Trọng lượng trung bình từ 2,5-4 kg, có con nặng đến 5 kg, chiều dài mỗi con khoảng 1 mét,... cua hoàng đế Alaska đang được rất nhiều nhà giàu Việt săn mua bất chấp chúng giá lên đến cả chục triệu đồng/con.
Người Việt dùng hàng Thái từ lọ muối cho đến ôtô
- Cập nhật : 01/05/2016
(Tin kinh te)
Đến nay, các đại gia Thái Lan đã sở hữu hàng loạt siêu thị lớn như Metro, Big C, Nguyễn Kim, Robins, B's Mart… tạo cơ hội cho hàng hoá nước này có cơ hội tăng độ phủ sóng tại Việt Nam.
Giới chuyên gia kinh tế nhận định bản đồ ngành bán lẻ Việt Nam đã được vẽ lại kể từ sau thương vụ Central Group chi hơn 1 tỷ USD mua Big C. Nguy cơ phổ cập hàng tiêu dùng Thái Lan - đang được rất nhiều người Việt ưa chuộng cả về chất lượng và giá cả đã hiện hữu. Nhiều quan chức và doanh nghiệp Thái Lan đang tăng cường đi học tiếng Việt để bắt nhịp cho cuộc chơi hội nhập đầy khốc liệt này.
Theo thống kê, năm 2015, người Việt đã chi tổng cộng 8,3 tỷ USD nhập khẩu hàng hoá Thái Lan từ lọ muối cho đến chiếc ôtô. Năm 2014 con số này cũng ở mức 7,1 tỷ USD. Quý 1/2016, kim ngạch nhập khẩu từ Thái Lan cũng tăng 1,8 tỷ USD.
Hàng Thái đã và đang "hất cẳng" hàng Trung Quốc tại Việt Nam. Nhiều mặt hàng Thái Lan đã thế chân Trung Quốc vươn lên dẫn đầu trong xuất khẩu sang Việt Nam như ôtô, rau quả và nông sản. Năm 2015 Việt Nam đã nhập 25.136 ôtô, nếu tính cả phụ tùng ôtô, người Việt đã chi hơn 1 tỷ USD nhập khẩu mặt hàng này từ Thái Lan.
Đáng chú ý, Việt Nam còn nhập khẩu rất nhiều mặt hàng mà chính nước ta cũng sản xuất và có thế mạnh như: hàng rau quả, sữa và các sản phẩm từ sữa, thuỷ sản, ngô, gỗ và các sản phẩm từ gỗ, cao su và sản phẩm từ cao su, sản phẩm từ chất dẻo, giấy…
Ngoài ra, Việt Nam còn tăng cường nhập các loại dầu mỏ, sắt thép, kim loại quý, hoá chất, vải, và nhiều loại máy móc, hàng điện gia dụng, dược phẩm…
Trên thực tế, nhiều mặt hàng tiêu dùng Thái Lan đã được bày bán tràn lan tại Việt Nam. Hệ thống cửa hàng tiện lợi chuyên đồ Thái Lan đã phát triển nhanh. Trên nhiều tuyến phố của Hà Nội như: Thái Thịnh, Tây Sơn, Phạm Hùng, Thái Hà, Hà Đông…, nhiều cửa hàng chuyên bán đồ Thái Lan mọc lên như nấm.
Tại một cửa hàng tiêu tùng Thái Lan ở Hà Đông bày bán rất nhiều loại hàng thiết yếu. Sản phẩm rất phong phú, từ lọ muối, nước mắm, kem đánh răng, nước rửa bát, dầu gội, dao, chổi lau nhà đến các sản phẩm như mỹ phẩm, đồ nhựa, đồ điện gia dụng, quần áo… Cửa hàng lúc nào cũng nườm nượp khách ra vào, ngoài ra còn mở dịch vụ giao hàng tận nhà, bán hàng online.
Nhân viên cửa hàng khẳng định tất cả đều là hàng chính hãng của Thái Lan. Các loại sữa tắm, dầu gội đầu, mỹ phẩm... có nguồn gốc Thái Lan giá chỉ từ 50.000 đến 200.000 đồng. Các mặt hàng gia dụng như rổ đựng đồ, móc áo, bát đũa, cốc chén, chổi lau nhà, thùng đựng rác… chỉ từ vài chục đến vài trăm nghìn đồng; nồi cơm điện, quạt điện, lò vi sóng… giá trên một triệu đồng.
Trên quy mô lớn, hàng loạt công ty Việt đã được thành lập với mục đích nhập khẩu và phân phối hàng tiêu dùng Thái. Các công ty này sẽ trực tiếp ký hợp đồng với một vài nhãn hàng tại Thái Lan và phân phối cho các đại lý tại Việt Nam. Với chính sách chiết khấu cao, nhiều khuyến mại, giá cả hợp lý, hỗ trợ vận chuyển…nhiều thương nhân trước đây kinh doanh hàng Trung Quốc đã chuyển sang nhập hàng Thái về bán, đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng.
