Ngày 26-11, Cổng chống hàng giả Việt Nam CHG phối hợp với Hội Bảo vệ người tiêu dùng TP.HCM tổ chức hội thảo Chống hàng giả, hàng lậu và vi phạm sở hữu trí tuệ để hội nhập và phát triển bền vững.
Vụ “Đầu độc thực phẩm bằng kháng sinh”: Bảo vệ dân ra sao?
- Cập nhật : 25/04/2016
(Tieu dung)
Vụ “Đầu độc thực phẩm bằng kháng sinh”, người tiêu dùng phải được bảo vệ. Đã đến lúc VN có giải pháp ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm một cách phù hợp.
Nhiều người chăn nuôi dễ dàng mua được các loại thuốc kháng sinh trong chăn nuôi tại cửa hàng bán thuốc thú y trên địa bàn TP.HCM. Trong ảnh: người dân chọn mua thuốc kháng sinh trong chăn nuôi tại một cửa hàng thú y ở quận 9, TP.HCM - Ảnh: Hữu Khoa
Bên cạnh chất tạo nạc cấm, đã đến lúc VN quan tâm những tác hại nghiêm trọng đến sức khỏe con người của các chất kháng sinh trong chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản, để từ đó có giải pháp ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm một cách phù hợp.
Nhiều chuyên gia đã khẳng định như vậy khi trao đổi với chúng tôi xung quanh câu chuyện “đầu độc thực phẩm bằng kháng sinh” (Tuổi Trẻ ngày 20-4). Theo các chuyên gia, không chỉ quản lý việc sử dụng các loại kháng sinh trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản mà còn cả nguồn nhập khẩu.
* Ông Nguyễn Như Tiệp (cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản - Nafiqad):
Quản lý chặt thực phẩm tiêu dùng nội địa
Số lượng lô hàng thủy sản của VN bị phát hiện, cảnh báo và trả về do nhiễm kháng sinh trong quý 1-2016 giảm so với cùng kỳ các năm trước nhưng vẫn ở mức cao. Cụ thể trong ba tháng đầu năm có 31 lô hàng bị cảnh báo, giảm so với 54 lô của quý 1-2015 và 38 lô quý 1-2014. Điều này cho thấy tình hình sử dụng và quản lý kháng sinh vẫn còn khá nghiêm trọng.
Các lô hàng bị nước nhập khẩu trả về sẽ được xử lý theo quy định của VN. Cơ quan chức năng sẽ lấy mẫu các lô hàng đó phân tích dư lượng chất cấm, nếu vượt ngưỡng cho phép của VN sẽ bị tiêu hủy lô hàng. Nếu dưới ngưỡng cho phép thì doanh nghiệp được lấy hàng để xử lý cho các mục đích khác như xuất khẩu sang các thị trường đòi hỏi ít khắt khe hơn về kháng sinh hoặc tiêu thụ trong nước.
Không có sự phân biệt trong kiểm soát nông sản xuất khẩu với nông sản tiêu thụ trong nước. Cái khác là do VN xuất khẩu theo yêu cầu của thị trường nhập khẩu nên cơ quan chức năng như Nafiqad phải giám sát theo các tiêu chí mà từng thị trường yêu cầu. Các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu cũng phải tự xây dựng quy trình tự kiểm tra, tự kiểm soát chất lượng tốt hơn so với các doanh nghiệp cung ứng hàng trong nước.
Do có bước sàng lọc này nên tình trạng vi phạm và phát hiện dư lượng hóa chất tại các quốc gia nhập khẩu thấp hơn nhiều so với trong nước.
Tuy nhiên, việc kiểm soát chất lượng nông sản khi đưa ra thị trường tiêu thụ trong nước không tốt như khi xuất khẩu.
Thời gian tới bên cạnh kiểm soát hàng nông sản xuất khẩu, chúng tôi cũng khuyến khích và hỗ trợ các doanh nghiệp cung ứng hàng trong nước nâng cao năng lực quản lý chất lượng, phát triển các chuỗi thực phẩm an toàn nhằm hạn chế sử dụng kháng sinh và chất cấm để đưa sản phẩm an toàn đến với người tiêu dùng trong nước.
* Ông Nguyễn Văn Việt (chánh thanh tra Bộ NN&PTNT)
Kiểm soát từ nhập khẩu đến tiêu thụ
Tương tự đường đi của chất tạo nạc cấm, một số loại kháng sinh cấm trong nuôi trồng thủy sản cũng đi vòng qua đường nhập khẩu và sản xuất thuốc thú y (cho ngành chăn nuôi). Do không có sự kiểm soát chặt chẽ sau nhập khẩu nên các nhà phân phối vẫn bán cho nông dân nuôi trồng thủy sản, dẫn đến tình trạng nhiều lô hàng bị cảnh báo và trả về thời gian qua.
