tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

6 điều không nên lạm dụng trong CV xin việc

  • Cập nhật : 09/08/2022

Bản CV xin việc được ví như một “mặt bằng đắt đỏ”, là nơi tiếp thị bản thân bạn đến nhà tuyển dụng. Vì thế bạn cần truyền đạt những thông tin ngắn gọn, súc tích nhưng có giá trị nhất để thuyết phục nhà tuyển dụng. Thông qua đó, bạn cho họ thấy được bạn là ứng viên tiềm năng cần khai thác thêm. Tuy nhiên, không phải ai cũng làm được điều đó khi viết CV xin việc.

Dưới đây là 6 điều không nên lạm dụng trong CV xin việc, bạn tham khảo để hoàn thiện CV của mình nhé.

Liệt kê quá nhiều thành tích, giải thưởng

Thành tích bạn đã đạt được ở những công việc trước đây chính là một bằng chứng quan trọng giúp bạn ghi điểm với nhà tuyển dụng. Tuy nhiên đây chưa phải là tất cả. Nhà tuyển dụng sẽ không dựa hoàn toàn vào đó mà cho bạn “vé” ưu tiên. Các yếu tố như học vấn, kỹ năng, kinh nghiệm và thái độ cũng như mức độ phù hợp với công việc mới là điều quan trọng.

Do đó, nói đến cách tạo CV hiệu quả, bạn chỉ nên viết ra một vài thành tích nổi bật nhất ở vị trí cũ có liên quan đến vị trí ứng tuyển. Không nên lạm dụng quá nhiều thành tích trong quá khứ vì sẽ làm CV của bạn dài dòng hơn, chưa kể một số nhà tuyển dụng sẽ cho rằng bạn khoe khoang.

Liệt kê tất cả các chức danh đã từng làm/ những công việc đã làm

Một CV chuyên nghiệp và chỉn chu của người đã có kinh nghiệm, đã có thực lực chắc chắn sẽ ngắn gọn và chỉ những thông tin đáng giá. Họ sẽ ghi chức danh cao nhất mình từng đảm nhận hoặc vị trí công việc đảm nhận có liên quan nhất.

Một số ứng viên “non tay” thường mắc sai lầm khi quá lạm dụng mục kinh nghiệm nên họ viết tất cả những công việc mình làm dù thời gian gắn bó rất ngắn hoặc hình thức partime, một vài dự án nho nhỏ… thậm chí không liên quan đến công việc chính để nhằm “lấp đầy” CV. Đây là một lưu ý bạn nên tránh vì nó làm rườm rà và nhấn chìm hơn những điểm quan trọng.

Viết nhiều về “động lực, mục tiêu” làm việc

Động lực làm việc chỉ là một phần rất nhỏ nhà tuyển dụng muốn tìm hiểu thêm về ứng viên. Tuy nhiên, trong CV ứng tuyển, một số người vẫn quá lạm dụng từ khóa “động lực”, đây là điều không nên. Thực tế, động lực làm việc không hề chứng minh được năng lực và hiệu quả mà bạn sẽ mang lại cho công ty trong tương lai.

Chưa kể nhà tuyển dụng sẽ đánh giá về bạn nếu không có nguồn động lực đó bạn sẽ làm việc kém hiệu quả hoặc nghỉ việc dễ dàng. Do vậy bạn nên dành diện tích CV viết về kinh nghiệm và kỹ năng mình đã rèn luyện được thông qua công việc A đó để đảm bảo phục vụ tốt cho công việc sắp tới.

Viết về từ khóa “sáng tạo” một cách chung chung

Tôi là người chủ động, sáng tạo” là nội dung thường gặp trong CV của ứng viên chưa có nhiều kinh nghiệm. Nhà tuyển dụng cũng không đánh giá cao điều này mà ngược lại, họ đang cảm thấy bạn viết từ CV mẫu một cách lý thuyết.

Sự sáng tạo của một nhân viên được thể hiện trong việc họ đã làm gì, đóng góp như thế nào để đem lại lợi ích cho công ty cũ. Vì vậy thay vì ghi chung chung và lạm dụng từ khóa “sáng tạo” bạn có thể viết tên một dự án, một chiến lược hay một giải pháp cụ thể nổi bật nhất bạn đã đóng góp cho công ty cũ nhằm mang lại lợi nhuận, giảm thiểu chi phí hoặc giúp công ty có thêm nhiều khách hàng… Và ở đó bạn bộ lộ rõ khả năng sáng tạo của mình như thế nào.

Nhấn mạnh nhiều lần về sự “nhiệt tình, có trách nhiệm” của bản thân

Nhà tuyển dụng sẽ không cho điểm cộng nếu trong CV xin việc ứng viên viết mình là người “nhiệt tình, trách nhiệm” bởi lẽ điều này sẽ chỉ được đánh giá trong cả quá trình dài khi làm việc sau này.

Thực tế, một người lao động có tinh thần trách nhiệm với công việc là điều hiển nhiên. Một ứng viên có kinh nghiệm cũng sẽ hiểu được, sự nhiệt huyết này phải được duy trì từ hai phía: người lao động nhiệt tình nhưng công ty cũng phải có chính sách lương thưởng hay chế độ phúc lợi tương xứng. Do đó không nên lạm dụng quá nhiều cụm từ “nhiệt tình, trách nhiệm” nếu bạn không muốn bị đánh giá là người chỉ nói suông hoặc là “lính mới ngây thơ”.

Kể lể về sở thích

Đừng ghi sở thích dài dòng. Thậm chí một số CV ứng tuyển hiện nay đã lược bỏ sở thích trong mục thông tin cá nhân. Thực tế sở thích và khả năng làm việc không liên quan với nhau.

Khi bạn ứng tuyển vào bất kỳ vị trí nào, nhà tuyển dụng chỉ quan tâm đến năng lực, kỹ năng và kinh nghiệm của bạn có đủ để đảm trách vị trí đó hay không. Họ ít khi quan tâm đến sở thích trừ khi điều đó có liên quan mật thiết đến công việc. Thế nên, dù rất yêu thích nhưng đừng nên lạm dụng mục sở thích bằng cách viết vào CV xin việc tất cả các trò chơi thể thao, du lịch, xem phim… không có sự gắn bó chặt chẽ đến vị trí ứng tuyển.

 Đặng Hảo

Trở về

Bài cùng chuyên mục