫn tăng trưởng mạnh

16 trong số 17 khu vực dịch vụ báo cáo tăng trưởng trong tháng 8/2018, dẫn đầu là xây dựng, vận tải, thương mại bán lẻ và dịch vụ giáo dục.

Kết quả cuộc khảo sát do Viện Quản lý Nguồn cung Mỹ (ISM) công bố ngày 6/9 cho thấy lĩnh vực dịch vụ của nước này tăng trưởng trong tháng 8/2018 giữa bối cảnh hoạt động kinh doanh vẫn mạnh bất chấp các chi phí cao hơn bắt nguồn từ những căng thẳng thương mại. 

ISM trong bản khảo sát theo tháng mới công bố cho biết chỉ số phi chế tạo của Mỹ trong tháng 8/2018 đạt 58,5, tăng 2,8% so với tháng trước đó do các tranh cãi thương mại tạo ra sức ép với tăng trưởng. Lĩnh vực dịch vụ, nơi tuyển dụng đa số người Mỹ, hiện đã tăng trưởng tháng thứ 103 liên tiếp, nói cách khác là tăng trưởng liên tục trong hơn tám năm. 

16 trong số 17 khu vực dịch vụ báo cáo tăng trưởng trong tháng 8/2018, dẫn đầu là xây dựng, vận tải, thương mại bán lẻ và dịch vụ giáo dục. Chỉ một khu vực báo cáo suy giảm là nông nghiệp, lâm nghiệp và ngư nghiệp và săn bắt. 

Những công ty tham gia cuộc khảo sát của ISM nhìn chung lạc quan về nền kinh tế, mặc dù một vài trong số này lo ngại về chính sách thuế quan mà chính quyền của Tổng thống Donald Trump đưa ra với Trung Quốc và Liên minh châu Âu (EU).

Nhiều công ty dịch vụ Mỹ hiện cũng đang đau đầu với bài toán thiếu lao động, giữa bối cảnh số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu tại Mỹ giảm 10.000 đơn xuống mức đã điều chỉnh theo mùa 203.000 đơn trong tuần kết thúc vào ngày 1/9 – mức thấp nhất kể từ tháng 12/1969. 

Một số công ty báo cáo chi phí gia tăng liên quan đến các sản phẩm sử dụng thép và nhôm – chủ đề của các mức thuế nhập khẩu cao. Song ảnh hưởng này không kéo lùi hoạt động doanh nghiệp nói chung, theo dữ liệu từ ISM. Ba thành tố cơ bản của cuộc khảo sát bao gồm đơn đặt hàng mới, hoạt động tuyển dụng và giá cả - tất cả đều tăng so với tháng 7/2018.

Người đứng đầu Ủy ban khảo sát về lĩnh vực phi chế tạo của ISM Anthony Nieves đánh giá ngay cả khi có một chút bất ổn, điều này thực sự không tác động tiêu cực đến hoạt động. 

Số liệu mới công bố bởi công ty Mỹ ADP (hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ doanh nghiệp) cho thấy khu vực tư nhân Mỹ tạo thêm 163.000 việc làm trong tháng 8/2018, sau mức tăng 217.000 việc làm trong tháng 7/2018. Lĩnh vực dịch vụ Mỹ tuyển dụng 139.000 lao động mới, giảm 38.000 lao động so với tháng 7/2018.(bnews)
----------------------

Trung Quốc tạo “vũ khí” mới phản đòn Mỹ trong cuộc chiến thương mại

Theo giới quan sát, với Hiệp định RCEP, Trung Quốc đang nắm trong tay “vũ khí quyền lực” để có thể giành ưu thế trong cuộc chiến thương mại với Mỹ.

Hiệp định RCEP – “vũ khí lợi hại”

Tiến trình đàm phán về Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) đang được đẩy mạnh trong bối cảnh cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc ngày càng leo thang. Các nhà quan sát cho rằng, Hiệp định do Trung Quốc khởi xướng này, nếu thành công sẽ giúp chống lại chính sách bảo hộ của Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Bà Chen Fengying – nhà nghiên cứu cấp cao của Viện Quan hệ Quốc tế Đương đại Trung Quốc cho biết, các nước Châu Á cần phải tăng cường hợp tác trong bối cảnh Tổng thống Donald Trump thúc đẩy chủ nghĩa bảo hộ thương mại. Học giả này cũng cho rằng, cuộc chiến thương mại cùng với các chính sách áp đặt rào cản thuế quan của Washington có thể đẩy nhanh việc hoàn tất đàm phán về Hiệp định RCEP.