Thời gian tới, các cơ quan ngành nông nghiệp sẽ siết chặt việc cấp phép và giám sát việc sản xuất, tiêu thụ các loại kháng sinh cấm cũng như hạn chế sử dụng kháng sinh tràn lan trong chăn nuôi như thời gian qua.
* ThS VÕ VĂN NINH (nguyên giảng viên khoa chăn nuôi thú y ĐH Nông lâm TP.HCM)
Phải xử lý nghiêm khắc hành vi vi phạm
Sau nhiều năm pha trộn kháng sinh vào thức ăn chăn nuôi khiến quần thể lợi khuẩn bị mất, nấm bệnh và siêu vi phát sinh gây bệnh không có đủ vi khuẩn ưa thích để ăn sẽ quay ra ăn tế bào của vật nuôi. Vì vậy ngày càng có nhiều dịch bệnh do siêu vi gây ra.
Vi khuẩn đề kháng với kháng sinh làm việc trị liệu bằng kháng sinh trở nên vô hiệu, dù có tăng liều cao cũng không hiệu quả, nhất là có sự đề kháng chéo với nhiều loại kháng sinh tuy chưa được dùng. Chữa bệnh không dứt gây tổn thất kinh tế cho nhà chăn nuôi và người ăn thịt vật nuôi nhiễm kháng sinh, chưa kể có tổn thất sinh mạng của con người.
Tình hình buông lỏng quản lý kháng sinh trong chăn nuôi thời gian dài vừa qua rất đáng báo động. Vì vậy bên cạnh xử lý mạnh tay với việc sử dụng chất tạo nạc cấm trong chăn nuôi, đã đến lúc VN cần phải có những biện pháp quản lý chặt chẽ và nghiêm khắc hơn từ phía các cơ quan chức năng trong kiểm nghiệm tồn dư kháng sinh trong vật nuôi, không cho lưu hành các sản phẩm có tồn dư kháng sinh…
Sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi rất phổ biến
Trong hai năm 2012 và 2014, Cục Chăn nuôi đã khảo sát tình trạng sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi ở 18 tỉnh thành. Kết quả cho thấy trong số 94 đơn vị nghiên cứu có 60 đơn vị (chiếm 64%) cho biết sử dụng kháng sinh trong thức ăn chăn nuôi, việc lạm dụng kháng sinh trong sản xuất thức ăn chăn nuôi công nghiệp vẫn xảy ra.
Kết quả nghiên cứu của Trung tâm kiểm tra vệ sinh thú y trung ương 1 (Bộ NN&PTNT) trong năm 2015 tại các tỉnh phía Bắc cho thấy sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi heo là rất thông thường, trong khi công tác quản lý thuốc thú y không tốt. Dù các văn bản quản lý thuốc thú y sẵn có nhưng kiến thức của người thực hành thú y tại cơ sở và người chăn nuôi rất hạn chế.
Người chăn nuôi tự lựa chọn loại thuốc, tự quyết định liều lượng, tự phối trộn... trong phòng và chữa bệnh cho vật nuôi. Dù các cơ quan chức năng khuyến cáo nên ngưng sử dụng kháng sinh ít nhất 2 tuần trước khi xuất bán, nhưng thực tế cho thấy thời gian ngừng thuốc chủ yếu theo kinh nghiệm.
Nên khuyến khích chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học
Theo ThS Võ Văn Ninh, để giảm bớt và tiến dần đến việc loại bỏ kháng sinh trong chăn nuôi, VN cần đẩy mạnh chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học tạo môi trường trong lành và khỏe mạnh cho vật nuôi, thay vì xử lý khi phát sinh dịch bệnh.
Các nhà khoa học VN cần nghiên cứu và ứng dụng thành quả nghiên cứu từ nước ngoài về dinh dưỡng để tăng sức đề kháng cho vật nuôi, bổ sung các chất dinh dưỡng để vật nuôi có thể trạng tốt tự tạo miễn dịch chống bệnh.
Ngoài ra, người chăn nuôi có thể sử dụng các chất lợi khuẩn, thảo dược ức chế vi khuẩn có hại như tỏi, nghệ, xuyên tâm liên, vàng đắng... rất phong phú tại nước ta.