Huy động và cho vay 9 tháng đều thấp hơn cùng kỳ năm ngoái; Fed tăng lãi suất, Việt Nam ứng phó thế nào?; Kiến nghị dùng tối đa 45% vốn ngắn hạn để cho vay trung, dài hạn
Tin kinh tế đọc nhanh chiều 28-09-2018
- Cập nhật : 28/09/2018
Vì sao hàng loạt các nước châu Á đang phải chạy đua nâng lãi suất theo Mỹ?
Ngân hàng Trung ương các nước đang phát triển châu Á đã bị đẩy vào tình thế bắt buộc phải thắt chặt chính sách tiền tệ nhằm ngăn việc đồng nội tệ mất giá sâu cũng như áp lực lạm phát tăng cao.
Trong ngày thứ Năm, Ngân hàng Trung ương Indonesia nâng lãi suất repo thời hạn 7 ngày thêm 25 điểm cơ bản lên 5,75%. Cùng ngày, Ngân hàng Trung ương Philippines nâng lãi suất cơ bản thêm 50 điểm cơ bản lên 4,5%.
Từ tháng 5/2018 đến nay, Ngân hàng Trung ương Indonesia đã có 6 buổi họp bàn về chính sách tiền tệ, trong đó ngân hàng đã nâng lãi suất repo đến lần thứ 5. Còn với Philippines, Ngân hàng Trung ương nước này như vậy đã nâng lãi suất lên mức cao nhất tính từ tháng 3/2009.
Ngân hàng Trung ương cả hai nước Indonesia và Philippines đã đưa ra các động thái trên trong bối cảnh áp lực lên đồng nội tệ của cả hai nước này tăng lên, cùng lúc đó áp lực lạm phát cũng tăng khi mà Fed nâng lãi suất lần thứ 3 trong năm 2018.
Fed nâng lãi suất cơ bản đồng USD thêm 25 điểm cơ bản lên 2 – 2,25%, như vậy đồng USD sẽ mạnh lên còn đồng tiền của nhiều nước châu Á yếu đi. Cuộc chiến thương mại ngày một tồi tê hơn giữa Mỹ và Trung Quốc cũng đang gây sức ép lên tâm lý của nhà đầu tư.
Đối với Ngân hàng Trung ương Indonesia, khi mà mối lo lớn nhất của họ là giữ được sự ổn định của đồng rupiah, việc đồng rupiah giảm giá sâu hơn khó có thể chấp nhận được. Dù chính phủ Indonesia đã cố gắng giảm thâm hụt tài khoản vãng lai bằng cách kích thích xuất khẩu và giảm nhập khẩu, tính từ đầu năm đến nay, đồng rupiah đã mất đến 9% giá trị so với đồng USD.
Nhà đầu tư bán mạnh các loại tài sản được định giá bằng đồng rupiah khi mà cuộc khủng hoảng tại nhiều thị trường mới nổi khác khiến người ta không khỏi lo sợ về rủi ro khủng hoảng lây lan.
Vào đầu tháng 9/2018, đồng rupiah chạm mức 15.016 rupiah/USD, mức thấp nhất tính từ khủng hoảng tài chính châu Á năm 1998.
Thống đốc Ngân hàng Trung ương Indonesia, ông Perry Warjiyo, chia sẻ: “Chúng tôi vẫn giữ quan điểm cứng rắn, chính sách của chúng tôi trong thời gian tới sẽ thế nào? Chắc chắn sẽ tùy thuộc vào các số liệu được công bố”.
Trong tuần trước, đồng rupiah chịu nhiều áp lực sụt giảm khi Indonesia có thâm hụt thương mại 1,02 tỷ USD trong tháng 8/2018, cao hơn mức kỳ vọng của thị trường.
Việc đồng rupiah sụt giảm so với đồng USD gây ra không ít rắc rối cho Indonesia bởi các công ty nước này đang nợ rất nhiều những khoản vay được định giá bằng đồng USD.
Trong ngày thứ Năm, Cơ quan quản lý tiền tệ Hồng Kông nâng lãi suất cơ bản thêm 25 điểm cơ bản lên 2,5%, bởi đồng đôla Hồng Kông neo tỷ giá trực tiếp vào đồng USD. Cơ quan quản lý vẫn buộc phải nâng lãi suất cơ bản dù đã có nhiều lời cảnh báo về tác động của lãi suất tăng cao lên các chủ sở hữu nhà ở thành phố này.
Phần lớn các ngân hàng tư nhân lớn tại Hồng Kông như HSBC, Standard Chartered và Hang Seng đều nâng lãi suất cho vay trong ngày thứ Năm, chỉ vài giờ sau khi cơ quan quản lý Hồng Kông nâng lãi suất cơ bản.
