tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Amazon, Twitter hay Alibaba liệu có khai tử ngành bưu điện truyền thống?

  • Cập nhật : 23/04/2018

Nếu các công ty thương mại điện tử cứ ngày một mạnh lên, sẽ đến ngày các công ty bưu điện truyền thống chỉ còn có thể tồn tại ở các khu vực nông thôn hẻo lánh.

anh: economist

Ảnh: Economist

 

Thật khó để tưởng tượng về một thế giới không có dịch vụ bưu điện giá rẻ, thế nhưng 200 năm trước đây, việc gửi một cái thư từng là điều vô cùng xa xỉ. Tại nước Anh, gửi một lá thư từ London ở miền Nam nước Anh đi Edinburgh ở miền Bắc nước Anh, khoảng cách khoảng hơn 400km, có thể tiêu tốn số tiền tương đương một ngày lương.

Năm 1840, dựa trên đề xuất của nhà phát minh Rowland Hill, nước Anh chính thức đưa ra Penny Post, dịch vụ bưu chính đầu tiên trên thế giới. Bưu điện nhà nước này đã được cấp độc quyền chuyển thư đến bất kỳ địa điểm nào trên đất nước Anh với giá cước bằng nhau. 

Dịch vụ bưu chính giá rẻ này nhanh chóng trở nên phổ biến và nhờ lượng thư thông tin mà nó lan tỏa, kinh tế có thêm cú huých để tăng trưởng. Tuy nhiên, bưu điện nhà nước nhanh chóng gặp khó về tài chính với kiểu tính cước trên. Chính phủ Anh đưa ra một loại thuế thu nhập mới để lấy tiền bù đắp cho thâm hụt tài khóa. 

Dù có những khó khăn này khác, thế nhưng nó không thể ngăn được tham vọng phát triển dịch vụ bưu chính toàn cầu tại khắp các nước giàu trong thế kỷ tiếp theo đó. Ở thời điểm đỉnh cao vào năm 2007, các bưu điện trên khắp thế giới vận chuyển gần 350 tỷ thư và bưu kiện các loại. 

Thập kỷ vừa qua chứng kiến sự thay đổi chóng mặt của ngành bưu chính thế giới, số lượng thư vận chuyển giảm, ngành đối diện với sự cạnh tranh mạnh mẽ từ những công ty vận chuyển và những công ty thương mại điện tử đang đẩy mạnh phát triển cung cấp dịch vụ cả trong ngành bưu chính.

Kết quả, một lần nữa, người ta lại tranh cãi nhau về dịch vụ bưu chính ở Mỹ. Ngày 12/4/2018, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã thành lập ra một nhóm chuyên trách để xem xét tình hình tài chính của Công ty bưu chính quốc gia (USPS), vốn là công ty quốc doanh. 

Trong tháng vừa qua, ông đã tấn công Amazon trên Twitter bởi đã khiến cho USPS thiệt hại quá nhiều tiền khi vận chuyển hàng hóa công ty này. Nhiều chuyên gia ngành cho rằng Tổng thống Trump đang chơi không đẹp.

Đã nhiều năm, Tổng thống Trump không thích Amazon và ông chủ Jeff Bezos, người cũng đang sở hữu báo Bưu điện Washington (Washington Post) vốn hay có bài chỉ trích Tổng thống. Thế nhưng dù thế nào đi nữa, có một sự thật không thể chối cãi chính là việc USPS đang gặp rắc rối về tài chính. Từ năm 2008 đến nay, doanh thu của công ty đã giảm 35%. Lần gần nhất công ty từng có lãi là vào năm 2006. 

Thực ra ở nước giàu nào, các công ty bưu chính quốc gia cũng đều gặp khó khăn tài chính, nhưng chỉ khác, họ không lỗ tồi tệ như Mỹ. Ước tính, khối lượng thư vận chuyển tại các nền kinh tế phát triển giảm từ 3% đến 5% mỗi năm trong thập kỷ qua. 

Khối lượng thư vận chuyển giảm có nguyên nhân trực tiếp từ việc các thông báo ngân hàng, hóa đơn dịch vụ thiết yếu được chuyển sang phát hành trực tuyến, thư tín cá nhân cũng như thiệp chúc mừng trở nên lỗi thời. 

