tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Giải tỏa căng thẳng trước buổi phỏng vấn xin việc

  • Cập nhật : 13/09/2022

Trước khi bước vào buổi phỏng vấn xin việc, số đông ứng viên cảm thấy căng thẳng và lo lắng. Tâm lí này sẽ gây ra những bất lợi, không thể hiện được hết ưu thế của bản thân để ghi điểm trước nhà tuyển dụng. Bằng cách này hay cách khác chính bạn phải tự mình điều chỉnh để bước vào vòng phỏng vấn được thoải mái nhất.

Nếu bạn sắp phải tham gia một cuộc phỏng vấn quan trọng thì có thể tham khảo một số mẹo sau đây để giảm bớt lo lắng.

Luyện tập trước để tăng sự tự tin

Bí quyết để những ứng viên thành công, vượt qua được tâm lí căng thẳng lo âu khi tham gia phỏng vấn tuyển dụng Cần Thơ nhanh hay bất kỳ nơi nào khác, đó chính là luyện tập trước. Họ sẽ tìm hiểu về công ty, về tính chất công việc, lên danh sách những câu hỏi thường gặp và nhờ người vào vai nhà tuyển dụng để vấn đáp.

Việc luyện tập trước giúp họ vừa nắm được nội dung câu trả lời, vừa luyện được cách thể hiện nét mặt, ngôn ngữ cơ thể, điều chỉnh được ngữ điệu, âm lượng, khẩu hình... Đặc biệt với những ứng viên chưa dày dặn kinh nghiệm thường hay căng thẳng và lúng túng khi đối diện với nhà tuyển dụng, việc luyện tập trước là cách giúp họ tự tin hơn, giảm căng thẳng rất nhiều.

Chuẩn bị sức khỏe thể chất

Trước ngày diễn ra buổi phỏng vấn, bạn nên hạn chế thức khuya hoặc quá bận rộn đến nỗi không có thời gian giữ sức khỏe. Chế độ ăn uống và nghỉ ngơi nên được đảm bảo đầy đủ. Nếu cuộc phỏng vấn diễn ra buổi sáng thì một bữa ăn sáng chất lượng sẽ giúp bạn có đủ năng lượng tốt hơn. Nếu cuộc gặp diễn ra vào buổi chiều thì ăn trưa cẩn thận và một giấc ngủ trưa ngắn giúp bạn tỉnh táo hơn.

Ngoài ra, uống một ly nước trước khi bước vào cuộc phỏng vấn thì thật tuyệt, nó sẽ giúp bạn giảm được phần nào căng thẳng hồi hộp. Lưu ý là nên chọn những thức uống có tính ấm, lành để đảm bảo sức khỏe và tâm lí. Chẳng hạn như một ly trà ấm các loại hay thậm chí nước tinh khiết. Hạn chế dùng chất kích thích như caffein vì nó sẽ chỉ làm cho người dùng cảm thấy tăng sự hồi hộp, nôn nao.

Đến sớm

Nếu vì lí do nào đó mà ứng viên đến địa điểm phỏng vấn quá sát giờ thì sẽ phần nào ảnh hưởng đến tâm lí vốn đã lo lắng căng thẳng trước đó. Mẹo là bạn nên sắp xếp thời gian chuẩn nhất để có thể đến sớm hơn giờ phỏng vấn ít nhất 10 phút.

Việc đến sớm giúp bạn có thời gian rảnh rỗi khám phá được không gian xung quanh như một cách làm quen. Hơn nữa chính thời gian chờ đợi này giúp bạn ổn định tâm lí hơn, không còn hồi hộp nhiều.

Bạn có khoảng thời gian điều chỉnh lại trang phục, tóc tai, trang điểm lại khuôn mặt để được đẹp hơn, đi vệ sinh… Tất cả những việc này có vẻ là nhỏ nhặt nhưng giúp cho ứng viên bước vào cuộc phỏng vấn với tư thế thoải mái, chỉn chu và tự tin nhất.

Hít thở sâu và tự khích lệ bản thân

Một người giữ sự bình tĩnh sẽ giảm được căng thẳng hơn là người nôn nóng. Trước khi bước vào buổi phỏng vấn xin việc, chỉ có bạn mới có thể tự động viên, khích lệ mình tốt nhất. Hít thở sâu và tự nhủ với bản thân rằng mình đã chuẩn bị tốt nhất cho cuộc trò chuyện này, chắc chắn mình sẽ vượt qua được những khó khăn để làm chủ tình huống và ghi điểm tốt.  

Hãy nghĩ rằng bạn đã có đủ khả năng chuyên môn, kỹ năng và đủ tinh thần để sẵn sàng đối diện với nhà tuyển dụng cũng như chứng tỏ bạn là người phù hợp nhất với công việc này.

Thừa nhận mình đang lo lắng

Việc cố tình thể hiện rằng mình đang rất tự tin thoải mái trong khi thực sự bạn đang căng thẳng không phải là giải pháp lí tưởng, với “con mắt nhà nghề” nhà tuyển dụng sẽ nhận ra ngay.

Do đó thừa nhận mình đang căng thẳng cũng là cách để giảm bớt trạng thái này. Điều này cũng cho nhà tuyển dụng thấy rằng bạn rất thành thật và hoàn toàn coi trọng cơ hội công việc một cách nghiêm túc. Một số phỏng vấn viên tinh tế và có thiện chí cũng cảm thấy rằng nên thông cảm cho ứng viên đang căng thẳng. Họ sẽ tìm cách động viên để ứng viên được tự tin, thoải mái tâm lí hơn.

Đơn giản hóa mọi chuyện

Và cuối cùng, biết rằng cuộc phỏng vấn là cơ hội quan trọng với bạn. Tuy nhiên để giảm căng thẳng và lo lắng hãy “đơn giản hóa”. Thay vì nghĩ rằng đây là cơ hội lớn lao, là tất cả sự nghiệp thì bạn có thể suy nghĩ theo hướng tích cực nhẹ nhàng hơn. Hãy xem rằng bạn sắp trải qua một trải nghiệm quý giá và bản thân đang nỗ lực hết sức. Nếu kết quả không như mong muốn thì cũng không phải là một điều quá tệ. Cách nghĩ này giúp bạn điều chỉnh được tâm trạng tốt hơn, bước vào cuộc phỏng vấn với sự vui vẻ, thoải mái và tự tin hơn.

Sự tự tin và tâm trạng vui vẻ thoải mái luôn là điều cần thiết cho bất kì buổi phỏng vấn xin việc nào, bởi vì bạn sẽ dễ dàng thể hiện được hết những điều mình muốn chia sẻ. Hy vọng với những cách giải tỏa căng thẳng trên, bạn sẽ biết cách củng cố được tâm lí để thể hiện mình với phiên bản tốt nhất.  

Đặng Hảo

Trở về

Bài cùng chuyên mục