Thị trường đồng hồ thông minh trong năm 2015 đã có sự cải tiến vượt bậc, khi có rất nhiều mẫu sản phẩm được thiết kế theo dạng hiện đại hoặc cổ điển, có thể kết nối với mọi dòng smartphone.
Bloomberg: Việt Nam là 'chiến trường tiếp theo' của các hãng bia thế giới
- Cập nhật : 22/07/2017
Với sự kiện thoái vốn nhà nước trong 2 công ty Sabeco và Habeco, thị trường bia Việt Nam đang là tầm ngắm của nhiều hãng bia trên thế giới.
“Uống bia là điều cần thiết ở Việt Nam”, Nguyễn Nhất Trường, một khách hàng 26 tuổi, khẳng định. Anh và bạn bè là khách quen của quán 123-Zo ở quận Bình Thạnh, Hồ Chí Minh. Một âu bia ở đây có giá khoảng 10.000 VND. "Chúng tôi có rất nhiều thời gian rảnh rỗi mà chẳng có trò giải trí khác, nên chúng tôi uống bia", anh chia sẻ.
Bia là đồ uống có cồn yêu thích ở Việt Nam
Việt Nam sẽ là "chiến trường chính tiếp theo cho các nhà sản xuất bia", theo báo cáo của nhà nghiên cứu thị trường Euromonitor International. Quyết định bán cổ phần nhà nước trong 2 công ty bia lớn nhất Việt Nam sẽ mở ra cánh cửa cho các đối thủ nước ngoài.
"Giờ không còn nhiều thị trường có tiềm năng tăng trưởng như Việt Nam", John Ditty, lãnh đạo mảng tư vấn giao dịch của KPMG Việt Nam, cho biết.
Sabeco (Hồ Chí Minh) và Habeco (Hà Nội) sẽ đệ trình kế hoạch bán cổ phần vào cuối năm nay cho Chính phủ trong tháng này, một quan chức của Bộ Công thương cho biết vào tuần trước. Sự kiện này sẽ tạo cơ hội cho các công ty quốc tế mở rộng kinh doanh, đặc biệt là những doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, ông Ditty nói.
Tăng trưởng của tầng lớp trung lưu và nhóm dân số trẻ đẩy nhu cầu bia lên 300% từ năm 2002 và ước tính thị trường trị giá 147,2 nghìn tỷ đồng năm 2016, theo Euromonitor. Hãng này dự đoán mức tiêu thụ trên đầu người sẽ đạt 40,6 lít trong năm nay, biến Việt Nam thành nước tiêu thụ lớn nhất tại Đông Nam Á.
Sabeco là công ty bia lớn nhất ở Việt Nam
Trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng khốc liệt, các hãng bia thi nhau đưa ra sản phẩm mới và những chương trình khuyến mại, đặc biệt hãng Heineken của Hà Lan và Carlsberg của Đan Mạch đang tranh giành thị phần tại Việt Nam, đẩy nhu cầu lên rất cao. Heineken cùng tập đoàn Asahi hay Kirin của Nhật Bản là 3 trong số nhiều công ty nước ngoài quan tâm đến cổ phần của Sabeco, nguyên CEO Lê Hồng Xanh cho biết hôm thứ 5 (20/7).
Thị trường trọng tâm
"Châu Á và châu Đại dương là những thị trường trọng tâm của công ty, và chúng tôi quan tâm đến việc đầu tư vào Việt Nam khi chứng kiến sự tăng trưởng của thị trường", Naomi Sasaki, phát ngôn viên của Kirin tại Tokyo, nói.
Bộ Công Thương định giá 89,59% cổ phần của nhà nước trong Sabeco ở mức 1,8 tỷ USD vào tháng 8 năm ngoái còn tỷ lệ nắm giữ 82% của Chính phủ tại Habeco là 404 triệu USD. Cổ phiếu Sabeco tăng 11% trong tuần vừa rồi với thông tin về thời gian quá trình cổ phần hóa, trong khi Habeco tăng 13%.
Carlsberg, chủ sở hữu của 17,51% cổ phần tại Habeco và có quyền ưu tiên mua cổ phần khi Chính phủ thoái vốn, từng có những cuộc đàm phán căng thẳng với Bộ Công thương về quá trình cổ phần hóa.
Mức tiêu thụ bia ở Việt Nam được dự báo sẽ tăng 65% từ 2011 đến 2021
“Chúng tôi đang săn cổ phần”, chủ tịch kiêm CEO Cees't Hart của Carlsberg, nhấn mạnh trong cuộc họp trực tuyến với các nhà phân tích và nhà đầu tư hồi tháng 5.
Việt Nam sẽ chiếm một nửa doanh số bán hàng của Sapporo trong 10 năm tiếp theo, theo ông Mikio Masawaki, CEO của công ty Sapporo Việt Nam. Tiêu thụ bia hàng năm của đất nước có thể sẽ vượt quá mức 6 tỷ lít của Nhật Bản trong vài năm tới.
Uống bia là niềm vui
"Khi uống bia, chúng tôi cảm thấy thư giãn", nhân viên ngân hàng Nguyễn Nam, 27 tuổi, cho biết. Buổi tối, những quan bia ven đường, trang trí sơ sài với mấy bộ bàn ghế nhựa luôn đông nghịt khách. Người Việt bàn chuyện kinh doanh bên bàn bia, và mỗi lần cụng cốc sẽ làm các bên tiến gần thỏa thuận hơn một ít, Nguyễn Phú Quý, một nhân viên ngân hàng Hà Nội 26 tuổi, chia sẻ.
Giới trẻ rất thích ngồi ăn uống tán gẫu ở các hàng quán trong khu phố cổ Hà Nội
Trang Hồ/ Theo Bloomberg/NDH.VN