Năm 2018 lương cơ sở sẽ tăng trên 7%; Digiworld mua lại công ty phân phối sản phẩm tiêu dùng nhanh của Nhật Bản; Thị trường trái phiếu chính phủ sẽ trầm lắng; Khảo sát mới của CNBC: Bitcoin sẽ hướng đến mốc 10.000 USD
Tin kinh tế đọc nhanh sáng 22-10-2017
- Cập nhật : 22/10/2017
Singapore Airlines đặt mua 39 máy bay Boeing trị giá 13,8 tỉ USD
Hãng hàng không Singapore Airlines hôm 20.10 tuyên bố sẽ hoàn thành đơn đặt hàng 39 máy bay Boeing trị giá 13,8 tỉ USD khi Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long thăm Washington D.C (Mỹ) vào tuần tới.
Chiếc Boeing 777-300ER của Singapore Airlines ẢNH: REUTERS
Theo Channel News Asia, trong 39 chiếc máy bay chở khách mà Singapore Airlines đặt mua sẽ có 20 chiếc Boeing 777-9 và 19 chiếc Boeing 787-10. Tuy nhiên, thỏa thuận vẫn chưa được hoàn thành. Nếu không có gì thay đổi, đơn đặt hàng này sẽ được chốt vào tuần tới.
Thương vụ được cho là một tín hiệu tích cực của Boeing trong cuộc đua với nhà sản xuất máy bay châu Âu Airbus trong thị trường hàng không. Tính đến cuối tháng 9.2017, tổng đơn đặt hàng của Airbus đạt khoảng 271, ít hơn so với 498 đơn hàng của đối thủ Mỹ.
Được biết, Singapore Airlines đang lên kế hoạch đầu tư nhằm hiện đại hóa đội tàu bay của mình trong thập niên tới trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng tăng cao từ các đối thủ Trung Đông và Trung Quốc.
Hãng hàng không quốc gia của Singapore là một trong những khách hàng đầu tiên của phiên bản Boeing 787-10 thuộc dòng Dreamliner. Boeing vừa hoàn thành công đoạn lắp ráp cuối cùng cho chiếc 787-10 đầu tiên hồi tháng này trước khi giao đến khách hàng vào nửa đầu năm 2018.(thanhnien)
---------------------
Nước cờ mới của Thế Giới Di Động khi mua Trần Anh
Thông tin Công ty Cổ phần Đầu tư Thế Giới Di Động (TGDĐ) mua lại chuỗi điện máy của Công ty Cổ phần Thế giới số Trần Anh với 39 siêu thị tại nhiều tỉnh, thành đã được đồn đoán từ giữa tháng 8-2017. Đến nay thương vụ mua bán “khủng” này đã chính thức bước vào hồi kết khi đại diện Trần Anh vừa cho báo chí biết sẽ công bố hoàn tất thương vụ này trong tháng 10.
Đây được xem là sự kiện “lịch sử” khi lần đầu tiên hai doanh nghiệp (DN) Việt ngành điện máy về chung một mái nhà.
Cuộc sáp nhập lớn nhất
Để hoàn tất vụ sáp nhập lớn này, hai lãnh đạo cấp cao của TGDĐ đã được bổ nhiệm vào vị trí phó tổng giám đốc và giám đốc tài chính của Trần Anh. Đây được xem là động thái tiếp quản đầu tiên của đại gia này sau khi cổ đông của Trần Anh đã thông qua chủ trương bán lại công ty cho TGDĐ.
Đồng thời, cổ đông của TGDĐ cũng đã thông qua việc tăng ngân sách thực hiện mua bán, sáp nhập lên 2.500 tỉ đồng. Ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch HĐQT TGDĐ, từng cho biết công ty không mua một lượng cổ phần nhất định để làm đối tác, mà là mua cổ phần chi phối hoặc mua đứt luôn chuỗi điện máy.
Việc mua lại Trần Anh được nhiều chuyên gia đánh giá là bước đi khôn ngoan và phù hợp. Bởi nó cho phép TGDĐ mở rộng thị trường một cách nhanh chóng, nhất là thị trường phía Bắc. Đặc biệt nếu để Trần Anh rơi vào tay đại gia Thái Lan, Nhật Bản hay Hàn Quốc như hàng loạt chuỗi bán lẻ khác thì TGDĐ lại có thêm đối thủ rất mạnh, cuộc đánh chiếm thị trường sẽ càng khốc liệt mà chưa biết phần thắng sẽ thuộc về ai.
