tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Xiaomi – từ công ty vô danh đến thương vụ IPO lớn nhất 4 năm

  • Cập nhật : 20/04/2018

Lei Jun sáng lập Xiaomi cùng 7 người vào năm 2010. 8 năm sau, start-up này chuẩn bị thực hiện thương vụ IPO được dự đoán là lớn nhất thế giới 4 năm gần đây.

Lei Jun là một người bận rộn. Vào một thứ bảy gần đây, lần đầu tiên trong vòng ba tuần, ông ở trụ sở Xiaomi tại Bắc Kinh suốt cả ngày để dự 11 cuộc họp liên tiếp với các thành viên hội đồng quản trị, quan chức chính phủ, đồng nghiệp và khách hàng.

Lei mang vẻ mặt trầm ngâm, cầm một cốc cà phê Starbuck cỡ lớn khi gặp phóng viên SCMP vào giữa chiều cùng ngày.

lei jun, sang lap xiaomi

Lei Jun, sáng lập Xiaomi

Thương vụ IPO 'khủng'

Lei chuẩn bị ra quyết định Xiaomi sẽ niêm yết tại sàn chứng khoán nào cho thương vụ IPO được dự đoán là lớn nhất thế giới trong 4 năm gần đây. Các quan chức chứng khoán từ New York đến Hong Kong, Thượng Hải, Singapore đều đang nỗ lực thu hút sự chú ý từ vị doanh nhân này.

Thương vụ IPO, dự kiến vào hè năm nay, nếu thành công, có thể đưa Lei trở thành người đàn ông giàu nhất Trung Quốc trước khi ông bước sang tuổi 49 vào tháng 12.

Lei, học về lập trình máy tính, biến Xiaomi từ một start-up thành công ty với 15.000 nhân viên, đạt doanh thu 100 tỷ nhân dân tệ (16 tỷ USD) chỉ trong vòng 7 năm. Ông duy trì cách tiếp cận “mắt thấy tai nghe” trong việc giám sát quá trình sản xuất của hàng chục loại thiết bị thông minh và đồ gia dụng.

“Tôi lập Xiaomi khi 40 tuổi và đã xác định được 90% mô hình kinh doanh trước lúc bắt đầu”, Lei nói. “Chúng tôi tạo ra mô hình kinh doanh ‘tipping’, tức bán phần cứng phi lợi nhuận hoặc lợi nhuận thấp, sau đó kiếm nguồn thu từ các dịch vụ bổ sung”.

Giá trị của Xiaomi tăng hơn hai lần kể từ lần huy động vốn năm 2014, khi đó là 45 tỷ USD, theo một nguồn tin hiểu rõ kế hoạch IPO của Xiaomi.

Theo Yicai Global, Lei nắm giữ khoảng 77,8% cổ phần Xiaomi. Tỷ lệ này sẽ đưa ông trở thành người giàu nhất Trung Quốc, vượt qua nhà sáng lập Tencent Pony Ma Huateng, tài sản 45,3 tỷ USD, và nhà sáng lập tập đoàn Alibaba Jack Ma Yun, tài sản 39 tỷ USD.

Đối với những người muốn đầu tư vào Xiaomi, họ cần phải tìm hiểu rõ hơn về công ty này. Xiaomi có hơn 70 sản phẩm mang thương hiệu Mi, từ gối kê cổ, bút bi cho đến thiết bị lọc không khí, điện thoại thông minh. Xiaomi thậm chí có thể sản xuất xe hơi tại Ấn Độ.

“Tôi gọi đó là ‘Ba bước phối hợp của Tân Kinh tế’. Xiaomi sản xuất phần cứng và thiết bị, bán sản phẩm thông qua thương mại điện tử và cung cấp dịch vụ trên Internet”, Lee cho biết.

Theo Lei, Xiaomi bán các sản phẩm với lợi nhuận biên 1 hoặc 2%. Lei tự hào về chiến lược này đến mức ông muốn đưa nó vào tuyên bố sứ mệnh của Xiaomi nhằm cố định tỷ lệ trên, tránh có người “tác động đến vấn đề sau 50 năm”.

