Vaio, mảng PC của Sony được mua lại bởi Japan Industrial Partners Inc (JIP) trong năm 2014, đã sáp nhập với các đối thủ lớn ở Nhật Bản để có thể tăng cường sức cạnh tranh trên thị trường PC.
Thương vụ bán Sabeco: 'Có 2 vấn đề quan trọng hơn bên cạnh việc thu được nhiều tiền'
- Cập nhật : 20/12/2017
"Việc bán Sabeco theo tôi cũng rất được giá, 110.000 tỷ (tương đương 4,8 tỷ USD). Nhưng tôi phải nói rằng bên cạnh việc thu được nhiều tiền, có hai vấn đề phải quan trọng hơn", TS. Võ Trí Thành nói.
TS. Võ Trí Thành - Phó viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế (CIEM) đã nói như vậy tại toạ đàm với chủ đề “Nhìn lại năm 2017 và tìm động lực tăng trưởng cho năm 2018” do Trí thức trẻ phối hợp với CafeF tổ chức ngày 20/12.
Theo vị chuyên gia này, cổ phần hoá Sabeco nằm trong "ý đồ" cải tổ DNNN, đặc biệt là quyết tâm cải cách DNNN đi vào thực chất hơn.
"Kết quả của việc bán cổ phần Sabeco vừa qua khẳng định Việt Nam chơi thật, góp phần tạo thêm niềm tin cho thị trường vào câu chuyện cải cách ở Việt Nam. Đây là thương vụ rất lớn. Nó cũng thể hiện nâng cao được tính minh bạch cho sự lựa chọn của các nhà đầu tư kể cả nhà đầu tư nước ngoài', ông Thành nói.
Ông Thành cũng cho rằng việc bán Sabeco "rất được giá" với số tiền thu về là 110.000 tỷ (tương đương 4,8 tỷ USD). "Tuy nhiên, bên cạnh việc thu được nhiều tiền, có hai vấn đề quan trọng hơn. Thứ nhất là thay đổi tư duy về vai trò của Nhà nước ở những lĩnh vực thị trường, tư nhân làm tốt ở lĩnh vực nào thì để họ làm", ông Thành nói.
Thứ hai theo ông Thành là câu chuyện hậu cổ phần hoá. Tức chúng ta có tiền rồi thì sử dụng những đồng tiền đó như thế nào. Cách tồi nhất là dùng cho chi thường xuyên. Cách tốt nhất là phải đưa vào những lĩnh vực tạo được sự lan toả tốt, ví dụ như đầu tư vào kết cấu hạ tầng, đầu tư vào đào tạo nhân lực.
"Tôi nhấn mạnh lại rằng quan trọng nhất là làm sao nguồn lực được dùng hiệu quả nhất. Còn trong kinh tế thị trường, hôm nay người này làm ông chủ, ngày mai người khác là chuyện bình thường vì tính dịch chuyển rất cao", ông Thành nói.
Ông Thành cũng cho rằng riêng vấn đề hiệu quả, chưa tính đến yếu tố lan toả còn phải chờ thời gian. Nhưng ít nhất đến giai đoạn này, giống như tiến trình hội nhập Việt Nam, quan trọng nhất là lựa chọn đối tác, đây là cuộc chơi không phải một lần mà lâu dài hơn nhiều.
Dưới góc độ một nhà kinh doanh chứng khoán, bà Phạm Minh Hương, Chủ tịch HĐQT Công ty chứng khoán VNDIRECT cũng đã đưa ra nhận định về thương vụ này.
"Hiện nay là nền kinh tế toàn cầu rồi, việc cạnh tranh, thâu tóm là điều bình thường và tất yếu mà chúng ta không tránh khỏi. Chỉ có điều các doanh nghiệp Việt Nam nên nhìn nhận đây là cơ hội để mình bắt buộc phải hoàn thiện và nâng cao năng lực cạnh tranh hơn. Chúng ta sẽ vẫn có những lợi thế riêng của các doanh nghiệp Việt Nam", bà Hương nhận định.
Bà Hương cũng cho rằng trong thị trường khu vực cũng có rất nhiều trường hợp các doanh nghiệp trong nước sau một thời kỳ bị thâu tóm đã phát triển vượt bậc và có lợi thế cạnh tranh hơn các doanh nghiệp có đầu tư nước ngoài.
"Vấn đề là chúng ta cần dũng cảm vượt qua mọi thách thức, luôn lạc quan với nền kinh tế tiêu dùng đang phát triển tại Việt Nam và có tầm nhìn khu vực và toàn cầu", bà Hương nói.
N.MẠNH
Theo Bizlive.vn