tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh 23-10-2017

  • Cập nhật : 23/10/2017

Các sân bay Việt cần hơn 17.000 tỷ đồng nâng cấp trong 5 năm tới

Với mức đầu tư lớn, ngân sách đang gặp khó nên Bộ Giao thông Vận tải kiến nghị giao ACV quản lý, khai thác, đầu tư, sửa chữa khu bay.

Báo cáo của Bộ Giao thông Vận tải gửi Thủ tướng về thực trạng hoạt động và các phương án quản lý, khai thác tài sản khu bay cho biết, giai đoạn 2012-2016,tổng doanh thu hoạt động cất hạ cánh củaTổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV)là 5.978 tỷ đồng, trong khi chi phí đầu tư cho giai đoạn này là hơn 7.500 tỷ đồng.

Theo Bộ, doanh thu nói trên mới bù đắp chi phí hoạt động, duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa và một phần nhỏ chi phí đầu tư, nâng cấp. Về chi phí đầu tư trong 5 năm qua,ACV sử dụng khoảng 23% vốn của Nhà nước và 77% là của doanh nghiệp.

Bộ Giao thông Vận tải cũng cho biết, tổng công ty đã xây dựng kế hoạch doanh thu từ năm 2017 đến năm 2021 với mức dao động từ 1.819-2.556 tỷ đồng. Trong khi, tổng mức đầu tư khoảng 17.150 tỷ đồng, riêng nhu cầu vốn đầu tư sửa chữa dự kiến giải ngân là 11.075 tỷ đồng. Như vậy, nguồn thu từ hoạt động khu bay mới chỉ đáp ứng được chi phí hoạt động, sửa chữa thường xuyên và một phần nhỏ để đầu tư.

nhieu hang muc cong trinh cua san bay tan son nhat se duoc nang cap trong nam nay.

Nhiều hạng mục công trình của sân bay Tân Sơn Nhất sẽ được nâng cấp trong năm nay.

Cơ quan này cũng cho rằng, với chi phí đầu tư, nâng cấp cho khu bay thời gian tới rất lớn, trong khi ngân sách có hạn nên việc lựa chọn cơ chế, phương án quản lý, khai thác tài sản khu bay phải tính toán thận trọng và mang tính dài hạn. Trong khi đó, theo Bộ, nhu cầu vốn đầu tư cho các tài sản khu bay rất cấp bách, nhất là khi các hãng tăng tần suất khai thác cũng như tăng dần các tàu bay có trọng tải lớn. Ngoài ra, cơ quan này cho rằng, phương án khai thác tài sản khu bay còn phải xem xét nhằm tính đến khả năng tích lũy vốn phục vụ đầu tư của Nhà nước cho khu bay của Càng hàng không quốc tế Long Thành.

Với những yếu tố đó, Bộ đề xuất 4 phương án vận hành, khai thác khu bay trong thời gian tới.

Một là, Nhà nước cho ACV thuê tài sản để khai thác, vận hành khu bay. Với phương án này, Bộ Giao thông Vận tải sẽ là cơ quan thu tiền cho thuê tài sản nhưng ủy quyền cho ACV thực hiện đầu tư, mua sắm, bổ sung trang thiết bị. Tuy nhiên, Bộ sẽ chịu trách nhiệm cải tạo, nâng cấp, đầu tư mới các tài sản thuộc khu bay như đường cất cánh, đường lăn, đài dẫn đường, nhà trạm... ACV khi đó cần thanh toán đầy đủ, đúng kỳ hạn tiền thuê và không được thế chấp, chuyển nhượng tài sản thuê. Thời gian thuê dự kiến là 30 năm.

Tuy nhiên, với phương án này, Bộ Giao thông Vận tải nhận định đơn vị vận hành không có quyền thay đổi các chính sách liên quan đến quá trình vận hành như cấp mức giá khai thác, điều phối số giờ cất, hạ cánh, điều chỉnh các khoản phí phụ thu kinh doanh hoạt động trong khu bay. Cùng với đó, Ngân sách Nhà nước sẽ chịu áp lực khi trong giai đoạn 2017-2021 dự kiến sẽ phải chi 17.150 tỷ đồng để đầu tư, sửa chữa hạ tầng. Trong khi nguồn thu từ hoạt động khu bay mới chỉ đáp ứng được chi phí hoạt động thường xuyên, chưa đủ để tạo nguồn vốn cho đầu tư.