Còn tại Ấn Độ, theo chuyên gia phân tích khu vực các nước mới nổi châu Á tại Bank of America Merrill Lynch, ông Rohit Garg, kỳ vọng lãi suất cơ bản tại Ấn Độ được điều chỉnh tăng đã lên mạnh đối với các buổi họp chính sách vào tháng 10 và tháng 12. Tính từ đầu năm đến nay, đồng nội tệ của Ấn Độ đã giảm giá gần 12% so với đồng USD và là một trong những mất giá tồi tệ nhất khu vực.
Thống đốc Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc, ông Lee Ju-yeol, mới đây cũng đã thể hiện tâm lý đầy lo lắng khi chênh lệch lãi suất giữa Hàn Quốc và Mỹ ngày một lớn dần. Dù Fed đã nâng lãi suất nhiều lần lên ngưỡng từ 2 đến 2,25% trong 1 năm qua, Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc đã duy trì lãi suất ở mức 1,5% trong suốt 10 tháng.(Bizlive)
-----------------------
Quỹ đầu tư Nhật - Việt tăng vốn đầu tư vào Con Cưng
Ngoài khoản đầu tư vốn phát triển bổ sung, Quỹ Daiwa-SSIAM II cho biết sẽ thực hiện hỗ trợ hệ thống Con Cưng nâng cao chất lượng quản trị, hệ thống tài chính
Ngày 28-9, Công ty TNHH Quản lý Quỹ SSI (SSIAM) công bố Quỹ đầu tư Tăng trưởng Việt Nam DAIWA-SSIAM II (Daiwa-SSIAM II)") do SSIAM đồng quản lý cùng với Daiwa Corporate Investment Co., Ltd (thuộc Tập đoàn Daiwa Securities – Nhật Bản) vừa đầu tư thêm vốn giai đoạn 2 vào Chuỗi siêu thị Con Cưng cho mẹ bầu và bé (Con Cưng). Tuy nhiên, con số cụ thể không được các bên công bố.
Đại diện phía SSIAM chỉ cho biết Công ty Con Cưng sau khi nhận vốn đợt đầu đã có sự phát triển quy mô trong thời gian ngắn và có tiềm năng mở rộng mạnh mẽ hơn nữa trong tương lai.
Một cửa hàng Con Cưng trên đường Nguyễn Hữu Cảnh, quận Bình Thạnh, TP HCM
Được biết, Con Cưng nhận vốn lần đầu của Quỹ Daiwa-SSIAM II vào cuối 2016. Không tiết lộ mức vốn được rót vào nhưng trong lịch sử đầu tư Daiwa- SSIAM II thường dành 4-6 triệu USD cho mỗi thương vụ.
Sau khi nhận vốn, Con Cưng đã phát triển thêm khoảng 100 cửa hàng, nâng tổng số cửa hàng trên toàn quốc lên 350. Ngoài ra, Con Cưng đã triển khai, tích hợp, và mở rộng phát triển thêm mảng bán lẻ đồ chơi Toycity và hàng thời trang CF (Concung Fashion). Đại diện Con Cưng cho biết sẽ tiếp tục mở rộng hệ thống Concung.com-Toycity-CF trên toàn quốc trong thời gian tới.
Ngoài khoản đầu tư vốn phát triển bổ sung, Quỹ Daiwa-SSIAM II cho biết sẽ thực hiện hỗ trợ hệ thống Con Cưng nâng cao chất lượng quản trị, hệ thống tài chính, thực thi tầm nhìn chiến lược và kết nối tới các đối tác quốc tế, cùng đồng hành với doanh nghiệp phát triển bền vững.(NLĐ)
-------------------------
Sẵn sàng bán ngoại tệ chặn “sóng” tỷ giá
Căng thẳng chiến tranh thương mại Mỹ -Trung tiếp tục gia tăng trong tuần qua. Mỹ chính thức áp thuế 10% lên 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc từ ngày 24/9 và sẽ nâng thuế suất lên 25% từ đầu năm 2019. Ngay sau đó, Trung Quốc đã đáp trả Mỹ bằng gói đánh thuế trị giá 60 tỷ USD. Những diễn biến này lập tức tác động đến giá đồng USD, Nhân dân tệ (CNY). Còn với VND thì sao?
