Giày dép Việt Nam vào Mỹ có thể được giảm thuế; Hoàng Anh Gia Lai kiếm ngàn tỉ nhờ bán trái cây; Hà Nội xin Thủ tướng xây 2,3 km đường vành đai 1 trị giá gần 7.800 tỷ đồng; Bộ Nông nghiệp đề xuất bãi bỏ, sửa đổi 118 điều kiện kinh doanh
Tin kinh tế đọc nhanh sáng 23-10-2017
- Cập nhật : 23/10/2017
Liên minh công nghệ bảo vệ 'giấc mơ Mỹ'
Nhiều ông lớn công nghệ đang lập liên minh đòi quốc hội Mỹ thông qua luật bảo vệ lao động trẻ nhập cư thuộc chương trình DACA khỏi nguy cơ bị trục xuất.
Hiện tại, gần 20 công ty lớn tại Mỹ đang chuẩn bị thành lập một liên minh nhằm yêu cầu quốc hội thông qua đạo luật mới, kêu gọi bảo vệ những người có nguy cơ bị ảnh hưởng nếu chương trình hỗ trợ người nhập cư DACA bị bãi bỏ. Theo Reuters, tham gia tổ chức có tên gọi Liên minh vì Giấc mơ Mỹ (ADC) này có nhiều tập đoàn công nghệ như Facebook, Google, IBM, Intel, Microsoft, Uber và nhiều công ty thuộc các ngành nghề khác.
DACA là lệnh hành pháp do Tổng thống Barack Obama ban hành vào năm 2012, cho phép những người nhập cảnh bất hợp pháp vào Mỹ trước năm 16 tuổi được tạm hoãn trục xuất và cấp giấy phép làm việc, học tập cũng như có thể tái tục trong 2 năm. Đương đơn phải dưới 31 tuổi vào ngày 15.6.2012, sống liên tục tại Mỹ từ ngày 15.6.2007, hoàn tất bậc trung học, không phạm tội nghiêm trọng trong thời gian lưu trú. Vào thời điểm Tổng thống Donald Trump tuyên bố sẽ chấm dứt chương trình DACA hồi tháng 9, có khoảng 800.000 người được chính sách này bảo trợ (thường được gọi là “Dreamer”), đa phần là dân di cư từ các nước Trung Mỹ.
Hồi tháng 9, chính quyền Tổng thống Trump thông báo chấm dứt chương trình DACA vì cho rằng đây là chính sách vi hiến, tước hàng ngàn việc làm của người dân Mỹ để trao cho những người nước ngoài nhập cư bất hợp pháp. Theo quyết định mới, những người có giấy phép hết hạn trước ngày 5.3.2018 có thể tái đăng ký giấy phép trước ngày 5.10. Trong khi đó, những người đăng ký mới sẽ không được chấp nhận. Một khi giấy phép hết hạn, đồng nghĩa người đó có thể bị trục xuất bất cứ lúc nào. Nhà Trắng đã đưa ra thời hạn 6 tháng để quốc hội tìm giải pháp thay thế thích hợp.
Phong trào phản kháng
Sau khi quyết định của chính quyền Tổng thống Trump được công bố, khoảng 800 công ty đã ký vào lá thư gửi đến giới lãnh đạo quốc hội kêu gọi thông qua điều luật nào đó bảo vệ những Dreamer. Chiến dịch này được phát động bởi tổ chức vận động cải cách bảo vệ người nhập cư có tên FWD.us do người sáng lập Facebook Mark Zuckerberg lập ra vào năm 2013. Nhiều công ty ký tên trong lá thư đã gia nhập ADC, theo Reuters. Amazon, Intel, Uber và Univision Communications đã xác nhận thông tin này. Phát ngôn viên Will Moss của Intel thông báo công ty rất hài lòng khi gia nhập cùng những tổ chức khác nhằm kêu gọi quốc hội thông qua luật pháp để bảo vệ những Dreamer. Phát ngôn viên Uber Matthew Wing nhấn mạnh Uber gia nhập liên minh vì muốn ủng hộ những người trẻ nhập cư và đã mở một số trung tâm hỗ trợ cho những người này. Mẫu đơn đăng ký vào ADC cho thấy có 72% số công ty thuộc tốp 25 của bảng xếp hạng Fortune 500 có tuyển dụng những người thuộc DACA. Một văn bản khác của liên minh nêu rằng "những Dreamer là một phần của xã hội. Họ bảo vệ đất nước và hỗ trợ nền kinh tế của chúng ta".
