tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh 09-06-2018

  • Cập nhật : 09/06/2018

'Cởi trói' hợp đồng mua điện để phát triển điện gió

Ngày 7.6, tại hội nghị 'Điện gió VN: Cơ hội lớn - thách thức lớn' do Hiệp hội Điện gió toàn cầu (GWEC) phối hợp với Bộ Công thương tổ chức tại Hà Nội, các chuyên gia và nhà đầu tư cho rằng không phải giá điện mà hợp đồng mua điện mới là rào cản lớn nhất cho điện gió phát triển ở VN.

dien gio tai h.tuy phong, binh thuan - anh: d.n.t

Điện gió tại H.Tuy Phong, Bình Thuận - ẢNH: Đ.N.T

Cụ thể, theo ông Bùi Vĩnh Thắng, đại diện tại VN của Tập đoàn Mainstream - một trong những tập đoàn điện gió lớn nhất thế giới, hợp đồng mua bán điện (PPA) là yếu tố quan trọng nhất quyết định chi phí vốn. PPA được chuẩn hóa, minh bạch và được các tổ chức tài chính chấp nhận là mấu chốt để giảm rủi ro và chi phí vốn.

Liên quan đến giá điện, các chuyên gia cho rằng, trước mắt giá điện gió tại VN vẫn phải đắt vì chi phí đầu vào đắt và đòi hỏi Chính phủ phải trợ giá một thời gian. Tuy nhiên, khi đạt đến công suất khoảng 1 GW thì sẽ không cần trợ giá nữa và kinh nghiệm thế giới cho thấy giá điện gió mỗi năm giảm khoảng 10%. Ví dụ, tại Nam Phi, khi đầu tư ban đầu vào năm 2009 thì giá mỗi kWh là 10 cent (100 cent = 1 USD) nhưng đến nay chỉ khoảng 6 cent.

Trước đó, phát biểu trước Quốc hội tại phiên chất vấn chiều 6.6, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, Bộ Công thương đang lấy ý kiến về dự thảo thay thế quyết định của Thủ tướng về chính sách điện gió. Theo đó, nếu điện gió làm trên mặt biển, như ở Bạc Liêu và Cà Mau, có thể tăng thêm 2 cent cho mỗi kWh, còn giá với các dự án điện gió trên đất liền có thể tăng thêm 1 cent (giá điện gió hiện ở mức 7,8 cent/kWh, áp dụng từ năm 2011 đến nay).(Thanhnien)
-------------------------

70% doanh nghiệp nhỏ và vừa không có thông tin về các FTA

Con số trên từ một khảo sát trên 200 doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa (DNNVV) tại 4 quốc gia ASEAN, trong đó có VN, được công bố tại hội thảo Hỗ trợ DNNVV tận dụng các Hiệp định thương mại tự do (FTA) do Bộ Công thương tổ chức tại TP.HCM hôm qua (7.6), với sự tham gia của nhiều nước trên thế giới.

Theo các diễn giả, DNNVV đang gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận và tận dụng các FTA mang lại. Cụ thể, có đến 70% cho biết không nhận được hỗ trợ từ nhà nước để tìm hiểu các thông tin về FTA; 70% DN không có thông tin, không biết hỏi ai; 50% cho rằng FTA có tác dụng giảm thuế quan trong khi 35% lại hiểu FTA giúp giải quyết hàng rào phi thuế quan; 38% không được đào tạo kiến thức về xuất khẩu và cách xác định nguồn gốc xuất xứ.

Theo Vụ Chính sách thương mại đa biên - Bộ Công thương, DNNVV của VN chiếm 97% tổng số DN, tuy nhiên, lực lượng này vẫn chưa thực sự đóng góp nhiều vào các hoạt động xuất khẩu lớn và lý do khiến DNNVV khó khăn tiếp cận các FTA do các quy tắc, thủ tục trong hầu hết các FTA đều rất phức tạp.(Thanhnien)
-----------------------------

Sếp lớn của 12 dự án thua lỗ nghìn tỷ sắp hầu toà?

Cơ quan điều tra dự kiến hoàn thành điều tra và chuyển hồ sơ liên quan 2 dự án Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Phú Thọ và Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Quảng Ngãi sang cơ quan truy tố vào cuối quý II năm 2018.

Chính phủ vừa hoàn thành báo cáo kết quả xử lý tồn tại, yếu kém của các dự án, doanh nghiệp yếu kém ngành Công Thương gửi đến đại biểu Quốc hội.

Đáng lưu ý, liên quan đến công tác điều tra, báo cáo cho biết, đã có 4 dự án, doanh nghiệp được Thanh tra Chính phủ chuyển hồ sơ sang Bộ Công an do trong quá trình thanh tra đã phát hiện ra một số dấu hiệu vi phạm pháp luật, gồm: Dự án Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Quảng Ngãi; Dự án Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Phú Thọ; Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 nhà máy gang thép Thái Nguyên và Dự án nhà máy sản xuất xơ sợi polyester Đình Vũ.

Đến nay, Cơ quan CSĐT Bộ Công an cũng đã tiến hành khởi tố vụ án “Cố lý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Công ty cổ phần hóa dầu và xơ sợi dầu khí (PVTex)”, trong đó có các sai phạm liên quan đến Dự án nhà máy sản xuất xơ sợi polyester Đình Vũ.

Bên cạnh đó, phân công giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố đối với 02 dự án (Dự án Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Phú Thọ và Dự án Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Quảng Ngãi), sau đó đã chuyển Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công An tiếp tục thụ lý, xác minh các dấu hiệu sai phạm.

