Công ty thanh toán Malaysia đầu tư 3,3 triệu USD vào MPOS Việt Nam; Nhiều doanh nghiệp thép Hàn Quốc muốn hợp tác với Tập đoàn Hòa Phát; Khung thuận lợi hóa Thương mại điện tử được thông qua tại APEC 2017; Công ty Nhật muốn mua hãng thời trang NEM
Tin kinh tế đọc nhanh 09-11-2017
- Cập nhật : 09/11/2017
Bloomberg: Giá của Sabeco hiện là quá đắt nếu so với Vinamilk
Một nhà đầu tư tiềm năng của Sabeco cho biết giá hiện tại của Công ty này là quá đắt nếu lấy định giá của VNM làm chuẩn.Nguồn ảnh: Dân trí
Một nhà đầu tư tiềm năng của Công ty Bia-Rượu-Nước giải khát Sài Gòn-Sabeco (Hose: SAB) cho biết, giá hiện tại của Công ty này là quá đắt nếu lấy định giá của công ty tiêu dùng lớn nhất Việt Nam làm chuẩn.
Theo Hui Choon Kit, Giám đốc Tài chính của Fraser và Neave Ltd (F&N), Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam -Vinamilk (Hose: VNM), sẽ là một mức chuẩn đáng tin cậy để so sánh khi cả VNM và SAB đều là những người dẫn đầu trong những ngành đang lên.
Cổ phiếu của Sabeco hiện giao dịch ở mức P/E khoảng 38 so với mức 21 lần của VNM, theo dữ liệu do Bloomberg thực hiện vào hôm thứ 2.
Ông Hui nói trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại với Bloomberg vào hôm thứ 6 (3.11) rằng: "Giá thị trường của SAB dường như vượt xa giá trị hợp lý và cao hơn mức chuẩn toàn cầu."
Việt Nam là một điểm đến đầu tư hấp dẫn với nhân khẩu học trẻ và tầng lớp trung lưu ngày càng tăng. Theo Euromonitor, điều này đã giúp nhu cầu bia tăng 300% từ năm 2002.
"Việt Nam là một thị trường lớn và SAB có thị phần tốt", Hui nói. Sabeco, chiếm khoảng 40% thị trường bia trị giá 6,5 tỷ USD của Việt Nam, là một tài sản hấp dẫn nếu có giá phải chăng, ông nói.
So sánh P/E của Sabeco với các công ty niêm yết khác ở Việt Nam. Ảnh: Bloomberg
F&N là người mua tiềm năng thứ hai của SAB cho biết định giá hiện tại của gã khổng lồ ngành giải khát của Việt Nam là quá đắt. Asahi Group cũng đã bày tỏ quan điểm tương tự vào tháng 9 vừa qua. Công ty đồ uống thuộc sở hữu của tỷ phú Thái Lan Charoen Sirivadhanabhakdi, là một trong số ít các công ty nước ngoài, trong đó có Anheuser-Busch InBev NV, đã tham gia đấu giá cổ phần Sabeco trong đợt chào bán lớn nhất của Việt Nam vào năm ngoái.
Cổ phiếu SAB đã tăng 44% trong năm nay, so với mức tăng 26% của VNM. VN-Index cũng tăng 28% từ đầu năm tới nay.
Vốn hóa thị trường của SAB là vào khoảng 8,1 tỷ USD tính đến ngày 7.11. Cổ phiếu của Asahi hiện đang giao dịch ở mức P/E 18 lần s, so với 21 của Carlsberg và 20 của Heineken NV.
Trước đây, F&N đã có kinh nghiệm trong thị trường bia của Việt Nam, do công ty nắm một lượng cổ phần tại Asia Pacific Breweries, hãng sở hữu Tiger Beer. F&N đã bán lượng cổ phần trên cho Heineken 5 năm trước.