Theo giới quan sát, giải pháp có thể sẽ được đưa ra vào tháng 12, hạn chót để quốc hội thông qua ngân sách chi tiêu nhằm tránh việc chính phủ bị đóng cửa. Phe Dân chủ được cho là sẽ bỏ phiếu để dự luật chi tiêu chính phủ được thông qua, đổi lại, quốc hội do phe Cộng hòa kiểm soát sẽ phải có biện pháp đảm bảo tương lai cho những người nhập cư được bảo vệ trong chính sách mà cựu Tổng thống Obama để lại.
Lãnh đạo đảng Dân chủ tại Hạ viện Nancy Pelosi nói rằng bà sẽ “sử dụng mọi khả năng" để thương lượng nhằm bảo vệ chương trình DACA, theo tờ The Washington Post. Hạ nghị sĩ Luis Gutierrez, người chỉ trích dữ dội chính sách nhập cư của Tổng thống Trump, kêu gọi phe Dân chủ hoãn bỏ phiếu thông qua dự luật ngân sách. "Tôi không nói rằng chúng ta nên đóng cửa chính phủ nhưng nếu bạn muốn bản ngân sách với phiếu bầu của người Dân chủ, bạn phải đáp ứng một số ưu tiên của phe Dân chủ", ông Gutierrez nhấn mạnh.
Theo nội dung bức thư mà các công ty công nghệ gửi lên quốc hội hồi tháng 9, nền kinh tế của nước Mỹ sẽ mất 460,3 tỉ USD từ GDP và 24,6 tỉ USD đóng góp cho tiền thuế an sinh xã hội và y tế nếu DACA bị bãi bỏ. Những Dreamer được coi là quan trọng sống còn đến tương lai của các công ty và nền kinh tế Mỹ. Vì thế, nếu DACA không được bảo vệ, "toàn bộ 780.000 người trẻ lao động miệt mài sẽ mất quyền làm việc hợp pháp tại Mỹ và họ đứng trước nguy cơ bị trục xuất ngay lập tức".
----------------------------
Thâm hụt ngân sách Mỹ năm tài chính 2017 tiếp tục tăng
Thâm hụt của năm tài chính 2017 tăng lên 3,5% GDP. Thâm hụt của năm trước là 586 tỷ USD, với tỷ lệ thâm hụt so với GDP là 3,2%.
Thu ngân sách năm tài chính 2017 tăng 1% lên 3.315 tỷ USD, trong khi chi tiêu tăng 3% lên 3.981 tỷ USD.
Kể từ khi nhậm chức vào tháng 1, chính quyền của Trump tìm cách sửa đổi lại hệ thống thuế của Mỹ với các nội dung chi tiết hiện đang được bàn thảo tại Quốc hội. Kế hoạch cải cách thuế của đảng Cộng hòa yêu cầu cắt giảm tới 6 nghìn tỷ USD, điều này sẽ làm giảm đáng kể nguồn thu.
Điều này làm dấy lên những lời chỉ trích đối với chính quyền Trump khi cho rằng những cải cách sẽ mang lại lợi ích cho nhóm người giàu có và có thể khiến ngân sách thâm hụt thêm hàng nghìn tỷ USD. Trong khi chính quyền quả quyết rằng việc cắt giảm thuế sẽ tạo ra nhiều việc làm hơn nữa và ngân sách sẽ được bù đắp bằng kết quả của tăng trưởng kinh tế.
Ngoài khoản thâm hụt ngân sách hàng năm, nợ quốc gia - sự tích lũy các khoản thâm hụt trong quá khứ và lãi suất phải trả cho những người cho vay đối với Kho bạc Mỹ - hiện đã vượt quá 20 nghìn tỷ USD.
Văn phòng Ngân sách Quốc hội cho biết mức nợ không ngừng tăng tạo ra sự không ổn định cho chính phủ khi chi trả các chi phí y tế và chế độ hưu của thế hệ Baby Boomer.
Trong tháng 9, chính phủ Mỹ ghi nhận khoản thặng dư 8 tỷ USD, giảm 76% so với cùng kỳ năm ngoái. Các nhà kinh tế được khảo sát bởi Reuters đã dự báo Kho bạc báo cáo thặng dư 6 tỷ USD vào tháng trước.
