tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Vì đâu đế chế 7-Eleven phải 'gục ngã' trước thị trường Indonesia

  • Cập nhật : 01/07/2017

7-Eleven phải chịu sự cạnh tranh khốc liệt từ các đối thủ như Alfamart và Indomaret, 2 chuỗi cửa hàng đã tồn tại lâu năm và có quy mô lớn hơn tại thị trường Indonesia.

Chuỗi cửa hàng tiện lợi 7-Eleven đã có khởi đầu khá thuận lợi tại thị trường Indonesia vào năm 2009. Tại thời điểm đó, các cửa hàng 7-Eleven luôn đông đúc và công ty điều hành 7-Eleven tại Indonesia, Modern International liên tục lên kế hoạch mở rộng hệ thống cửa hàng ra ngoài Jakarta.

Tuy nhiên đến hôm thứ Sáu tuần trước, số lượng chuỗi cửa hàng nổi tiếng mở cửa 24/24 bất ngờ chỉ còn lại con số "0" tròn trĩnh sau thỏa thuận mua bán trị giá 75 triệu USD giữa Modern International và công ty Charoen Pokphand hồi đầu tháng 6. CP All- công ty con của Charoen Pokphand, đang điều hành hoạt động hệ thống cửa hàng 7-Eleven tại Thái Lan- thị trường lớn thứ 2 thế giới sau Nhật bản. Thế nhưng CP All sẽ không sáp nhập thị trường Indonesia vào đế chế của mình.

Bước ngoặt lớn này không khiến cho Arifin- nhân viên trông giữ xe của một cửa hàng 7-Eleven ngoại ô Jakarta, phải ngạc nhiên. Anh cho biết "Cửa hàng lúc nào cũng đông nhưng khách hàng không mua nhiều đồ. Họ chỉ đến và dùng Wi-fi miễn phí. Có khi họ mang laptop đến cửa hàng và ngồi hàng giờ mà chỉ mua mỗi một phần nước uống".

Chưa dừng lại ở đó, Modern International còn phải chịu sự cạnh tranh khốc liệt từ các đối thủ như Alfamart và Indomaret, 2 chuỗi cửa hàng đã tồn tại lâu năm và có quy mô lớn hơn tại thị trường Indonesia. Thậm chí, công ty cũng phải chịu áp lực cạnh tranh từ các cửa hàng thức ăn đường phố với thời gian khách ngồi tại cửa hàng ngắn hơn.

"Doanh thu của 7-Eleven không thể trang trải hết toàn bộ chi phí hoạt động như tiền điện, tiền nước, tiền internet", chuyên gia phân tích ngành bán lẻ tại công ty Bina Artha Securities ông Reza Priyambada cho biết.

Ban đầu cả Alfamart và Indomaret đều bắt chước thành công của 7-Eleven. Trước đó, 2 chuỗi cửa hàng này đã hoạt động lâu năm theo hình thức siêu thị mini chủ yếu tập trung vào bán thực phẩm sạch hơn là hình thức cửa hàng tiện lợi và ít bán đồ uống có cồn.

Tương tự như hình thức hoạt động kinh doanh nhượng quyền giữa Modern International và Seven & I Holdings của Nhật Bản, Alfamart đã ký thỏa thuận hợp tác với một chuỗi cửa hàng tiện lợi khác cũng của Nhật Bản có tên Lawson trong khi Indomaret cũng phát triển một chuỗi cửa hàng tiện lợi khác có tên Indomaret Point.

Một số chuỗi cửa hàng tiện lợi Nhật Bản khác như FamilyMart và Ministop cũng đang tìm đối tác Indonesia để nhượng quyền mở chi nhánh. Bản thân Modern International ban đầu cũng kinh doanh suôn sẻ nhờ dịch vụ in ảnh Fujifilm. Tuy nhiên khi doanh thu hoạt động in ảnh bắt đầu thả dốc, công ty chuyển một số địa điểm sang hình thức kinh doanh mới.