“Chúng tôi bán điện thoại thông minh với mức giá có thể chấp nhận được. Tuy nhiên, nếu người dùng sử dụng trình duyệt của chúng tôi, xem video trực tuyến hoặc các dịch vụ trực tuyến khác, Xiaomi sẽ có lợi nhuận”, Lei nói.

Chiến lược của Lei đã thành công ở Ấn Độ, đưa Xiaomi thành thương hiệu hàng đầu tại quốc gia này với 27% thị phần, theo dữ liệu của Canalys.

“Trung Quốc hiểu rằng tạo ra giá trị cho đồng tiền là rất quan trọng tại những thị trường mới nổi”, Narayana Murthy, sáng lập Infosys, công ty công nghệ lớn thứ hai Ấn Độ, cho biết trong một cuộc phỏng vấn tại Hong Kong. “Hãy nhìn vào Xiaomi. Tôi không thấy họ tệ hơn các thương hiệu khác mà giá lại rẻ. Quá nhiều giá trị cho đồng tiền. Tôi cần gì phải chi nhiều hơn tới 10 lần cho một sản phẩm khác?”.

Start-up 8 người

Lei thành lập Xiaomi năm 2010 cùng với 7 kỹ sư và kỹ thuật viên, bao gồm những người từng làm việc ở Google, Motorola và công ty phần mềm Kingsoft. Yunfeng Capital Management, quỹ đầu tư tư nhân 1,1 tỷ USD của chủ tịch Alibaba là một nhà đầu tư cho Xiaomi.

Một số người từng làm việc với Lei nhận xét nhà sáng lập Xiaomi là một người kiên quyết, rất đam mê công nghệ.

Lei, đến từ tỉnh Hồ Bắc, nói ông được thúc đẩy bởi niềm tin các nhà sản xuất Trung Quốc có thể thoát khỏi cái bóng chuyên sản xuất sản phẩm sao chép rẻ tiền, chất lượng thấp. Đưa niềm tin này vào thực tiễn, Xiaomi bắt đầu công cuộc sản xuất điện thoại thông minh với các đặc tính như trên những mẫu tốt nhất ở nước ngoài và bán với giá chỉ bằng một nửa.

“Khi Samsung và LG bán điện thoại với giá 5.000 nhân dân tệ (795 USD), hầu hết các nhà bán lẻ Trung Quốc chỉ bán sản phẩm của họ với giá chưa đầy 1.000 nhân dân tệ, sử dụng công nghệ rẻ tiền. Tuy nhiên, Lei lại chọn những đặc điểm đắt tiền nhất”, Wang Xiang, Cựu chủ tịch Qualcomm tại Trung Quốc, nói.

Không mang theo gì ngoài ý tưởng khi đi tìm nhà cung cấp chip, Lei đã có bài thuyết trình đầy nhiệt huyết dài hai giờ trước Wang năm 2010. Wang bị thuyết phục đến mức ông lập tức chỉ định vài chục kỹ sư thuộc nhóm 100 người tài của Qualcomm ở Trung Quốc hỗ trợ Xiaomi.

Mi 1, điện thoại thông minh của Xiaomi, sử dụng chip Qualcomm hàng đầu Snapdragon S3 Dual Core, có camera trước và sau, giá 1.999 nhân dân tệ, chỉ bằng một nửa giá các sản phẩm điện thoại dùng hệ điều hành Android nhập khẩu vào Trung Quốc. Xiaomi tiếp nhận hơn 300.000 đơn đặt trước trong vòng 34 giờ khi Mi 1 bắt đầu được tung ra thị trường.

Wang sau đó thuyết phục các lãnh đạo Qualcomm, trụ sở San Diego, Mỹ, tham gia lần huy động vốn thứ hai của Xiaomi và trở thành nhà đầu tư, động thái chưa từng có của nhà sản xuất chip này.