Theo các số liệu điều chỉnh, thặng dư tháng trước là 61 tỷ USD so với mức thặng dư của năm trước là 73 tỷ USD. Một quan chức cao cấp của Bộ Tài chính cho biết, các chi phí của tháng 9 ở một mức cao kỷ lục. Các khoản chi tiêu lên đến 341 tỷ USD, tăng 5% so với cùng kỳ năm trước trong khi các khoản thu đạt 349 tỷ USD, giảm 2% so với năm trước.(NDH)
----------------------------
Điện máy gia dụng Việt cạnh tranh hàng ngoại nhập
Lâu nay, thị trường đồ điện gia dụng VN dòng sản phẩm trung bình đang bị thống trị bởi hàng trôi nổi từ Trung Quốc, gần đây là hàng chính ngạch từ Thái Lan.
Sản xuất ấm nước siêu tốc tại Nhà máy Asanzo VN ẢNH: CTCC
Tuy nhiên, thống kê của một số trang bán hàng online cho thấy, hàng VN có đến 5 thương hiệu điện gia dụng giá rẻ, chất lượng tốt, có thể cạnh tranh trực tiếp với các sản phẩm nhập khẩu phân khúc phổ thông, đó là: Asanzo, VNTech, Goldsun, Gowell, Sunhouse.
Điển hình trong số này có nhãn hàng điện gia dụng Asanzo. Thật ra, mấy năm qua, Asanzo được biết đến trên thị trường nhờ chiếc ti vi được sản xuất lắp ráp tại VN. Mới đây là sự kiện trình làng hai dòng điện thoại thông minh cạnh tranh trực tiếp với một số nhãn hàng điện thoại giá trung bình đến từ Trung Quốc và Hàn Quốc. Đặc biệt, trong chưa tới một năm trở lại đây, thương hiệu điện tử Việt Asanzo đã âm thầm tung hàng loạt nhãn hàng điện gia dụng với giá cực thấp, từ 200.000 đồng/ấm đun siêu tốc, hàng loạt lò nướng, máy xay sinh tố, bình thủy điện, bàn ủi, nồi cơm điện có giá dưới 1 triệu đồng/cái. Một số sản phẩm cao cấp khác như: lò vi sóng, lò nướng, nồi cơm điện cao cấp, linh kiện chất lượng giá trên 3 triệu đồng/cái được nhiều người chọn mua tại các trung tâm điện máy.
Với giá thấp hơn khoảng 30% so với hàng nhập đồng dạng, doanh thu từ các sản phẩm điện gia dụng của Asanzo ngày càng tăng trong tổng doanh thu của tập đoàn này, chiếm khoảng 20% tổng doanh thu vào năm 2016. Dự kiến, năm 2017, các sản phẩm điện gia dụng của nhãn hàng này sẽ nâng lên 30% trên tổng doanh thu ước tính 2.500 tỉ đồng. Thực tế, điện gia dụng giá rẻ, được bảo hành phủ khắp cả nước là thế mạnh của thương hiệu điện tử Việt này.(Thanhnien)
-------------------------
Trật tự mới trong lợi nhuận ngân hàng 2017
Tuần qua, nhiều ngân hàng thương mại công bố kết quả kinh doanh cơ bản 9 tháng đầu năm 2017, bước đầu định hình những kỷ lục mới và trật tự mới trong hệ thống.
Với nhiều kết quả đã công bố, đến nay có thể đã định hình 2017 sẽ là năm kinh doanh tốt nhất về lợi nhuận của hệ thống ngân hàng kể từ năm 2012 đến nay.
Sẽ có những khoảng cách
Nếu năm trước, ở vị trí dẫn đầu lợi nhuận toàn hệ thống, nhìn theo con số tuyệt đối, có sự sít sao giữa Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) và Ngân hàng Công thương Việt Nam (VietinBank).
Năm nay, đến thời điểm này VietinBank chưa công bố cập nhật cụ thể, còn Vietcombank đang có triển vọng chiếm vị trí số 1 về lợi nhuận với khoảng cách dự báo sẽ đáng kể so với vị trí thứ hai.
Do năm 2016, Vietcombank đạt kỷ lục lợi nhuận, nên tốc độ tăng trưởng đến nay trở nên đều và không đột biến như ở một số trường hợp tăng trưởng từ thấp lên cao.
Cụ thể, 9 tháng đầu năm 2017, lợi nhuận trước thuế riêng lẻ trước dự phòng của Vietcombank đạt 12.186 tỷ đồng, tăng 14,1% so với cùng kỳ 2016; lợi nhuận trước thuế sau khi trích lập dự phòng đạt 7.687 tỷ đồng, tăng 24,4% so cùng kỳ 2016, thực hiện 80,9% kế hoạch 2017.