Công ty Thương mại và Sản xuất kinh doanh Phú Minh - trực tiếp nhập khẩu hàng từ các nhà máy tại Thái rồi về Việt Nam phân phối qua các hệ thống bán lẻ. Cơ cấu hàng Thái của công ty rất đa dạng gồm: đồ thuỷ tinh, khăn giấy, thực phẩm, hàng nhựa, đồ điện, thời trang và quần áo, bột giặt, nước tẩy rửa… Các sản phẩm của công ty được niêm yết giá bán lẻ công khai trên trang web để người tiêu dùng dễ lựa chọn.
Để mở rộng đại lý phân phối, công ty không chỉ chiết khấu cao mà còn có chương trình khuyến mại tặng bộ phần mềm quản lý bán hàng có giá trị 7 triệu đồng bao gồm bộ mã sản phẩm và mã vạch với các đơn hàng trên 150 triệu đồng. Ngoài ra còn nhiều khuyến mãi khác như mua một tặng một, hay tặng kèm sản phẩm khác…
Trên hệ thống các siêu thị vài năm gần đây cũng có hiện tượng "thay máu" các sản phẩm Trung Quốc bằng hàng gia dụng, tiêu dùng xuất xứ Thái Lan. Nhận thấy hàng hóa Thái đang bán chạy, nhiều hãng bán lẻ đang hoạt động tại Việt Nam như Aeon, Big C và Lotte Mart đã tăng cường tỷ lệ hàng Thái. Cơ hội tăng cường làm ăn của các doanh nghiệp Thái tại Việt Nam ngày càng được mở ra khi Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) chính thức có hiệu lực, các hàng rào thuế quan dần được xoá bỏ.Ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội khẳng định việc sở hữu hàng loạt các chuỗi siêu thị lớn của Việt Nam sẽ biến đây trở thành kênh phân phối chính thức hàng Thái tại Việt Nam. Cùng với tâm lý yêu thích hàng Thái, chính sách về chiết khấu, khuyến mại lớn, mẫu mã đẹp…, hàng Thái đang chiếm được lòng tin của người tiêu dùng Việt. Ông Phú khẳng định tỷ lệ 80% hàng Việt trong các siêu thị sẽ giảm đi trong thời gian tới.
Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh tại một cuộc hội thảo đã thẳng thắn chia sẻ: "Giới quan chức, doanh nghiệp Thái đang tích cực đi học tiếng Việt để hiểu về thị trường cũng như tâm lý của người Việt. Thái Lan rất quan tâm, hỗ trợ các doanh nghiệp, tập đoàn của nước này xâm nhập vào Việt Nam. Họ có tổ chức tư vấn xâm nhập thị trường". Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận, việc hàng Thái lấn sân sẽ tạo ra sức ép buộc doanh nghiệp Việt phải cải cách, cạnh tranh và vươn lên.
Chủ tịch Tập đoàn Hoa Sen - Lê Phước Vũ mới đây có chia sẻ rất nhiều doanh nghiệp Việt đã bày tỏ gặp nhiều khó khăn khi đưa hàng vào các siêu thị mà đại gia Thái Lan sở hữu tại Việt Nam. Bán lẻ rơi vào tay nước ngoài đã đẩy doanh nghiệp Việt vào thế khó, không được tiếp cận người tiêu dùng trên chính sân nhà.
Trước đó, cuộc đua sở hữu Big C Việt Nam đã kết thúc khi Casino Group (Pháp) bán cho Central Group - một tập đoàn đến từ Thái Lan với giá 1,04 tỷ USD - tương ứng 23.300 tỷ đồng. Thương vụ đã vẽ lại bản đồ ngành bán lẻ Việt với nhiều nét chấm phá cho người Thái.
Hoàn tất thương vụ này, người Thái đã có trong tay 4 chuỗi siêu thị thuộc bậc lớn nhất tại Việt Nam. Central Group được sáng lập năm 1927 hoạt động trong lĩnh vực bất động sản, các cửa hàng, bán lẻ, khách sạn và nhà hàng. Tập đoàn này sở hữu thương hiệu Central Retail - với hàng loạt các trung tâm mua sắm như: Central, Robinson, Zen, La Rinascente (Italy).
Nằm trong chiến lược mở rộng thị trường ra các nước Đông Nam Á, gần đây "cá mập" Central Group đã có nhiều thương vụ M&A đình đám tại Việt Nam. Trước đó, Power Buy - đơn vị thuộc Tập đoàn Central Group của tỷ phú Thái Lan Chirathivat - đã mua 49% cổ phần của điện máy Nguyễn Kim. Đại gia này chính là chủ của chuỗi siêu thị Robins tại Việt Nam với mục tiêu phân phối hàng Thái tại Hà Nội và TP HCM.
Tập đoàn Berli Jucker (BJC) của tỷ phú giàu thứ hai Thái Lan - Charoen Sirivadhanabhakdi đã chi gần 880 triệu USD mua lại hệ thống 19 siêu thị Metro tại Việt Nam. Hãng này cũng đã đầu tư vào chuỗi siêu thị Family Mart (nay đổi tên thành B's Mart) với tham vọng xây dựng hàng nghìn cửa hàng tiêu dùng tại Việt Nam.
Bạch Dương
Theo Vnexpress