tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Người Việt sợ thực phẩm bẩn nhưng ngó lơ thực phẩm sạch

  • Cập nhật : 04/01/2018

Người Việt chê thực phẩm bẩn nhưng lại không chịu mua sản phẩm sạch. "Thói quen" này khiến người làm đàng hoàng lo phá sản, kẻ gian dối lại sống khỏe.

nhieu cua hang ban thuc pham sach thua nhan kho ban hang vi nguoi dan thieu long tin. trong anh: tai mot cua hang ban thit heo sach o tp.hcm - anh: tran manh

Nhiều cửa hàng bán thực phẩm sạch thừa nhận khó bán hàng vì người dân thiếu lòng tin. Trong ảnh: tại một cửa hàng bán thịt heo sạch ở TP.HCM - Ảnh: TRẦN MẠNH

Ngày 2-1, Công ty cổ phần Feddy khai trương cửa hàng thịt sạch đầu tiên WYN theo mô hình thịt mát thay vì thịt nóng ngoài chợ lẻ. Phải mất đến gần 10 năm công ty này mới khép kín được chuỗi giá trị từ sản xuất con giống, thức ăn chăn nuôi, chăn nuôi, giết mổ và bán hàng đến tận tay người tiêu dùng. 

Dù chuỗi thịt mát (heo mảnh sau giết mổ được đưa vào kho lạnh -18oC, sau đó mới đưa ra phòng mát 0-5oC pha lóc và để trong các tủ mát có nhiệt độ 0-5oC) được đánh giá có ưu điểm về chất lượng hơn so với thịt heo nóng (thịt mảnh bán ở các quầy hở, nhiệt độ thường) nhưng lãnh đạo doanh nghiệp này cũng chưa chắc có thành công hay không.

Ông Phạm Ngọc Toàn, giám đốc Công ty Feddy, cho hay thịt tại cửa hàng truy xuất được nguồn gốc, nuôi heo theo quy trình ít phải sử dụng kháng sinh nhưng dù miếng thịt heo an toàn đến đâu đi chăng nữa vẫn phải phụ thuộc vào thói quen người tiêu dùng. 

Người Việt Nam mình có thói quen mua thịt nóng ngoài chợ, rửa rồi nấu ăn và cho là sạch. Để thay đổi thói quen không dễ một sớm một chiều"

Ông Phạm Ngọc Toàn, giám đốc Công ty Feddy

Còn ông Lê Toàn, nông dân tại Long Thành, Đồng Nai, cho biết hơn 3 năm qua đầu tư rất nhiều tiền vào trồng rau sạch vì nghĩ rằng ai cũng sợ thực phẩm bẩn nhưng không ngờ lại đầy rủi ro. 

Ông phải bỏ ra hàng tỉ đồng và sau 3 năm cải tạo đất mới lấy được chứng nhận hữu cơ, nhưng rồi người mua chỉ ngó chơi và chọn hàng giá rẻ nhất. 

Dù ai cũng sợ thực phẩm bẩn nhưng lại ít người đầu tư vào chất lượng bữa ăn hằng ngày. Thực tế, nhiều khách chỉ hỏi để xem chứng nhận rồi sau đó cũng lấy hàng giá rẻ nhất... 

"Ai cũng có thể nói họ trồng và bán rau sạch, rau hữu cơ nên người làm thật thì khó bán, mà người làm không thật thì vẫn sống khỏe...", nông dân Lê Toàn than thở.

Vì lẽ đó, ông Phạm Đức Bình, giám đốc Công ty TNHH Thanh Bình (Biên Hòa, Đồng Nai), cho rằng đây là nghịch lý của sản xuất và kinh doanh thực phẩm của Việt Nam. 

Do thói quen sản xuất và kinh doanh thực phẩm toàn theo kiểu cắt khúc, mỗi người một khâu, chỉ biết đến mình, tìm mọi cách để tối đa lợi nhuận của mình rồi đẩy rủi ro cho người khác... khiến người tiêu dùng mất niềm tin.

Ông Bình ví dụ trong chuỗi chăn nuôi, người bán cám giảm chất lượng; người chăn nuôi dùng thuốc tăng trọng để heo lớn nhanh; thương lái bơm nước vào heo để tăng trọng, tiêm thuốc an thần cho thịt heo đẹp bán giá tốt... Rồi người bán hàng tìm heo giá rẻ nhất để mua... 

"Người bán nói thịt heo sạch nhưng không biết heo nuôi ở đâu, còn người nuôi ra heo sạch nhưng không biết bán ở đâu. Kết quả là mọi người cùng làm bậy bởi vì làm tốt rất mệt, rủi ro cao. Quản lý của ta cũng cắt khúc như thế nên quá nhiều kẽ hở để người ta làm ăn gian dối. Người tiêu dùng là thiệt thòi nhất", ông Bình phân tích.

Về vấn đề này, tiến sĩ Võ Mai, phó chủ tịch Trung ương Hội Làm vườn Việt Nam, cho biết thời gian qua đã có rất nhiều chương trình, chính sách hỗ trợ nông dân làm sạch theo các tiêu chuẩn VietGAP, Global GAP.  

Nhưng đa số thất bại vì ban đầu Nhà nước tài trợ tiền cho nông dân làm sạch, trả tiền cho dân lấy chứng nhận. Đến khi xong dự án, nông dân phải tự bỏ tiền ra làm chứng nhận các năm tiếp theo.

Đến đây vấn đề mới xuất hiện. Sản phẩm của người dân làm ra dù sạch theo chuẩn này chuẩn khác thì vẫn chủ yếu bán cho thương lái - vốn thu gom rồi trộn lẫn nên họ không quan tâm nhiều đến chứng nhận mà chủ yếu là lợi nhuận. 

Làm sạch nhưng lo phá sản

Ông Hồ Cảnh Sơn cách đây chục năm dồn hết vốn liếng đầu tư trang trại rau sạch ở ấp Suối Cát, xã Cửa Dương, huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang. Nhưng do không tiêu thụ được nên công ty rau sạch phải chịu phá sản sau 11 năm cầm cự.

"Mình đưa rau sạch ra chợ nói không ai tin. Bán rẻ thì lỗ. Có người còn nói ăn rau làm sao chết được mà phải lo" - ông Sơn kể.

Tại Kiên Giang cũng từng có một số hộ dân nuôi heo sạch, không dùng thức ăn có trộn kháng sinh... nhưng rồi cũng thua lỗ vì bán ra không ai tin là thịt sạch.
 

TRẦN MẠNH - K.NAM

Trở về

Bài cùng chuyên mục