tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh 27-09-2018

  • Cập nhật : 27/09/2018

Mỹ lôi kéo Ấn Độ đối phó sáng kiến Vành đai và Con đường

Cơ quan phát triển tài chính quốc tế của Mỹ đang tiến hành thảo luận với Ấn Độ về việc kết nạp nước vào chương trình đối tác giữa Mỹ và đồng minh tại khu vực nhằm đối phó tham vọng của Trung Quốc.

ngoai truong my mike pompeo. afp

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo. AFP

Sau khi ký kết thỏa thuận các tổ chức phát triển tài chính Nhật Bản và Úc, Cơ quan Hợp tác Đầu tư Tư nhân Nước ngoài (OPIC) hiện đang “thảo luận với Ấn Độ” để đạt được bản ghi nhớ với chính quyền New Delhi, tờ SCMP hôm 24/9 dẫn lời Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc điều hành OPIC, Ray Washburne, cho biết.

Những thỏa thuận đối tác này cho phép các nước liên quan triển khai trôi chảy quy trình hợp tác đầu tư trong những dự án xây dựng cơ sở hạ tầng về năng lượng, giao thông, du lịch và công nghệ.

Các hoạt động đầu tư trên còn nhằm thu hút vốn tư nhân vào những dự án khổng lồ, mà trong một số trường hợp thậm chí có tổng số vốn đầu tư lớn gấp nhiều lần so với khả năng hợp lực của ba nước Mỹ - Nhật – Úc.

Mức độ ảnh hưởng của OPIC tại khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương được dự kiến sẽ lớn mạnh trong trường hợp thượng viện Mỹ bỏ phiếu thông qua dự luật mang tên “Build Act” nhằm trao thêm quyền đầu tư vốn vào các dự án phát triển thay vì chỉ duyệt chi các khoản vay.

Nếu được ký thành luật, OPIC sẽ được đổi tên thành Cơ quan Hợp tác Tài chính Phát triển Quốc tế Mỹ (USIDFC), đồng thời nguồn tiền đổ vào các cơ sở hạ tầng Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương dự kiến sẽ tăng hơn gấp đôi.

Trước đó, tại diễn đàn Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương ở Washington, Ngoại trưởng Pompeo thông báo gói đầu tư trị giá 113 triệu USD (hơn 2,6 ngàn tỉ đồng) cho các sáng kiến phát triển công nghệ mới, năng lượng và cơ sở hạ tầng tại khu vực.

Mỹ “không tìm kiếm vai trò thống trị trong khu vực và sẽ chống lại bất kỳ nước nào có ý đồ này”, Reuters dẫn lời ông Pompeo nhấn mạnh.(Thanhnien)
-----------------

Động thái bất ngờ khiến dự án 100 tỷ USD tại Malaysia khốn đốn

Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad đang khiến các nhà đầu tư của Dự án Forest City bồn chồn như ngồi trên đống lửa khi đột ngột thông báo, sẽ cấm nhà đầu tư nước ngoài mua bất động sản thuộc dự án trị giá 100 tỷ USD này.

Forest City là dự án khổng lồ do liên doanh giữa nhà phát triển bất động sản Trung Quốc Country Garden Holdings và doanh nghiệp có vốn nhà nước Malaysia là Johor thực hiện. Liên doanh này đã thành công khi được chấp thuận và giành được quỹ đất cho Dự án Forest City vào năm 2013.

Đây là dự án tham vọng bậc nhất tại quốc gia này, với các công trình bao gồm 4 hòn đảo nhân tạo trên diện tích 13,8 km2. Con số 100 tỷ USD là chi phí cho hoạt động phát triển, gồm thương mại, cư trú và các tiện ích khác, dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2035.

Với vị trí gần biên giới với Singapore, Forest City được dự báo sẽ có sức hấp dẫn lớn trong mắt các khách hàng nước ngoài, đặc biệt là cư dân Trung Quốc.

Trước đó, dự án bất động sản này được chấp thuận theo chủ trương của chương trình “Malaysia - Ngôi nhà thứ hai”, hay còn gọi là chương trình MM2H - một sáng kiến của Chính phủ cựu Thủ tướng Malaysia Najib Razak trong việc cổ vũ người nước ngoài đầu tư, sinh sống tại quốc gia này.

Trên website của chương trình ghi rõ: “Mọi người nước ngoài đều có thể mua các bất động sản dân cư tại Malaysia, tùy theo mức giá tối thiểu được thiết lập dành cho người nước ngoài tại mỗi địa phương khác nhau”.

