Một trong những phương pháp hiệu quả nhất giúp bạn bảo vệ khối tài sản của mình trước tác động của lạm phát chính là đầu tư. Hãy đầu tư – đó là lời khuyên của hầu hết chuyên gia tài chính cá nhân hay những người giàu có và thành đạt.
Thị trường đồ chơi thay đổi thế nào khi dân số già hóa?
- Cập nhật : 02/07/2017
Những món đồ chơi nhắm đến đối tượng trên 20 tuổi hiện chiếm 27% doanh số bán đồ chơi nội địa của Nhật.
William Elliot Griffis, một nhà giáo dục người Mỹ đã đi sang Nhật vào thập niên 1870, để ý thấy 2,5 thế kỷ trước, “lĩnh vực kinh doanh chính của quốc gia này là chơi”. Ông mô tả các cửa hàng đồ chơi chất đầy như những chiếc vớ Giáng Sinh và có nhiều người lớn “tham gia vào các trò chơi giải trí”.
Griffis có lẽ sẽ tìm lại được cảm giác quen thuộc ấy nếu giờ ông đi bộ vòng quanh Hakuhinkan Toy Park, một trong những cửa hàng đồ chơi lớn nhất tại Tokyo. Những thanh thiếu niên, nhân viên văn phòng và các cụ ông, cụ bà thường được thấy đang săm soi khoảng 200.000 món đồ chơi trên khắp 5 tầng lầu của cửa hàng này. Giám đốc cửa hàng Hiroyuki Itoh cho biết ông muốn cửa hàng phải là nơi mà mọi người đều có thể chơi đùa. Sau một ngày làm việc, các nhân viên văn phòng đến đây bỏ ra 200 yen (chưa tới 2 USD) để có 5 phút... đua xe đồ chơi trên đường đua dài 36m. Trong một góc khác, một nhóm sinh viên đang nghịch các món đồ chơi thời thơ ấu.
Những món đồ chơi nhắm đến đối tượng trên 20 tuổi hiện chiếm 27% doanh số bán đồ chơi nội địa của Nhật, theo số liệu của hãng nghiên cứu thị trường Euromonitor. Phân khúc khách hàng người lớn này đóng vai trò quan trọng trong hoạt động kinh doanh của 3 người chơi lớn nhất của Nhật là Bandai Namco, TakaraTomy và Sanrio, khi tỉ lệ sinh sản của nước này đã sụt giảm mạnh. Kể từ thập niên 1970, tỉ lệ dân số dưới 15 tuổi đã giảm phân nửa, còn 12% dân số. Đến năm 2060, tỉ lệ này được dự báo sẽ còn chỉ 9%.
Fumiaki Ibuki, thuộc Toy Journal, một tạp chí thương mại 114 tuổi, cho rằng các công ty đồ chơi Nhật là người đi tiên phong trong việc thích ứng với xu hướng già hóa dân số ở nước này. Mặc cho nền kinh tế vẫn ì ạch, ngành đồ chơi trong 2 năm qua đã có kết quả kinh doanh khả quan nhất trong 1 thập niên: Trong năm tài chính kết thúc vào năm 2015, doanh số bán các chủng loại hàng cốt lõi (ngoại trừ video game) đã tăng 1/10 so với năm trước đó, đạt hơn 800 tỉ yen. Ibuki cho biết các nhà sản xuất đồ chơi đang dùng chiêu tiếp cận “không biên giới”: bán đồ chơi cho khách hàng ở nhiều độ tuổi khác nhau và bắt tay với các ngành chạy theo xu hướng như ngành công nghệ và thời trang.
Điều tiếng xấu về việc người lớn tìm niềm vui cho riêng mình, vốn rất mạnh mẽ hậu chiến tranh thế giới thứ hai, đã phai nhạt. Nhiều người muốn có lại được tuổi thơ ngày trước, không hẳn bằng cách chơi, mà bằng cách sưu tầm và trưng bày đồ chơi, theo Harold Meij, ông chủ của TakaraTomy. Vì thế, đối với mẫu xe mô hình Tomica “xịn” của mình, Công ty sử dụng các thiết kế cổ điển mà những người lớn rất mê mẩn khi còn là cậu bé.
Mặt khác, xu hướng hiện nay của nhiều người Nhật là chỉ có duy nhất 1 đứa con khi tuổi đời đã khá lớn. Điều đó có nghĩa rằng cha mẹ có nhiều tiền hơn để chi tiêu cho con mình. Trẻ con thường được nói rằng có “6 cái túi”: 2 túi từ cha mẹ chúng và 4 túi từ ông bà nội ngoại. Chi tiêu vào đồ chơi mỗi đứa trẻ vẫn đang ở mức cao và đều đặn. Và nay ngay cả người lớn cũng bị cuốn hút vào ma trận đồ chơi, các công ty đồ chơi Nhật vốn dĩ không phải lo suy thoái.
Khánh Đoan
Theo Nhipcaudautu.vn