Ở phương án hai, Bộ đề xuất Nhà nước sẽ tăng vốn điều lệ của ACV thông qua việc góp vốn bằng tài sản khu bay. Theo đó, cổ phần của doanh nghiệp sẽ được chào bán cho cổ đông hiện hữu. Với phương án này, Nhà nước vẫn duy trì quyền kiểm soát tuyệt đối với khu bay thông qua việc sở hữu 95,4% vốn điều lệ của ACV. Đồng thời, trong bất kỳ tình huống nào thì Nhà nước vẫn có thể trưng dụng tài sản khu bay để phục vụ quốc phòng, an ninh mà không chịu áp lực với chi phí đầu tư lớn.

Bộ Giao thông Vận tải cũng đề xuất phương án thứ ba là Nhà nước giao ACV quản lý, khai thác, đầu tư, sửa chữa khu bay thông qua hợp đồng giao quản lý 30 năm. Với phương án này, Bộ đóng vai trò kiểm tra, giám sát việc quản lý, phê duyệt các kế hoạch mua sắm, đầu tư, trong khi ACV chủ động trong việc lên kế hoạch, triển khai hoạt động kinh doanh như đầu tư, bảo trì, duy tu.... Với phương án này, ACV phải báo cáo về kết quả kinh doanh hàng năm với Bộ. Trong trường hợp tổng chi phí hoạt động thường xuyên của khu bay và đầu tư nhỏ hơn doanh thu khai thác khu bay thì phần chênh lệch ACV phải nộp vào Ngân sách Nhà nước.

Tuy nhiên, cơ quan quản lý cho rằng, trong trường hợp triển khai phương án ba, Chính phủ, Bộ Tài chính cần chấp thuận cho ACV phân bổ chi phí đầu tư vào kết quả hoạt động kinh doanh của khu bay và xem xét điều chỉnh giá, phí liên quan để doanh nghiệp đảm bảo nguồn thu, hiệu quả.

Phương án cuối cùng Bộ đưa ra là thuê ACV quản lý, khai thác tài sản, tạo doanh thu, lợi nhuận cho Nhà nước dưới hình thức hợp tác công, tư trên cơ sở hợp đồng kinh doanh - quản lý (O&M). Phương thức tính giá thuê khi đó sẽ theo thông lệ thị trường và quy định pháp luật liên quan. ACV khi đó sẽ được thanh toán chi phí quản lý, khai thác, bảo trì.

Tuy nhiên, Bộ cũng cho rằng, với cách làm này, do doanh thu từ khu bay không đủ để đầu tư, nâng cấp, sửa chữa nên hằng năm việc nhà nước phải đầu tư 1.300 tỷ đồng sẽ làm tăng gánh nặng ngân sách. Cùng với đó, thủ tục thực hiện phương án O&M có thể kéo dài, khó đảm bảo tiến độ nhanh gọn theo yêu cầu của ngành hàng không, đặc biệt khi việc cấp ngân sách đầu tư phải thông qua Quốc hội.

Đưa ra 4 phương án, song Bộ Giao thông Vận tải kiến nghị chọn phương án ba, tức là Nhà nước giao ACV quản lý, khai thác, đầu tư, sửa chữa tài sản khu bay bởi có nhiều ưu điểm hơn cả.

Các phương án nói trên cũng được Bộ Giao thông Vận tải xin ý kiến các Bộ, ngành liên quan như Bộ Kế hoạch Đầu tư, Bộ Xây dựng, Bộ Tư pháp... Tuy nhiên, các Bộ đa số quan tâm đến đề xuất Nhà nước cho ACV thuê khai thác kết cấu hạ tầng và tài sản khu bay.(Vnexpress)
-----------------------