Tỷ lệ gửi thư quảng cáo giảm sâu khi quảng cáo số trên điện thoại di động trở nên ngày một phổ biến. Những lá thư hạng nhất chuyên phục vụ dịch vụ chính phủ giờ đây đang được thay thế bởi dịch vụ chính phủ trực tuyến. Và năm 2016, Đan Mạch thậm chí còn bỏ hẳn dịch vụ gửi thư hạng nhất (loại thư đến ngay ngày hôm sau).

anh: quartz 

Ảnh: Quartz 

Thay cho gửi thư, người ta đang gửi hàng nhiều hơn. Thời kỳ năm 2014 – 2016, khối lượng vận chuyển các bưu kiện trên toàn cầu tăng khoảng 48%. Thế nhưng không giống với thư tín, phần lớn các bưu điện không có độc quyền về hàng hóa, thế nên lợi nhuận của họ “mỏng” hơn. 

Những chiếc máy móc cần thiết để phân loại bưu kiện lớn cần đến đầu tư lớn trong khi tình hình tài chính của các bưu điện thế giới đang khó khăn về tiền xem chừng không phải lựa chọn tốt cho họ.

Họ cũng khó khăn bởi ngày một nhiều công ty tham gia vào lĩnh vực vận chuyển hàng. Nhà đầu tư đang đổ tiền vào phát triển những công ty vận chuyển sử dụng tài xế lương thấp hơn và tự chủ về phương tiện, thời gian.

Tính toán của BCG cho thấy đầu tư vào những công ty như thế này tăng từ 200 triệu USD lên gần 4 tỷ USD trong giai đoạn từ năm 2014 đến năm 2016. Các bưu điện trên thế giới, đương đầu với nghiệp đoàn lao động cứng rắn, chi phí lao động cao và hệ thống phân loại tốn kém, cực kỳ vất vả để tồn tại.

Thế nhưng hiện chưa rõ liệu các công ty vận chuyển mới có tồn tại được trong dài hạn, theo khẳng định của quản lý công ty vận chuyển ParcelHero. Trong tháng trước, hai công ty mới trong ngành bao gồm UberRUSH và Shyp đã đóng cửa du nhu cầu quá thấp. 

Ngoài ra, hai công ty này cũng có nhiều tai tiếng về điều kiện làm việc. Trong bối cảnh thị trường lao động còn đang thiếu người, sẽ khó mà kiếm được tài xế giá rẻ để cạnh tranh với dịch vụ bưu điện truyền thống. 

Các công ty thương mại điện tử tiềm ẩn rủi ro lớn hơn. Các công ty thương mại điện tử thậm chí có thể khiến người tiêu dùng mất luôn thói quen. Amazon đã tác động đến hoạt động dịch vụ bưu chính của Hoàng gia Anh khi hãng này cung cấp dịch vụ giao hàng đến tận nhà. Tại California, Amazon đã bắt đầu dịch vụ giao rau để có thêm tầm ảnh hưởng trong ngành vận chuyển. 

Thế nhưng rủi ro lớn nhất đối với ngành bưu điện thế giới đến từ Alibaba của Trung Quốc, tập đoàn đang bơm đến 15 tỷ USD chỉ riêng cho công ty vận chuyển Cainiao và đặt mục tiêu mở rộng ra ngoài Trung Quốc. Bằng cách giành nhiều thị phần ở các khu vực đô thị nơi lợi nhuận cao hơn, các công ty này để lại những khu vực nông thôn với lợi nhuận thấp chi phí cao cho ngành bưu điện truyền thống. 

Các công ty dịch vụ bưu điện truyền thống sẽ chỉ có thể tồn tại và phát triển nếu họ sẵn sàng thay đổi cách thức hoạt động của mình. Rowland Hill, một người mang tư tưởng cải cách lớn trong thời kỳ của ông, hẳn cũng sẽ vui vẻ với điều đó nếu ông có cơ hội được biết những gì đang diễn ra ở hiện tại. 


TRUNG MẾN
Theo Bizlive.vn

Trở về

Bài cùng chuyên mục