RCEP - vũ khí lợi hại của Trung Quốc trong cuộc chiến thương mại. Ảnh: Internet.

“Sự thay đổi trong bầu không khí bao quanh cuộc đàm phán về RCEP có thể là một trong những lý do giúp đẩy nhanh việc thảo luận về Hiệp định này. Nhiều quốc gia đang phải đối mặt với chính sách đơn phương của Tổng thống Donald Trump chứ không chỉ riêng Trung Quốc. Đây là vấn đề chung. Sau khi Mỹ rút khỏi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), tính đa phương trong thương mại đã không còn phù hợp với Mỹ. Chủ nghĩa đơn phương của Mỹ hiện nay đang đặt ra sức ép nặng nề đối với nhiều quốc gia, trong đó có Nhật Bản. Đối với Nhật Bản, làm thế nào để thương lượng với Mỹ là cả một vấn đề. Tôi cho rằng chúng ta đang bị chậm trễ trong việc hội nhập”.

Nhà kinh tế học Trung Quốc khẳng định, các nước Châu Á cần phải từ bỏ những quyền lợi hẹp hòi và nhận thức tầm quan trọng của nền kinh tế khu vực. “Tôi gọi đây là nền kinh tế địa chính trị. Điều đó rất quan trọng. Tôi tin rằng các bên có thể tạo ra sự đột phá vào đầu năm 2019”.

Chen Fengying nhấn mạnh, trong khi Tổng thống Donald Trump đang theo đuổi các mục tiêu riêng của ông, thì các nước Châu Á cũng cần phải làm điều tương tự và tập trung phát triển kinh tế trong khu vực. Điều này sẽ cho phép các bên liên quan kết thúc đàm phán về RCEP vào năm 2019.

Tiến sỹ Ekaterina Arapova thuộc Học viện Ngoại giao Moscow (MGIMO) cũng đồng tình với quan điểm của nhà kinh tế Chen Fengying. Theo học giả Nga, cuộc chiến thương mại với Mỹ đang khiến Trung Quốc tích cực hội nhập với các đối tác Châu Á và đẩy mạnh đàm phán trong khuôn khổ RCEP.

“Những hành động mà chính quyền Mỹ thực hiện thời gian gần đây, bao gồm áp đặt trừng phạt Nga và rút khỏi Hiệp định TPP cho thấy, hệ thống quy tắc thương mại toàn cầu hiện hành, do Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) điều phối, chưa thực hiện đầy đủ chức năng của nó. Trong bối cảnh đó, các quốc gia, đặc biệt là những nước lớn như Trung Quốc lo ngại rằng sự hỗn loạn có thể nhấn chìm các quy tắc này. Do vậy, họ đang cố gắng tìm ra một số cơ chế thay thế.”

Trung Quốc cần hợp tác với Nhật Bản

Theo Tiến sỹ Ekaterina Arapova, sự tan băng trong quan hệ giữa Trung Quốc và Nhật Bản cũng là động lực mạnh mẽ cho các cuộc đàm phán về RCEP. Bà nhận định, Nhật Bản đã đánh mất nhiều cơ hội lớn do Mỹ rút khỏi TPP. Tokyo từng có kế hoạch tận dụng thị trường lớn của Mỹ trong khuôn khổ TPP với hy vọng sẽ giải quyết được một số vấn đề kinh tế nội bộ của nước này bằng một yếu tố bên ngoài. Nhưng hy vọng đó đã tiêu tan.

Bây giờ Nhật Bản buộc phải tìm kiếm các thị trường rộng lớn và Trung Quốc là ứng cử viên đầu tiên. Bà Ekaterina Arapova cho rằng, nhân cơ hội này, Trung Quốc sẽ hối thúc Nhật Bản tìm kiếm các thỏa hiệp và những giải pháp đôi bên có thể chấp nhận được trong các cuộc đàm phán về RCEP.

Các nhà quan sát tin rằng bất kỳ tiến bộ nào trong việc thành lập cơ chế hội nhập khu vực mới sẽ phụ thuộc phần lớn vào sự hợp tác giữa Trung Quốc và Nhật Bản, nền kinh tế thứ hai và thứ ba trên thế giới, cũng như sự hợp tác của các nước này với Hàn Quốc.

