Ngoài Toyota Camry thế chỗ của Ford Ecosport, những cái tên còn lại trong Top 10 ô tô bán chạy nhất tháng 6 tương tự như bảng xếp hạng tháng 5.
Đông Nam Á – thị trường ôtô ‘nóng’ nhất thế giới năm 2017
- Cập nhật : 28/05/2017
Vượt qua tất cả các thị trường lớn, Đông Nam Á được dự báo là nơi nhu cầu mua sắm ôtô tăng trưởng mạnh nhất thế giới trong năm nay.
BMI Research – đơn vị chuyên về thông tin tài chính của Fitch Group dự báo, tổng doanh số bán xe tại Đông Nam Á năm 2017 sẽ tăng 8,1% nhờ kinh tế phát triển. Con số này gấp đôi mức 3,1% của năm ngoái và triển vọng tăng 3,7% của thị trường ôtô toàn châu Á trong năm nay.
“Nhìn vào phân khúc xe du lịch, chúng tôi kỳ vọng Campuchia, Philippines và Việt Nam sẽ là những thị trường phát triển tích cực nhất tại Đông Nam Á năm nay. Mức tăng trưởng tại 3 thị trường này dự báo lần lượt là 20,4%, 19,2% và 18%, cho riêng phân khúc xe du lịch.”
BMI Research
Bản báo cáo của BMI phân tích thêm, “tăng trưởng kinh tế vững chắc, tiêu dùng cá nhân mạnh mẽ và các cải cách thuế” chính là 3 yếu tố then chốt đang thúc đấy sự tăng trưởng của thị trường ôtô Đông Nam Á.
Tháng 3/2017, tổng doanh số ôtô mới được bán ra tại các nước Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam là 316.736 xe, tăng 14% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là tháng thứ năm liên tiếp thị trường ôtô các nước này tiếp tục chứng kiến sự tăng trưởng.
Mặc dù sẽ không bùng nổ ở mức hai con số nhưng tháng 4 vừa qua, cũng đã có 90.000 chiếc ôtô mới lăn bánh tại Indonesia, giảm nhẹ so với tháng liền trước nhưng vẫn tăng đến 5,7% so với cùng kỳ 2016.
Sự phát triển của thị trường ôtô tại Đông Nam Á, theo số liệu tính đến năm 2016 của Ipsos Business Consulting.
“Trong cả năm ngoái, Audi bán được 800 xe tại thị trường Việt Nam, tăng trưởng 11%. Riêng trong 4 tháng đầu năm 2017, doanh số của chúng tôi tăng trưởng đến 20%.”, ông Laurent Genet - Tổng giám đốc nhà nhập khẩu Audi tại Việt Nam cho biết trong buổi giới thiệu mẫu xe mới tại TP HCM hôm 17/5.
Toyota Motor, hãng bán được nhiều xe nhất tại khu vực này xác nhận, 3 tháng đầu năm nay, thị trường Đông Nam Á là một điểm sáng đáng khích lệ trên bản đồ doanh thu toàn cầu của hãng.
Tỷ lệ sở hữu ôtô tại Đông Nam Á cho thấy dư địa phát triển của thị trường tại khu vực này trong nhiều năm tới vẫn còn rất sáng sủa. Trong khi nhóm các nước giàu như Malaysia và Thái Lan có tỷ lệ sở hữu ôtô tương đối cao, với tỷ lệ lần lượt là 82% và 51% hộ gia đình có ôtô vào năm 2014 thì tỷ lệ này ở nhóm các nước thu nhập thấp hơn chưa đạt được hai con số. Cụ thế, theo số liệu của Trung tâm nghiên cứu Pew (Mỹ), tỷ lệ gia đình có ôtô tại 3 nước Philippines, Indonesia và Việt Nam chỉ mới lần lượt là 6%, 4% và 2%.
Động lực thị trường lớn
Triển vọng tăng trưởng của thị trường ôtô Đông Nam Á còn đang dựa trên sự cải thiện về thu nhập và sự gia tăng của tầng lớp trung lưu tại đây. Hầu hết các nước đang trong giai đoạn kinh tế đang phát triển, nơi quá trình đô thị hóa chỉ mới diễn ra nhưng lại đang rất nhanh chóng.
Vào thế kỷ 19 và 20, đô thị hóa chủ yếu diễn ra ở các nước phương Tây và Nhật Bản. Nhưng ngày nay, các nước đang phát triển đang nhanh chóng bắt kịp, đặc biệt là tại châu Á, nơi hàng trăm triệu người đã di chuyển từ nông thôn để ra thành thị sinh sống trong vài thập kỷ gần đây. Theo nghiên cứu của Ngân hàng thế giới, gần 200 triệu người ở khu vực Đông Á – Thái Bình Dương, trừ Ấn Độ và các nước xung quanh như Pakistan, đã chuyển từ nông thôn lên thành thị sinh sống trong suốt gần hai thập kỷ qua, tính từ năm 2000. Quá trình này đã thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và chi tiêu cho tiêu dùng tăng lên.
Nhiều dự đoán khác cũng cho rằng, các thành phố tại châu Á sẽ tiếp tục phát triển và trở nên giàu có hơn trong những thập kỷ tới. Viện nghiên cứu toàn cầu McKinsey (MGI) từng đưa ra dự báo rằng, trong 15 năm tới, trung tâm sức mạnh của các đô thị sẽ di chuyển về phía Nam và thậm chí là phía Đông. Theo MGI, một nửa GDP toàn cầu vào năm 2007 là đến từ 380 thành phố tại các nước phát triển. Trong khi đó, 22 thành phố lớn nhất ở các nước đang phát triển chỉ đóng góp 10%.
