2 nhà đầu tư Nhật Bản vừa rót vốn vào một star-up Việt chuyên về cung cấp giải pháp tìm kiếm món ngon, hàng quán.
Uber có “trụ” nổi mức định giá 50 tỷ USD?
- Cập nhật : 27/11/2015
(Kinh doanh)
Mức độ cạnh tranh quyết liệt và các tranh chấp pháp lý đang đặt ra rủi ro đối với các kế hoạch tăng trưởng của ứng dụng gọi taxi Uber...
Hiện diện tại 60 thành phố trên thế giới và có hơn 160.000 tài xế, ứng dụng gọi taxi Uber hiện là công ty công nghệ mới thành lập (startup) có mức định giá cao nhất thế giới.
Tuy nhiên, với một công ty mới 6 năm tuổi và chưa bao giờ làm ăn có lãi, mức định giá 50 tỷ USD của Uber hiện đang đặt ra câu hỏi: liệu con số này có tăng được nữa hay không?
Trao đổi với hãng tin CNBC, ông Mark Hawtin, nhà quản lý quỹ GAM Star Technology, tỏ ra không bị thuyết phục. “Tôi sẽ không mua vào ở mức giá như vậy. Để đáp ứng được mức định giá hiện nay, Uber cần phải chiếm 30% thị trường taxi toàn cầu”, ông Hawtin phát biểu.
Dựa trên dữ liệu ước tính, ông Hawtin nói Uber cần phải tăng doanh thu lên 10 lần thì mới đạt được mục tiêu trên.
Nhưng các nhà đầu tư vào Uber nói công ty này mới chỉ bắt đầu. Ông Bill Maris, nhà quản lý quỹ đầu tư Google Ventures, ước tính giá trị của Uber cuối cùng có thể đạt 200 tỷ USD. Một cách để ứng dụng này tăng mạnh doanh thu là tiến hành kế hoạch mở rộng đầy tham vọng tại các nền kinh tế mới nổi.
Tuần trước, Giám đốc điều hành (CEO) của Uber Travis Kalanick tuyên bố sẽ tăng gấp đôi đầu tư vào Trung Quốc, đưa ra mục tiêu ứng dụng này có mặt tại 100 thành phố ở nước này trong vòng 1 năm tới. Ông Kalanick nhấn mạnh thị phần đang tăng trưởng nhanh chóng của Uber tại Trung Quốc.
Theo vị CEO này, hiện thị phần của Uber trên thị trường ứng dụng gọi taxi ở Trung Quốc đã đạt gần 30%, từ mức chỉ 1% cách đây 9 tháng.
Tuy vậy, “miếng bánh” của Uber vẫn còn nhỏ nếu so với đối thủ Trung Quốc Didi Kuaidi. Hiện Didi Kuaidi đang nắm khoảng 80% thị phần ứng dụng gọi taxi ở nước này. Tuần trước, công ty này xác nhận đã hoàn tất một đợt huy động 3 tỷ USD vốn mới, chỉ 1 ngày sau khi Uber tuyên bố đợt huy động vốn 1,2 tỷ USD để đầu tư vào thị trường Trung Quốc.
Didi, cùng với đối thủ của Uber ở Ấn Độ là Ola, đã chứng tỏ sẵn sàng “chiến đấu tới cùng” với Uber để bảo vệ thị phần thông qua một “cuộc chiến giá dịch vụ”.
Quyết tâm của các đối thủ của Uber trên khắp thế giới đã khiến một số nhà đầu tư công nghệ hoài nghi về chiến lược tăng trưởng của CEO Kalanick.
“Vấn đề đặt ra là họ sẽ phải đầu tư bao nhiêu vào mỗi thành phố mới để đạt được lợi nhuận, xét tới mức giảm giá và các biện pháp khuyến khích dành cho cả tài xế lẫn người sử dụng dịch vụ. Tôi nghĩ mọi chuyện ở các thị trường mới nổi sẽ không dễ dàng”, ông Rob Moffat, Giám đốc quỹ Balderton Capital, nhận xét.
Tuy nhiên, mới đây, một quỹ đầu tư thuộc tập đoàn Tata của Ấn Độ đã tuyên bố đầu tư 100 triệu USD vào Uber.
Song song với nỗ lực tăng trưởng tại các thị trường mới nổi, Uber cũng đang tìm cách phát triển kênh doanh thu mới tại Mỹ. Có tin, ứng dụng này sắp công bố dịch vụ giao hàng cho nhiều nhà bán lẻ và một dịch vụ mới có tên UberEats ở một loạt thành phố.
Mặc dù vậy, một số chuyên gia cảnh báo về rủi ro khi đầu tư vào Uber một khi công ty này chưa sẵn sàng trở thành một doanh nghiệp mà cổ phần có thể giao dịch dễ dàng.
Cho dù có những nhà đầu tư sẵn sàng chấp nhận rủi ro như vậy, thì các vấn đề về pháp lý đối với Uber cũng khiến họ phải thận trọng. Có thể nói, chính rủi ro pháp lý là mối đe dọa lớn đối với mức định giá 50 tỷ USD của Uber.
Thời gian qua, Uber đã vấp phải những cuộc biểu tình lớn của giới tài xế taxi truyền thống ở nhiều thành phố trên khắp thế giới phản đối Uber, cho rằng ứng dụng này “cướp cơm” của họ. Mới đây, giới tài xế taxi ở California đã đâm đơn kiện tập thể nhằm vào Uber. Những vụ việc như vậy hoàn toàn có thể cản trở các kế hoạch mở rộng của ứng dụng này.