Nhiều người khẳng định, những biện pháp thúc đẩy chủ nghĩa bảo hộ của Tổng thống Trump đã khiến Nhật Bản quay sang hỗ trợ Hiệp định RCEP do Trung Quốc khởi xướng, với mong muốn hưởng lợi từ Hiệp định này. Phát biểu với tờ Sankei tuần trước, ông Shinzo Abe nói: “Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã thăm Nhật Bản vào tháng 5 vừa qua và mối quan hệ giữa hai bên hoàn toàn trở lại lộ trình bình thường”. Trước đó vào tháng 7/2018, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã kêu gọi các quốc gia Châu Á đẩy nhanh tốc độ đàm phán, để sớm ký kết thỏa thuận về RCEP.

“Tất cả chúng ta đang đối mặt với sự trỗi dậy của chủ nghĩa bảo hộ trên thế giới. Các nước Châu Á cần phải đoàn kết và tương lai của chúng ta phụ thuộc vào việc liệu chúng ta có thể giữ vững những những nguyên tắc về tự do và công bằng thương mại hay không”, ông Abe lưu ý.

Liên quan đến vòng đàm phán mới nhất về RCEP, diễn ra vào cuối tháng 8 tại Singapore, Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp Singapore Chan Chun Sin tuần trước cho biết, các cuộc đàm phán đang tiến triển rất tốt.

RCEP là một Hiệp định Thương mại Tự do bao gồm 10 nước thành viên ASEAN (Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan, Brunei, Việt Nam, Lào, Myanmar, Campuchia) và 6 đối tác là Australia, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, New Zealand và Hàn Quốc. Mục đích của RCEP là thiết lập sự hợp tác kinh tế sâu sắc hơn giữa ASEAN với các đối tác, tập trung vào thương mại hàng hóa, dịch vụ và đầu tư. Cuộc đàm phán về Hiệp định này chính thức được bắt đầu vào năm 2012.

Tại sao RCEP quan trọng đối với Trung Quốc?

Cuộc chiến thương mại leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc đang gây gián đoạn hoạt động kinh doanh giữa hai quốc gia. Do các nhà sản xuất Trung Quốc và khách hàng của họ tại Mỹ bị ràng buộc chặt chẽ với chuỗi cung ứng trên toàn cầu, nên việc Mỹ tăng thuế đối với hàng hóa nhập khẩu của Trung Quốc đang gây ra thiệt hại lớn cho cả hai phía.

Hiện nay, các nhà sản xuất Trung Quốc vừa phải đối mặt với sức ép tăng tiền lương cho nhân viên lại vừa chịu mức giá nguyên liệu thô gia tăng và nhiều bất ổn khác về thương mại. Trong bối cảnh đó, sự đột phá trong đàm phán RCEP đóng vai trò quan trọng đối với Trung Quốc, giúp nước này có thể điều chỉnh phương thức đối phó với Mỹ trong cuộc chiến về thuế quan.

Hơn nữa, kể từ khi Mỹ rút khỏi TPP vào đầu năm 2017 và Anh quyết định rời khỏi Liên minh Châu Âu vào năm 2016, Trung Quốc đã trở thành quốc gia có tiếng nói quan trọng nhất trong việc kêu gọi tự do hóa thương mại và toàn cầu hóa. Cải thiện quan hệ thương mại trong khu vực cũng là chìa khóa giúp cải thiện quan hệ giữa Trung Quốc và Nhật Bản cùng nhiều các quốc gia Đông Nam Á khác.

Ngoài ra, do sự trỗi dậy của chủ nghĩa bảo hộ thương mại trên thế giới và sự sụt giảm triển vọng phát triển kinh tế tại Trung Quốc, việc đàm phán thành công RCEP sẽ giúp cho Trung Quốc tiếp cận các thị trường mới cũng như tăng cường trao đổi công nghệ. Cả hai vấn đề này đều là chìa khóa đối với kế hoạch của Trung Quốc nhằm nâng cấp và đẩy mạnh lĩnh vực sản xuất trong nước.

Đối với Trung Quốc, việc tiếp cận các thị trường khác nhau trong khuôn khổ RCEP sẽ mang lại những lợi ích lớn, trong đó tạo ra môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp Trung Quốc hoạt động, thúc đẩy tăng trưởng việc làm và gia tăng nhu cầu tiêu dùng trong nước.

Trong bối cảnh Trung Quốc đang thực hiện nhiều cải cách về tài chính, nới lỏng quy định đầu tư, cắt giảm thuế... việc đảm bảo ổn định về kinh tế được coi là ưu tiên hàng đầu của nước này. Do vậy, đàm phán thành công RCEP sẽ hỗ trợ Trung Quốc thực hiện các mục tiêu đề ra.(VOV)

Trở về

Bài cùng chuyên mục