Nói thêm về thương vụ này, chuyên gia thương hiệu Hoàng Tùng nhìn nhận trong lĩnh vực bán lẻ điện máy thì cuộc sáp nhập giữa TGDĐ với vốn hóa 38.000 tỉ đồng và Trần Anh là cuộc mua bán có quy mô lớn nhất, cả về số lượng siêu thị lẫn quy mô vốn.
Khách hàng đang mua điện thoại tại cửa hàng Thế Giới Di Động ở TP.HCM. Ảnh: HTD
Bởi đang sở hữu khoảng 160 siêu thị tại miền Bắc, sau khi thâu tóm Trần Anh, TGDĐ sẽ nhanh chóng leo lên “ngôi vương” về độ phủ với số điểm bán áp đảo so với các đối thủ.
Nước cờ mới của TGDĐ khi mua Trần Anh cũng là biểu hiện của việc các DN Việt “bắt tay” với nhau, không để thị trường bán lẻ liên tục rơi vào tay các đại gia nước ngoài. Sau đó các đại gia nước ngoài đẩy hàng Việt ra khỏi siêu thị, đưa hàng của nước họ vào khiến DN Việt bí đầu ra.
Tương tự, ông Trương Văn Quý, Giám đốc Trường đào tạo Digital marketing EQVN, cho rằng sự kiện này cho thấy tham vọng và tầm nhìn của TGDĐ với thị trường bán lẻ Việt Nam. Bởi thực tế cho thấy lâu nay DN Việt khi đã tốt rồi thường rất dễ hài lòng hay ngủ quên trên chiến thắng nên thiếu nỗ lực cần thiết để lớn mạnh hơn, vững chắc hơn.
“Động thái mới của TGDĐ cho thấy họ chưa thỏa mãn với những gì đã đạt được mà còn muốn phát triển với quy mô lớn hơn và điều này cũng có thể là kinh nghiệm cho các DN trong nước tham khảo để không ngừng phát triển” - ông Quý nói.(PLO)
--------------------------
Nhiều doanh nghiệp Nhà nước còn nợ nần, thua lỗ
Hiệu quả sản xuất kinh doanh và đóng góp của một số doanh nghiệp Nhà nước còn thấp, chưa tương xứng với nguồn lực Nhà nước đầu tư, nợ nần, thua lỗ, thất thoát lớn vẫn còn xảy ra.
Đây là nhận định tại báo cáo hoạt động đầu tư, quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp trong phạm vi toàn quốc năm 2016, vừa được Chính phủ gửi đến Quốc hội. Ký báo cáo là Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng.
Lợi nhuận giảm 14%
Theo báo cáo thì tính đến thời điểm kết thúc năm tài chính 2016, có 583 doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ. Trong đó có 7 tập đoàn kinh tế và 67 tổng công ty nhà nước.
Các số liệu về tổng tài sản, tổng doanh thu, lợi nhuận trước thuế.... dưới đây đều được ghi chú là xét trong cùng số lượng 583 doanh nghiệp nhà nước hiện có năm 2015.
Theo đó, tổng tài sản của các doanh nghiệp là 3.053.547 tỷ đồng, tăng 3,7% so với thực hiện năm 2015. Tỷ trọng tài sản cố định bình quân chiếm 36% tổng tài sản.
Vốn chủ sở hữu là 1.398.183 tỷ đồng, tăng 4,3% so với năm 2015. Tổng doanh thu đạt 1.515.821 tỷ đồng, giảm 1% so với năm trước.
Riêng khối 7 tập đoàn đạt 934.721 tỷ đồng, giảm 2% so với thực hiện năm 2015, chiếm 62% tổng doanh thu của các doanh nghiệp toàn quốc.
Lợi nhuận trước thuế của các doanh nghiệp đạt 139.658 tỷ đồng, giảm 14% so với thực hiện 2015. Trong đó khối 7 tập đoàn đạt 78.870 tỷ đồng, giảm 25%, chiếm 56% tổng lợi nhuận trước thuế của các doanh nghiệp toàn quốc.
Đáng chú ý, tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam có số lợi nhuận năm 2016 là 26.517.266 triệu đồng, giảm 38% so với năm trước. Tập đoàn Hóa chất Việt Nam có số lợi nhuận kế toán trước thuế năm 2016 là âm 335.078 triệu đồng, trong khi năm 2015 là 2.134.810 triệu đồng.
