Nhiều chuyên gia cho rằng việc đưa trà, cà phê uống liền đóng gói vào diện phải chịu thuế tiêu thụ đặc biệt như thuốc lá, rượu theo đề xuất sửa luật thuế của Bộ Tài chính là không hợp lý.
Khám phá bí mật loại trà đắt hơn vàng 30 lần
- Cập nhật : 02/05/2016
(Tin kinh te)
Loại trà Đại Hồng Bào của Trung Quốc có mức giá đắt hơn vàng 30 lần, được xem là một trong những loại trà đắt nhất thế giới.
Năm 2002, một người Trung Quốc giàu có đã bỏ ra 180.000 nhân dân tệ - tương đương 28.000 USD - để mua chỉ 20 gram trà Đại Hồng Bào huyền thoại. Ngay cả với một nền văn hóa vốn coi uống trà là một nghệ thuật suốt khoảng 1.500 năm nay (và có cả một hệ phân loại trà phức tạp hơn cả hệ phân loại rượu Pháp) thì đây vẫn là một mức giá gây sốc.
Nếu quy đổi theo giá vàng, trà Đại Hồng Bào nguyên chất có giá đắt gấp 30 lần lượng vàng tương đương trọng lượng với nó. Cụ thể, 1 gram trà có giá khoảng 1.400 USD, một ấm trà có giá hơn 10.000 USD (hơn 210 triệu đồng). Đây xứng danh là một trong những loại trà đắt nhất thế giới.
Xiao Hui, một phụ nữ trồng trà sống ở vùng Vũ Di Sơn (núi Vũ Di), tỉnh Phúc Kiến - Trung Quốc, cho biết: “Trông nó như trà cho kẻ ăn mày nhưng giá thì lại dành cho các vị hoàng đế”. Xiao và gia đình cô đã nhiều đời chế biến trà và cứ mỗi mùa xuân, họ đều lên núi để hái loại trà cực quý này.
Vũ Di Sơn với phong cảnh hùng vĩ từ nhiều thế kỷ nay đã nổi tiếng với những loại trà quý. Những cơn mưa chảy xuống vách núi đá vôi làm ngập các dòng suối hẹp và thác nước ở đây đã mang theo nguồn dinh dưỡng, khoáng chất phong phú cho những cây trà.
Hiện nay, mỗi cửa hàng ở vùng Vũ Di Sơn đều có những chiếc kệ chất đủ loại trà và đặc biệt là một bộ bàn ghế thưởng thức trà dành cho nghi thức “trà kung fu” - hình thức uống trà của Trung Quốc được xem là gần gũi nhất với trà đạo Nhật Bản.
Đến với Vũ Di Sơn, bạn có thể khám phá ra một điều ngạc nhiên rằng thật ra cũng có những loại trà Đại Hồng Bào mà người ta có thể thưởng thức với giá phải chăng.
Loại trà gốc hoặc lâu năm dĩ nhiên sẽ có giá cực cao nhưng nếu chỉ là loạiĐại Hồng Bào có chất lượng trung bình thì có giá chỉ khoảng 100 USD/kg khi mua ở Vũ Di Sơn.
Xiangning Wu, một chuyên gia về trà ở vùng này, cho biết: “Trà Đại Hồng Bào gốc quá đắt vì hiện nay chỉ còn lại vài cây trà cổ. Vì vậy mà loại trà này vô cùng quý, nếu không muốn nói là vô giá”. Nó đặc biệt đến mức những chuyên gia môi giới phải tham gia thế giới của những người giàu có mê trà để làm trung gian giữa người bán và người mua.
Không chỉ người Trung Quốc mới trân trọng trà Đại Hồng Bào như thế. Năm 1849, nhà thực vật học người Anh Robert Fortune đã đến vùng Vũ Di Sơn để thực hiện một nhiệm vụ bí mật, một phần của hoạt động gián điệp công – nông nghiệp của Công ty East India Company (Anh).
Người Anh khi đó cũng bị ám ảnh bởi trà, và Trung Quốc (nơi cung cấp lụa và đồ gốm cho Anh) là nơi duy nhất để họ tìm những loại trà ngon.
Lúc đó, East India Company định làm như cách mà họ đã làm với các loại cây quý khác: trộm hạt giống (hay tốt hơn là chiết lấy một cành) rồi tự trồng lại cây đó. Người Anh cho rằng nếu có thể tự trồng được loại trà này ở Ấn Độ, họ sẽ ít bị phụ thuộc vào việc nhập khẩu trà từ Trung Quốc hơn.