Hui nói: "Đó là một thị trường mà chúng ta biết rất rõ. Chúng tôi hy vọng có thể hỗ trợ họ về một số cải tiến", đề cập đến Sabeco.(NCĐT)
---------------------------
Mực tươi và đông lạnh Việt Nam đang chiếm lĩnh thị trường Israel
Theo số liệu thống kê của Hải quan, giá trị xuất khẩu mực tươi sống và đông lạnh chiếm tới 91% tổng giá trị xuất khẩu mực, bạch tuộc sang Israel.Nguồn ảnh: VTV
Trừ mức sụt giảm trong tháng 2, xuất khẩu mực, bạch tuộc của Việt Nam sang Israel tăng liên tục từ tháng 2 đến tháng 9 năm nay. Quý III/2017, xuất khẩu mực, bạch tuộc sang thị trường này tăng trưởng tốt 85% đạt 2,9 triệu USD. Lũy kế 9 tháng đầu năm nay, XK mực, bạch tuộc sang Israel đạt 6,5 triệu USD, tăng 92,4% so với cùng kỳ năm 2016. Israel đang là thị trường NK mực, bạch tuộc lớn thứ 6 của Việt Nam, chiếm 1,4% tổng XK mặt hàng này của Việt Nam đi các thị trường.
Israel hiện là thị trường nhập khẩu mực lớn thứ 7 của Việt Nam trong 9 tháng đầu năm nay. Israel chủ yếu nhập khẩu các sản phẩm mực của Việt Nam, đặc biệt là mực tươi sống và đông lạnh. So với cùng kỳ năm 2016, năm nay xuất khẩu các mặt hàng mực của Việt Nam sang Israel đều tăng. Theo số liệu thống kê của Hải quan Việt Nam, giá trị xuất khẩu mực tươi sống và đông lạnh chiếm tới 91% tổng giá trị xuất khẩu mực, bạch tuộc sang thị trường này. Tiếp đến là mực chế biến khác chiếm khoảng 8%. Năm nay, Việt Nam đã XK thêm được mực khô nướng và sấy sang thị trường này, tuy nhiên giá trị xuất khẩu còn rất khiêm tốn.
Mặc dù tăng nhập khẩu mực, bạch tuộc từ Việt Nam nhưng Israel đang có xu hướng ngày càng giảm xuất khẩu từ các nước khác trên thế giới. Tổng giá trị xuất khẩu dòng sản phẩm này của Israel trong 7 tháng đầu năm 2017 đạt 1,4 triệu USD, giảm 47,9% so với cùng kỳ năm 2016.
Năm nay, Israel có xu hướng giảm nhập khẩu mực đông lạnh/khô/muối; mực tươi/sống/ướp lạnh; bạch tuộc chế biến trong khi tăng nhập khẩu mực chế biến; bạch tuộc tươi/ sống/ ướp lạnh; bạch tuộc đông lạnh/khô/muối. Nhập khẩu mực chế biến và bạch tuộc tươi/ sống/ ướp lạnh của nước này trong 7 tháng đầu năm tăng trưởng ấn tượng lần lượt 196% và 310% so với cùng kỳ.
Israel hiện đang nhập khẩu mực, bạch tuộc từ 7 nước trên thế giới. Trong đó, Việt Nam hiện đang là nguồn cung mực, bạch tuộc lớn nhất cho thị trường này, tiếp đến là Đài Bắc (Trung Quốc) và Ấn Độ. Các nước này lần lượt chiếm thị phần 58,2%, 14,9% và 13,8% trong 7 tháng đầu năm nay.
Israel được đánh giá là thị trường có tiềm năng vì nền kinh tế định hướng thị trường, đang có xu hướng phát triển tốt. Người tiêu dùng Israel ngày càng quan tâm đến chất lượng và giá cả sản phẩm. Đối với sản phẩm mực đông lạnh, Việt Nam đang có lợi thế trên thị trường này với thị phần chi phối, giá xuất khẩu cạnh tranh.