Tuy nhiên, vào tháng 9/2018, sau khi giành thắng lợi trong cuộc bầu cử hồi tháng 5/2018, Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad lại có những phát biểu dường như đi ngược chủ trương này.

“Có một điều chắc chắn rằng, thành phố này (Forest City) được xây dựng không phải để bán cho người nước ngoài. Chúng ta sẽ không cấp visa cho người nước ngoài tới và sinh sống tại đây”, ông Mahathir Mohamd nói và cho biết thêm;

Chính phủ Malaysia đưa ra quyết định này vì vấp phải sự phản đối, khi dự án được xây dựng với mục đích chủ yếu chỉ bán cho người nước ngoài, bởi đa phần cư dân Malaysia không đủ khả năng để mua căn hộ tại đây.

Về phía Country Garden, sau khi thông tin này được đưa ra, Công ty đã nhanh chóng có phản hồi. Cụ thể, thông cáo của Country Garden nhấn mạnh: “Dự án Forest City đã tuân thủ mọi quy định pháp luật và đáp ứng mọi yêu cầu của nhà quản lý trong việc bán bất động sản cho khách hàng nước ngoài”.

Trước đó, Thủ tướng Mahathir Mohamad từng có cuộc gặp gỡ với Chủ tịch Công ty và trao đi thông điệp rằng, ông luôn chào đón nhà đầu tư nước ngoài, bởi đối tượng này có thể tạo ra cơ hội việc làm, nâng cao năng lực công nghệ và sáng tạo, làm lợi cho nền kinh tế Malaysia.

Đáng chú ý, ngay cả Johor, doanh nghiệp nhà nước tham gia dự án cũng bị bất ngờ bởi thông điệp được Thủ tướng đưa ra.

Dzulkefly Ahmad, Chủ tịch Hội đồng phát triển nhà và khu vực nông thôn Johor cho biết, chính quyền địa phương và doanh nghiệp chưa từng có cuộc thảo luận nào về vấn đề này.

Chương trình MM2H cho phép người nước ngoài được tự do đến và đi khỏi Malaysia, tuy nhiên, điều kiện đưa ra khá ngặt nghèo, bao gồm lượng tiền mặt mang theo khoảng 350.000 ringgit (85.000 USD) tới 500.000 ringgit, tài khoản tiền gửi cố định và đáp ứng mức giá tối thiểu đối với hoạt động mua bán bất động sản, được thiết kế để tránh hoạt động đầu cơ.

Theo số liệu mới nhất được công bố vào tháng 8/2017, cư dân Trung Quốc là đối tượng chiếm tỷ trọng lớn nhất tham gia vào chương trình này.

Từ tháng 1 tới tháng 8 năm 2017, gần 1.500 người Trung Quốc nhận được visa dài hạn thông qua MM2H, chiếm 46,7% tổng số lượng người nước ngoài tham dự chương trình. Đứng thứ hai là Hàn Quốc, với khoảng 300 người, tương đương 9%.

Dòng vốn đầu tư từ Trung Quốc vào Malaysia cũng tăng mạnh trong những năm gần đây. Năm 2017, khoảng 2,36 tỷ USD vốn từ Trung Quốc đại lục đã chảy vào quốc gia Đông Nam Á này, tăng gần 350% so với năm 2013, theo ước tính của DBS Bank.(ĐTCK)
-----------------------

Những thăng trầm trong quan hệ Nga - Israel

Nga là nước ủng hộ Israel từ ngày đầu lập quốc nhưng quan hệ hai bên trải qua nhiều căng thẳng vì các vấn đề ở Trung Đông.

Quan hệ giữa Nga và Israel trở thành tâm điểm chú ý khi Nga đổ lỗi cho Israel về vụ máy bay nước này bị phòng không Syria bắn rơi vào tuần trước.

Liên Xô là một trong những quốc gia đầu tiên công nhận Nhà nước Israel khi nước này thành lập tháng 5/1948. Một năm sau, Moskva bỏ phiếu ủng hộ Israel gia nhập Liên Hợp Quốc. Tuy nhiên, vào tháng 5/1967, Liên Xô cắt quan hệ với Israel trong Chiến tranh Arab - Israel. Moskva tiếp tục cung cấp vũ khí và tài trợ cho các nước Arab trong vài thập niên.

Hai nước nối lại quan hệ vào tháng 8/1986 với cuộc tiếp xúc đầu tiên giữa các phái đoàn lãnh sự Israel và Liên Xô tại Helsinki. Tháng 10/1991, Mikhail Gorbachev tái thiết lập quan hệ ngoại giao với Israel, hai tháng trước khi Liên Xô tan rã.