Nhưng người Anh đã không thể làm được điều đó. Những hạt giống trà mà họ lấy về từ Quảng Đông không nảy mầm được, còn những cây trà mọc ở Ấn Độ thì khác loại với trà Trung Quốc nên hương vị không giống.
Mục tiêu của ông Robert Fortune lúc đó là đi tìm Đại Hồng Bào, loại trà được cho là ngon nhất Trung Quốc, và tìm hiểu cách trồng. Ông đã thuê một người hầu, cắt tóc theo kiểu người Mãn và đến Vũ Di Sơn để tìm kiếm Đại Hồng Bào.
Cũng như ngày nay, những vườn trà thời đó nằm vắt vẻo dọc theo những hẻm núi và triền dốc hẹp. Những bụi cây trà Đại Hồng Bào quý giá leo trên những vách đá có khắc 3 chữ Hán “Đại Hồng Bào” màu đỏ. Cái tên này có nghĩa là tấm áo bào màu đỏ mà một vị hoàng đế trong thần thoại đã từng dâng lên thần linh để tạ ơn được ban phép lạ chữa khỏi bạo bệnh.
Fortune khi đó đã ở tạm trong chùa Thiên Tân Vĩnh Lạc bên dưới chỗ có các cây Đại Hồng Bào. Giữa lúc thiên hạ đang tranh cãi không biết nên để khỉ hay trinh nữ hái trà thì sẽ hương vị trà sẽ ngon hơn, nhà thực vật học này đã lấy được hạt giống trà và học hỏi được bí quyết canh tác của người trồng ở đây.
Khi những hạt giống này được mang sang Ấn Độ, nó đã hòa trộn với loại trà bản địa Ấn Độ và khởi đầu cho một ngành công nghiệp với lợi nhuận hàng tỉ đô một năm hiện nay (ngành sản xuất và chế biến trà).
Zhe Dao, trụ trì chùa Thiên Tân Vĩnh Lạc, kể lại: “Vào thế kỷ 19, đã có một người chuyên săn tìm các loại cây đến đây và lấy đi các hạt giống. Nhưng ông ta không biết cách làm ra trà nên phải cần các bậc thầy chỉ dẫn”.
Chùa Thiên Tân Vĩnh Lạc được xây dựng từ năm 827. Đến năm 1958, các nhà sư bị buộc rời khỏi đây đã mang theo cả công thức chế biến trà. Khi trụ trì Zhe từ thành phố Tô Châu đến nơi này vào năm 1990, phần còn lại của ngôi chùa năm xưa đã biến thành nhà của những nông dân.
Vị trụ trì hồi tưởng: “Lúc đó chỉ có mỗi mình tôi. Giờ tôi có nhiều đệ tử và chúng tôi đã lại bắt đầu chế biến trà từ 5 hay 6 năm trước”.
Những cây Đại Hồng Bào nguyên thủy vốn mọc trên đất chùa nhưng trụ trì Zhe đã bàn giao việc quản lý chúng lại cho chính quyền. Từ đó, việc sản xuất trà luôn được kiểm soát chặt chẽ. Mỗi năm, chỉ có vài trăm gram trà được thu hoạch và đều được dành cho nhà nước trong những sự kiện trang trọng. Cho đến nay, những cây trà đại thụ này vẫn được canh gác nghiêm ngặt.
Vách đá có 3 chữ "Đại Hồng Bào" màu đỏ, nơi còn lại những cây Đại Hồng Bào cổ. Ảnh: whatsonxiamen.com
Đi men theo những vườn rau của nhà chùa, dọc theo những con đường núi quanh co, bạn sẽ được dẫn đến nơi có những cây Đại Hồng Bào nguyên thủy. Chúng trông có vẻ già nua và khẳng khiu. Có vẻ như những bụi cây này sẽ không thể tăng trưởng thêm nữa.
Vào ngày 1-5 này, ngay sau khi mùa thu hoạch trà bắt đầu, người ta sẽ lại trải thảm đỏ để mô phỏng tấm áo bào đỏ - món quà của hoàng đế. Các cô gái xinh đẹp trong trang phục truyền thống sẽ thực hiện nghi lễ hái trà như thời xưa.
Tuy nhiên, đó sẽ chỉ là nghi lễ hình thức chứ họ không thật sự hái trà. Lần cuối cùng người ta hái lá từ những cây trà cổ quý giá này là vào năm 2005 và có lẽ những bụi cây ấy sẽ không tiếp tục sản sinh ra trà nữa.
Điều này có nghĩa là vài gram trà chế biến trực tiếp từ lá những cây này mà các nhà sưu tập đang cất giữ sẽ càng có giá trị, có lẽ qua thời gian sẽ trở nên đắt như kim cương.
N. Thương
(BBC Travel/ Người Lao Động)