Với giới trẻ Indonesia, 7-Eleven mang đến một không gian giải trí hiện đại. Với vị trí mặt đường thuận lợi kèm với đồ ăn giá rẻ, mang lại cho họ cảm giác được ăn những món ăn truyền thống trong khi lại có một chỗ ngồi thoải mái với máy lạnh, Wi-fi miễn phí, giống hệt như không gian của một quán cà phê hiện đại. Khoảng một nửa không gian của các cửa hàng dùng để phục vụ đồ ăn và đồ uống. Doanh thu của công ty năm 2014 đạt đỉnh 69,25 triệu USD đồng thời số lượng đạt 190 cửa hàng.

Tuy nhiên, thời hoàng kim không thể kéo dài được bao lâu. Tháng 4/2015, chính phủ ban hành lệnh cấm bán đồ uống có cồn tại các cửa hàng tiện lợi và siêu thị mini. Tại thời điểm đó, đồ uống có cồn chiếm tới 15% doanh thu của 7-Eleven.

Mặc dù 5 tháng sau chính phủ nới lỏng chính sách này, cho phép các quan chức địa phương tự quyết định có thi hành lệnh cấm hay không nhưng một số thành phố lớn, đặc biệt là Jakarta, đồ uống có cồn vẫn không được phép bán tại các cửa hàng tiện lợi và siêu thị mini.

Ông Tutum Rahanta, phó chủ tịch Hiệp hội Bán lẻ Indonesia cho biết 7-Eleven bị hạn chế trong việc cấp phép. Năm 2012, Bộ Thương mại Indonesia gửi bức thư cảnh cáo 7- Eleven việc bán những sản phẩm không phù hợp với danh mục hàng hóa được cấp phép.

Sau khi lệnh cấm đồ uống có cồn được ban hành, doanh số bán hàng của chuỗi cửa hàng trong năm 2015 đã giảm 8,8% xuống còn 66,87 triệu USD, lỗ ròng của Modern International lên tới 4,13 triệu USD.

Trong khi đó cả Alfamart và Indomaret chịu ít ảnh hưởng từ lệnh cấm do họ không tập trung nhiều vào đồ uống có cồn đồng thời doanh thu cũng tăng mạnh trong năm đó. Số lượng cửa hàng của mỗi chuỗi đã tăng tới hơn 13.000 và tồn tại khoảng hơn 2 thập kỷ. Với quy mô rộng khắp của mình họ đưa ra nhưng dịch vụ mới trong đó có dịch vụ thanh toán hóa đơn và đặt vé du lịch. Ngân hàng đầu tư Nomura tháng trước ước tính doanh thu của những dịch vụ này chiếm 15,3% thu nhập trước thuế của Alfamart.

Modeh International bắt đầu đóng cửa 21 cửa hàng 7-Eleven vào năm ngoái do doanh thu giảm. Doanh thu của chuỗi cửa hàng cũng giảm 23,9% xuống còn 50,92 triệu USD. Công ty liên tục sa lầy trong tình hình kinh doanh thua lỗ lên tới 57,63 triệu USD. Đầu năm nay, Modern International tiếp tục đóng cửa thêm 30 cửa hàng 7-Elevens.

Trong bối cảnh doanh thu và lợi nhuận của Alfamart và Indomaret tăng vào năm ngoái trong khi điều ngược lại xảy đến với 7-Eleven, cả hai chuỗi cửa hàng suy nghĩ lại việc mở thêm cửa hàng tiện lợi mà thay vào đó lên kế hoạch mở rộng 1.200 siêu thị mini trong năm nay.

Alfamart đã đóng cửa một số số cửa hàng Lawson. Giám đốc tài chính Tomin Widian cho biết "Chúng tôi sẽ không mở thêm bất kỳ cửa hàng Lawson nào nữa. Hiện tại chúng tôi vẫn đang đánh giá lại mô hình kinh doanh của công ty".

Cổ phiếu của Modern International "đứt phanh" lao xuống còn 50 rupiah (0.0037 USD) từ mức đỉnh 4 năm 1.050 rupiah (0.07 USD). Không có 7-Eleven, Modern International chỉ còn lại là một công ty vô cùng nhỏ với hệ thống in ảnh Fujifilm đã lỗi thời. Giá trị vốn hóa thị trường của Modern International chỉ còn 228.7 tỷ rupiah, tương đương với 1/4 mức giá Charoen Pokphand trả cho Modern International để mua lại 7-Eleven


Đức Quỳnh/Nikkei/NDH.VN

Trở về

Bài cùng chuyên mục