Trong 2 năm qua, giá trung bình xuất khẩu mực đông lạnh của Việt Nam sang Israel dao động ở mức trên 5,8 USD/kg, trong khi giá mực đông lạnh của Trung Quốc tại thị trường này từ 6,5 – 8,6 USD/kg, giá sản phẩm của Thái Lan cũng ở mức trên 6,3 USD/kg. Tuy giá mực của Ấn Độ thấp hơn nhiều so với Việt Nam, chỉ ở mức 3,6 – 3,7 USD/kg, nhưng với mức thuế nhập khẩu 30%, mực Ấn Độ khó có thể cạnh tranh với Việt Nam khi mực Việt Nam có mức thuế 11,67%. (NCĐT)
---------------------------------------------------------------
VinaCapital đầu tư 20,5 triệu USD vào Vietjet trong đợt IPO cuối năm 2016
Sau quỹ đầu tư Chính phủ Singapore, VinaCapital là cái tên tiếp theo tiết lộ số tiền đã đầu từ vào Vietjet Air.Nguồn ảnh: Dealstreetasia
Tập đoàn quản lý tài sản VinaCapital tiết lộ họ đã đầu tư 20,5 triệu USD vào hãng hàng không tư nhân đầu tiên tại Việt Nam Vietjet Air trong đợt IPO vào tháng 12.2016.
Kết quả của đợt IPO này giúp Vietjet thu về 170 triệu USD, trở thành hợp đồng giao dịch quốc tế đầu tiên và lớn nhất của một công ty đến từ Việt Nam. Sau IPO, tỷ lệ sở hữu của các nhà đầu tư nước ngoài tại Vietjet vào khoảng 24,4%.
Các cổ đông bao gồm các tổ chức lớn như BNP Paribas, Deutsche Bank, JP Morgan, GIC của Singapore, Morgan Stanley và Vietnam Opportunity Fund (VOF) thuộc VinaCapital. Vào đầu năm nay, Quỹ đầu tư Chính phủ Singapore là cổ đông lớn duy nhất ở nước ngoài được công bố.
Theo báo cáo của VOF, hãng hàng không này nằm trong top 10 cổ phiếu hàng đầu của quỹ, chiếm 3,3% giá trị tài sản ròng tính đến ngày 30.6.2017. Tuy nhiên, khoản đầu tư lớn nhất của quỹ này vẫn là Vinamilk, chiếm tới 13,6% giá trị tài sản ròng NAV.
Giá cổ phiếu Vietjet đã tăng 41% kể từ khi niêm yết vào 28.2 năm nay. Được biết, Công ty đã tung ra chuyến bay thương mại đầu tiên vào tháng 2/2011 với một máy bay duy nhất. Trong năm đầu tiên, Vietjet đã dành được 8% thị phần và tăng lên tới 45% vào tháng 5.2017.
Đối thủ của Vietjet, Hãng hàng không quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines), đã chào bán cổ phần vào đợt IPO vào năm 2014. Hiện cổ phiếu của Vietnam Airlines đang được giao dịch trên UpCOM.
Tính theo giá thị trường, Vietjet có giá trị vốn hóa vào khoảng 2,25 tỷ USD, trong khi Vietnam Airlines có trị vốn hóa là 1,5 tỷ USD.(NCĐT)
----------------------
Vì sao giá cổ phiếu Xây dựng Hòa Bình giảm mạnh?
Chứng khoán Rồng Việt cho rằng Xây dựng Hòa Bình có thể sẽ gặp khó khăn về vốn ngắn hạn và lợi nhuận của công ty phụ thuộc vào lãi suất.Nguồn ảnh: Internet
Trong thời gian vừa qua, giá cổ phiếu Công ty Cổ phần Xây dựng Hòa Bình (Hose: HBC) đã giảm mạnh, từ mức khoảng gần 64.000 đồng/cp xuống chỉ còn 48.100 đồng vào cuối phiên ngày 2.11. Đây là điều khá bất ngờ, khi mà HBC vừa công bố kết quả kinh doanh quý III cho thấy doanh thu của Công ty trong 9 tháng năm 2017 đạt 10.960 tỷ đồng tăng 56,6% so với cùng kì năm ngoái. Lợi nhuận của HBC 9 tháng đạt 742,2 tỷ đồng, tăng 81,8% so với cùng kì.