Thủ tướng Israel Yitzhak Rabin ba năm sau thăm chính thức Moskva, đánh dấu chuyến thăm đầu tiên của một người đứng đầu chính phủ Israel, thể hiện quan hệ song phương đã hoàn toàn bình thường hóa.

Họp bàn

Nga và Israel đã có nhiều cuộc họp bàn liên quan đến căng thẳng ở Trung Đông. Tháng 4/2005, Putin thăm Israel trong khi hai bên đang có bất đồng về việc Nga bán tên lửa phòng không cho Syria. Chương trình hạt nhân của Iran - đối thủ của Israel, đã phủ bóng lên chuyến thăm Moskva đầu tiên của Thủ tướng Israel Ehud Olmert.

Hai nước cũng tìm cách hợp tác trong các lĩnh vực khác. Công ty khí đốt Nga Gazprom tháng 6/2008 công bố ý định chuyển khí đốt cho Israel. Hai năm sau, bộ trưởng quốc phòng Nga và Israel ký kết tại Moskva một thỏa thuận hợp tác quân sự. Thực tế, việc hợp tác đã bắt đầu từ năm 2009 khi Israel bán máy bay không người lái cho Nga.

Tuy nhiên, Israel vẫn thường xuyên bày tỏ lo ngại về việc Nga bán vũ khí cho các nước đối thủ trong khu vực, đặc biệt là Iran và Syria. Hai bên gần đây đẩy mạnh liên lạc. Putin và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã họp ba lần kể từ đầu năm 2018.

Cơ chế phối hợp tại Syria

Israel kể từ năm 2013 thường xuyên tiến hành các cuộc tấn công chống lại chính phủ Syria và các đồng minh của họ là lực lượng Hezbollah của Lebanon và Iran. Mục tiêu chiến lược của nước này là ngăn chặn Iran củng cố lực lượng và hiện diện quân sự lâu dài trên lãnh thổ Syria.

Tháng 9/2015, Netanyahu gặp Putin ở Moskva. Hai nước nhất trí về cơ chế phối hợp hành động quân sự tại Syria, để tránh "sự hiểu lầm" giữa các lực lượng. Ngày 30/9 năm này, không quân Nga bắt đầu chiến dịch không kích để hậu thuẫn cho Tổng thống Syria Bashar al-Assad chống lại phiến quân. Một tháng sau, Nga cho biết đường dây nóng đã được thiết lập với Israel để đảm bảo không có xung đột giữa không quân hai bên.

Máy bay Nga rơi

Tuy nhiên, quan hệ giữa hai nước căng thẳng vì phòng không Syria ngày 17/9 bắn nhầm máy bay quân sự Ilyushin Il-20 của Nga trên Địa Trung Hải, khi Israel đang tiến hành một cuộc tấn công vào cơ sở quân đội Syria.

Một ngày sau, Netanyahu điện đàm chia buồn với Putin. Tổng thống Nga nói rằng đây là hậu quả của "một chuỗi sự kiện bất ngờ đầy thảm kịch", hàm ý muốn dịu giọng với Israel về việc này.

Tuy nhiên, quân đội Nga cuối tuần qua đổ lỗi hoàn toàn cho Israel. Bộ Quốc phòng Nga cho rằng kết quả điều tra của họ mâu thuẫn với thông tin do Israel cung cấp, cáo buộc tiêm kích F-16 của Israel đã cố tình dùng máy bay Nga làm lá chắn. Một ngày sau, Moskva cho công bố kế hoạch cung cấp cho quân đội Syria hệ thống phòng không S-300 mới.

"Việc giao S-300 vào tay những người Syria thiếu chuyên nghiệp trước hết sẽ làm gia tăng rủi ro với chính Nga, sau đó là tới Israel, liên minh do Mỹ dẫn đầu và cả hàng không dân dụng", Amos Yadlin, cựu quan chức tình báo Israel viết trên Twitter.

Tuy nhiên, François Heisbourg, nhà phân tích quốc phòng người Pháp, đoán rằng S-300 sẽ do người Nga điều hành chứ không phải người Syria.

"Người Nga là những người cẩn thận và đã có dàn xếp với Israel", ông nói. "Về cơ bản, thỏa thuận đó là Israel thông báo trước cho Nga nếu muốn đánh bom mục tiêu Iran hoặc Hezbollah ở Syria để Nga không bắn họ, nhưng đừng vượt quá mục tiêu đó".

Hệ thông tên lửa "không phải là yếu tố thay đổi cục diện trừ khi Israel muốn làm vậy. Tôi cho rằng họ không muốn thế", Heisbourg nói. (Vnexpress)

Trở về

Bài cùng chuyên mục