Cách mạng công nghiệp 4.0: Doanh nghiệp sẽ đoán trước được nhu cầu khách hàng

Chiều ngày 21/10, 250 giám đốc điều hành tại Hà Nội đã có buổi trao đổi với PGS.TS Trương Gia Bình, Phó Chủ tịch Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Chính phủ, Trưởng ban Ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân, Chủ tịch HĐQT FPT về cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

pgs.ts truong gia binh

PGS.TS Trương Gia Bình

Chia sẻ tại buổi lễ, ông Bình nhận định trong bối cảnh công nghệ ngày càng bùng nổ, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo (AI), các doanh nghiệp muốn tồn tại buộc phải thay đổi để bắt kịp với xu thế của thời đại. "Cách mạng là thay cái cũ bằng cái mới. Nếu doanh nghiệp không nắm trong tay vũ khí thì sẽ không thể sống sót. Hãy tự hỏi hằng ngày, công việc này có thể làm khác không và lan tỏa tinh thần đổi mới đến mỗi thành viên của doanh nghiệp mình", ông Bình nói.

Thay đổi để tạo ra sự khác biệt vừa để đáp ứng nhu cầu của thị trường, khách hàng đồng thời cũng là nhân tố giúp doanh nghiệp cạnh tranh. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần "dò đá qua sông" học tập kinh nghiệm của các nước đi trước. Ngoài ra, tinh thần dám nghĩ dám làm, nhiệt huyết trong công việc cũng là một nhân tố quan trọng để quyết định sự sống còn của doanh nghiệp trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Trả lời câu hỏi của doanh nghiệp về tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 lên ngành ngân hàng, ông Bình cho rằng trong tương lai công nghệ tài chính (fintech) sẽ phát triển mạnh mẽ. Theo đó, các quyết định cho vay sẽ được xử lý nhanh chóng chỉ sau tích tắc dựa trên social scoring (đánh giá tình hình tài chính, thu nhập, sở thích...của người cần vay tiền). Tất cả các công đoạn đánh giá, đưa ra quyết định đó đều được thực hiện bằng máy. Ngoài ra, toàn bộ hoạt động tài chính tín dụng của mỗi khách hàng sẽ được theo dõi đồng bộ trên hệ thống thay vì chia ra từng mảng sản phẩm như hiện
nay.

Đối với lĩnh vực viễn thông, công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) hứa hẹn sẽ tạo ra nhiều thay đổi. Viễn thông 4.0 sẽ phát triển trên nền tảng băng thông rộng và đảm bảo đường truyền. Khi đó, với việc sử dụng micro-service, nền tảng viễn thông quá khứ sẽ bị thay thế bằng việc xử lý thuần túy bằng trí tuệ nhân tạo.

Đối với các ngành dịch vụ, trong tương lai “chờ đợi” đã không nằm trong từ điển khách hàng. Thông qua dữ liệu lớn và trí tuệ nhân tạo, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ có thể đoán trước được nhu cầu khách hàng để phục vụ tốt hơn.

Ông Bình dự đoán rằng trong tương lai, cơ cấu lao động sẽ dần dịch chuyển sang ngành nông nghiệp và du lịch do 2 ngành này có thể đi đôi với nhau, tạo cơ hội việc làm rất lớn cho lao động.(NDH)
---------------------------

Xuất khẩu đường của Brazil đạt kỷ lục bất chấp Trung Quốc tăng thuế

Xuất khẩu đường của Brazil dự kiến sẽ đạt mức cao kỷ lục mặc dù lượng hàng xuất khẩu sang Trung Quốc có dấu hiệu giảm sau khi Bắc Kinh tăng thuế nhập khẩu đối với các chất làm ngọt.

Xuất khẩu đường của Brazil có thể sẽ lên tới 29,6 triệu tấn, tăng 1,1 triệu tấn trong vụ 2017-2018 này, theo thông tin từ văn phòng đại diện của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) tại Brazil cho biết.

Mức xuất khẩu trên sẽ là mức lớn nhất từ ​​trước đến nay và cao hơn 900.000 tấn so với dự báo chính thức từ đầu mùa của USDA.

Điều này càng được củng cố chắc chắn hơn thông qua những con số về sản lượng sản xuất đầu ra dự kiến của nước này, dự kiến con số chính thức sẽ vượt qua dự đoán công bố lần đầu của USDA và chạm mốc 40,2 triệu tấn (cao hơn 550,000 tấn so với USDA đã dự báo ban đầu).