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, tỷ suất lợi nhuận trước thuế/vốn chủ sở hữu bình quân năm 2016 của khối tập đoàn, tổng công ty, công ty mẹ - con là 10% (năm 2015 là 12%). Tỷ suất lợi nhuận trước thuế/tổng tài sản bình quân năm 2016 của khối tập đoàn, tổng công ty, công ty mẹ - con là 4,5% (năm 2015 là 5,5%).
Tổng số phát sinh phải nộp ngân sách nhà nước của các doanh nghiệp năm 2016 là 251.845 tỷ đồng (chiếm 24,82% trong tổng cân đối thu ngân sách nhà nước năm 2016 là 1.014.500 tỷ đồng), giảm 7% so với thực hiện 2015.
Nợ cũng tăng
Như mọi năm, báo cáo tách riêng tình hình tài chính và kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, công ty mẹ - công ty con, gồm 91 doanh nghiệp, các số liệu so sánh xét trong cùng số lượng doanh nghiệp hiện có năm 2015.
Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, theo báo cáo hợp nhất của các tập đoàn, tổng công ty có tổng số nợ phải trả là 1.537.292 tỷ đồng, tăng 3% so với thực hiện năm 2015.
Một số "ông lớn" được điểm danh có nợ phải trả lớn như tập đoàn Điện lực Việt Nam nợ phải trả 486.981 tỷ đồng (công ty mẹ: 313.578 tỷ đồng). Tập đoàn Dầu khí Việt Nam có nợ phải trả 338.586 tỷ đồng (công ty mẹ: 87.483 tỷ đồng). Tập đoàn Công nghiệp Than và Khoáng sản Việt Nam nợ phải trả 100.729 tỷ đồng (công ty mẹ: 64.510 tỷ đồng). Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel, nợ phải trả 75.111 tỷ đồng (công ty mẹ: 39.674 tỷ đồng)...
Tính đến thời điểm 31/12/2016, Chính phủ cho biết nợ phải trả quá hạn của Tổng công ty Giấy Việt Nam (Dự án Nhà máy sản xuất bột giấy Phương Nam) là 2.736 tỷ đồng. Trong đó nợ phải trả Bộ Tài chính (khoản nợ Bộ Tài chính ứng ra từ Quỹ tích lũy trả nợ nước ngoài để trả nợ thay cho Tổng công ty Giấy Việt Nam) là 1.610 tỷ đồng.
Ngoài ra, Công ty TNHH một thành viên Nguyên liệu giấy Miền Nam là công ty con 100% vốn của Tổng công ty Giấy Việt Nam có dự án đầu tư kinh doanh rừng thông tại tỉnh Kon Tum cũng không có khả năng trả nợ các khoản nợ đến hạn. Đến 31/12/2016, nợ phải trả cho Chi nhánh Ngân hàng phát triển Kon Tum là 504.493 triệu đồng (nợ gốc và lãi), Tổng công ty Giấy đã có văn bản xin gia hạn nợ vay đến 1/1/2018 và trình cấp có thẩm quyền về cơ chế vay đối với phương án chuyển đổi 25 năm của dự án, tuy nhiên chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Chính phủ nhìn nhận, mặc dù theo quy định việc huy động vốn vượt quá mức 3 lần vốn chủ sở hữu phải có ý kiến chấp thuận của cơ quan đại diện chủ sở hữu nhưng vẫn còn 18 tập đoàn, tổng công ty trong số 91 doanh nghiệp có mức huy động vốn vượt quá mức trần huy động (3 lần vốn chủ sở hữu).
Tuy nhiên, tình hình huy động vốn và khả năng thanh toán của các tập đoàn, tổng công ty đã có dấu hiệu được cải thiện đáng kể, hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu của các tập đoàn, tổng công ty bình quân đạt 0,75 lần.
Về lỗ phát sinh, báo cáo nêu, theo báo cáo hợp nhất của Tập đoàn Hoá chất Việt Nam, Tổng công ty viễn thông toàn cầu Gtel, Tổng công ty Lương thực Miền Nam và Công ty TNHH 1TV Duyên Hải là 1.305,026 tỷ đồng.
Báo cáo hợp nhất có 17 tập đoàn, tổng công ty còn lỗ lũy kế là 12.504 tỷ đồng và 6 công ty mẹ còn lỗ lũy kế là 4.595 tỷ đồng - Bộ trưởng thông tin thêm.(Vneconomy)