“Tôi đưa Giám đốc điều hành Qualcomm tới gặp Lei. Lei một lần nữa có bài phát biểu dài nhiều giờ trước chúng tôi”, Wang kể lại. “Lei dùng ý tưởng của ông ấy để thuyết phục chúng tôi, tẩy não chúng tôi, biến chúng tôi thành fan Xiaomi”.

Ba năm sau khi Mi 1 xuất hiện, Lei thuê Hugo Barra, phát ngôn viên của Google về Android, làm Phó chủ tịch phụ trách các hoạt động ở nước ngoài. Bản thân Wang say mê Xiaomi đến mức ông quyết định rời Qualcomm và gia nhập start-up này năm 2015. Năm 2017, Wang trở thành Phó chủ tịch cấp cao, thay thế Barra khi ông rời Xiaomi để theo đuổi dự án kinh doanh riêng.

Khi lợi nhuận của Xiaomi gia tăng, Lei trở thành một người chuyên đầu tư về công nghệ. Xiaomi cùng Shunwei Capital, quỹ đầu tư của Lei, đã dốc vốn vào khoảng 450 công ty tại Trung Quốc và nước ngoài. Ấn Độ sẽ là bàn đạp để Xiaomi vươn ra thế giới. Xiaomi dự định đầu tư 1 tỷ USD vào 100 start-up ở Ấn Độ trong 5 năm.

“Ông ấy có tầm nhìn rất rộng về việc ông ấy muốn làm”, Mandeep Manocha, sáng lập của Manak Waste Management tại New Delhi, nói. Manak Waste Management vận hành Cashify, dịch vụ trực tuyến chuyến bán điện thoại thông minh và máy tính xách tay đã qua sử dụng và đã được Shunwei đầu tư. “Ông ấy tin rằng nếu bạn muốn xây dựng cái gì đó, bạn cần phải nghĩ về nó với quy mô lớn và tìm ra cách để vượt qua các đối thủ nhanh chóng, trở thành số một trên thị trường”.

“Tiếp cận Lei đòi hỏi có kiến thức sâu, những bài thuyết trình đi thẳng vào vấn đề”, Madhusudan Ekambaram, đồng sáng lập Finnovation Tech Solutions tại Bangalore, Ấn Độ, điều hành cửa hàng trực tuyến cho sinh viên có tên gọi KrazyBee, nói.

“Ông ấy mang khuôn mặt khó đoán. Chúng tôi không thể biết Lei có thích ý tưởng kinh doanh của chúng tôi hay không”, Ekambaram nhớ lại lúc ông thuyết phục Lei cùng hơn 20 lãnh đạo kinh doanh, công nghệ của Xiaomi. “Chúng tôi không biết ứng phó như nào trong cuộc gặp”.

Sau cuộc gặp với KrazyBee vào buổi chiều, nhóm của Lei có phản hồi ngay sáng ngày tiếp theo cùng một cam kết. Xiaomi và Shunwei sẽ tham gia đợt huy động vốn lần thứ ba của KrazyBee.

xiaomi la 1 trong 5 hang dien thoai chiem thi phan lon nhat tai trung quoc

Xiaomi là 1 trong 5 hãng điện thoại chiếm thị phần lớn nhất tại Trung Quốc

Phút lơ đễnh

Sự quyết đoán của Lei thấm vào văn hóa của Xiaomi. Hành trình từ start-up tới doanh thu toàn cầu 100 tỷ nhân dân tệ được hoàn thành sớm hơn kế hoạch vài năm. Xiaomi đi từ tay mơ lên vị trí số 1 ở Ấn Độ trong vòng ba năm rưỡi.

70% doanh thu của Xiaomi đến từ 7 mẫu điện thoại thông minh, 20% từ hàng chục sản phẩm gia dụng phối hợp với đối tác. Khoảng 10% doanh thu đến từ các dịch vụ trực tuyến.