“Dự kiến sẽ hoàn thành điều tra và chuyển hồ sơ sang VKSND Tối cao đề nghị truy tố vào cuối quý II năm 2018”, báo cáo của Chính phủ cho biết,

Ngoài ra, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đang tiếp tục giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố tại Dự án Nhà máy sản xuất đạm Ninh Bình và tổ chức trinh sát, nắm tình hình, điều tra, xác minh thu thập tài liệu để làm rõ các sai phạm (nếu có) tại các dự án, doanh nghiệp khác.

Báo cáo cũng cho biết, một số dự án sản xuất nhiên liệu sinh học (Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Phú Thọ, Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Bình Phước) có vốn góp của đối tác chiếm đa số, phần vốn góp nhà nước trong dự án thấp (chỉ đạt trên dưới 30%) nên cổ đông nhà nước (ở đây là Tổng công ty Dầu Việt Nam PVOil) không thể quyết định được toàn bộ các vấn đề của dự án mà phụ thuộc vào các đối tác bên ngoài (kể cả đối tác nước ngoài).

Dự án Nhà máy sản xuất xơ sợi polyester Đình Vũ sau gần 31 tháng phải dừng sản xuất, đến ngày 10/4/2018, dự án đã khởi động lại được một phần với việc vận hành lại 3 dây chuyền. Dự kiến đến tháng 12/2018, nhà máy sẽ chạy đủ 29 dây chuyền của phân xưởng kéo sợi. Dự án này, đang làm việc với cơ quan điều tra của Bộ Công an nên tạm thời chưa triển khai thực hiện kiểm toán thực trạng tài chính và tình hình sản xuất kinh doanh theo như kế hoạch.

Dự án nhà máy sản xuất Nhiên liệu sinh học Quảng Ngãi hiện vẫn dừng sản xuất. Hiện, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, CTCP nhiên liệu sinh học Dầu khí Miền Trung (BSR-BF) và Tổ hỗ trợ từ các cổ đông đang tìm kiếm, lựa chọn đối tác hợp tác sản xuất kinh doanh để có kinh phí vận hành lại nhà máy.

Đối với Dự án nhà máy sản xuất Nhiên liệu sinh học Phú Thọ, đây là dự án đầu tư xây dựng dở dang, khởi công từ quý III/2009 nhưng đã phải tạm dừng thi công từ tháng 11/2011 do không đạt được thống nhất của các bên tham gia về chi phí phát sinh, tiến độ mới đạt khoảng 78% khối lượng công việc.

Hiện nay, CTCP Hóa dầu và Nhiên liệu sinh học Dầu khí (PVB) đang tiếp tục triển khai phương án tìm kiếm đối tác đầu tư triển khai tiếp dự án theo nguyên tắc đối tác hợp tác sẽ góp toàn bộ vốn còn thiếu để triển khai, hoàn thành dự án.(Bizlive)
----------------------

Không có hàng nông sản ùn ứ tại cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị

Ông Nông Quang Hưng, Phó Chi cục Trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu Hữu Nghị, Cục Hải quan Lạng Sơn khẳng định không có chuyện ùn ứ hàng nông sản Việt Nam tại cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị.

Khẳng định trên được đưa ra để phản hồi về thông tin nhiều xe container chở hàng nông sản Việt Nam dồn lên Cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị, tỉnh Lạng Sơn, gây ra tình trạng ùn ứ, tắc đường trong thời gian dài.

Đại diện Chi cục Hải quan cửa khẩu Hữu Nghị, Cục Hải quan Lạng Sơn cho hay, từ thời điểm ngày 1/6/2018 đến nay, lượng hàng hóa xuất khẩu qua cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị lớn, kéo theo đó là số lượng phương tiện vận tải tăng cao; trong đó, mặt hàng chủ yếu thuộc loại hình B13 là loại xuất trả hàng nhập khẩu, tức hàng hóa nhập khẩu đã làm thủ tục xuất trả sang phía Trung Quốc. 

Các loại hàng hóa nông sản Việt Nam từ nội địa chuyển lên, xuất khẩu qua cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị như: măng cụt, sầu riêng… và mặt hàng của cư dân biên giới luôn được Chi cục tiến hành giải quyết các thủ tục thông quan nhanh chóng và đúng quy định. 

Trước nguy cơ xảy ra ùn ứ kéo dài, các lực lượng chức năng gồm: Cảnh sát giao thông, Biên phòng và Hải quan đã tăng cường phối hợp, hướng dẫn các phương tiện lưu thông dừng đỗ tại khu vực cửa khẩu. Theo đó, các lực lượng Cảnh sát giao thông và Biên phòng tỉnh Lạng Sơn đã phân công ca, kíp trực để tiến hành điều tiết, phân luồng phương tiện ra, vào bến bãi; hướng dẫn các xe chuyên trở hàng hóa dừng, đỗ đúng vị trí được điều tiết...

Theo ông Hưng, trong quá trình thực hiện giải quyết thủ tục hải quan, đơn vị đã phối hợp với các lực lượng như Ban Quản lý cửa khẩu, cùng trao đổi với phía nước bạn kéo dài thời gian làm việc để giảm tình trạng ùn ứ và giải phóng xe hàng cho thuận lợi và nhanh chóng nhất. Đồng thời, phối hợp làm thủ tục hải quan nhanh chóng, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa.(TTXVN)

Trở về

Bài cùng chuyên mục