Dồn dập tin tác động
Ngày 27/9, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) niêm yết giá bán USD ở mức 23.349 đồng/USD, tăng 3 đồng so với cùng thời điểm ngày hôm trước trong khi giá mua vào vẫn duy trì 22.700 đồng/USD. Trên thị trường tự do, giá mua - bán USD hiện đang là 23.400-23.440 đồng/USD, giảm 10 đồng mua vào, tăng 10 đồng bán ra. Chốt cả tuần, tỷ giá USD/VND trên cả thị trường chính thức lẫn tự do đều tăng trở lại. So với thời điểm chiến tranh thương mại chính thức nổ ra là ngày 15/6/2018, tỷ giá chính thức, tự do và tham chiếu đã tăng lần lượt 2,22%; 2,14% và 0.52% còn so với đầu năm là 2,71%; 3,04% và 1,28%
Nhìn lại phản ứng chung của thị trường thế giới trước đó vài ngày khi chiến tranh thương mại giữa “hai ông lớn” tiếp tục căng thẳng, đồng USD đã mất giá khá mạnh với chỉ số USD Index có thời điểm rơi xuống dưới 94 điểm nhưng phục hồi trở lại lên 94, 22 điểm vào cuối tuần qua. Ngày 27/9, đồng USD trên thị trường quốc tế tăng khá mạnh ở thời điểm quan trọng nhưng giới đầu tư vẫn đang chờ những tín hiệu về chính sách từ phát biểu của Cục Dự trữ liên bang Mỹ về việc có hay không tiếp tục tăng lãi suất USD.
Trong khi đó, Trung Quốc khẳng định sẽ không phá giá đồng CNY để làm “vũ khí” trong chiến tranh thương mại, giúp tỷ giá USD/CNY giảm nhẹ và duy trì ổn định. Ngoài vấn đề Mỹ - Trung, thị trường còn chú ý đến phiên họp của Hội đồng Châu Âu với nội dung về Brexit.
Diễn biến này tác động ra sao đến VND và nền kinh tế Việt? Theo Công ty chứng khoán MBS, trong nước, tình hình hiện đang có một số thuận lợi như: nửa đầu tháng 9 thặng dư thương mại lên tới 880 triệu USD tiếp tục hỗ trợ tỷ giá ổn định.
Lo chiến tranh tiền tệ?
Phân tích về diễn biến tỷ giá, TS. Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia cho rằng, từ nay đến cuối năm 2018, tỷ giá sẽ chưa có biến động mạnh. Tuy nhiên, nếu xảy ra cuộc chiến tiền tệ từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung tạo nên cuộc chiến tranh kinh tế toàn diện thì VND tất nhiên sẽ bị ảnh hưởng.
Trao đổi với PV Tiền Phong ngày 27/9, đại diện Vụ Chính sách tiền tệ NHNN cho biết: Diễn biến đang trong tầm kiểm soát và có dấu hiệu tốt như: Kim ngạch xuất khẩu tốt, nguồn ngoại tệ để trả nợ vốn vay nước ngoài cũng nằm trong kế hoạch. Đặc biệt, dù dòng vốn ngoại tệ có vào - có ra nhưng cân đối vẫn đang ở lại thị trường và tăng nhẹ với việc vốn ngoại vào Việt Nam qua M&A (mua bán, sáp nhập) vẫn có xu hướng tăng.
Về lãi suất tiền đồng, lãnh đạo Vụ Chính sách tiền tệ NHNN nhấn mạnh: Từ nay đến cuối năm, NHNN sẽ giữ ổn định thị trường tránh biến động mạnh cả cho vay và huy động.
Về ý tưởng giảm giá VND để hỗ trợ xuất khẩu, SSI cho rằng, cần có cái nhìn dài hạn và tổng thể. Thứ nhất, các đồng tiền trong khu vực dù mất giá nhanh hơn VND trong thời gian qua nhưng lại lên giá khá nhiều so với VND. Điều này có nghĩa, xuất khẩu của Việt Nam đã được hưởng lợi trong một thời gian dài. Thứ hai, lượng vay nợ ngoại tệ của Việt Nam rất lớn nên lợi ích từ xuất khẩu cần phải cân đối với cái hại của áp lực trả nợ nước ngoài.(Tienphong)
Theo dự báo, nhiều khả năng cho thấy FED sẽ tăng lãi suất lần thứ 4 trong năm 2018 và tiếp tục tăng nhịp độ thắt chặt chính sách tiền tệ trong năm 2019. Còn theo thống kê của NHNN, từ đầu năm tới nay, chính xác tỷ giá đã tăng khoảng 2,8%. Dự trữ ngoại hối từng lên mức kỷ lục hơn 63 tỷ USD trong tháng 6/2018, tuy nhiên qua những “đợt sóng” tác động từ chiến tranh thương mại, với cam kết sẵn sàng bán ngoại tệ can thiệp thị trường, tính chung, NHNN đã bán ròng khoảng hơn 2 tỷ USD cho ngân hàng, doanh nghiệp.