Vượt qua tất cả các thị trường lớn, Đông Nam Á được dự báo là nơi nhu cầu mua sắm ôtô tăng trưởng mạnh nhất thế giới trong năm nay.
Thị trường ô tô trước 'cơn lốc' nhập khẩu từ ASEAN
- Cập nhật : 18/04/2017
Thực hiện cam kết mở cửa thị trường theo Hiệp định thương mại hàng hóa ATIGA, thuế nhập khẩu ô tô từ các nước ASEAN vào Việt Nam sẽ giảm từ 40% trong năm 2016 sang mức 30% trong năm 2017 và sẽ tiếp tục giảm về mức 0% trong năm 2018.
Việc giảm thuế này được dự đoán sẽ tạo ra các tác động cả tích cực và tiêu cực với các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu xe trong nước.
Nhận định về xu hướng phát triển của thị trường ô tô Việt Nam, ông Nguyễn Tuấn, chuyên gia thị trường đã có cuộc trò chuyện với phóng viên TTXVN.
Khách tham quan tìm hiểu các mẫu xe mới được trưng bày tại Triển lãm Ô tô quốc tế Việt Nam 2016. Ảnh: Thế Anh/TTXVN
Theo báo cáo của Tổng cục Hải quan, quý I/2017, lượng ô tô nhập khẩu nguyên chiếc vào Việt Nam đã tăng 44,5% so với cùng kỳ 2016. Đáng lưu ý là xu hướng nhập khẩu từ thị trường các nước ASEAN đang tăng vọt. Ông đánh giá như thế nào về tình hình thực tế này?
Việc thuế nhập khẩu ô tô từ thị trường các nước ASEAN giảm xuống mức 30% từ 1/1/2017 đã được các cơ quan truyền thông thông tin rộng rãi trong suốt thời gian qua. Do đó, những khách hàng có nhu cầu mua xe khoảng cuối năm 2016, thường có tâm lý chờ đợi sang năm 2017, khi thuế nhập khẩu giảm 10% thì họ mới mua xe với hy vọng mức giá bán xe sẽ rẻ hơn tương đối nhiều. Điều này giải thích vì sao lượng xe nhập khẩu trong những tháng đầu năm nay lại cao hơn hẳn so với những tháng cuối năm ngoái.
Ngoài ra, khuynh hướng nhập khẩu những loại xe ô tô có giá thành rất thấp, ví dụ như dòng xe của Ấn Độ, với giá nhập khẩu vào khoảng 84 triệu đồng/xe, đang trở nên thịnh hành trong những tháng đầu năm 2017. Đây là những dòng xe mới, có giá thành hợp lý, phù hợp với thị hiếu và túi tiền của người tiêu dùng. Những dòng xe này trong tương lai có khả năng sẽ bị điều chỉnh áp giá bán với mức giá cao hơn hiện nay. Vì vậy, nhiều doanh nghiệp cũng đang tranh thủ nhập khẩu lô lớn về bán trước khi chính sách điều chỉnh giá có thể được ban hành.
Việc giảm thuế xe ô tô nhập khẩu từ thị trường ASEAN sẽ mang lại những tác động như thế nào đối với người tiêu dùng và cả các doanh nghiệp lắp ráp, nhập khẩu xe?
Tôi cho rằng, thông tin về việc giảm thuế nhập khẩu xe ô tô nguyên chiếc từ ASEAN vào Việt Nam xuống mức 30% trong năm 2017 đã được người tiêu dùng hồ hởi đón nhận.
Sang tới năm 2018, khi thuế nhập khẩu xe ô tô từ thị trường các nước ASEAN tiếp tục giảm xuống 0%, rất có khả năng sẽ tạo ra sự bùng nổ trên thị trường xe ô tô Việt Nam . Khi đó, người tiêu dùng sẽ được tiếp cận với mức giá ô tô thấp hơn nhiều giá hiện nay đang được bán ra trên thị trường.
Riêng đối với các liên doanh sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu ô tô, đa phần là các tập đoàn lớn, thì theo tôi, rất có khả năng thay vì lắp ráp trong nước, họ sẽ chuyển sang nhập khẩu xe nguyên chiếc từ các quốc gia khác như: Indonesia , Malaysia hay Thái Lan...
Xu thế này hiện đang hình thành rất rõ nét. Tôi muốn nói rõ hơn về vấn đề này, đó là các doanh nghiệp sẽ thực hiện chiến lược theo cách để tối đa hóa lợi nhuận và giảm thiểu chi phí. Điều này lý giải vì sao họ sẽ lựa chọn sản xuất ô tô tại thị trường nào có chi phí thấp nhất, sau đó xuất khẩu sang các quốc gia khác trong khu vực ASEAN, thay vì sản xuất dàn trải trên nhiều quốc gia khác nhau trong cùng khu vực.