Một góc văn phòng của Lei chứa đầy những món quà từ khách đến thăm, từ một quả bóng bầu dục đến các đồ dùng. Chúng đôi khi là nguồn cảm hứng cho các đổi mới và nâng cấp của Lei.

Lei hào hứng nhất khi thảo luận về công nghệ. Ông thường cầm các đồ vật trên giá một cách ngẫu nhiên để nêu quan điểm về chất lượng của Xiaomi.

Các ý tưởng đến từ đội phát triển sản phẩm hoặc phản hồi của khách hàng, Lei nói.

“Chúng ta cần hướng đến việc toàn cầu hóa các sản phẩm của mình”, Lei nói. “Chúng ta cần tăng cường kiểm soát chất lượng và quản lý thương hiệu. Do đó, chúng ta cần kiểm soát tốc độ phát triển trước khi chúng ta có đủ khả năng quản lý chất lượng và thương hiệu”.

Xiaomi mất tập trung vào thế mạnh chính năm 2016, tạo cơ hội cho Huawei, Oppo và Vivo vượt mặt về doanh số ở Trung Quốc.

Với hai sản phẩm mới tung ra năm 2017, Xiaomi đã quay trở lại, tái tập trung vào chiến lược của mình, theo Lei. Ông đặt mục tiêu giành lại ngôi vương về doanh số ở Trung Quốc trong 10 quý.

Lei có lý do để lạc quan. Xiaomi tăng trưởng nhanh nhất trong số 4 nhà sản xuất điện thoại thông minh ở Trung Quốc trong quý 4/2017, lượng hàng bán ra tăng gần 58%, chiếm 13,9% thị phần. Kết quả này vượt qua Apple với lượng hàng bán ra giảm 1% và thị phần 12,9%.

Steve Jobs II hay Jeff Bezos II?

Đợt IPO của Xiaomi có thể tương đương, thậm chí vượt qua Alibaba, 25 tỷ USD năm 2014, các nhà ngân hàng nhận định. Để thu hút Xiaomi cũng như các công ty công nghệ khác, bao gồm nền tảng thanh toán điện tử Ant Financial Holdings của Alibaba, giới chức chứng khoán tại các thị trường lớn nhất châu Á đã phải nỗ lực hết sức.

Hong Kong năm 2017 thông qua việc sửa đổi đáng kể mhiều quy định niêm yết, cho phép các công ty công nghệ IPO và công ty công nghệ sinh học, được định giá tỷ USD nhưng không ghi nhận doanh thu bán hàng, được huy động vốn.

Cơ quan quản lý thị trường chứng khoán Trung Quốc thể hiện thiện chí bằng việc chấp thuận thương vụ IPO 27 tỷ nhân dân tệ của Foxconn Industrial Internet trong vòng 5 tuần, trong đó có kỳ nghỉ lễ dài một tuần, tốc độ nhanh kỷ lục so với quá trình dài hai năm thông thường để được niêm yết tại Trung Quốc.

Chính phủ Trung Quốc còn đưa ra Chứng chỉ lưu ký (CDR) cho các công ty niêm yết ở nước ngoài như Alibaba, Baidu và có thể là Xiaomi, dành cho các nhà đầu tư Trung Quốc.

Lei không bình luận về kế hoạch IPO của Xiaomi, về nơi niêm yết cũng như giá trị huy động vốn. Lei được hỏi ông có phải Steve Jobs hay Jeff Bezos phiên bản Trung Quốc hay không, bởi các cửa hàng Xiaomi nhìn khá giống của Apple.

“Tôi không có ý định trở thành Jobs II hay Bezos II”, Lei trả lời. “Tôi nghĩ mô hình kinh doanh của Xiaomi rất khác so với họ, dù Xiaomi có học hỏi một số đặc trưng của họ đi nữa. Trên hết, mô hình kinh doanh của Xiaomi là sáng kiến của chính chúng tôi”.


Như Tâm - Theo SCMP/NDH.VN

Trở về

Bài cùng chuyên mục