Công ty Cổ phần Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) dường như không bị thuyết phục bởi kết quả kinh doanh này và cho rằng: Tăng trưởng doanh thu “nóng” khiến cho khoản phải thu cũng tăng mạnh, trong khi khoản phải trả không tăng tương ứng, gây sức ép lên vốn lưu động khiến doanh nghiệp phải bổ sung bằng vay nợ ngắn hạn.
Tình trạng dòng tiền từ hoạt động kinh doanh âm nhiều khả năng sẽ kéo dài trong thời gian tới. VDSC khuyến nghị nhà đầu tư ngoài việc cân nhắc câu chuyện mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh của HBC cũng nên xem xét khả năng tạo dòng tiền để đánh giá một cách thận trọng giá trị thực của cổ phiếu. VDSC nhấn mạnh, dòng tiền tạo ra cho doanh nghiệp sẽ tiếp tục âm trong 2 năm 2017 và 2018, điều này có thể khiến HBC phải tăng đi vay ngắn hạn để bơm vốn cho hoạt động kinh doanh.
Diễn biền giá cổ phiếu HBC. Ảnh: VnDirect
Ngoài ra, VDSC cho rằng lợi nhuận của HBC còn phụ thuộc nhiều vào lãi suất. Theo phân tích độ nhạy của VDSC, trường hợp khả quan bao gồm cả lãi suất ngắn hạn và dài hạn giảm 2 điểm phần trăm và trường hợp xấu nhất là cả hai tỷ lệ tăng thêm 2 điểm phần trăm. Kết quả là Lợi nhuận sau thuế của HBC tăng hoặc giảm trên 9% so với dự báo của VDSC.
Trước thông tin đó, HBC đã gửi tâm thư tới Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM ngày 2.11.
Lá thư Chủ tịch Công ty Lê Viết Hải có đoạn: “Trong thời gian vừa qua xuất hiện một số tin đồn trên một vài mạng xã hội về tình hình kết quả kinh doanh quý III và sắp tới của Tập đoàn rất xấu là hoàn toàn sai sự thật. Thay mặt Tập đoàn Xây dựng Hoà Bình, một lần nữa tôi khẳng định mọi hoạt động sản xuất kinh doanh hoàn toàn ổn định và phát triển theo đúng kế hoạch, có thể nói là rất tốt”.
Ông Petri Deryng, Giám đốc Đầu tư của Pyn Elite Fund, cho biết quỹ này đánh giá rất cao tiềm năng tăng trưởng của HBC nên sẽ cam kết lâu dài với doanh nghiệp.
Sau bức tâm thư trên, cổ phiếu HBC đã liên tiếp tăng trần 2 phiên giao dịch ngày 3.11 và 6.11. Hiện, cổ phiếu HBC giao dịch ở mức 54.000đ/cp.
Pyn Elite Fund đã mua vào 519.990 cổ phiếu Xây dựng Hòa Bình (Hose: HBC) nâng sở hữu cổ phiếu này lên 18.613.595 cổ phiếu (chiếm tỷ lệ 14,33%). Vào tháng trước, quỹ này cũng đã bán ra 845.900 cổ phiếu, ngay trước đợt giảm giá sâu của cổ phiếu HBC thời gian qua.
Hiện Pyn Elite Fund cùng với ông Lê Viết Hải, Chủ tịch HBC, là 2 cổ đông lớn nhất với tỷ lệ sở hữu là 14,33% và 14,96%.
Một thành viên Hội đồng Quản trị khác của HBC là ông Phương Công Thắng, cũng vừa hoàn tất mua vào 567.350 cổ phiếu HBC, nâng sở hữu cổ phiếu này lên 1.379.000 cổ phiếu (1,06%).(NCĐT)