Nợ xấu của nền kinh tế thực tế là bao nhiêu?; Tại sao người già Mỹ ôm cả “núi tiền” không chịu chi tiêu?; Gang thép Thái Nguyên “đắp chiếu”: Có tính phương án bán dự án; Ngân sách 2015 lạm chi hơn 7.100 tỷ đồng
Tin kinh tế đọc nhanh 22-05-2017
- Cập nhật : 22/05/2017
Tuyên bố mới nhất về Hiệp định TPP để ngỏ cửa với nhiều nền kinh tế khác
Ngày 21/5, tại Hà Nội, các Bộ trưởng và Thứ trưởng của 11 nước đã nhóm họp để thảo luận về Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), khẳng định lại kết quả cân bằng và tầm quan trọng về mặt kinh tế và chiến lược của TPP.
Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh trả lời phỏng vấn báo chí bên lề Hội nghị Bộ trưởng Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), ngày 21/5, tại Hà Nội. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN
Ngày 21/5, tại Hà Nội, bên lề Hội nghị Bộ trưởng phụ trách thương mại lần thứ 23 (MRT23) của Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC), các Bộ trưởng và Thứ trưởng của các nước Australia, Brunei Darussalam, Canada, Chile, Nhật Bản, Newzealand, Malaysia, Peru, Singapore và Việt Nam đã nhóm họp để thảo luận về Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Các Bộ trưởng khẳng định lại kết quả cân bằng và tầm quan trọng về mặt kinh tế và chiến lược của TPP. Các Bộ trưởng nhấn mạnh, các nguyên tắc và tiêu chuẩn cao của Hiệp định này là giải pháp nhằm thúc đẩy hội nhập kinh tế trong khu vực, đóng góp tích cực vào việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của các nước thành viên, tạo thêm cơ hội cho người lao động, các hộ gia đình, nông dân, doanh nghiệp và người tiêu dùng.
Các Bộ trưởng cũng đồng ý cần phải hiện thực hóa những lợi ích của Hiệp định TPP. Theo đó, các Bộ trưởng nhất trí giao cấp kỹ thuật nghiên cứu những kịch bản phù hợp để nhanh chóng đưa Hiệp định toàn diện và tiêu chuẩn cao vào thực thi, trong đó bao gồm việc tạo điều kiện thuận lợi cho sự tham gia của các nước ký kết ban đầu.
Các Bộ trưởng đã chỉ đạo các Trưởng đoàn xúc tiến việc chuẩn bị cho nhiệm vụ này và yêu cầu hoàn tất trước khi các nước TPP nhóm họp bên lề Hội nghị Thượng đỉnh APEC sẽ được tổ chức vào hai ngày 10 - 11/11/2017 tại thành phố Đà Nẵng, Việt Nam.
Các Bộ trưởng nhấn mạnh về khả năng mở rộng TPP cho các các nền kinh tế khác tham gia nếu họ có thể chấp nhận các tiêu chuẩn cao của Hiệp định. Những nỗ lực này sẽ giải quyết các mối quan ngại về chủ nghĩa bảo hộ, duy trì mở cửa thị trường, củng cố hệ thống thương mại quốc tế dựa trên các quy tắc chung, thúc đẩy thương mại toàn cầu và nâng cao chất lượng cuộc sống.(TTXVN)
-----------------------------
Hancorp tập trung vào các dự án tại Khu đoàn ngoại giao
Theo ông Bùi Xuân Dũng - Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty Xây dựng Hà Nội - CTCP (Hancorp), Đại hội đồng Cổ đông thường niên đã đặt mục tiêu giá trị sản xuất cho năm 2017 đạt hơn 3.200 tỷ đồng; trong đó, giá trị đầu tư phát triển hơn 1.000 tỷ đồng.
Với kế hoạch sản xuất kinh doanh đã được thông qua, Hancorp phấn đấu đạt mức doanh thu hơn 2.900 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 130 tỷ đồng.
Để đảm bảo mục tiêu đề ra, Hancorp xác định tập trung vào ngành nghề sản xuất chính là xây lắp và kinh doanh bất động sản.
Hancorp sẽ tập trung đầu tư vào các dự án nhà ở chính sách, nhà cho người thu nhập thấp của một số thành phố lớn như Hà Nội, Hồ Chí Minh… và các dự án có nguồn vốn đầu tư nước ngoài.
Bên cạnh đó, các đơn vị trong Tổng công ty sẽ tập trung thực hiện thanh quyết toán, thu hồi công nợ và đảm bảo minh bạch tài chính; nghiên cứu ứng dụng các giải pháp khoa học - công nghệ để nâng cao chất lượng, hạ giá thành, nâng cao hiệu quả kinh tế.
Hiện Dự án Khu đoàn ngoại giao do Hancorp làm chủ đầu tư thu hút khá nhiều sự quan tâm trên thị trường. Do đó, Hancorp đặc biệt chú trọng vào các dự án thành phần quan trọng tại dự án này để phát huy các lợi thế như: thanh khoản tốt, đem lại lợi nhuận chính cho Tổng công ty trong hoạt động sản xuất kinh doanh.