Với việc đã mua lại toàn bộ nợ xấu bán cho Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) trong năm 2016, cùng với dư quỹ dự phòng rủi ro đã lên tới 10.390 tỷ đồng, bằng 136,4% tổng dư nợ xấu, cũng như dự tính của một lãnh đạo Vietcombank từng chia sẻ gần đây, lợi nhuận trước thuế năm nay của ngân hàng này mức 10.000 tỷ đồng là trong tầm tay. Đây dự kiến cũng sẽ là kỷ lục mới của hệ thống các ngân hàng thương mại Việt Nam.
Còn ở khối ngân hàng thương mại cổ phần, ba năm trở lại đây Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) đang cho thấy sự bứt phá mà chưa có đối trọng khác bám đuổi được trong cùng khối.
9 tháng đầu năm nay, lợi nhuận hợp nhất trước thuế của VPBank đã đạt 5.635 tỷ đồng, tăng 79% so với cùng kỳ năm trước và đạt 78% kế hoạch đề ra trong cả năm.
Với tốc độ này, dự kiến cả năm VPBank sẽ là trường hợp ngân hàng cổ phần tư nhân đầu tiên có con số tuyệt đối về lợi nhuận ngang ngửa với một số ngân hàng quốc doanh (dù cổ phần hóa nhưng Nhà nước vẫn nắm tỷ lệ sở hữu chi phối). Theo đó, đây dự kiến sẽ tiếp tục là thành viên có các chỉ số sinh lời cao nhất so với tất cả các ngân hàng còn lại.
Sớm hoàn tất cả năm
Có quy mô vốn và tổng tài sản thấp hơn, nhưng trong “trật tự mới” của bảng so sánh lợi nhuận ngân hàng 2017 đã bắt đầu hé mở sự đột biến tại Ngân hàng Thương mại Cổ phần Phát triển Tp.HCM (HDBank).
Cụ thể, sau 9 tháng, lợi nhuận của HDBank đã tăng trưởng đột biến tới 279%, vượt kế hoạch cả năm; lợi nhuận trước thuế hợp nhất 9 tháng đầu năm 2017 đạt 1.912 tỷ đồng, trong đó HDBank riêng lẻ đạt 1.713 tỷ đồng. Thậm chí HDBank còn dự kiến lợi nhuận hợp nhất cả năm sẽ đạt khoảng 2.400 tỷ đồng.
Với kết quả trên, có thể cuối năm nay thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ đón thêm một sức hút mới từ ngành ngân hàng, sau khi VPBank và Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) vừa lần lượt đưa cổ phiếu chào sàn.
Cũng tại LienVietPostBank, kế hoạch lợi nhuận cả năm đã gần như hoàn thành sau 9 tháng, với khoảng 1.450 tỷ đồng. 2017 cũng dự kiến sẽ làm năm lợi nhuận của ngân hàng này bứt phá mạnh sau 9 năm có mặt trên thị trường, nhất là sau hai năm liên dồn lực đầu tư cho kế hoạch mở loạt chi nhánh mới để phủ kín cả nước và đầu tư cho công nghệ.
Hiện Ngân hàng Sài Gòn - Hà Nội (SHB) chưa công bố, nhưng dự kiến đây cũng là thành viên có bứt phá mạnh về lợi nhuận năm nay, với khả năng sớm hoàn tất kế hoạch cả năm trước tiến độ hai tháng, theo tìm hiểu của VnEconomy.
Tuy nhiên, điểm nhấn từ 2017 tại SHB là chính thức ra mắt công ty tài chính tiêu dùng đến nay vẫn chưa rõ thời điểm cụ thể, dù quý 3 đã trôi qua so với lịch hẹn với đại hội đồng cổ đông đầu năm nay.
Bên cạnh những con số cập nhật, kế hoạch và tiến độ thực hiện, điểm chung trong bức tranh lợi nhuận các ngân hàng thương mại 2017 là nhiều thành viên đang cải thiện rõ các chỉ số sinh lời, trong điều kiện tỷ lệ lãi cận biên (NIM) nói chung không nhiều thay đổi (chỉ trong khoảng 2,7-2,8% những năm gần đây). Điều này một phần phản ánh chất lượng tài sản đã tốt lên trong năm 2017.(Vneconmy)
----------------------------