Nhưng chỉ trong vòng chưa đầy một thập kỷ tới, các thành phố tại châu Á sẽ lớn hơn và giàu có hơn và sẽ mua sắm thêm hàng chục triệu chiếc ôtô mới. “Đến năm 2025, các thành phố tại các nước đang phát triển thuộc Top City 600 sẽ có khoảng 235 triệu gia đình trung lưu, có thu nhập trên 20.000 đôla mỗi năm theo sức mua tương đương.”, MGI dự báo với Top City 600 là bảng xếp hạng 600 thành phố đang phát triển nhanh nhất thế giới.
Trong số 3 nước mà BMI lạc quan nhất Đông Nam Á về khả năng tăng trưởng của thị trường ôtô vào năm 2017 thì nền kinh tế Việt Nam đã tăng trưởng 6,2% vào năm 2016 và dự báo sẽ đạt 6,3% vào năm nay theo Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB). Láng giềng Campuchia tăng trưởng đều dặn khoảng 7% mỗi năm kể từ năm 1990. Trong khi đó, Philippines đang rũ bỏ hình ảnh nền kinh tế ốm yếu dưới nhiệm kỳ của cựu tổng thống Benigno Aquino III khi đầu tư nước ngoài đang gia tăng và tăng trưởng GDP hàng năm cũng từ 5% đến 6% trở lên.
Áp lực cho hạ tầng giao thông
Việc có thêm ngày càng nhiều ôtô và xe tải ở các thành phố lớn như Bangkok, Jakarta hay Manila tiếp tục làm cho tình trạng giao thông ngày một tệ hơn. Tại khắp các đô thị ở Đông Nam Á, việc nâng cấp hạ tầng giao thông dường như đều đang trở thành vấn đề cấp thiết chung.
Bangkok và Jakarta là hai thành phố xếp thứ hai và thứ ba thế giới về tình trạng tắc nghẽn giao thông, theo một cuộc điều tra tại 390 thành phố ở 48 quốc gia của nhà sản xuất thiết bị TomTom. Các thành phố như Manila và Cebu của Philippines, hay như Bandung và Surabaya của Indonesia đang được xếp dưới cùng trong một cuộc điều tra về sự hài lòng của tài xế năm 2016 của Waze, một ứng dụng điều hướng lưu thông trên điện thoại.
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte cam kết rằng chính quyền của ông sẽ giám sát chặt chương trình nâng cấp cơ sở hạ tầng trị giá 160 tỷ đôla trong suốt nhiệm kỳ của ông đến 2022. Cải thiện đường sá, xây thêm cao tốc… là những giải pháp được kỳ vọng sẽ giải quyết nạn ùn tắc giao thông tại Manila, thành phố đóng 1/5 sản lượng kinh tế của nước này.
Chính phủ Indonesia, nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á với 17.000 hòn đảo và 260 triệu dân cũng đang muốn hiện đại hóa đường sá và đường sắt như một phần của cuộc cải tổ cơ sở hạ tầng rộng khắp mà Tổng thống Joko Widodo khởi xướng khi ông bắt đầu cầm quyền vào năm 2014. Nước này đang triển khai tuyến tàu điện ngầm mới tại Jakarta cũng như tuyến đường sắt nối thủ đô này với sân bay quốc tế ở phía tây thành phố.
Phnom Penh, thủ đô của Campuchia, thị trường có doanh số tự kiến tăng 20% trong năm nay đang bùng nổ các công trình cao tầng. Hàng trăm tòa nhà chung cư đang mọc lên. “Dân số tại Phnom Penh còn thấp hơn nhiều so với Bangkok, Jakarta hay Manila nhưng tình trạng ùn tắc giao thông, đặc trưng của các đô thị lớn, sẽ sớm diễn ra.”, tờ Nikkei bình luận.
Tác động môi trường
Không chỉ áp lực cho cơ sở hạ tầng, sự bùng nổ của ôtô còn dẫn đến tình trạng chất lượng không khí kém hơn, dù rằng các mẫu xe mới đã bớt ô nhiễm hơn thế hệ cũ. Theo ông Carlos Dora, điều phối viên của Tổ chức y tế thế giới (WHO) về sức khỏe môi trường thì tăng trưởng kinh tế khốc liệt, chủ nghĩa tiêu thụ và sự mở rộng đô thị đang làm cho các thành phố ô nhiễm nhiều hơn. “Ở một số nơi, môi trường bị ảnh hưởng bởi việc tăng doanh số tiêu thụ ôtô, mà thường là các xe cũ chạy dầu.”, ông Dora nói.
Tại Myanmar, doanh số bán xe cũ vẫn còn cao hơn doanh số xe mới. Mặc dù nước này đã nới lỏng việc nhập khẩu ôtô từ năm 2011 nhưng đường phố Myanmar vẫn chủ yếu tràng ngập các mẫu xe Nhật thập niên 80 – 90. Theo báo cáo của PwC, Myanmar chính là nước nhập khẩu ôtô đã qua sử dụng lớn nhất của Nhật Bản trong hai năm 2014 và 2015.
Ở TP HCM hay Jakarta, xe máy vẫn là phương tiện chiếm đa số trên đường phố nhưng sự tăng trưởng của ôtô có thể sẽ trở thành nguồn ô nhiễm chủ lực trong tương lai. Khảo sát của FT Confidential Research tại 5 quốc gia Đông Nam Á cho biết, tiêu thụ xe máy đang đi đến bão hòa. Thay vào đó, tầng lớp trung lưu đang dần chuyển sang chọn xe bốn bánh thay cho hai bánh.
Viễn Thông
Theo Vnexpress