Xuất khẩu đang chuyển hướng sang khu vực Bangladesh và Trung Đông – Bắc Phi, sau khi lượng hàng xuất khẩu vào Trung Quốc sụt giảm trong tháng 6 vừa qua bởi chính sách thuế của Bắc Kinh.

Trong tháng 5/2017, Bắc Kinh tăng thuế nhập khẩu đối với mặt hàng đường nằm ngoài hạn ngạch đến từ các nước Brazil, Thái Lan và Australia từ 50% lên 95% với mục đích bảo hộ cho sản xuất trong nước, hạn chế nhập khẩu bất hợp pháp.

Đối với khối lượng hàng nhập khẩu trong hạn ngạch (tương đương 1,945 triệu tấn/năm), Bắc Kinh vẫn duy trì mức thuế nhập khẩu 15%.

Một báo cáo khác của nhân viên USDA tại Bắc Kinh cho biết thêm, tổng lượng đường nhập khẩu của nước này dự tính cho thời kì tháng 10/2017 đến hết tháng 9/2018 rơi xuống mức thấp nhất trong vòng 5 năm trở lại đây, ở mức 4,2 triệu tấn.

Đối với Brazil, mặc dù lượng đường sản xuất năm nay rất lớn nhưng với sự thuận lợi của thời tiết đối với việc thu hoạch và tình hình xuất khẩu khả quan, dự kiến mùa vụ sẽ sớm kết thúc hơn dự kiến, nhiều nhà máy sản xuất đường bắt đầu hoàn thành sản xuất.

Lượng xuất khẩu đường của Brazil sang Bangladesh lên đến 1,69 triệu tấn trong vụ hiện tại, tăng 73% và khiến Bangladesh trở thành điểm đến hàng đầu, trong khi lượng hàng đến Ai Cập lên đến 1,12 triệu tấn (tăng 7 lần), còn các chuyến hàng xuất đến Irac cũng tăng 54% đạt 720.682 tấn. (NDH)
-----------------------------

Đề xuất tự do mua bán nhà, lưu hành USD... ở đặc khu Phú Quốc

Không chỉ mở toang chính sách nhà ở mà việc cấp phép lao động với người nước ngoài cũng được đề nghị miễn..., Kiên Giang thể hiện quan điểm tại đề án thành lập đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Phú Quốc.

Đề án vừa được gửi đến các vị đại biểu Quốc hội, là tài liệu phục vụ Quốc hội xem xét dự án Luật Đặc khu hành chính - kinh tế đặc biệt, sẽ được Chính phủ trình tại kỳ họp thứ tư, khai mạc vào sáng 23/10 tới đây.

Đề án nêu rõ: Phú Quốc hội tụ nhiều thuận lợi và tiềm năng để xây dựng, phát triển mô hình đặc khu. Nơi đây sở hữu những ưu thế tuyệt đối về du lịch sinh thái, biển đảo, với lợi thế đặc biệt về dự trữ sinh quyển, có vị trí chiến lược trọng điểm, đủ tách biệt để thử nghiệm các chính sách mới ưu việt nhưng vẫn dễ dàng giao thương, tiếp cận với khu vực và thế giới.

Phương án của Kiên Giang là đặc khu Phú Quốc được thành lập trên cơ sở hiện trạng diện tích đất tự nhiên, dân số và kết cấu hạ tầng đô thị của khu kinh tế Phú Quốc - huyện Phú Quốc, trừ xã đảo Thổ Châu, do dự kiện thành lập huyện Thổ Châu.

Sau khi thành lập, đặc khu Phú Quốc có diện tích là 57.532,3 ha, dân số 24.762 hộ với 117.460 nhân khẩu với 9 khu hành chính.

 

du an nang cap, mo rong cang hang khong quoc te phu quoc va duoc ap dung chinh sach uu dai thue cao nhat doi voi cac nganh nghe thuoc uu dai cua dac khu van don.

Dự án nâng cấp, mở rộng cảng hàng không quốc tế Phú Quốc và được áp dụng chính sách ưu đãi thuế cao nhất đối với các ngành nghề thuộc ưu đãi cuả đăc khu Vân Đồn.

Tự do mua bán nhà ở

Tại đề án, Kiên Giang đề xuất nhiều cơ chế chính sách đặc thù.