Trong thời gian tới, Tổng công ty sẽ tập trung hoàn thành dứt điểm và kết thúc dự án hạ tầng để tiến hành quảng cáo dự án nhà chung cư với khách hàng và các nhà đầu tư thứ phát.
Mặt khác, Hancorp sẽ tìm kiếm và lựa chọn các nhà đầu tư đủ điều kiện và phù hợp, tiến tới thành lập các công ty để đầu tư và khai thác các dự án trường học, nhà trẻ, dịch vụ thể thao… tại khu vực có tiềm năng lớn này.
Năm 2016, Hancorp đã trúng thầu 12 công trình trên tổng số 35 công trình dự thầu và đều đảm bảo chất lượng cũng như tiến độ. Tuy nhiên, vẫn còn một số công trình do chủ đầu tư không sắp xếp được vốn và chậm giải phóng mặt bằng nên tiến độ thi công còn kéo dài và cần tập trung giải quyết trong năm 2017.(TTXVN)
------------------------------
Tổng tài sản của 4 tập đoàn gia đình trị lớn nhất Hàn Quốc tăng mạnh
Chaebul.com - trang điện tử chuyên nghiên cứu các tập đoàn gia đình trị (chaebol) của Hàn Quốc - công bố báo cáo mới nhất cho biết tài sản của 4 chaebol lớn nhất nước này là Samsung, Hyundai Motor, SK và LG đã tăng hơn 30% trong vòng 5 năm qua.
Cụ thể, tổng giá trị tài sản của 4 “ông lớn” trên vào khoảng 864.900 tỷ won tính đến cuối năm 2016, tăng 33,5% so với mức 647.600 tỷ won hồi cuối năm 2011. Khối lượng tài sản thuộc về Samsung - chaebol số 1 của Hàn Quốc - là 363.200 tỷ won tính đến cuối năm 2016, tăng 42% so với 5 năm trước đó.
Tập đoàn Hyundai Motor, sở hữu Hyundai Motor và Kia Motor, có lượng tài sản trị giá 218.600 tỷ won, tăng 41,4% trong giai đoạn 2011-2016. Còn SK và LG đều ghi nhận khối lượng tài sản tăng lần lượt 25,1% và 11,5%, lên 170.700 tỷ won và 112.300 tỷ won.
Báo cáo của Chaebul.com cũng cho biết trong 5 năm qua, giá trị cổ phiếu niêm yết của 4 chaebol đã tăng thêm 27,7%, từ 519.500 tỷ won lên 663.200 tỷ won. Tuy nhiên, tổng doanh số và thu nhập ròng của 4 doanh nghiệp trên lần lượt giảm 0,9% và 7% xuống 690.400 tỷ won và 37.800 tỷ won.
Dù có sự suy giảm, 4 "ông lớn" trên vẫn chiếm tới 54,6% doanh số bán hàng và 46,8% thu nhập ròng của 30 doanh nghiệp lớn nhất Hàn Quốc trong năm 2016.
Đề cập đến sự tăng trưởng của nhóm các doanh nghiệp lớn, các nhà quan sát thị trường nhận định rằng Chính phủ của tân Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in có chủ trương dịch chuyển cơ cấu kinh tế của Hàn Quốc từ việc tập trung vào các tập đoàn kinh tế lớn sang các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME).
Trong quá khứ, các doanh nghiệp lớn từng bị cáo đã buộc lợi dụng vị thế áp đảo của mình để độc quyền thị trường, từ đó kiềm giữ sự phát triển của các doanh nghiệp nhỏ hơn và ảnh hưởng đến thị trường tự do (Vietnam+)
--------------------------------------
Các bộ trưởng thương mại APEC bất đồng về tuyên bố chung
Theo Kyodo, ngày 21/5, nguồn tin chính phủ Nhật Bản cho biết, các bộ trưởng thương mại khu vực Vành đai Thái Bình Dương đang gặp khó khăn trong việc hoàn tất một tuyên bố chung tại hội nghị đầu tiên có sự tham dự của Đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer.
Theo các nguồn tin, tại Hội nghị Bộ trưởng phụ trách thương mại APEC kéo dài hai ngày, nhiều nước đã chỉ trích chủ nghĩa bảo hộ đang nổi lên ở một số quốc gia Phương Tây, song một số lại phản đối dùng ngôn từ mạnh mẽ chỉ trích điều này.
Trong trường hợp xấu nhất, hội nghị sẽ không ra tuyên bố chung.
Với chính sách "Nước Mỹ trên hết" của Tổng thống Donald Trump, chủ nghĩa bảo hộ là chủ đề chính tại nhiều hội nghị quốc tế trong bối cảnh xuất hiện lo ngại chủ trương này có thể kiềm chế thương mại tự do và tăng trưởng kinh tế toàn cầu