Từ năm 2018, các hãng xe rất có khả năng, thay vì sản xuất 5 hay 6 dòng xe ở Việt Nam, thì sẽ chỉ còn sản xuất từ 1 đến 2 dòng xe, hiện đang có ưu thế tại thị trường trong nước. Số còn lại, họ sẽ lựa chọn nhập khẩu từ thị trường nước khác trong cùng khu vực.
Trong khi các doanh nghiệp sản xuất và lắp ráp xe trong nước đang thu hẹp quy mô thì hai doanh nghiệp là Trường Hải và Thành Công lại đang mở rộng đầu tư nhà máy lắp ráp ô tô và có kỳ vọng đẩy mạnh xuất khẩu. Theo ông, vì đâu mà hai doanh nghiệp này lại có chiến lược đi “ngược dòng” như vậy?
Trường Hải và Thành Công đã đầu tư rất lớn để phát triển mảng lắp ráp ô tô. Câu chuyện ở đây là nếu Trường Hải và Thành Công chỉ lắp ráp những loại ô tô giá rẻ như hiện nay thì rõ ràng khi thuế suất về mức 0%, họ sẽ bị các đối thủ cạnh tranh nước ngoài đánh bật ra khỏi chính thị trường nội địa. Để có thể cạnh tranh lại với các đối thủ nước ngoài, họ bắt buộc phải có chiến lược kinh doanh mới. Trường Hải và Thành Công đã rất nhanh nhẹn khi lựa chọn được đúng hướng phát triển cho mình.
Hiện Toyota , Honda hay Ford đều đã có nhà máy sản xuất ô tô tại Thái Lan , Indonesia hay Malaysia . Thay vì tiếp tục mở rộng sản xuất tại Việt Nam , các hãng này đang dần thu hẹp sản xuất và chuyển dần sang nhập khẩu từ các nước khác trong khu vực ASEAN để đón đầu thời điểm cắt bỏ hoàn toàn thuế nhập khẩu ô tô kể từ năm 2018.
Tuy nhiên, Mazda và Huyndai lại chưa có nhà máy sản xuất, lắp ráp nào tại khu vực ASEAN. Để thâm nhập thị trường các quốc gia này, cả Mazda và Huyndai đã tìm hiểu và lựa chọn liên doanh sản xuất với một doanh nghiệp trong phạm vi nội khối, sau đó sẽ xuất khẩu sang các nước khác. Tất nhiên, các hãng này sẽ lựa chọn thị trường nào có tiềm năng và doanh số bán tốt nhất để đầu tư.
Trường Hải, trong năm vừa qua, là đại lý chính hãng của Mazda tại Việt nam, họ đã hạ giá thành xe Mazda rất nhiều để kích cầu, nhằm đạt được một số doanh thu nhất định, qua đó đạt đủ doanh số để có thể chào mời Mazda chuyển giao công nghệ xây dựng và lắp ráp ô tô tại Việt Nam. Tương tự, Thành Công cũng đã đạt được thỏa thuận liên doanh với Tập đoàn Huyndai để đầu tư mở rộng lắp ráp xe Huyndai tại Việt Nam.
Tại cuộc họp báo Chính phủ tháng 3, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, Chính phủ đã chỉ đạo lập tổ công tác liên bộ. Mục đích là tìm cách duy trì, thúc đẩy, hỗ trợ các doanh nghiệp của Việt Nam sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu trong ngành ô tô cũng như đảm bảo hài hòa lợi ích của người tiêu dùng nhưng vẫn phù hợp cam kết hội nhập. Ông nhận định thế nào về vấn đề này?
Việc thành lập tổ công tác liên bộ cho thấy, Chính phủ cũng đang muốn cho các liên doanh lắp ráp một cơ hội nữa khi đã quyết định đưa ra hàng rào kỹ thuật để bảo vệ các doanh nghiệp nội địa đủ sức cạnh tranh và sản xuất ở Việt Nam.
Tuy nhiên, ở đây phải nhìn nhận vấn đề rằng khi Chính phủ đã tạo điều kiện cho các liên doanh lắp ráp tại Việt Nam được hưởng các ưu đãi, thì các liên doanh này cũng cần phải có các cam kết ngược lại như đảm bảo sau bao nhiêu năm sẽ đạt mức nội địa hóa theo yêu cầu, giá xe sẽ giảm về mức bao nhiêu và nếu không thực hiện được theo đúng lộ trình thì phải có chế tài nhất định. Nếu chúng ta tiếp tục bảo hộ như đã từng làm trong 20 năm qua thì rõ ràng các doanh nghiệp liên doanh sẽ tiếp tục sử dụng các chính sách bảo hộ để thu lợi trong khi ngành công nghiệp ô tô vẫn khó có thể phát triển được.
Xin cám ơn ông!
Diệu Linh (Thực hiện)
Theo Baotintuc.vn