Theo đó, chính sách nhà ở cho phép người nước ngoài vào làm việc tại đặc khu có thời gian hợp đồng từ 3 tháng trở lên, được mua nhà tại đây.

Đề án nêu rõ, người nước ngoài được tự do mua, bán nhà ở tại các dự án phát triển nhà ở trong đặc khu. Tổ chức, cá nhân nước ngoài (không bị giới hạn về điều kiện cư trú) được tự do mua bán nhà ở tại các dự án phát triển nhà ở trong đặc khu. Bao gồm nhà chung cư, nhà ở có sân vườn hoặc nhà liên kề, với thời hạn vĩnh viễn (đối với nhà ở riêng lẻ, biệt thự) hoặc thời hạn 99 năm đối với nhà chung cư.

Kiên Giang cũng muốn các dự án xây dựng nhà ở được hưởng mức chính sách ưu đãi đất đai và thuế cao nhất đối với các ngành nghề thuộc ưu đãi đầu tư
.

Các doanh nghiệp, tập đoàn lớn (thuộc nhóm 200 tập đoàn hàng đầu thế giới) đặt trụ sở, chi nhánh tại đặc khu được miễn tiền thuê mặt bằng hoặc tiền thuê đất xây dựng trụ sở.

Với chính sách hỗ trợ tài chính nhằm thu hút nguồn nhân lực có chất lượng cao thì lao động là người nước ngoài, ngoài việc hưởng lương theo thỏa thuận (đối với các doanh nghiệp) và được miễn thuế thu nhập cá nhân.

Lao động trong nước đuợc hưởng mức lương tối thiểu vùng I (theo quy định hiện nay là 3.750.000 đồng/tháng) và phụ cấp thêm 50% mức lương tối thiểu vùng và các khoản phụ cấp khác như phụ cấp đặc biệt, phụ cấp khu vực, biên giới, hải đảo...

Một chính sách đặc thù khác là lao động người nước ngoài làm việc tại các doanh nghiệp trong đặc khu Phú Quốc được miễn cấp giấy phép lao động.

USD được lưu hành tự do

Trong chính sách tài chính, tiền tệ, ngân hàng, phương án tại đề án là thành lập Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Phú Quốc thực hiện chức năng quản lý tiền tệ, giám sát hoạt động ngân hàng và được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ủy quyền xác nhận đăng ký các khoản giao dịch vốn cho người cư trú và người không cư trú theo qui định pháp luật về quản lý ngoại hối tại đặc khu.

Bên cạnh tiền đồng Việt Nam lưu hành chủ yếu trong đặc khu, cho phép đồng USD được lưu hành tự do trong đặc khu, các đồng tiền khác được phép chuyển đổi tự do sang USD.

Chính sách trong lĩnh vực này còn là được phát triển các định chế, tổ chức ngân hàng, tài chính và thị trường chứng khoán, công ty bảo hiểm tại đặc khu. Thành lập các ngân hàng đầu tư, thương mại tại đặc khu và có cơ chế, chính sách khuyến khích các tổ chức tài chính, các doanh nghiệp, tập đoàn lớn đầu tư vào ngân hàng trong đặc khu.

Ngoài ra còn được phép mở sở giao dịch chứng khoán hoặc trung tâm giao dịch chứng khoán tại đặc khu..

Trong chính sách với hàng hoá xuất, nhập khẩu, theo đề án thì người chơi bài tại dự án casino Phú Quốc được phép mang số tiền thắng bài ra nước ngoài hoặc ra khỏi đặc khu, sau khi nộp các khoản thuế theo quy định mà không cần giấy phép của Ngân hàng Nhà nước nhưng phải khai báo Hải quan (có xác nhận của người quản lý casino về số tiền thắng).

Để khuyến khích và thu hút đầu tư, phương án của Kiên Giang là đối với các hợp đồng kinh tế có yếu tố nước ngoài phát sinh trong đặc khu, trường hợp các bên có liên quan cùng thống nhất có thể lựa chọn bất kỳ hệ thống luật pháp của nước nào để giải quyết tranh chấp. Trường hợp trong hợp đồng kinh tế không quy định cụ thể thì áp dụng luật pháp Việt Nam để giải quyết khi có tranh chấp xảy ra.(Vneconomy)

Trở về

Bài cùng chuyên mục